Bản tin đặc biệt

Báo cáo: Cách chính phủ sử dụng ‘Track F’ để tài trợ cho các công cụ kiểm duyệt

Một báo cáo mới cho biết Quỹ Khoa học Quốc gia đã chi 39 triệu USD cho ‘Track F’, một chương trình liên quan đến kiểm duyệt, đàn áp quyền tự do ngôn luận của người Mỹ.

Theo một báo cáo mới của Quốc hội, các quan chức của Quỹ Khoa học Quốc gia đã cố gắng che giấu việc chi hàng triệu dollar của người đóng thuế vào việc nghiên cứu và phát triển các công cụ trí tuệ nhân tạo dùng để kiểm duyệt phát ngôn chính trị và gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.

Báo cáo điều tra Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) này là sự bổ sung mới nhất cho một danh sách bằng chứng ngày càng tăng mà các nhà phê bình cho rằng là cho thấy các quan chức liên bang — đặc biệt là các quan chức tại FBI và CIA — đang tạo ra một “tổ hợp công nghiệp-kiểm duyệt” để giám sát sự biểu đạt của công chúng Mỹ và đàn áp những tiếng nói không được chính phủ ủng hộ.

“Nhân danh việc chống lại thông tin sai lệch về COVID-19 và cuộc bầu cử năm 2020, NSF đã trao hàng triệu dollar tiền tài trợ cho các trường đại học và các nhóm nghiên cứu bất vụ lợi,” báo cáo của Ủy ban Tư pháp Hạ viện và Tiểu ban Đặc biệt về Vũ khí hóa Chính phủ Liên bang cho biết.

“Mục đích của các dự án do người đóng thuế tài trợ này là phát triển các công cụ tuyên truyền và kiểm duyệt dựa trên AI mà chính phủ và các đại công ty công nghệ (Big Tech) có thể sử dụng để định hình dư luận bằng cách hạn chế một số quan điểm nhất định hoặc thúc đẩy những quan điểm khác.”

Dựa trên những tài liệu chưa được biết đến trước đây, báo cáo cũng mô tả những nỗ lực phức tạp của các quan chức NSF nhằm che đậy mục đích thực sự của nghiên cứu.

Những nỗ lực này bao gồm việc theo dõi những lời chỉ trích công khai về hoạt động của tổ chức này của các ký giả và các học giả pháp lý theo phái bảo tồn truyền thống.

Báo cáo cho biết NSF cũng đã phát triển một chiến lược truyền thông “để cân nhắc việc đưa một số hãng truyền thông Mỹ vào danh sách đen vì họ đang theo dõi sát sao việc NSF tài trợ cho các công cụ kiểm duyệt và tuyên truyền.”

NSF phản hồi

Trong một tuyên bố với The Epoch Times, một phát ngôn viên của NSF đã thẳng thừng bác bỏ các cáo buộc của báo cáo này.

“NSF không tham gia kiểm duyệt và không có vai trò gì trong các chính sách hoặc quy định nội dung. Theo quy định và hướng dẫn của Quốc hội, chúng tôi đã đầu tư vào nghiên cứu để giúp hiểu rõ các công nghệ truyền thông cho phép tạo ra những thứ như deep fake và cách mọi người tương tác với chúng,” vị phát ngôn viên này cho biết.

“Chúng tôi biết các đối thủ của chúng ta đã và đang vận dụng những công nghệ này để chống lại chúng ta theo nhiều cách. Chúng tôi biết rằng những kẻ lừa đảo đang sử dụng những kỹ thuật này đối với những nạn nhân không nghi ngờ. Vì lợi ích an ninh kinh tế và quốc gia của đất nước này, chúng ta phải hiểu cách sử dụng những công cụ này và cách mọi người phản ứng để chúng tôi có thể đề ra các lựa chọn về những cách thức chúng ta có thể cải thiện sự an toàn cho tất cả mọi người.”

Phát ngôn viên này cũng phủ nhận rằng NSF từng tìm cách che giấu các khoản đầu tư của mình vào cái gọi là chương trình Track F và tổ chức này không tuân theo chính sách liên quan đến truyền thông đã được nêu trong các tài liệu mà ủy ban phát hiện.

Ông Roger Lynch, Giám đốc điều hành của Condé Nast, điều trần trước ủy ban Thượng viện trong một phiên điều trần về trí thông minh nhân tạo tại Tòa nhà Capitol Hoa Kỳ hôm 10/01/2024. (Ảnh: Kent Nishimura/Getty Images)
Ông Roger Lynch, Giám đốc điều hành của Condé Nast, điều trần trước ủy ban Thượng viện trong một phiên điều trần về trí thông minh nhân tạo tại Tòa nhà Capitol Hoa Kỳ hôm 10/01/2024. (Ảnh: Kent Nishimura/Getty Images)

Tài trợ của chương trình Track F

Chương trình Track F trị giá 39 triệu USD là trọng tâm trong phân tích của báo cáo Quốc hội về nỗ lực có hệ thống của liên bang nhằm thay thế các thiết bị giám sát “thông tin sai lệch” sử dụng con người bằng các hệ thống kỹ thuật số do AI điều khiển có khả năng giám sát và kiểm duyệt toàn diện hơn rất nhiều.

“Các dự án do NSF tài trợ có nguy cơ giúp tạo ra một chế độ kiểm duyệt có thể can thiệp đáng kể vào các quyền Tu chính án thứ Nhất căn bản của hàng triệu người Mỹ và có khả năng làm như vậy theo cách tức thời và phần lớn là vô hình đối với các nạn nhân,” báo cáo của Quốc hội cảnh báo.

Báo cáo: Cách chính phủ sử dụng ‘Track F’ để tài trợ cho các công cụ kiểm duyệt

Trong quá trình NSF chào mời và sàng lọc hàng chục hồ sơ yêu cầu tài trợ mà họ nhận được để đáp lại lời kêu gọi đề xướng các dự án của họ, một nhóm của Đại học Michigan, với công cụ “WiseDex” của mình, đã thuyết phục được các quan chức liên bang dựa trên đề nghị giúp chính phủ “đặt trách nhiệm khó khăn của việc kiểm duyệt ra bên ngoài.”

Nhóm Michigan này là một trong bốn nhóm nhận tài trợ trong Track F được nêu bật trong báo cáo của Quốc hội. Tổng cộng có 12 bên nhận đã tham gia vào các hoạt động và tài trợ của Track F.

Nhóm thứ hai trong số bốn nhóm được nêu danh đến từ Meedan, một nhóm có trụ sở tại San Francisco tự mô tả mình là “một tổ chức bất vụ lợi toàn cầu về công nghệ chuyên xây dựng các sáng kiến phần mềm và chương trình nhằm củng cố nền báo chí, kiến thức kỹ thuật số, và khả năng tiếp cận thông tin trực tuyến và ngoại tuyến. Chúng tôi phát triển các công cụ nguồn mở để tạo và chia sẻ bối cảnh trên phương tiện kỹ thuật số thông qua chú thích, xác minh, lưu trữ, và dịch thuật.”

Trên thực tế, theo báo cáo của Quốc hội, Chương trình Co-Insights của Meedan sử dụng AI để xác định và chống lại “thông tin sai lệch” trên diện rộng.

Một minh họa mà nhóm cung cấp cho NSF trong bài thuyết trình yêu cầu tài trợ của mình là “thu thập dữ liệu” từ hơn 750,000 blog và bài báo truyền thông hàng ngày để tìm thông tin sai lệch và xác minh tính xác thực về các chủ đề như “làm suy yếu niềm tin vào truyền thông lâu năm”, “gieo rắc nỗi sợ hãi và những câu chuyện chống người Mỹ gốc Phi Châu,” và “làm suy yếu sự tham gia chính trị.”

Theo báo cáo của Quốc hội, Chương trình Co-Insights là “một phần trong mục tiêu dài hạn, lớn hơn nhiều của tổ chức bất vụ lợi này. Như ông [Scott] Hale, giám đốc nghiên cứu tại Meedan, đã giải thích trong thư điện tử gửi tới NSF, trong ‘thế giới trong mơ’ của ông ấy, Big Tech sẽ thu thập tất cả những nội dung bị kiểm duyệt để cho phép các nhà nghiên cứu ‘thông tin sai lệch’ sử dụng dữ liệu đó để tạo ra chương trình phát hiện ‘tự động’ để tự động kiểm duyệt bất kỳ phát ngôn tương tự nào.”

Cô Lexi Strong làm việc trong ‘chiến thất’ (war room) của Facebook, trong một cuộc biểu tình truyền thông ở Menlo Park, California, ngày 17/10/2018. (Ảnh: Noah Berger/AFP qua Getty Images)
Cô Lexi Strong làm việc trong ‘chiến thất’ (war room) của Facebook, trong một cuộc biểu tình truyền thông ở Menlo Park, California, ngày 17/10/2018. (Ảnh: Noah Berger/AFP qua Getty Images)

Nhóm nổi bật thứ ba đến từ Đại học Wisconsin và công cụ CourseCorreg của nhóm này đã nhận được 5.75 triệu USD tiền tài trợ từ NSF “để phát triển một công cụ nhằm ‘trao quyền cho các nỗ lực của các ký giả, lập trình viên, và công dân nhằm kiểm tra thực tế những thông tin gây mất uy tín’ về ‘tính liêm chính trong bầu cử và hiệu quả của vaccine’ trên mạng xã hội.”

Công cụ này “sẽ cho phép các nhà kiểm tra thực tế thực hiện kiểm tra vòng lặp nhanh chóng những thông điệp cần kiểm tra thực tế và theo dõi trong thời gian thực về hiệu suất của các thông điệp này trong các cộng đồng trực tuyến có nguy cơ tiếp xúc với thông tin sai lệch,” báo cáo của Quốc hội cho biết.

‘Các biện pháp can thiệp hiệu quả’ để giáo dục người Mỹ

Nhóm của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã phát triển công cụ “Search Lit” dưới sự tài trợ của chính phủ là nhóm thứ tư trong số những nhóm nổi bật mà được nhận tài trợ của NSF.

Báo cáo: Cách chính phủ sử dụng ‘Track F’ để tài trợ cho các công cụ kiểm duyệt

Các quan chức của NSF đã yêu cầu nhóm MIT “phát triển ‘các biện pháp can thiệp hiệu quả’ để giáo dục người Mỹ — đặc biệt là những người mà các nhà nghiên cứu của MIT cho rằng ‘có khả năng dễ bị tổn thương hơn trước các chiến dịch thông tin sai lệch’ — về cách phân biệt giữa sự thật và hư cấu trên mạng.”

Báo cáo của Quốc hội lưu ý: “Đặc biệt, nhóm MIT tin rằng những người có khuynh hướng bảo tồn truyền thống, người thiểu số, và cựu chiến binh đặc biệt không có khả năng đánh giá tính xác thực của nội dung trực tuyến.”

“Để xây dựng một ‘cộng đồng sáng suốt hơn về mặt kỹ thuật số’, nhóm Search Lit đã đề xướng các công cụ phát triển có thể trợ giúp quan điểm của chính phủ về các chính sách y tế công cộng trong đại dịch COVID-19 và về cuộc bầu cử năm 2020.”

Một nghiên cứu từ một trong những thành viên của nhóm MIT kể trên mô tả những người xem một số văn bản và tài liệu nhất định là thiêng liêng — đặc biệt là là Kinh Thánh và Hiến Pháp Hoa Kỳ — là những người “’thường tập trung vào việc đọc nhiều nguồn tài liệu gốc, và thực hiện việc tổng hợp của riêng họ,” và còn cáo buộc rằng, ‘không giống như những người đọc chuyên tham khảo nhiều nguồn,’ những người có khuynh hướng bảo tồn truyền thống đã ‘không nỗ lực như vậy’ để “loại bỏ thành kiến có thể làm sai lệch kết quả có được từ cụm từ tìm kiếm.”

Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), một trong những trường đại học nghiên cứu hàng đầu thế giới, đặc biệt về kỹ thuật và khoa học. (Ảnh: EQRoy/Shutterstock)
Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), một trong những trường đại học nghiên cứu hàng đầu thế giới, đặc biệt về kỹ thuật và khoa học. (Ảnh: EQRoy/Shutterstock)

Nói cách khác, báo cáo của Quốc hội cho biết: “Mối bận tâm của các nhà nghiên cứu là có những người Mỹ xem Hiến Pháp và Kinh Thánh là ‘thiêng liêng’ và do đó dám tiến hành nghiên cứu của riêng họ về ‘các nguồn tài liệu gốc’ thay vì tin tưởng vào ‘sự thống nhất chung của chuyên gia.’”

Các nhà quản lý Track F của NSF luôn kiểm soát chặt chẽ cách các bên nhận tài trợ theo chương trình này giải quyết các yêu cầu cung cấp thông tin của các hãng truyền thông, mô tả việc đưa tin trên các hãng truyền thông có khuynh hướng bảo tồn truyền thống là “thông tin sai lệch,” và yêu cầu các bên nhận tài trợ phải gửi thông cáo báo chí và các tài liệu liên quan cho chính phủ trước khi công bố.

Vào một thời điểm nào đó trong tháng 02/2023, một trong những người quản lý Track F đã gửi thư điện tử cho những người tham gia chương trình, nói với họ rằng “NSF không trả lời yêu cầu từ những người muốn tấn công các chương trình của chúng tôi hoặc các dự án của quý vị; có lẽ tốt nhất là quý vị cũng nên lờ những yêu cầu đó đi.”

Né tránh sự giám sát

Ngoài việc phớt lờ yêu cầu từ các hãng truyền thông, các yêu cầu mà các quan chức NSF cho là chỉ quan tâm đến việc “tấn công” các chương trình của họ, báo cáo của Quốc hội còn mô tả những nỗ lực sâu rộng của các nhà quản lý cơ quan này nhằm né tránh sự giám sát của Quốc hội.

Báo cáo: Cách chính phủ sử dụng ‘Track F’ để tài trợ cho các công cụ kiểm duyệt

Báo cáo của ủy ban chỉ trích NSF vì đã không cung cấp “một khối lượng tài liệu và thông tin đáng kể” như được yêu cầu hồi tháng 05/2023.

Báo cáo nêu chi tiết: “Cho đến nay, NSF chỉ cung cấp 294 trang cho ủy ban để đáp ứng các yêu cầu về tài liệu và thông tin liên quan đến chương trình Track F của mình và duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với phần lớn thông tin có liên quan.”

“Hết lần này đến lần khác, NSF nỗ lực che giấu chương trình kiểm duyệt Track F của mình khỏi người dân Mỹ, đào tạo các nhóm nghiên cứu về cách né tránh sự giám sát của giới truyền thông, và từ chối trả lời một cách thực chất các yêu cầu của Quốc hội.”

“Mức độ nỗ lực mà NSF đã thực hiện để bảo vệ việc nghiên cứu kiểm duyệt do người đóng thuế tài trợ của họ làm dấy lên mối lo ngại nghiêm trọng rằng NSF biết các hoạt động nghiên cứu của mình vi phạm Hiến Pháp và các quyền tự do dân sự căn bản.”

Một người đàn ông nhìn vào máy điện toán xách tay của mình trong Thư viện Công cộng New York ở thành phố New York vào ngày 05/10/2016. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)
Một người đàn ông nhìn vào máy điện toán xách tay của mình trong Thư viện Công cộng New York ở thành phố New York vào ngày 05/10/2016. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Mở rộng kiểm duyệt

Một loạt các nhà phê bình trong và ngoài Capitol Hill cho rằng chương trình tài trợ Track F của NSF chỉ là một mảnh ghép của cái gọi là tổ hợp công nghiệp-kiểm duyệt đang mở rộng liên tục.

Hồ sơ Twitter tiết lộ rằng phần nổi bật nhất bên phía chính phủ của tổ hợp công nghiệp-kiểm duyệt gồm FBI và CIA, cũng như các cơ quan độc lập như NSF. Phía này cũng gồm các văn phòng và chương trình quan trọng trong Bộ Quốc phòng, chẳng hạn như Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tân tiến Quốc phòng (DARPA), Cơ quan An ninh Mạng và Cơ sở Hạ tầng (CISA) của Bộ An ninh Nội địa, và Trung tâm Hợp tác Toàn cầu (GEC) của Bộ Ngoại giao.

Phía khu vực tư nhân của tổ hợp công nghiệp-kiểm duyệt gồm hàng trăm công ty công nghệ được chính phủ liên bang tài trợ toàn bộ hoặc một phần như Meedan, cũng như các tổ chức học thuật và bất vụ lợi như các nhóm tại MIT và các trường đại học Wisconsin và Michigan.

Ông Mike Benz, giám đốc điều hành của Tổ chức vì Tự do Trực tuyến và là một cựu quan chức Bộ Ngoại giao, tại Fort Lauderdale, Florida, ngày 19/01/2023. (Ảnh: Jack Wang/The Epoch Times)
Ông Mike Benz, giám đốc điều hành của Tổ chức vì Tự do Trực tuyến và là một cựu quan chức Bộ Ngoại giao, tại Fort Lauderdale, Florida, ngày 19/01/2023. (Ảnh: Jack Wang/The Epoch Times)

Ông Mike Benz, giám đốc điều hành của Tổ chức vì Tự do Trực tuyến, mô tả tổ hợp công nghiệp-kiểm duyệt là “bốn loại tổ chức trong xã hội cùng làm việc hướng tới mục tiêu chung là kiểm duyệt. Quý vị có chính phủ, khu vực tư nhân, xã hội dân sự, rồi đến các hãng truyền thông và kiểm tra thực tế.”

Ông Benz, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao, nói rằng khi các hội nghị về thông tin sai lệch được tổ chức, đại diện của cả bốn tổ chức thường sẽ tham dự. “Họ sẽ thương lượng xem sở thích và nhu cầu của mình là gì, họ sẽ trò chuyện với nhau về việc giúp đỡ để được giúp đỡ lại, họ sẽ tìm ra những thuật ngữ chung, những vấn đề chung mà họ đang gặp phải,” ông cho biết.

“Họ sẽ có những cánh cửa xoay vòng* ở cấp độ chuyên nghiệp. Những người giữ vai trò trong chính phủ về thông tin sai lệch, tin giả, và xuyên tạc, chẳng hạn như tại Bộ An ninh Nội địa (DHS), sẽ nhận được công việc tiếp theo tại German Marshall Fund (GMF) hoặc tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Kỹ thuật số của Hội đồng Đại Tây Dương, Liên minh Bảo tồn Nền dân chủ, Đại học Stanford. Đó là một con đường sự nghiệp; đó là một con đường dẫn tới quyền lực.”

(*Trong chính trị, hiện tượng cánh cửa xoay vòng hay “revolving door” là một tình huống trong đó nhân sự một mặt lưu chuyển giữa các vai trò là nhà lập pháp và quản lý, và mặt khác lại là nhân viên hoặc người vận động hành lang cho các ngành bị ảnh hưởng bởi luật pháp và quy định. Việc này tương tự như sự di chuyển của dòng người qua một cánh cửa xoay ngoài đời thực. Các nhà phân tích chính trị cho rằng một mối quan hệ không lành mạnh có thể phát triển giữa khu vực tư nhân và chính phủ, dựa trên việc trao các đặc quyền có đi có lại để gây bất lợi cho quốc gia và có thể dẫn đến nạn tham nhũng trong quy định).

Hai thành viên của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện, Dân biểu Thomas Massie đại diện cho Kentucky và Dân biểu Greg Steube đại diện cho Florida — đã đề ra những sửa đổi đối với dự luật phân bổ ngân sách cho các Bộ Thương mại, Khoa học, Tư pháp và Các Cơ quan Liên quan năm 2024, luật mà sẽ hủy bỏ việc tài trợ cho Track F và cấm các chương trình như vậy ở bất cứ nơi đâu trong chính phủ liên bang.

Ứng cử viên tổng thống Robert F. Kennedy Jr. đến dự một phiên điều trần của Hạ viện tại Capitol Hill ngày 20/07/2023. Các thành viên của ủy ban đã tổ chức phiên điều trần để thảo luận về các trường hợp chính phủ Hoa Kỳ bị cáo buộc kiểm duyệt công dân, nhân vật chính trị, và ký giả. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)
Ứng cử viên tổng thống Robert F. Kennedy Jr. đến dự một phiên điều trần của Hạ viện tại Capitol Hill ngày 20/07/2023. Các thành viên của ủy ban đã tổ chức phiên điều trần để thảo luận về các trường hợp chính phủ Hoa Kỳ bị cáo buộc kiểm duyệt công dân, nhân vật chính trị, và ký giả. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Bản sửa đổi của ông Massie quy định rằng không một khoản tiền nào trong dự luật có thể được sử dụng cho Track F của NSF.

Một trong những sửa đổi của ông Steube đã cấm tất cả các nhân viên liên bang “sử dụng quyền hạn hoặc ảnh hưởng chính thức của họ để kiểm duyệt ngôn luận được Hiến Pháp bảo vệ.”

Tuy nhiên, dự luật phân bổ đã bị vướng mắc không thể thông qua do Hạ viện không thể hoàn thành cả 12 dự luật chi tiêu lớn vào cuối năm 2023.

Bản sửa đổi của ông Steube có ngôn ngữ tương tự như Nghị quyết Hạ viện 140 (H.R. 140), được Hạ viện thông qua hồi tháng 02/2023, nhưng vẫn bị đình trệ ở Thượng viện.

Toàn bộ 219 thành viên Đảng Cộng Hòa có mặt đã bỏ phiếu cho Nghị quyết Hạ viện 140, Đạo luật Bảo vệ Ngôn luận khỏi Sự can thiệp của Chính phủ, trong khi 206 thành viên Đảng Dân Chủ có mặt tại đó đã phản đối đạo luật này.

Sức mạnh của cộng đồng tình báo

Ông J. Michael Waller, nhà phân tích chiến lược cấp cao tại Trung tâm Chính sách An ninh và là tác giả của cuốn sách “Ngành Tình báo Lớn: CIA và FBI đã đi từ những người hùng trong Chiến Tranh Lạnh đến các nhân vật phản diện trong Nhà Nước Ngầm như thế nào,” đã trích dẫn một lời cảnh báo năm 2017 của Lãnh đạo Đảng Dân Chủ tại Thượng viện đương thời Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) trong một cuộc phỏng vấn trên một hãng truyền thông như một ví dụ minh họa cho sức mạnh của tổ hợp công nghiệp-kiểm duyệt.

Báo cáo: Cách chính phủ sử dụng ‘Track F’ để tài trợ cho các công cụ kiểm duyệt

“Để tôi nói cho quý vị biết; quý vị mà động chạm đến cộng đồng tình báo, thì họ có đủ mọi cách để trả đũa quý vị. Vì vậy, ngay cả đối với một doanh nhân thực dụng, được cho là cứng rắn, ông ấy thực sự ngu ngốc khi làm điều này,” ông Schumer nói trên MSNBC, ám chỉ đến cựu Tổng thống Donald Trump.

Ông Waller nói: “Ở đây quý vị có người đàn ông quyền lực nhất tại Thượng viện trực tiếp thừa nhận rằng Quốc hội không có thẩm quyền đối với cộng đồng tình báo.”

“Trên thực tế, ông ấy đang nói rằng tổng thống Hoa Kỳ cũng không có thẩm quyền đối với cộng đồng tình báo. Điều mà ông Chuck Schumer muốn nói theo đúng nghĩa trên mặt chữ là cộng đồng tình báo đã trở thành một nhà nước bên trong một nhà nước và không có dân biểu nào được bầu theo Hiến Pháp có thể làm được bất cứ điều gì về việc đó.”

Khi được hỏi tổ hợp công nghiệp-kiểm duyệt ngày càng phát triển có ý nghĩa gì đối với cuộc sống thường nhật của người Mỹ, ông Waller nói rằng “mỗi khi chúng ta sử dụng một thiết bị liên lạc điện tử, sẽ có ai đó, ở đâu đó, lưu trữ từng từ, từng thao tác gõ phím và có thể sử dụng thông tin đó để ngoại suy chính xác vị trí, thời gian của chúng ta, chính xác những thứ chúng ta làm, chính xác những gì chúng ta muốn, tất cả những người thân, bạn bè, và những người mà chúng ta quen biết.”

“Họ có thể lập hồ sơ về tâm lý của chúng ta, họ có thể chạy phân tích dự đoán về hồ sơ tâm lý của chúng ta để dự đoán những gì chúng ta sắp làm. Họ có những ứng dụng khác vượt xa những gì chúng ta có thể tưởng tượng, và những thứ này đang ngày một phát triển hơn nữa. Và khi chúng ta đến lúc phải cản trở ngành công nghiệp và hệ tư tưởng của họ, họ có thể biến chúng ta thành thứ mà George Orwell gọi là ‘những kẻ vô nhân vị.’”

Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times