Tủ lạnh càng đầy, con người càng nghèo? 4 cách mua thực phẩm tiết kiệm và lành mạnh

Từ đầu năm trở lại đây, mọi người đều đã cảm nhận rõ giá cả đang leo thang, và việc mua sắm nhu yếu phẩm đang dần trở nên quan trọng. Lương thực, thực phẩm, mua như thế nào cho hiệu quả? Cô Đàm Đôn Từ (Tan Dunci), y tá thâm niên tại Trung tâm Chống độc Lâm sàng Trường Canh ở Lâm Khẩu, Đài Loan đã chia sẻ 4 cách để tiết kiệm tiền và ăn uống lành mạnh.

Bí quyết thứ nhất: Đừng thấy rẻ mà mua nhiều, mua đúng số lượng là được

“Tôi không phải là người bảo mọi người mua nhiều hơn và cất giữ lại, vì nhiều loại trái cây và rau quả sẽ bị hỏng trong quá trình bảo quản, rồi cuối cùng sẽ bị bỏ đi”, cô Đàm Đôn Từ nói.

Đài Loan đã từng tiến hành thống kê rằng, nước này lãng phí tới 3.67 triệu tấn lương thực mỗi năm, tương đương với việc trung binh mỗi ngày vứt bỏ đi lượng lương thực bằng 74 tòa nhà 101 tầng.

Điều kiện tiên quyết của việc tiết kiệm tiền đúng cách là: Chọn mua thực phẩm rẻ, đồng thời có thể ăn bao nhiêu thì mua bấy nhiêu.

Rau củ quả tươi rất khó bảo quản nên bạn nhớ mua theo nhu cầu của gia đình, tránh mua quá nhiều sẽ phải đổ đi hoặc ăn đến bội thực. Con người hiện đại có vấn đề về béo phì và “tam cao” (huyết áp cao, đường huyết cao và mỡ máu cao), cũng có liên quan tới việc ăn quá nhiều.

Có 2 điểm cần lưu ý khi mua thực phẩm tươi sống: Số lượng người trong gia đình và lượng ăn trong một ngày.

Cô Đàm Đôn Từ chia sẻ về cách làm của mình, cô đã tham khảo “Bữa tối của tôi” của Cục Quản lý Y tế Quốc gia Đài Loan, mỗi bữa ăn một bát rau, cô và con trai là hai miệng ăn, cho nên sẽ nấu hai bát rau. Một nắm rau cải là có thể nấu thành hai bát, vì vậy chỉ nên mua một nắm.

Nhiều loại rau ở Đài Loan được bán với giá 20 đài tệ một nắm và 50 đài tệ ba nắm, nhưng cô vẫn chỉ mua một nắm. Vì nếu mua ba nắm, bạn sẽ không thể ăn hết được. Đến ngày thứ ba, một số rau có thể sẽ bị hỏng, gây lãng phí. Nếu có những ngày đi làm không tiện mua rau, trước tiên cô sẽ áng chừng số lượng cần mua, rồi mua phần rau đủ cho hai ngày vào trước đó một ngày.

Cách làm này có 2 ưu điểm:

  1. Nấu dựa theo khẩu phần ăn lành mạnh nhưng vẫn đủ ăn. Cân nặng của cô Đàm Đôn Từ không hề tăng trong những năm gần đây.
  2. Phần ăn được nấu là vừa đủ cho một bữa, vì vậy sẽ không có vấn đề về thức ăn để qua đêm.
Mua thực phẩm tiết kiệm
Chỉ mua số lượng rau quả mà người nhà có thể ăn, như vậy sẽ không lãng phí và cũng sẽ không có vấn đề về sức khỏe do ăn quá nhiều. (Ảnh: Shutterstock)

Bí quyết thứ 2: Lỡ mua quá nhiều rau giảm giá, hãy dành chút thời gian chế biến để kéo dài thời gian bảo quản

Rau củ quả theo mùa vừa rẻ vừa ngon, lỡ mua nhiều khi có đợt giảm giá lớn là điều thực sự rất dễ xảy ra. Cô Đàm Đôn Từ nhấn mạnh rằng nếu gia đình có thể ăn hết mà không lãng phí, thì thực sự có thể mua một ít và để dành.

Khi mua quá nhiều rau, bạn hãy dành chút thời gian chế biến để kéo dài thời gian bảo quản. Ví dụ, có thể phơi nắng hoặc sử dụng máy sấy rau quả sấy khô, bọc thành sủi cảo, làm kim chi, hoặc nấu chậm trong dầu (confit) v.v…

Ví dụ, chị của cô Đàm Đôn Từ là một người quản gia rất tốt, mùa đông ở Đài Loan bắp cải rất rẻ, khi bắp cải giảm xuống còn một cây 10 tệ, cô sẽ mua về làm sủi cảo bắp cải rồi cất vào ngăn đá.

Có một lần, cô thấy người bán rau rất khó khăn, nên đã mua 2 cây bắp cải về nhà rửa sạch, để ráo rồi cho vào máy sấy rau quả để bảo quản.

Vào mùa đông, củ cải vừa to vừa ngon, một số người đã chế biến thành củ cải khô. Cô Đàm Đôn Từ thì rửa sạch củ cải, cắt thành từng khúc, hấp trong nồi điện rồi cho vào hộp bảo quản ướp lạnh. Hằng ngày trước khi nấu ăn, cô dùng thìa sạch lấy củ cải ra, hâm nóng rồi ăn, trong vòng 3 đến 4 ngày là có thể ăn hết.

Mùa hè rất ít cà chua, nhưng bạn có thể mua nhiều hơn vào mùa đông khi chúng còn nhiều, và chế biến thành cà chua Confit, có thể bảo quản rất lâu.

Cách làm cà chua Confit cũng rất đơn giản:

  1. Cắt nhỏ cà chua, trải ra và rắc muối để khử nước, rồi sấy khô bằng máy sấy rau quả hoặc lò nướng vào ngày hôm sau.
  1. Nếu dùng lò nướng, trước tiên bạn có thể nướng ở 120 độ trong 60 phút, sau đó xem mức độ mất nước rồi quyết định có nướng tiếp hay không.
  1. Cho cà chua sấy khô vào hộp thép không gỉ hoặc thủy tinh, rưới hỗn hợp gia vị Ý và dầu ô liu, đậy nắp rồi bảo quản ở trong tủ lạnh.

Khi nói đến cà chua ngâm dầu (cà chua Confit), cô Đàm Đôn Từ không khỏi thốt lên: “Đồ ăn ngâm dầu thực sự rất ngon”. Cà chua Confit nấu với gia vị Ý hay hải sản đều ngon.

Mua thực phẩm tiết kiệm
Mùa đông khi có nhiều cà chua, có thể làm thành cà chua Confit để bảo quản. (Ảnh: Shutterstock)

Nếu là nông sản để được lâu như bí ngô, khoai tây, khoai lang, hành tây, cải thảo v.v… bạn cũng có thể mua nhiều hơn một chút khi có giá đặc biệt.

Những thực phẩm này đặt ở nơi mát mẻ và thoáng khí là được. Để khoai tây không bị mọc mầm, bạn cho khoai vào túi đen, cho thêm một quả táo vào túi, rồi gấp miệng túi lại và để nơi thoáng mát. Ethylene do táo tiết ra có thể ức chế sự nảy mầm của các loại thực phẩm thân rễ.

Ngoài ra, bạn có thể mua thêm một ít đá dành cho thịt, cá để trong ngăn đá, nhưng hãy mua dựa theo số lượng sao cho trong một tháng có thể ăn hết.

Bí quyết thứ 3: Giữ tủ lạnh đầy ở mức 70% là đủ

Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy tủ lạnh ở nhà càng đầy thì ngược lại càng nghèo khó.

“Tôi cảm thấy rất có đạo lý”, cô Đàm Đôn Từ thẳng thắn nói, tủ lạnh của rất nhiều gia đình được nhồi rất nhiều và rất đầy, khiến nguyên liệu dễ bị bỏ quên. Kết quả là, thực phẩm hết hạn sử dụng mà không được chú ý, hoặc phải mua nhiều lần, chi tiêu nhiều tiền hơn. Tủ lạnh nhà cô Đàm Đôn Từ gần 8/10 là trống, nguyên liệu và nước chấm có thể liếc qua là thấy ngay.

Những người theo dõi Facebook của cô thường hỏi những câu hỏi như sau: Ăn trứng cá đối để trong tủ lạnh từ hai năm trước có sao không? Nấm hương đông lạnh để rất lâu rồi còn có thể ăn hay không?

Những câu hỏi này khiến cô rất khổ não. Cô thẳng thắn chia sẻ: “Đối với những người đã trải qua thời kỳ nghèo khổ như chúng tôi, chúng tôi sẽ cảm thấy tội lỗi khi bảo người ta vứt bỏ thực phẩm của mình”. Tuy nhiên, cô cũng không thể khuyên người ta ăn được, vì ăn đồ ôi thiu có thể sẽ bị ngộ độc thực phẩm.

Cô nhấn mạnh một quan niệm: Tủ lạnh không có chức năng khử trùng, nó chỉ có thể làm chậm sự phát triển của vi khuẩn. Nếu bạn để đồ trong tủ lạnh lâu ngày, chúng vẫn sẽ bị hỏng, bị mốc và cuối cùng phải vứt đi.

Mua thực phẩm tiết kiệm
Tốt nhất là nên giữ cho tủ lạnh đầy ở mức 70%, điều này có thể tránh việc thực phẩm bị quá hạn hoặc mua lại thực phẩm nhiều lần. (Ảnh: Shutterstock)

Bí quyết thứ 4: Trong trường hợp bão lụt, khi giá cả tăng cao, bạn có thể mua thực phẩm thay thế

Ở Đài Loan, bão là hiện tượng thường thấy. Mỗi khi có bão, giá rau cũng tăng cao. Cô Đàm Đôn Từ nói rằng cô xưa nay chưa bao giờ mua những loại rau mà nông dân gấp rút thu hoạch để giảm bớt thiệt hại do bão. Khi nông dân đổ xô thu hoạch rau, họ thường bỏ qua thời kỳ thu hoạch an toàn sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật. Những loại rau này sẽ dễ bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, và mất nhiều thời gian hơn để làm sạch.

Sau khi bão đi qua, cũng không nên mua các loại rau ăn lá với số lượng lớn, vì các loại rau lá bị ngập nước sẽ hư hỏng rất nhanh, nên hãy mua với số lượng có thể ăn hết trong ngày.

Vì cảnh báo bão sẽ được phát ra từ rất sớm nên bạn có thể chuẩn bị trước. Cô Đàm Đôn Từ sẽ chuẩn bị các loại rau, nấm, giá đỗ đông lạnh để thay thế các loại rau lá xanh trong những ngày mưa bão. Đậu tương (đậu nành) là loại đậu không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, giá cả cũng ổn định, bạn có thể mua đậu tương có vỏ hoặc đã tách vỏ và bảo quản chúng trong ngăn đá.

Ngoài ra, khi giá thịt và trứng tăng do các yếu tố như lễ hội và dịch cúm gia cầm, bạn có thể mua các loại thực phẩm giàu đạm khác để thay thế, thay vì đi tranh mua và tích trữ. Ví dụ, khi trứng trở nên đắt hơn, bạn có thể ăn ít trứng hơn và thay vào đó là ăn thịt, đậu tương hoặc đậu phụ.

Cô Đàm Đôn Từ đã chia sẻ 3 cách để tiết kiệm tiền khi mua thực phẩm hàng ngày:

  1. Đi mua đồ ăn lúc chợ sắp tan, giá sẽ rẻ hơn. Nhưng cô sẽ không mua nhiều, chỉ mua vừa đủ ăn, và không mặc cả. Cô cho rằng ai cũng cần sinh sống, không thể khiến người ta bán lỗ.
  1. Khi bạn đi đến một cửa hàng hoặc một siêu thị, nhìn thấy thứ mình muốn thì có thể lấy trước. Trong quá trình mua sắm, hãy suy nghĩ xem mình có thực sự cần hay không, nếu không thì có thể đặt lại trên kệ.
  2. Đừng mua nhiều để đạt được điều kiện ưu đãi, vì những gì bạn thu về thường không như ý muốn, mà ngược lại còn gây lãng phí.

Lý Thanh Phong biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Tô Quán Mễ
BTV Epoch Times Hoa Ngữ
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn