Tin Việt Nam ngày 23/8: Gần 10,300 ca mắc mới, thêm 389 ca tử vong, Đà Nẵng gần chạm mốc 3,000 ca, phát hiện thêm 51 điểm nóng, Cà Mau lại siết chặt giãn cách theo Chỉ thị 16, xăng dầu tồn kho, Bộ Công Thương đề nghị ưu tiên sử dụng nguồn nội địa
Nội dung sáng 23/8:
|
-
Số mắc vượt 348,000 ca, hơn 8,000 ca tử vong
Tính đến sáng 23/8, Việt Nam có tổng cộng 348,059 ca mắc, riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, Việt Nam ghi nhận 343,972 ca, trong đó có 144,893 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 22/8, Việt Nam ghi nhận 11,214 ca mắc mới gồm 6 ca nhập cảng và 11,208 ca ghi nhận tại 36 tỉnh/thành, trong đó có 6,387 ca mắc cộng đồng. Ngoài ra, CDC Sóc Trăng đăng ký bổ sung 138 ca mắc được lấy mẫu từ các ngày trước. So với ngày 21/8, số mắc ngày 22/8 giảm 91 ca, trong đó Tp HCM tăng 109 ca, Bình Dương giảm 710 ca, Đồng Nai tăng 298 ca, Tiền Giang tăng 120 ca, Long An giảm 28 ca.
5 tỉnh/thành có số ca mắc lớn nhất gồm: Tp HCM (175,994), Bình Dương (70,242), Long An (17,805), Đồng Nai (17,688), Tiền Giang (7,284).
Về tình hình điều trị, trong ngày 22/8 có 7,580 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 147,667 ca. Số ca bệnh nặng đang điều trị ICU là 687 ca, số ca bệnh nguy kịch đang điều trị ECMO là 24 ca.
Trong 2 ngày 21 và 22/8, Việt Nam ghi nhận 737 ca tử vong tại 15 tỉnh/thành, trong đó nhiều nhất là Tp HCM (599), Bình Dương (62), Đồng Nai (25), Tiền Giang (22),… Tính đến sáng 23/8, Việt Nam có tổng số ca tử vong liên quan COVID-19 là 8,277 ca, chiếm tỷ lệ 2.4% so với tổng số mắc.
-
Chi viện thêm gần 3,000 nhân lực y tế đến Tp HCM
Tối 22/8, ông Nguyễn Hồng Sơn, vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, đã có 1,800 người là cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của một số trường khối ngành y dược đăng ký tình nguyện vào Sài Gòn. Số này có 750 học viên, sinh viên Trường cao đẳng Y tế Bạch Mai sẽ có mặt tại Tp HCM trong đêm để sáng 23/8 tham gia lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ.
Cùng đó, Đại học Y Hà Nội cử thêm 250 người, Đại học Dược Hà Nội cử 200 người, Học viện Y dược học cổ truyền cử 150 người, Đại học Y dược Thái Bình cử thêm 250 người, Đại học Y dược Hải Phòng cử 200 người.
8 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cũng đã lên danh sách cử 450-500 chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… vào Tp HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai để hỗ trợ ứng phó dịch bệnh.
Như vậy, tổng sẽ có thêm 3,000 người thuộc lực lượng y tế sẽ đến Tp HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai trong đầu tuần để hỗ trợ phòng dịch.
-
Quân đội kiểm soát phòng dịch tại hơn 300 phường/xã ở Sài Gòn
Cũng tại Sài Gòn, đúng 0h ngày 23/8, lực lượng quân đội đồng loạt kiểm soát tại các chốt ở 312 phường/xã để kiểm tra các xe, siết chặt giãn cách xã hội.
Trước khi tham gia kiểm soát, tất cả bộ đội đã được chích 1 liều vaccine và sẽ được xét nghiệm COVID-19 3 ngày/lần. Bộ Quốc phòng dự kiến huy động hàng nghìn quân chủ lực từ Quân khu 7, Quân đoàn 4 tham gia, và khoảng 35,000 người là dân quân.
Trong hai tuần từ 23/8 đến 6/9, Tp HCM sẽ thực hiện giãn cách triệt để sau khi ghi nhận hơn 176,000 ca nhiễm (tính đến tối 22/8). Người dân được yêu cầu không ra đường, không mua hàng trực tiếp. Lực lượng địa phương, quân đội sẽ “đi chợ hộ” với tần suất 1 lần/tuần.
-
Bạc Liêu khẩn cấp áp dụng thẳng Chỉ thị 16 giãn cách xã hội
Từ 3h ngày 23/8, tỉnh Bạc Liêu áp dụng phong tỏa cách ly toàn thành phố Bạc Liêu; còn thị xã Giá Rai và các huyện còn lại áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Tại thành phố Bạc Liêu, tạm dừng tất cả mọi hoạt động xã hội, người dân được yêu cầu tuân thủ chặt “ai ở đâu ở yên ở đó”. Các lực lượng chức năng phong tỏa toàn thành phố Bạc Liêu, tất cả mọi người không được di chuyển ra vào thành phố; ngành y tế tổ chức xét nghiệm, tầm soát COVID-19 đối với tất cả mọi người dân có mặt trên địa bàn.
Trước đó, 1h sáng cùng ngày, tại cuộc họp khẩn của tỉnh, Sở Y tế cho biết, trong đêm 22/8 đã phát hiện 4 F0 liên quan đến nhân viên của một công ty tài chính, thuê trọ trên địa bàn thành phố.
Theo nhận định của Sở Y tế, đây là những ca nhiễm có yếu tố dịch tễ phức tạp liên quan tới nhiều địa phương trong tỉnh nên nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng rất cao. Qua truy vết xác định được 177 F1 và hàng trăm F2 và được nhận định .
-
254 công dân Hà Nam đã được đón về từ Tp HCM
Tối 22/8, chuyến bay đưa 254 công dân của tỉnh Hà Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang sinh sống, học tập, làm việc tại Tp HCM đã về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào lúc 20h.
Các công dân sẽ lên ô tô từ sân bay Nội Bài để về địa điểm cách ly tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Nam và Cao đẳng Nghề Hà Nam. Sau khi thực hiện xét nghiệm, sàng lọc, những công dân này sẽ phải cách ly tập trung tại các khu cách ly của tỉnh 14 ngày và cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe thêm 14 ngày.
Công dân về đợt này thuộc nhóm ưu tiên thứ nhất là: Người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi và người mất việc làm đặc biệt khó khăn… có nhu cầu về lại nơi cư trú. Các công dân gửi đơn đăng ký và có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi trở về địa phương. Kinh phí thực hiện bằng nguồn ngân sách và từ các nguồn tài trợ.
Dự kiến trong những ngày tới, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục tổ chức đón công dân tại các tỉnh phía Nam về địa phương.
-
Hỗ trợ 2 triệu đồng tới mỗi người dân Thái Nguyên ở 22 tỉnh/thành phía Nam
Ngày 22/8, tỉnh Thái Nguyên cho biết, sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng tới mỗi người dân Thái Nguyên trong vùng dịch ở 22 tỉnh thành phía Nam.
Theo đó, người dân thường trú ở Thái Nguyên cần chuẩn bị: CMND/CCCD, hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu được cấp trước ngày 1/7/2021 tại tỉnh Thái Nguyên, giấy khai sinh đối với trẻ em. Mỗi CMND/CCCD được đăng ký một lần. Những người không thể tự kê khai có thể nhờ người khác.
Ngoài ra, để chứng minh đang ở vùng có dịch, người dân cần chuẩn bị một trong số các giấy tờ còn hiệu lực như: sổ tạm trú, giấy xác nhận của chính quyền/cảnh sát hoặc đoàn thể địa phương nơi đang tạm trú, giấy xác nhận của đơn vị công tác, giấy mời/xác nhận chích ngừa, kết quả xét nghiệm, sổ khám chữa bệnh, hợp đồng thuê nhà có công chứng hoặc xác nhận của chính quyền địa phương, thẻ bảo hiểm y tế, phiếu đi chợ, học bạ (đối với trẻ em)…
Người dân có thể nộp đơn đăng ký trực tuyến tại địa chỉ: https://hotrocongdan.thainguyen.gov.vn hoặc sử dụng ứng dụng di động C-ThaiNguyen (vào mục “Hỗ trợ đồng hương vùng dịch” và làm theo hướng dẫn).
Danh sách 22 tỉnh/thành phía Nam công dân Thái Nguyên được hỗ trợ gồm: Tp HCM, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương.
-
Sơn La đưa 13 điểm mỏ khoáng sản cát, đá xây dựng ra khỏi quy hoạch
Tỉnh Sơn La vừa chấp thuận đưa ra khỏi quy hoạch 13 điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, cụ thể:
- 6 mỏ đá xây dựng gồm: 3 điểm mỏ tại huyện Mai Sơn, 2 điểm mỏ tại huyện Mộc Châu và 1 điểm mỏ tại huyện Phù Yên (mỏ này được điều chỉnh đưa một phần ra khỏi quy hoạch);
- 7 mỏ cát xây dựng gồm: 1 điểm tại huyện Mường La, 2 điểm tại huyện Quỳnh Nhai, 3 điểm tại huyện Mộc Châu và 1 điểm tại Thị trấn nông trường Mộc Châu (điểm này được điều chỉnh một phần diện tích ra khỏi quy hoạch).
Ngoài ra, tỉnh Sơn La cũng bổ sung 3 điểm mỏ đá xây dựng vào quy hoạch gồm: Mỏ đá vôi tại Khu 2 bản Hồng Ngài (xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên); mỏ đá khu 2 bản Lếch (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn) và mỏ đá vôi bản Tám Ba (xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu).
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm