Trào ngược dạ dày thực quản: Cách giảm triệu chứng nhanh chóng theo Trung y

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng dịch dạ dày hoặc dịch tá tràng như mật, dịch tụy trào ngược lên thực quản, gây ra các triệu chứng như ợ chua, nôn trớ… thậm chí gây tổn thương niêm mạc thực quản. Đây là một bệnh lý thường gặp trong khoa tiêu hóa. Thông thường chỉ cần có hai triệu chứng điển hình là ợ chua và trào ngược acid thì có thể khẳng định đó là trào ngược dạ dày thực quản.

Tuy nhiên, trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể có một số triệu chứng không điển hình như đau ngực, khó nuốt, đau khi nuốt, ho kinh niên, hen suyễn, v.v. Nhất là chứng ho kinh niên và hen suyễn thường bị chẩn đoán nhầm thành ho và hen suyễn thông thường, nhưng lâu ngày không khỏi, cuối cùng mới phát hiện ra là do trào ngược dạ dày thực quản.

Theo quan điểm bệnh lý, trào ngược dạ dày thực quản là hậu quả của tình trạng giảm áp lực và giãn cơ thắt thực quản dưới. Tuy nhiên, nếu coi đây là nguyên nhân để điều trị thì sẽ trị không khỏi, cần phải điều trị từ gốc rễ thì mới có thể trị dứt điểm căn bệnh này.

7 nhóm người dễ bị trào ngược dạ dày thực quản

  1. Những người bị áp lực tinh thần: Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người đã ly hôn, góa phụ và những người bị áp lực trầm trọng trong cuộc sống có nhiều khả năng mắc GERD hơn. Mệt mỏi, căng thẳng và tức giận cũng là những yếu tố nguy cơ cao gây ra GERD.
  2. Người béo phì: Béo phì là một yếu tố nguy cơ của trào ngược dạ dày thực quản, và thừa cân là đặc điểm chung của bệnh nhân trào ngược dạ dày.
  3. Những người thích ăn khuya: Sau khi ăn chưa đến 2~3 tiếng đã nằm ngủ sẽ dễ gây trào ngược dịch dạ dày.
  4. Người hút thuốc và nghiện rượu.
  5. Những người dùng thuốc Tây trong thời gian dài.
  6. Người cao tuổi: Tỷ lệ mắc bệnh trào ngược dạ dày tăng dần theo tuổi tác, độ tuổi khởi phát cao nhất là từ 40-60 tuổi.
  7. Bệnh nhân thoát vị khe hoành: Thoát vị khe hoành sẽ làm giảm sức căng ở tâm vị, tăng kích thích cảm giác ở môn vị, thúc đẩy cơ thắt thực quản dưới giãn ra. Một nguyên nhân gây ra thoát vị khe hoành là do áp lực trong ổ bụng cao trong thời gian dài, chẳng hạn như mang thai, béo phì, táo bón kinh niên và ho nhiều.

Phương pháp giảm trào ngược dạ dày thực quản nhanh chóng: xoa bóp tai

Điều phiền toái nhất của trào ngược dạ dày thực quản chính là sự giãn ra của cơ thắt thực quản dưới, cũng chính là Tâm vị (cardia) giãn ra dẫn đến acid dạ dày dễ trào ngược lên. Nếu tình trạng căng của Tâm vị có thể được điều chỉnh tốt, thì các triệu chứng của trào ngược acid dạ dày tự nhiên sẽ có thể giảm đáng kể.

Một trong những cách hiệu quả và dễ dàng nhất để điều trị các triệu chứng là kích thích điểm Tâm vị ở tai. Điểm này nằm ở 1/3 ngoài dưới chân vành tai (xem hình dưới), có thể dùng que tròn nhỏ đường kính 0.2 cm ấn nhẹ vào điểm này từ 3-5 phút là có thể tạm thời giảm cảm giác khó chịu của trào ngược acid dạ dày.

Trào ngược dạ dày thực quản: Cách giảm triệu chứng nhanh chóng theo Trung y
Kích thích điểm Tâm vị trên tai là có thể làm giảm tạm thời các triệu chứng của trào ngược acid dạ dày. (Ảnh do Trung Y Đàm cổ luận kim thoại cung cấp)

Bốn cách tự chữa bệnh trào ngược dạ dày thực quản

  1. Điều hòa cảm xúc

Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý điển hình của tinh thần. Tinh thần có ảnh hưởng rất lớn đến căn bệnh này, trong đó cảm xúc tiêu cực là yếu tố hàng đầu. Căng thẳng tinh thần, cảm xúc kích động, lo lắng quá mức đều có khả năng gây ra trào ngược dạ dày thực quản. Vì vậy, duy trì tâm trạng thoải mái là nguyên tắc cơ bản quan trọng nhất.

  1. Dùng món cháo đậu ván củ mài hạt sen

Ở bệnh nhân trào ngược dạ dày thời gian lâu, chức năng tiêu hóa thường sẽ yếu, có thể ăn cháo đậu ván củ mài hạt sen. Món cháo này có tác dụng kiện tỳ ích vị, trợ giúp phục hồi chức năng của dạ dày.

Nguyên liệu: Đậu ván trắng, sơn dược (củ mài), hạt sen mỗi thứ 30 gam, gạo 100 gam, nước 2,000 gam.

Cách nấu: Có một số bí quyết nhất định để nấu cháo. Viên Mai thời nhà Thanh nói trong “Tùy viên thực đan” rằng: “Khi thấy nước mà không thấy gạo thì đó không phải là cháo, thấy gạo mà không thấy nước thì cũng không phải là cháo. Phải làm cho nước và cháo hòa với nhau, mềm như một thì mới gọi là cháo được”.

Cháo mà chúng ta thường nói, là phải “nấu gạo thành cháo, khiến gạo nhừ ra”. Khi nấu cháo nên ninh ít nhất 2 tiếng để các hạt gạo nhừ hết, cháo chín đặc lại như gel, sau khi ăn vào sẽ hình thành một lớp màng bảo vệ dạ dày và thực quản, có tác dụng phục hồi niêm mạc dạ dày và thực quản rất tốt.

  1. Thay đổi thói quen ăn uống

◎ Ăn ít, chia thành nhiều bữa nhỏ, nhai chậm và không ăn quá no: Bệnh nhân trào ngược dạ dày chỉ nên ăn no khoảng 70~80%.

◎ Ăn ít chất béo và nhiều protein: Ăn ít chất béo và ăn carbohydrate với lượng vừa phải là cách ăn uống then chốt đối với chứng trào ngược dạ dày thực quản. Nên ăn ít thịt mỡ, bơ, đồ chiên rán, nấu ăn thì lấy luộc, hầm, om, hấp làm chủ.

◎ Bỏ hút thuốc và uống rượu: Hút thuốc và uống rượu sẽ làm giảm áp lực của cơ thắt thực quản dưới, khiến nó giãn ra và gây nên hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng trào ngược. Hút thuốc lá còn làm giảm sức đề kháng của cơ thể, khiến tình trạng viêm nhiễm niêm mạc dạ dày khó chữa trị. Uống rượu có thể kích thích tiết acid dạ dày và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của trào ngược dạ dày.

◎ Không nên ăn đồ cay: Tránh ăn đồ quá lạnh, quá nóng và các đồ ăn gây kích thích như ngọt, chua, cay, v.v. Nên ăn ít những đồ ăn làm giảm sức căng của cơ thắt thực quản sau đây:

  • Đồ uống: trà đặc, cà phê, cacao, sô-cô-la, rượu mạnh, nước chanh tươi, nước cam tươi, bạc hà, sữa nguyên chất, v.v.
  • Rau trái: hành, tỏi, cà chua, cam, dứa, nho, bưởi, v.v.
  • Gia vị kích thích: cà ri, tiêu, ớt, v.v.

◎ Không ăn trước khi đi ngủ: Không nên nằm ngay sau bữa ăn, nên đứng thẳng lưng hoặc đi bộ sau bữa ăn, mượn tác dụng của trọng lực để thúc đẩy quá trình tiêu hóa, sau khi hoạt động 20-30 phút thì có thể ngủ. Đồng thời không nên vận động gắng sức để tránh làm tăng áp lực ổ bụng và làm trầm trọng thêm chứng trào ngược. Nên ngừng ăn 3 tiếng trước khi đi ngủ vào buổi tối để tránh kích thích tiết acid dạ dày và tăng khả năng trào ngược dạ dày thực quản.

  1. Thay đổi lối sống

◎ Điều chỉnh tư thế ngủ

Trào ngược dạ dày thực quản rất dễ tái phát hoặc nặng thêm khi nằm ngang, vì vậy khi nằm ngủ bạn nên kê cao đầu giường, nâng cao phần thân trên từ 15-20 cm, tức là nâng cao phần giường từ hông lên cổ khoảng 15 độ. Như thế sẽ có thể làm giảm trào ngược, ngăn không cho acid dạ dày trào lên cổ họng hoặc miệng, đồng thời mượn trọng lực để đẩy nhanh quá trình loại bỏ acid trong cơ thể.

Ở đây cần chú ý rằng, chỉ nâng cao gối thì sẽ không có tác dụng gì, như thế thực quản dễ bị nén lại, ngược lại làm tăng nguy cơ trào ngược. Ngoài ra, một số người thích ngủ giơ 2 tay lên hoặc kê dưới đầu, điều này sẽ làm cơ hoành nâng lên và tăng áp lực trong dạ dày, khiến chứng trào ngược acid trở nên trầm trọng hơn.

◎ Tránh làm tăng áp lực trong ổ bụng

Áp lực trong ổ bụng càng lớn thì khả năng trào ngược acid càng lớn. Trong sinh hoạt hàng ngày cần chú ý những điểm sau để tránh tăng áp lực trong ổ bụng:

  • Giữ tư thế ngồi và đứng sau khi ăn, không nằm xuống hoặc cúi xuống ngay sau khi ăn.
  • Mặc quần áo rộng rãi và thoải mái, không mặc quần quá chật hay đeo thắt lưng quá chặt.
  • Cố gắng tránh các hành động làm tăng áp lực trong ổ bụng như cúi người quá mức, mang vác nặng, nín thở, v.v.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể bình thường. Thừa cân cũng sẽ làm tăng áp lực trong ổ bụng.

Tác giả: Bác sĩ Ngô Quốc Bân (Giám đốc Phòng khám Trung y Tâm Y Đường, Đài Loan)
Thẩm Thiếu Kỳ biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn