Bản tin đặc biệt

Đằng sau kế hoạch kiểm soát ngôn luận trực tuyến của Liên Hiệp Quốc

Một cơ quan quyền lực của Liên Hiệp Quốc đã công bố một kế hoạch kiểm soát truyền thông xã hội và giao tiếp trực tuyến đồng thời trấn áp những gì mà cơ quan này mô tả là “thông tin giả” và “thuyết âm mưu,” làm dấy lên mối lo ngại từ những người ủng hộ quyền tự do ngôn luận và các nhà lập pháp hàng đầu của Hoa Kỳ.

Trong báo cáo dài 59 trang được phát hành trong tháng này, Tổ chức Giáo dục, Văn hóa, và Khoa học Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã phác thảo một loạt “các biện pháp cụ thể phải được thực hiện bởi tất cả các bên liên quan: chính phủ, cơ quan quản lý, xã hội dân sự, và chính các nền tảng.”

Biện pháp này bao gồm việc áp đặt các chính sách toàn cầu, thông qua các thể chế như chính phủ và doanh nghiệp, nhằm mục đích ngăn chặn sự lan truyền của các hình thức ngôn luận khác nhau đồng thời thúc đẩy các mục tiêu như “đa dạng văn hóa” và “bình đẳng giới.”

Đặc biệt, cơ quan này của Liên Hiệp Quốc đặt mục tiêu tạo ra một “mạng Internet đáng tin cậy” bằng cách nhắm mục tiêu vào cái mà họ gọi là “thông tin giả,” “thông tin sai lệch,” “phát ngôn gây thù hận”, và “thuyết âm mưu.”

Ví dụ về những câu nói bị gắn cảnh báo là sẽ bị chặn hoặc hạn chế bao gồm những câu bày tỏ sự lo ngại về bầu cử, các biện pháp y tế công cộng, và sự ủng hộ có thể “kích động hành vi phân biệt đối xử.”

Ông Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành của Facebook, làm chứng từ xa trong phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện về “Kiểm duyệt, đàn áp, và Cuộc bầu cử năm 2020” tại Hoa thịnh Đốn vào ngày 17/11/2020. (Ảnh: Bill Clark-Pool/Getty Images)
Ông Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành của Facebook, làm chứng từ xa trong phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện về “Kiểm duyệt, đàn áp, và Cuộc bầu cử năm 2020” tại Hoa thịnh Đốn vào ngày 17/11/2020. (Ảnh: Bill Clark-Pool/Getty Images)

Các nhà phê bình đang cảnh báo rằng các cáo buộc về “thông tin giả” và “thuyết âm mưu” ngày càng được các thế lực mạnh mẽ trong chính phủ và các đại công ty công nghệ (Big Tech) sử dụng để bịt miệng những thông tin chân thực và thậm chí cả những ngôn luận chính trị cốt lõi.

Chỉ trong tháng này, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo chỉ trích “ngụy khoa học về thông tin giả.”

Trong số những lo ngại khác, ủy ban phát hiện ra rằng “ngụy khoa học” này đã bị “vũ khí hóa” bởi cái mà các nhà lập pháp gọi là “Tổ hợp Công nghiệp Kiểm duyệt.”

Mục tiêu: bịt miệng ngôn luận chính trị được Hiến Pháp bảo vệ, chủ yếu là của những người có khuynh hướng bảo tồn truyền thống.

“Ngụy khoa học về thông tin giả hiện nay — và luôn luôn — không gì khác hơn là một thủ đoạn chính trị thường nhắm vào các cộng đồng và cá nhân có quan điểm trái ngược với những quan điểm phổ biến,” báo cáo của Quốc hội có tiêu đề “Sự vũ khí hóa về ‘thông tin giả’ của các ngụy chuyên gia và quan chức quan liêu” cho biết.

Thật vậy, báo cáo Quốc hội mới nhất này cho thấy rõ, các nền tảng kỹ thuật số có trụ sở tại Hoa Kỳ đã thực hiện nhiều chính sách của UNESCO, thường là theo lệnh của chính phủ Tổng thống Biden.

Phó Giám đốc UNESCO Khúc Tinh (Xing Qu) (thứ 2 từ phải sang) xem một số bản thảo cổ vào ngày 31/03/2021. (Ảnh: Michele Cattani/AFP qua Getty Images)
Phó Giám đốc UNESCO Khúc Tinh (Xing Qu) (thứ 2 từ phải sang) xem một số bản thảo cổ vào ngày 31/03/2021. (Ảnh: Michele Cattani/AFP qua Getty Images)

Tuy nhiên, tại Capitol Hill, các nhà lập pháp bày tỏ sự lo ngại về kế hoạch mới này của UNESCO.

“Tôi đã nhiều lần và công khai chỉ trích quyết định sai lầm của chính phủ Tổng thống Biden là gia nhập lại UNESCO, khiến người đóng thuế ở Hoa Kỳ phải gánh chịu hàng trăm triệu dollar,” Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas) nói với The Epoch Times về kế hoạch truyền thông xã hội này.

Gọi UNESCO là một “tổ chức đầy khiếm khuyết,” ông McCaul cho biết ông đặc biệt lo ngại rằng tổ chức này “thúc đẩy lợi ích của các chế độ độc tài — trong đó có Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Thật vậy, như The Epoch Times đã đưa tin, giống như nhiều cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc, UNESCO có nhiều thành viên trong hàng ngũ lãnh đạo của mình là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chẳng hạn như Phó Tổng Giám đốc Khúc Tinh (Xing Qu).

ĐCSTQ đã nhiều lần nói rõ rằng ngay cả khi đang làm việc trong các tổ chức quốc tế, thì các đảng viên ĐCSTQ vẫn phải tuân theo mệnh lệnh của Đảng Cộng Sản.

Các nhà lập pháp thuộc Tiểu ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện phụ trách các tổ chức quốc tế hiện đang nỗ lực cắt giảm tiền tài trợ cho nhiều cơ quan khác nhau của Liên Hiệp Quốc mà các nhà lập pháp cho rằng đang sử dụng tiền của người đóng thuế Hoa Kỳ một cách không đúng đắn.

Chính phủ Hoa Kỳ đã hai lần rời khỏi UNESCO — dưới thời chính phủ Tổng thống Reagan và chính phủ Tổng thống Trump — do lo ngại về những gì mà những chính phủ này mô tả là chủ nghĩa cực đoan, thái độ thù địch với các giá trị của Mỹ cũng như các vấn đề khác.

Theo The Epoch Times, chính phủ Tổng thống Biden đã tái gia nhập cơ quan này vào đầu năm nay trước sự phản đối của các nhà lập pháp.

Ảnh chụp từ trên không của một tác phẩm điêu khắc tại trụ sở UNESCO ở Paris, hôm 25/07/2023. Tổng thống Joe Biden đã cho Hoa Kỳ tái gia nhập UNESCO sau khi Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi tổ chức này vào năm 2018. (Ảnh: Bertrand Guay/AFP qua Getty Images)
Ảnh chụp từ trên không của một tác phẩm điêu khắc tại trụ sở UNESCO ở Paris, hôm 25/07/2023. Tổng thống Joe Biden đã cho Hoa Kỳ tái gia nhập UNESCO sau khi Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi tổ chức này vào năm 2018. (Ảnh: Bertrand Guay/AFP qua Getty Images)

Kế hoạch của UNESCO

Mặc dù được quảng bá như một kế hoạch ủng hộ quyền tự do biểu đạt, nhưng chế độ kiểm soát mới của UNESCO kêu gọi các cơ quan quản lý “độc lập,” vốn “tách biệt với các lợi ích chính trị và kinh tế” thực hiện việc kiểm duyệt trên toàn cầu.

Báo cáo giải thích, “Các hệ thống quản trị quốc gia, khu vực, và toàn cầu cần có khả năng hợp tác và chia sẻ các biện pháp thực hành … trong việc giải quyết những nội dung có thể bị hạn chế theo luật và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.”

Không giống như Tu chính án thứ Nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ vốn cấm bất kỳ hành vi vi phạm nào của chính phủ đối với quyền tự do ngôn luận hoặc tự do báo chí, UNESCO nêu ra nhiều văn kiện “nhân quyền” quốc tế khác nhau mà tổ chức này cho rằng nên được dùng để xác định những ngôn luận nào là vi phạm.

Các thỏa thuận này bao gồm Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), trong đó nêu rõ rằng việc hạn chế quyền tự do biểu đạt phải được pháp luật quy định và cũng phải phục vụ cho một “mục đích chính đáng.”

Trong một đánh giá gần đây về Hoa Kỳ, một ủy ban nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi thay đổi Hiến Pháp Hoa Kỳ và yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn và trừng phạt “ngôn từ thù hận” nhằm tuân thủ ICCPR.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), cùng với các thành viên của Nhóm người Mỹ gốc Á Châu Thái Bình Dương, trình bày về Đạo luật Tội ác Thù hận COVID-19 tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn ngày 18/05/2021. (Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), cùng với các thành viên của Nhóm người Mỹ gốc Á Châu Thái Bình Dương, trình bày về Đạo luật Tội ác Thù hận COVID-19 tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn ngày 18/05/2021. (Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)

Một văn kiện quan trọng khác của Liên Hiệp Quốc là Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, trong đó nêu rõ ràng tại Điều 29 rằng “các quyền và tự do trong mọi trường hợp không thể được thực hiện trái với mục đích và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.”

Nói tóm lại, quan điểm của Liên Hiệp Quốc về “tự do biểu đạt” hoàn toàn khác với quan điểm được quy định trong Hiến Pháp Hoa Kỳ.

Báo cáo của UNESCO nói rằng một khi tìm thấy nội dung cần hạn chế, các nền tảng truyền thông xã hội phải thực hiện các biện pháp, từ sử dụng thuật toán ngăn chặn (ngăn chặn ngầm) và cảnh báo người dùng về nội dung đó, đến việc khóa chức năng kiếm tiền và thậm chí xóa nội dung đó.

Báo cáo nêu rõ bất kỳ nền tảng kỹ thuật số nào bị phát hiện là không “giải quyết nội dung có thể bị hạn chế theo luật nhân quyền quốc tế’ sẽ “phải chịu trách nhiệm” bằng “các biện pháp thực thi.”

Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp thuộc Đảng Xã Hội, viện dẫn những rủi ro đối với xã hội để biện minh cho kế hoạch toàn cầu này.

Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay có bài diễn văn tại trụ sở UNESCO ở Paris, hôm 08/11/2023. (Ảnh: Geoffroy Van Der Hasselt/AFP qua Getty Images)
Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay có bài diễn văn tại trụ sở UNESCO ở Paris, hôm 08/11/2023. (Ảnh: Geoffroy Van Der Hasselt/AFP qua Getty Images)

“Công nghệ kỹ thuật số đã tạo ra tiến bộ to lớn về quyền tự do ngôn luận,” bà nói trong một tuyên bố. “Tuy nhiên, các nền tảng truyền thông xã hội cũng đã làm gia tăng và khuếch đại sự lan truyền thông tin sai lệch cùng với ngôn từ thù hận, gây ra rủi ro nghiêm trọng cho sự gắn kết, hòa bình, và ổn định xã hội.

Bà Azoulay, người đảm nhận cơ quan Liên Hiệp Quốc này từ nhà lãnh đạo lâu năm của Đảng Cộng sản Bulgaria Irina Bokova, cho biết: “Để bảo vệ quyền truy cập thông tin, chúng ta cần phải kiểm soát các nền tảng này ngay lập tức, đồng thời bảo vệ tự do biểu đạt và nhân quyền.”

Khi đề cập đến báo cáo mới, có tiêu đề “Hướng dẫn Quản trị các Nền tảng Kỹ thuật số”, bà Azoulay nói rằng việc ngăn chặn một số hình thức ngôn luận nhất định và đồng thời bảo vệ “tự do biểu đạt” là “không mâu thuẫn.”

Đằng sau kế hoạch kiểm soát ngôn luận trực tuyến của Liên Hiệp Quốc

Trích dẫn một cuộc khảo sát do chính UNESCO ủy quyền, cơ quan của Liên Hiệp Quốc này cũng cho biết hầu hết người dân trên thế giới đều ủng hội nghị trình của họ.

Theo UNESCO, báo cáo và bộ hướng dẫn này được xây dựng thông qua quá trình tham vấn bao gồm hơn 1,500 ý kiến đệ trình và hơn 10,000 ý kiến đóng góp từ “các bên liên quan” như chính phủ, doanh nghiệp, và các tổ chức bất vụ lợi.

UNESCO cho biết họ sẽ làm việc với các chính phủ và công ty để thực hiện chế độ kiểm soát này trên toàn thế giới.

“UNESCO không (nguyên văn) đề nghị kiểm soát các nền tảng kỹ thuật số,” một phát ngôn viên của UNESCO, người yêu cầu ẩn danh, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố.

“Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng hàng chục chính phủ trên khắp thế giới đã soạn thảo luật để làm như vậy, một số trong đó không phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, và thậm chí có thể gây nguy hiểm cho quyền tự do biểu đạt.

“Tương tự như vậy, bản thân các nền tảng đã đưa ra hàng triệu quyết định của con người và những quyết định tự động mỗi ngày liên quan đến việc kiểm duyệt và quản lý nội dung, dựa trên chính sách của riêng họ,” phát ngôn viên này cho biết.

UNESCO cho biết thêm, Liên minh Âu Châu, nơi đã đặt ra những hạn chế nghiêm trọng đối với quyền tự do biểu đạt trực tuyến, đã cung cấp kinh phí để thực hiện trên toàn thế giới.

Chính phủ TT Biden nói với The Epoch Times rằng họ không liên quan đến việc tạo ra kế hoạch này.

Bộ Ngoại giao cho biết trong một thư điện tử, “Chúng tôi sẽ bảo lưu bình luận cho đến khi nghiên cứu xong kế hoạch này một cách kỹ lưỡng.”

Những lo ngại về tự do ngôn luận ngày càng gia tăng

Ngày càng có nhiều lo ngại về tác động đối với quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt trực tuyến khi nhận thức về kế hoạch của UNESCO cũng ngày càng lan rộng.

Bà Sarah McLaughlin, một học giả cao cấp tại Tổ chức Quyền và Diễn đạt Cá nhân (FIRE), bày tỏ sự cảnh giác.

“FIRE đánh giá cao kế hoạch hành động mới của UNESCO dành cho truyền thông xã hội công nhận giá trị của tính minh bạch và nhu cầu bảo vệ quyền tự do biểu đạt, nhưng vẫn lo ngại sâu sắc về những nỗ lực quản lý ‘thông tin giả’ và ‘ngôn từ thù địch’ trực tuyến,” bà McLaughlin nói với The Epoch Times.

Người dân tham gia cuộc biểu tình “Yêu cầu Tự do Ngôn luận” tại Freedom Plaza ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 06/07/2019. Những người biểu tình đang kêu gọi chấm dứt sự kiểm duyệt của các công ty truyền thông xã hội. (Ảnh: Stephanie Keith/Getty Images)
Người dân tham gia cuộc biểu tình “Yêu cầu Tự do Ngôn luận” tại Freedom Plaza ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 06/07/2019. Những người biểu tình đang kêu gọi chấm dứt sự kiểm duyệt của các công ty truyền thông xã hội. (Ảnh: Stephanie Keith/Getty Images)

“Như chúng ta đã thấy trong những tuần gần đây, việc thực thi Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của EU, chẳng hạn như, thậm chí còn tạo ra tình trạng không rõ ràng hơn nữa về chính sách kiểm duyệt nội dung của các nền tảng và khả năng tự do nói chuyện trực tuyến của người dùng,” bà nói. “Các hạn chế và chuẩn mực pháp lý địa phương cuối cùng có thể ảnh hưởng đến cách các nền tảng hoạt động trên quy mô toàn cầu.”

“Khi các quốc gia trên thế giới tăng cường quy định về ngôn luận trên mạng Internet, việc thực thi của các nền tảng có thể sẽ ngày càng ảnh hưởng đến người dùng — kể cả người Mỹ — bên ngoài các tiểu bang thực thi các quy tắc đó.”

Thật vậy, trên khắp châu Âu, các quy tắc về “ngôn từ thù địch” ngày càng được sử dụng không chỉ để ngăn chặn phát ngôn về các vấn đề như hôn nhân, nhập cư, tình dục, và tôn giáo, mà thậm chí còn để truy tố những người vi phạm luật ngôn luận.

Trong tháng này, Tiến sĩ Päivi Räsänen, một nghị viên Quốc hội Phần Lan và là cựu bộ trưởng nội vụ, đã chiến thắng sau cuộc truy tố “ngôn từ thù địch” kéo dài nhiều năm về phát ngôn trực tuyến của bà ủng hộ sự hiểu biết trong Kinh thánh về đồng tính luyến ái và hôn nhân.

Đằng sau kế hoạch kiểm soát ngôn luận trực tuyến của Liên Hiệp Quốc

Tại Ba Lan, một số nghị viên của Nghị viện Âu Châu đang phải đối mặt với cáo buộc “ngôn từ thù địch” vì chia sẻ các quảng cáo chính trị cảnh báo về những tác động có thể xảy từ cuộc nhập cư ồ ạt của người Hồi Giáo vào châu Âu.

Điều đáng lo ngại hơn nữa đối với các nhà phê bình là bản thân khái niệm “ngôn từ thù địch” đã được Liên Xô đưa vào hệ thống Liên Hiệp Quốc. Trong một bài nghiên cứu dành cho Viện Hoover của Đại học Stanford hồi năm 2011, ông Jacob Mchangama giải thích rằng Liên Xô là nơi thường xuyên mô tả phát ngôn chống cộng sản là “ngôn từ thù địch.”

Ông Patrick Wood, nhà sáng lập kiêm chủ tịch của Công dân vì Tự do Ngôn luận. (Ảnh: citizensforfreespeech.org)
Ông Patrick Wood, nhà sáng lập kiêm chủ tịch của Công dân vì Tự do Ngôn luận. (Ảnh: citizensforfreespeech.org)

Ông Patrick Wood, nhà sáng lập kiêm chủ tịch của Công dân vì Tự do Ngôn luận, cảnh báo rằng kế hoạch này của UNESCO chắc chắn sẽ được sử dụng để bịt miệng những người chỉ trích nghị trình của tổ chức này.

“Khi UNESCO đưa ra những tuyên bố như — ‘kết quả của các cuộc tham vấn rộng rãi trên toàn thế giới và được một cuộc khảo sát ý kiến toàn cầu hậu thuẫn’ — thì đã có giải pháp,” ông Wood nói với The Epoch Times.

“Trong trường hợp này, sẽ dẫn đến một loạt các chương trình toàn cầu nhằm kiểm duyệt những phát ngôn được cho là đi ngược lại với nghị trình của họ.”

Tổ chức Biên giới Điện tử (EFF) do ông George Soros tài trợ, tự phong là “tổ chức bất vụ lợi hàng đầu” bảo vệ quyền tự do ngôn luận, cho biết họ không có ai để bình luận về kế hoạch này của UNESCO.

Những lo ngại về thái độ của Liên Hiệp Quốc đối với quyền tự do ngôn luận không phải là mới và đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây — đặc biệt là khi rất nhiều quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc có nhân viên nằm trong ban lãnh đạo của cơ quan này được biết đến vì đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Kế hoạch mới của UNESCO cũng được đưa ra sau khi cơ quan này công bố một kế hoạch hồi năm ngoái nhằm chống lại những gì được mô tả là “thuyết âm mưu” và “thông tin sai lệch” thông qua giáo dục, như The Epoch Times đã đưa tin vào thời điểm đó.

Theo tổ chức này, “thuyết âm mưu” có thể “làm giảm niềm tin vào các tổ chức công quyền” và gây ra các vấn đề, chẳng hạn như làm giảm mong muốn của người dân trong việc “giảm lượng phát thải khí carbon của họ.”

Người dân phản đối các hạn chế liên quan đến virus corona và chính sách của chính phủ ở Berlin, Đức, vào ngày 29/08/2020. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)
Người dân phản đối các hạn chế liên quan đến virus corona và chính sách của chính phủ ở Berlin, Đức, vào ngày 29/08/2020. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Các ví dụ về “thuyết âm mưu” được trích dẫn trong báo cáo năm ngoái bao gồm mọi thứ, từ niềm tin phổ biến như “phủ nhận biến đổi khí hậu” và lo ngại về “sự thao túng các cuộc bầu cử liên bang” ở Hoa Kỳ, cho đến những quan niệm xa vời và cực đoan hơn nữa như “ trái đất thì phẳng” hoặc “bà Michelle Obama thực sự là một loài thằn lằn.”

Hồi năm ngoái, bà Melissa Fleming, Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về Truyền thông Toàn cầu đã nói tại một sự kiện của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và khoe khoang rằng tổ chức toàn cầu này đã “hợp tác” với Google để quảng bá các tài liệu của mình và loại bỏ những tài liệu mâu thuẫn trong kết quả tìm kiếm.

“Chúng tôi sở hữu khoa học,” bà nói. “Chúng tôi nghĩ thế giới nên biết điều đó.”

Trong một podcast hồi tháng 10/2020 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về “Tìm kiếm phép trị bệnh dịch thông tin,” bà Fleming tự hào về việc đã kêu gọi được hơn 100,000 tình nguyện viên để khuếch đại quan điểm của Liên Hiệp Quốc trong khi ngăn chặn những quan điểm cạnh tranh mà bà gọi là “thông tin sai lệch.”

Tiết lộ này được đưa ra sau nhiều năm nỗ lực của Liên Hiệp Quốc và chính phủ nhằm ngăn chặn những gì mà tổ chức toàn cầu này mô tả là chủ nghĩa cực đoan, thông tin sai lệch, v.v. trên Internet.

Năm 2016, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một “khuôn khổ” để chống lại “chủ nghĩa cực đoan” trực tuyến sau một chương trình từ năm trước cam kết chống lại “các hệ tư tưởng” mà họ cho rằng có thể dẫn đến bạo lực. Chủ nghĩa cộng sản không phải là một trong những hệ tư tưởng bị nhắm mục tiêu.

UNESCO bảo vệ kế hoạch này

Phát ngôn viên của UNESCO bảo vệ kế hoạch mới này, xem đây là một nỗ lực bảo vệ chứ không phải là hạn chế quyền tự do biểu đạt.

Trụ sở của Tổ chức Giáo dục, Khoa học, và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại Paris vào ngày 12/10/2017. Gần đây, cơ quan này đã tiết lộ kế hoạch quản lý giới truyền thông xã hội và truyền thông trực tuyến. (Ảnh: Jacques Demathon/AFP qua Getty Images)
Trụ sở của Tổ chức Giáo dục, Khoa học, và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại Paris vào ngày 12/10/2017. Gần đây, cơ quan này đã tiết lộ kế hoạch quản lý giới truyền thông xã hội và truyền thông trực tuyến. (Ảnh: Jacques Demathon/AFP qua Getty Images)

“Bảo vệ quyền tự do biểu đạt là trọng tâm trong tất cả các sáng kiến của UNESCO nhằm thúc đẩy các phương pháp giao tiếp tốt nhất trong nhiều thập niên, và nguyên tắc này đã củng cố biện pháp của chúng tôi đối với bộ hướng dẫn này ngay từ đầu,” phát ngôn viên này cho biết.

Tuyên bố còn nêu ra một phần của bộ hướng dẫn kêu gọi tuân thủ “thủ tục tố tụng hợp pháp” khi ứng phó với vấn đề “ngôn từ thù địch.”

Phát ngôn viên cho biết rằng, “Bộ hướng dẫn này đặc biệt tập trung vào nhu cầu về tính minh bạch cũng như đánh giá tác động và thẩm định nhân quyền có hệ thống, cũng như trách nhiệm giải trình đối với người dùng,” đồng thời cho biết thêm rằng kế hoạch này kêu gọi “phân bổ công bằng về năng lực kiểm duyệt.”

“Cũng có tuyên bố rõ ràng rằng bộ hướng dẫn này cần được xem xét toàn bộ, thay vì chọn lọc rồi chọn ra — chẳng hạn như, một chính sách kiểm duyệt nội dung do cơ quan quản lý thực hiện không đáp ứng định nghĩa về tính độc lập được nêu trong bộ hướng dẫn thì sẽ không phù hợp,” phát ngôn viên của UNESCO cho biết, đồng thời khẳng định rằng bộ hướng dẫn này sẽ thực sự “mở rộng” quyền tự do biểu đạt.

Tổ chức này không đưa ra mốc thời gian thực hiện nhưng sẽ có nhiều cuộc họp khác được ấn định trước hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc vào tháng 09/2024 tại Thành phố New York.

Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times