Vi hệ đường ruột ở phụ nữ mang thai ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như thế nào?

Một nhóm nghiên cứu từ Khoa Y của Đại học Trung văn Hồng Kông (CUHK) đã tổ chức một cuộc họp báo vào hôm 12/12, để nói về một nghiên cứu lâm sàng mà họ đang tiến hành để đánh giá cách các yếu tố khác nhau, từ bào thai cho đến khi trẻ dưới 1 tuổi, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của trẻ. Các yếu tố bao gồm cả vi hệ đường ruột của người mẹ trong thời kỳ mang thai.

Các nhà nghiên cứu đang kêu gọi sự tham gia của các bà mẹ bị bệnh ruột viêm (IBD). Nghiên cứu có thể làm giảm nguy cơ bị các bệnh liên quan ở thế hệ tiếp theo.

Nhóm tác giả cho biết, trẻ nhỏ là giai đoạn vàng để điều chỉnh vi hệ đường ruột nhằm phòng ngừa bệnh tật. Đây là một trong những yếu tố chính gây ra bệnh IBD (bao gồm bệnh Crohn và viêm loét đại trực tràng). Phụ nữ mang thai bị IBD thường có hỗn hợp vi khuẩn đường ruột bị thay đổi và hệ vi sinh vật đường ruột mất cân bằng.

Nhóm nghiên cứu cho biết, bệnh Crohn thường xảy ra trong thời thơ ấu và giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành. Nguyên nhân của bệnh vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sức khỏe của phụ nữ mang thai, các yếu tố phơi nhiễm chu sinh, trong thời kỳ nhũ nhi và thời thơ ấu ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn đường ruột. Tất cả đều có tác động quan trọng và lâu dài đến hệ miễn dịch và trao đổi chất của trẻ, khiến trẻ dễ bị bệnh Crohn hoặc các bệnh liên quan đến miễn dịch khác.

Dữ liệu sơ bộ cho thấy những bà mẹ bị IBD có hệ vi sinh vật đường ruột kém đa dạng hơn so với những bà mẹ khỏe mạnh. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phát hiện một số vi sinh vật có thể truyền từ mẹ sang con trong thai kỳ. Ví dụ, những bà mẹ bị IBD có nhiều khả năng truyền vi khuẩn gây bệnh và nấm gây bệnh cho thai nhi. Điều này làm tăng nguy cơ viêm ruột và IBD trong tương lai ở trẻ nhỏ.

Nhóm nghiên cứu cũng đang phát triển các giải pháp can thiệp sức khỏe mới để điều chỉnh vi hệ đường ruột nhằm giảm nguy cơ bị bệnh ở trẻ sơ sinh.

Nghiên cứu đang nhận thêm phụ nữ mang thai bị bệnh ruột viêm cùng với chồng, con của họ. Nhóm sẽ theo dõi những trẻ nhỏ của những người tham gia trong tối đa 18 tháng và thu thập một loạt các dữ liệu lâm sàng có liên quan và các mẫu, bao gồm phân của cha mẹ, nước bọt, nhau thai, máu cuống rốn, phân su [lúc mới đẻ], phân khi trẻ dưới 1 tuổi, và sữa mẹ.

Mục tiêu là biến vi hệ đường ruột thành ‘thuốc’

Giáo sư Siew Ng cho biết vi hệ đường ruột của trẻ sơ sinh đã bắt đầu tích tụ vi khuẩn khi còn trong bụng mẹ, điều này ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển các bệnh như IBD trong tương lai. Do đó, các nhà nghiên cứu đang tích cực khám phá nguồn gốc của những vi sinh vật này.

Giáo sư Ng cho biết thêm, mục tiêu nghiên cứu là chuyển hóa vi hệ đường ruột thành thuốc, từ đó giảm bớt sự đau đớn và gánh nặng do một số bệnh gây ra. Công nghệ tiên tiến nhất này đang được áp dụng để cải thiện dịch vụ chăm sóc dành cho bà mẹ trong suốt thai kỳ nhằm theo dõi sức khỏe thai nhi tốt hơn.

Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn