Tỷ lệ tử vong ở trẻ em Hoa Kỳ đang ở mức cao nhất trong 50 năm

Tỷ lệ tử vong ở trẻ em và thanh thiếu niên Hoa Kỳ đã tăng gần 20% chỉ trong 2 năm, trong đó các thương tích không phải do COVID đang là nguyên nhân hàng đầu khiến số ca tử vong gia tăng.

Theo dữ liệu mà JAMA Network đã công bố và thu thập được từ Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, từ năm 2019 đến năm 2020, tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân của người Mỹ trong nhóm tuổi từ 1 đến 19 tuổi đã tăng 10.7%. Sau đó từ năm 2020 đến năm 2021, tỷ lệ này lại tăng thêm 8.3%. Tổng tỷ lệ tử vong trong hai năm từ 2019 đến 2021 là 19% – mức tăng lớn nhất trong ít nhất 50 năm. Bài xã luận cho biết, “Mức tăng này là cao nhất trong nhiều thập niên, sau một giai đoạn đạt được tiến bộ lớn trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em.”

Các tác giả cho biết, “Sự đảo ngược quỹ đạo của tỷ lệ tử vong này không phải do COVID-19 gây ra mà là do chấn thương. Vào năm 2020, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở độ tuổi 1 đến 19 là 0.24 ca tử vong trên 100,000 người, nhưng riêng mức tăng tuyệt đối về số ca tử vong do thương tật đã cao gần 12 lần (2.8 ca trên 100,000 người).

Từ năm 2019 đến năm 2020, tỷ lệ tử vong do chấn thương đã tăng 22.6% trong độ tuổi 10 đến 19, trong đó các vụ giết người tăng 39.1% và số ca tử vong do lạm dụng ma túy tăng 113.5%. Ở trẻ em từ 1 đến 9 tuổi, các chấn thương chiếm 63.7% trong mức tăng về số ca tử vong do mọi nguyên nhân.

Bà Elizabeth Wolf, tác giả của bài xã luận và là giảng viên độc lập của khoa nhi tại Trường Y thuộc Đại học Virginia Commonwealth, “Hiện tại chúng ta đã đạt đến điểm bùng phát khi mà số ca tử vong liên quan đến chấn thương cao đến mức khiến cho nhiều thành tựu mà chúng ta đạt được trong điều trị các bệnh khác không đem lại khác biệt đáng kể.”

Các nguyên nhân tử vong không phải do COVID

Các tác giả cho rằng sự gia tăng số ca tử vong do chấn thương xảy ra trước đại dịch. Ví dụ, các trường hợp tự tử ở độ tuổi 10-19 đã bắt đầu tăng vào năm 2007, và tỷ lệ các vụ giết người bắt đầu tăng từ năm 2013.

Từ năm 2007 đến năm 2019, tỷ lệ tử vong do tự tử đã tăng 69.5%. Từ năm 2013 đến năm 2019, tỷ lệ các vụ giết người tăng 32.7%. Bài viết cho rằng sự gia tăng tỷ lệ tự tử và giết người là do cuộc khủng hoảng sức khỏe tinh thần “ngày càng trầm trọng” và [sự gia tăng] khả năng tiếp cận với súng.

Theo một nghiên cứu được công bố trên JAMA Network vào hôm 30/01, bất chấp nỗi sợ hãi do đại dịch gây ra, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên (CYP) thấp hơn so với các nguyên nhân khác.

Nghiên cứu đã xác định 821 trường hợp tử vong ở nhóm CYP từ 0 đến 19 tuổi trong khoảng thời gian từ ngày 01/08/2021 đến ngày 31/07/2022 tại Hoa Kỳ và so sánh với các nguyên nhân gây tử vong khác vào năm 2019 trước đại dịch. COVID-19 được xếp thứ 8 và chiếm 2% trong tất cả các nguyên nhân gây tử vong ở nhóm tuổi này.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia, các chấn thương không chủ ý là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ em vào năm 2020, chiếm 12.5% trường hợp tử vong ở độ tuổi nhỏ hơn 12 và 31.4% trường hợp tử vong ở thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi.

COVID-19 chiếm 0.3% trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 12 tuổi và 0.8% trường hợp tử vong ở thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi.

Căng thẳng tinh thần ở trẻ em

Một bài viết được đăng trên The Lancet Psychiatry đã phân tích số lần đến khám tại khoa cấp cứu, cho thấy sức khỏe tinh thần ở trẻ em và thanh thiếu niên trở nên kém hơn trong đại dịch. Bài phân tích cho thấy số lần nhập viện vào khoa cấp cứu do ý định tự sát ở trẻ em đã tăng 22% khi so sánh từ giai đoạn trước đại dịch với giai đoạn đại dịch đến tháng 07/2021.

Số ca cấp cứu do tự sát đã tăng lên mặc dù số ca nhập viện tại khoa cấp cứu nhi khoa cho các lý do liên quan đến sức khỏe đã giảm 32% trong thời đại dịch. Ngoài ra, số lần nhập viện do ý định tự tử cũng tăng 8%.

Một nghiên cứu trên National Poison Data System cho thấy những trường hợp nghi ngờ cố gắng tự sát qua chất độc ở trẻ em tăng 26.7% từ năm 2015 đến năm 2020.

Tiến sĩ Christopher Holstege, trưởng bộ phận độc học y tế tại trường y của Đại học Virginia cho biết, “Chúng ta cần cảnh giác với những dấu hiệu cảnh báo liên quan đến nguy cơ tự tử ở trẻ em.”

“Nghiên cứu của chúng tôi là một trong những con số chứng minh rằng chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng sức khỏe tinh thần chưa từng có ở các nhóm tuổi trẻ. Với vai trò là một xã hội, chúng ta phải cam kết nhiều nguồn lực hơn cho các nhu cầu sức khỏe tinh thần của trẻ em.” Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Naveen Athrappully
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn