Hungary là một hình mẫu cho những người bảo tồn truyền thống Mỹ
Thủ tướng Hungary Viktor Orbán cho biết: “Khi cần thiết, họ sẽ sử dụng bộ máy nhà nước để nhắm vào chúng tôi — giống như các đồng minh Mỹ của tôi nói, ‘vũ khí hóa các tổ chức chính phủ.’ Người Hungary chúng tôi thường xuyên phải đối mặt với vấn đề này ở Brussels. Điều này hiện đang xảy ra đối với Tổng thống Trump ở Mỹ quốc, và chúng tôi ủng hộ việc ông ấy theo đuổi sự thật của chính mình trong cả lĩnh vực bầu cử lẫn tư pháp”.
Có một sự kiện lịch sử rằng sau Đệ Nhất Thế chiến các cường quốc thực dân đã giúp các quốc gia Ả Rập xâm chiếm Trung Đông, thậm chí thành lập một gia tộc hoàng gia là triều đại Hashemite, vốn tiếp tục cai trị đất nước Jordan. Những người biểu tình ủng hộ Palestine đang kêu gọi phi thực dân hóa đơn giản là quá thiếu hiểu biết để nhận ra rằng các cường quốc thuộc địa phải chịu trách nhiệm về việc người Ả Rập thực dân hóa ở Trung Đông.
Những luận điệu về việc phi thực dân hóa Mỹ quốc nhằm khắc phục “nạn phân biệt chủng tộc mang tính cấu trúc” đồng thời mở đường cho sự thống trị của phái cấp tiến hay Chủ nghĩa Cánh tả-Hồi giáo chỉ là đưa ra một hình thức thuộc địa mới mà thôi. Việc đó cũng trao quyền cho các nhà hoạt động chuyên nghiệp và những kẻ kích động, những người sẽ khiến thế giới rơi vào một sự hỗn loạn lớn nếu họ có cơ hội. Chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn rối ren trong lịch sử Mỹ quốc. Không còn nghi ngờ gì rằng đó là điều tồi tệ nhất, và là đỉnh điểm của trò lảm nhảm phi logic.
Kiểu lý luận lạc hậu này đủ chứng minh rằng Mỹ quốc cần những nguyên tắc lãnh đạo tốt hơn, đặc biệt là trong chính trị và văn hóa. Một con đường khả thi phía trước đòi hỏi những người bảo tồn truyền thống thực dụng phải bắt đầu một cuộc phản cách mạng mạnh mẽ. Thực tế khắc nghiệt là bất kỳ và tất cả các cuộc phản cách mạng đều cần phải kéo dài vô thời hạn.
Một trường hợp điển hình đáng chú ý là Hungary, vốn trước đó là một quốc gia cộng sản đã chuyển đổi thành công sang một quốc gia thống nhất hoạt động dựa trên các nguyên tắc dân chủ và nghị viện.
Hungary là một quốc gia cộng sản từ năm 1947 đến năm 1989. Sau Đệ Nhị Thế chiến, quốc gia này chịu sự thống trị của Liên Xô. Thời kỳ Xô Viết đã áp dụng quốc hữu hóa các ngành công nghiệp, tập thể hóa trang trại, và dập tắt những bất đồng chính kiến. Đó từng là một thảm họa. Linh hồn của Hungary đã bị phá hủy. Thể chế cộng sản được duy trì cho đến khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Giờ đây Hungary là một câu chuyện thành công lớn. Lý do duy nhất mà truyền thông cánh tả không đưa tin về thành công của Hungary là vì họ không muốn Mỹ quốc thoát khỏi sự kiểm soát.
Hành trình Hungary trở thành một quốc gia thịnh vượng, được thể hiện thông qua các dịch vụ chính phủ mạnh mẽ và sự thống nhất trung-hữu gắn kết, mang đến một kim chỉ nam cho những người bảo tồn truyền thống Mỹ.
Phần lớn sự hồi sinh của Hungary có thể là nhờ ông Viktor Orbán, người sau khi trở thành thủ tướng vào năm 1998 đã lãnh đạo đảng của mình từ chính trị cánh tả sang trung hữu. Ông Orbán đã ủng hộ các giá trị dân chủ Cơ Đốc Giáo, bản sắc dân tộc mạnh mẽ, và lập trường thận trọng về hội nhập châu Âu.
Sự lãnh đạo của ông Orbán, đặc biệt là sự kiểm soát đáng kể của ông đối với các cơ quan chính phủ, bao gồm cả hệ thống tư pháp và bầu cử, có thể đóng vai trò là một hình mẫu cho những người bảo tồn truyền thống Mỹ. Các chiến lược tiềm năng có thể bao gồm việc ủng hộ những cải cách nhằm trao quyền cho các vị trí chính trị quan trọng đồng thời tái cấu trúc các khuôn khổ pháp lý và tư pháp để phản ánh tốt hơn các hệ tư tưởng bảo tồn truyền thống. Tận dụng các hãng truyền thông tư nhân và liên kết với chính phủ để định hình dư luận có thể là một chiến thuật khác đáng để cân nhắc, chẳng hạn như cắt tài trợ cho Đài phát thanh Công cộng Quốc gia và dập tắt sự độc quyền của các hãng truyền thông cánh tả.
Để thúc đẩy các giá trị truyền thống, Hungary đã ưu tiên các nguyên tắc Cơ Đốc Giáo và các chính sách lấy gia đình làm trọng tâm, chẳng hạn như ưu đãi thuế cho các gia đình, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền LGBTQ+ một cách thận trọng. Nhân tiện, cần lưu ý rằng việc phân biệt đối xử dựa trên khuynh hướng tính dục là bất hợp pháp ở Hungary — chỉ là điều cần nhớ nếu lần tới các hãng truyền thông cánh tả nói với quý vị rằng Hungary vận hành bằng những chính sách vô nhân đạo.
Chủ nghĩa bảo hộ kinh tế của ông Orbán, vốn mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và người làm thuê Hungary, có thể truyền cảm hứng cho các chính sách của Hoa Kỳ vốn ủng hộ các ngành công nghiệp trong nước. Năm 2015, nền kinh tế Hungary đạt [giá trị] xuất cảng vượt mốc 100 tỷ USD, với thặng dư thương mại đáng kể. Nền kinh tế Hungary chủ yếu là tư nhân với hơn 80% [năng lực sản xuất thuộc] sở hữu tư nhân, đi cùng một hệ thống phúc lợi toàn diện với tổng thuế suất là 39.1%.
Hungary có mức thuế cao và tài trợ khá nhiều cho phúc lợi, và điều đó sẽ khiến những người Mỹ thiên tả nhất hài lòng.
Các chiến lược tương tự có thể được áp dụng cho ngành giáo dục Hoa Kỳ, tác động đến nội dung để phản ánh tốt hơn lịch sử quốc gia và các nguyên tắc bảo tồn truyền thống, bảo đảm thế hệ tương lai là những công dân có tư duy logic, được giáo dục tốt. Điều này là rất cần thiết ở Mỹ quốc.
Liên quan đến lực lượng nhân sự quan liêu hiện tại của Hoa Kỳ, thường được gắn cái mác “nhà nước ngầm,” các nguồn tin thân cận với cựu Tổng thống Donald Trump nói rằng ông có kế hoạch khôi phục sắc lệnh “Kế hoạch F” nếu ông tái đắc cử. Kế hoạch F là một biện pháp được đưa ra nhằm giúp việc tuyển dụng và sa thải nhân viên chính thức của chính phủ dễ dàng hơn. Sự thật vẫn là phần lớn nhân viên chính phủ thường trực ở Mỹ quốc là những người thiên tả và họ không trung lập về mặt chính trị. Lệnh này được ký vào năm 2020, tuy nhiên Tổng thống Joe Biden đã bãi bỏ ngay sau khi nhậm chức vào năm 2021. Nếu việc khôi phục được tiến hành, lệnh này có thể ảnh hưởng tới 50,000 nhân viên liên bang, làm thay đổi đáng kể cấu trúc của cơ quan hành chính Hoa Kỳ.
Một bước đi như vậy sẽ lặp lại các chiến thuật từng được áp dụng trong cách quản lý của ông Viktor Orbán. Tăng cường sự gắn kết quốc gia là điều cần thiết, và những biện pháp này không phải là cực đoan mà là những nhu cầu thiết yếu mà Hoa Kỳ không được bỏ qua. Chúng ta phải nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tiếp cận chủ động — thay vì phản ứng theo cảm tính — trong chiến lược quốc gia nhằm bảo đảm thịnh vượng và thống nhất lâu dài.
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times