Tuổi của nam giới ảnh hưởng đến khả năng mang thai thành công 

Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện rằng, ngoài tuổi của phụ nữ, tuổi của nam giới có ảnh hưởng đến tình trạng mang thai và khả năng sinh sản của nam giới suy giảm trên quy mô toàn cầu.

Một nghiên cứu về Sinh sản Người được công bố vào ngày 30/06, đã xem xét mức độ ảnh hưởng của tuổi cao ở cha đối với tỷ lệ sống sót thai nhi trong hai hình thức điều trị hỗ trợ sinh sản thụ tinh ống nghiệm IVF/ICSI. Nghiên cứu đã thực hiện một phân tích hồi cứu dựa trên 18,825 ca thụ tinh ống nghiệm IVF/ICSI. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, ở những phụ nữ dưới 35 hoặc trên 40 tuổi, tuổi của nam giới không ảnh hưởng nhiều đến cơ hội có con của họ.

Tuy nhiên, ở những phụ nữ trong độ tuổi từ 35 đến 40, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống sót thai nhi sẽ suy giảm đáng kể nếu người nam từ 40 tuổi trở lên. Ở phụ nữ từ 35 đến 40 tuổi, tỷ lệ sống sót thai nhi đạt mức 32,8% khi tuổi cha dưới 35 tuổi. Con số này giảm xuống 27,9% khi tuổi cha từ 40 đến 44 và 25% khi tuổi cha trên 55.

Nghiên cứu cho biết: “Các tế bào noãn ở phụ nữ dưới 35 tuổi dường như đã giảm tác động tiêu cực của tinh trùng lớn tuổi lên tỷ lệ sống sót thai nhi, nhưng điều đó không còn đúng với phụ nữ từ 35-39 tuổi. Đây là thông tin hữu ích khi tư vấn cho các cặp vợ chồng và tại cơ sở giáo dục sinh sản. Nghiên cứu sâu hơn là cần thiết để làm rõ cơ chế cơ bản của những phát hiện trên.” Tế bào noãn dùng để chỉ trứng chưa trưởng thành.

Geeta Nargund, một trong bốn tác giả của nghiên cứu, nói với tờ The Guardian rằng, trứng của phụ nữ trẻ hơn có khả năng sửa chữa lớn hơn đối với các tổn thương DNA trong tinh trùng của người nam lớn tuổi. Nhưng khi phụ nữ lớn tuổi, chất lượng trứng đã suy giảm, từ đó làm giảm khả năng sửa chữa.

Khả năng sinh sản của nam giới đang suy giảm

Một nghiên cứu từ năm 1992 cho thấy số lượng tinh trùng ở nam giới đã giảm 50% so với 60 năm trước. Trong một nghiên cứu khác được thực hiện vào năm 2017, nồng độ tinh trùng ở nam giới từ năm 1973 đến năm 2011 được phát hiện đã giảm từ 50 đến 60% trên toàn thế giới.

Theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2019, tỷ lệ nam giới có tổng số tinh trùng di động bình thường đã giảm khoảng 10% trong 16 năm qua.

Các nhà khoa học đã tiết lộ nhiều yếu tố dẫn đến sự suy giảm nồng độ và số lượng tinh trùng ở nam giới, như ô nhiễm không khí, khí gas độc, kim loại nặng, thuốc trừ sâu, chất làm dẻo, v.v.

Vaccine COVID-19 dường như cũng làm tăng thêm tình trạng này. Một nghiên cứu từ Israel đã phát hiện ra rằng vaccine mRNA COVID-19 có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản ở nam giới, ít nhất là tạm thời.

Sau khi phân tích 220 mẫu tinh dịch, các nhà nghiên cứu nhận thấy nồng độ tinh trùng giảm 15,1% và tổng số di động giảm 22,1% sau chích ngừa vaccine COVID-19 khoảng 75 – 100 ngày.

Tổng tỷ suất sinh (TFR), tính theo số trẻ em trên một phụ nữ, đã giảm ở Hoa Kỳ trong vài thập kỷ qua. TFR đạt đỉnh là 3,582 vào năm 1958 và là 1,782 vào năm 2022. Ở Canada, TFR là 1,492 trong khi tại Vương quốc Anh là 1,753.

Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn