Tại sao nỗ lực để trở nên dễ mến lại khiến chúng ta kiệt sức

Khi bạn nói ra sự thật, mọi thứ sẽ thay đổi ra sao?

Mức độ kiệt quệ cảm xúc của cả xã hội đang đạt đến quy mô dịch bệnh. Biểu hiện dưới dạng suy kiệt, mệt mỏi, không hài lòng, kiệt sức, lo lắng, trầm cảm hoặc có cảm giác trống rỗng—đặc biệt phụ nữ có dễ chịu ảnh hưởng hơn nam giới.

Liệu trực giác của một người phụ nữ có thể trở thành gánh nặng hay không? Liệu kinh nghiệm sống và khuynh hướng quan tâm đến người khác của chúng ta có thể thay thế việc quan tâm đến chính chúng ta không? Tại sao chúng ta dường như nhận thức được vô số vai trò của mình đối với người khác nhưng lại ít đi đối với chính mình? Tại sao khi tôi hỏi phụ nữ họ thực sự muốn gì, họ thường trả lời “Tôi không biết?”

Tôi đã trải qua nhiều thập niên làm việc với những người phụ nữ với vai trò là nhà trị liệu tâm lý và đã phỏng vấn vô số người khác cho cuốn sách của tôi: “Người phụ nữ kiệt quệ về mặt cảm xúc.” Tôi nhận ra rằng, bất chấp những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được trên các phương diện xã hội, chính trị và kinh tế, nhiều phụ nữ vẫn bị thôi thúc bởi mong muốn trở nên dễ mến và làm hài lòng người khác. Cái giá phải trả cho mong muốn cơ bản này—đối với tính xác thực, sức sống và chất lượng cuộc sống của chúng ta—rất sâu rộng và thường bị bỏ qua. Nhu cầu làm hài lòng, trở thành điều mà chúng ta tin rằng người khác muốn hoặc cần bản thân trở thành, có thể khiến chúng ta kiệt quệ và mất kết nối với chính bản thân mình.

Những phương pháp khắc phục tình trạng kiệt sức được quảng cáo trên thị trường dưới chiêu bài “tự chăm sóc bản thân” là các sản phẩm và trải nghiệm mà bạn có thể mua để “cảm thấy tốt hơn,” chẳng hạn như chăm sóc da mặt bằng dưa chuột, tắm mát, tẩy tế bào chết bằng xơ mướp, tinh dầu, nước giàu oxy, v.v. Thật không may, những cách khắc phục này chỉ là cách giải quyết hời hợt, không thể dùng cho một vấn đề phức tạp, nhiều tầng, thâm căn cố đế và có hệ thống. Phương pháp “tự chăm sóc” như vậy chỉ giúp cơ thể được dưỡng ẩm đầy đủ, thơm tho và bề mặt được xoa dịu, nhưng lại không thể chữa lành các vấn đề gốc rễ xuất phát từ một bản ngã đã được dạy là phải biến mất và “vô ngã” theo đúng nghĩa đen.

Nếu chăm sóc tốt cho cơ thể không phải là câu trả lời, thì đâu là phương thuốc thực sự cho tình trạng kiệt quệ về mặt xúc? Điều gì sẽ thực sự bổ sung và đáp ứng cho chúng ta ở mức độ sâu sắc hơn, lâu dài hơn, đồng thời cung cấp nguồn nuôi dưỡng cảm xúc thực sự, để chúng ta có thể bước ra khỏi guồng quay tự hoàn thiện bản thân và từ bỏ việc không ngừng tìm cách để được yêu mến và chấp thuận? Làm thế nào chúng ta có thể tương tác với những người khác và bản thân theo cách sẽ bổ sung năng lượng cho chính mình thay vì làm nó cạn kiệt?

Khai thác sức sống cơ bản bắt đầu bằng một thứ rất đơn giản, đơn giản nhưng không hề dễ dàng. Cụ thể là nói ra thật to sự thật của chính mình. Nói điều gì là sự thật. Không phải điều lẽ ra phải là sự thật hay điều người khác muốn là sự thật, mà là sự thật đối với chính bản thân mình. Sự mệt mỏi sẽ vơi đi và tinh thần được phục hồi khi chúng ta nói ra sự thật mà không xin lỗi, bóp méo, làm dịu đi, vô hiệu hóa hoặc tô điểm để khiến người khác chấp nhận.

Đối với nhiều phụ nữ, ý tưởng “nói lên sự thật” gắn liền với việc trở nên hung hăng, bị coi là kiểu người “nghe lời tôi hoặc đi chỗ khác” mà không thể thỏa hiệp, hay một kẻ bắt nạt chỉ quan tâm đến trải nghiệm của bản thân. Nhưng quan điểm này là một phần của điều kiện đã tạo ra vấn đề ban đầu, vấn đề thuyết phục chúng ta rằng sự thật có khả năng gây nguy hiểm, không chỉ đối với chỉ số dễ mến của bản thân mà còn đối với bất kỳ ai mà chúng ta đang trò chuyện. Kinh nghiệm sống dạy chúng ta rằng chúng ta chịu trách nhiệm cho trải nghiệm của người khác về sự thật của mình và chúng ta cần quan tâm kỹ lưỡng đến trải nghiệm của họ. Do đó, chúng ta cảm thấy rằng mình phải hết sức cảnh giác theo dõi và quản lý sự thật của chính mình để bảo vệ người khác. Kết quả là, chúng ta có thể cảm thấy mình không thể xuất hiện trong cuộc sống một cách trung thực và tự nhiên, phù hợp, không bị quản lý và đồng thời là một con người đáng tin cậy, biết quan tâm và ân cần.

Trên thực tế, chúng ta không chịu trách nhiệm về trải nghiệm của người khác đối với sự thật của mình. Những gì chúng ta cần chịu trách nhiệm chỉ đơn giản là nói lên sự thật một cách tôn trọng. Chúng ta có nói sự thật cũng không sao, và một người khác có phản ứng khó khăn với sự thật ấy như không đồng ý, tức giận và nghĩ rằng chúng ta có lỗi cũng không sao. Sự thật của chúng ta và nhận thức của họ có thể sát cánh cùng nhau .

Khi thực hành nói ra sự thật của mình, chúng ta bắt đầu từ những bước nhỏ, chẳng hạn như nói với người phục vụ rằng bữa ăn không đúng như cách bạn gọi, hoặc nhân viên pha cà phê rằng cà phê quá nhạt và bạn muốn cô ấy pha nó đậm hơn— như bạn đã yêu cầu lúc ban đầu. Sau đó, bạn có thể chuyển sang các bước lớn hơn: Chia sẻ với đối tác rằng chúng tôi không hài lòng với điều gì đó được nói ra, hoặc với sếp rằng chúng ta không thể đảm nhận một dự án khác mà vẫn hoàn thành tốt công việc. Trên thực tế, không có sự thật nào nhỏ bé, bất kể nội dung sự thật có thể là gì, bất kể đó là màu sắc của cà phê hay trạng thái cảm xúc của bạn, mọi sự thật khi được nói ra đều là bản anh hùng ca, mọi sự thật đều thể hiện chúng ta một cách trung thực và xác thực.

Điều quan trọng nhất là xác định điều gì là đúng với chúng ta, với kinh nghiệm của bản thân-điều chúng ta thực sự muốn và cần. Sau đó, thực hiện một bước táo bạo để mang sự thật đó ra thế giới và đưa ra tiếng nói để xuất hiện với tư cách là chính mình. Đây là những lựa chọn giúp kết nối phụ nữ trở lại với phẩm giá, tính xác thực, quyền lực và cuối cùng là kết nối lại với chính mình.

Thực tế là mỗi khi chúng ta giấu giếm, phớt lờ, làm dịu bớt, từ bỏ, điều chỉnh và bóp méo sự thật, hoặc làm mọi thứ có lợi cho người khác để giữ cho mình được yêu mến – chúng ta lại từ bỏ chính mình. Mỗi tiếng “có” làm im lặng một tiếng “không” là một tấm chăn khác trùm lên ngọn lửa của chúng ta. Đó là cái chết do mười nghìn lần bỏ qua, mười nghìn câu “Không sao đâu” và “Tôi ổn.”

Một lưu ý: Khi chúng ta bắt đầu nói ra sự thật của mình, chúng ta có thể bị cuốn vào việc hối hận hoặc tự trách mình, chúng ta có thể tập trung vào việc mình đã không nói ra sự thật trong quá khứ, những cách mà chúng ta đã cho đi, hi sinh bản thân để đạt được điều mong muốn, và bán rẻ bản thân, chấp nhận điều không thể chấp nhận được. Nhưng trên thực tế, tự đổ lỗi cho bản thân là một phần của điều kiện đã tạo ra định kiến ​​về phụ nữ ngay từ đầu và hơn thế nữa, điều đó sẽ chỉ làm trì hoãn thêm quá trình trở về với chính mình.

Hãy nhớ rằng, chúng ta đã được huấn luyện từ khi còn trẻ để sống vị tha, quan tâm đến người khác và im lặng để giữ hòa bình và làm cho người khác hạnh phúc. Chúng ta được dạy rằng im lặng khi chúng ta cho rằng không được hoan nghênh, không chỉ là cách quan tâm đến người khác mà còn là cách che chắn cho bản thân – cách đáng tin cậy nhất để giữ an toàn về mặt cảm xúc.

Sự tự nhận thức phát triển theo tốc độ riêng của nó—chúng ta có được nó khi đến lúc. Tất cả chúng ta đều “đang trong quá trình hoàn thiện” và chỉ có thể biết ơn vì đã sẵn sàng và can đảm nói ra sự thật của mình khi đến lúc. Đồng thời, cần tha thứ cho phiên bản khi còn trẻ của chúng ta – người đã cố gắng hết sức có thể với những gì mà bản thân tin là lựa chọn duy nhất của mình. Điều quan trọng là phải thừa nhận và tôn trọng những gì chúng ta đã cố gắng bảo vệ bằng cách che giấu sự thật của mình—điều mà chúng ta tin rằng mình đang bảo vệ và tại sao việc sẵn sàng hi sinh bản thân vì điều đó lại quan trọng đến vậy.

Hãy nhớ rằng, chúng ta không chỉ mới bắt đầu giấu kín sự thật trong ngày một ngày hai, nên sẽ cần thời gian để tháo gỡ. Hãy kiên nhẫn—học cách nói lên sự thật là một quá trình mà chúng ta từng bước trưởng thành. Dần dần, khi chúng ta có thêm tự tin và tin tưởng vào việc bày tỏ sự thật, chúng ta sẽ quên đi thói quen cũ và không ai bị tổn thương bởi điều đó. Hơn nữa, những người khác sẽ học cách xử lý cảm xúc của chính họ nếu họ không thích sự thật của chúng ta. Nhưng hãy biết điều này: Mỗi khi chúng ta nói lên sự thật của mình, bày tỏ cảm xúc, mong muốn và nhu cầu thực sự của mình, chúng ta đang phá vỡ những rào cản đang giam cầm bản thân. Hóa ra, cánh cửa của chiếc lồng [mong muốn trở nên] đáng yêu mở ra từ bên trong.

Hãy bắt đầu ngay hôm nay: Chú ý đến tất cả những trường hợp mà bạn không lên tiếng và hãy thử nói điều gì đó đúng đắn với bản thân. Hãy xem cảm giác như thế nào và điều gì sẽ xảy ra khi bạn làm vậy. Bài tập thực hành nói ra sự thật rất đơn giản, nhưng không dễ dàng, và là con đường để bạn trở về với chính mình, với sức sống vốn có và vốn không thể lay chuyển của bạn.

Minh Thư biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Nancy Colier
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Nancy Colier là nhà trị liệu tâm lý, công sứ của những người có tín ngưỡng khác nhau, diễn giả cộng đồng, nhà dẫn dắt hội thảo, và tác giả của cuốn sách “Can’t Stop Thinking: How to Let Go of Anxiety and Free Yourself from Obsessive Rumination” (Tạm dịch: Không thể ngừng Suy tư: Làm thế nào để buông bỏ lo lắng và Giải thoát bản thân khỏi tin đồn ám ảnh) và cuốn “The Power of Off: The Mindful Way to Stay Sane in a Virtual World.” (Tạm dịch: Sức mạnh của sự buông bỏ: Cách tỉnh táo để giữ vững lý trí trong một thế giới ảo.) Để biết thêm thông tin, xin mời truy cập trang NancyColier.com
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn