Bản tin đặc biệt

Hoa Kỳ giảm tài trợ, Ukraine tìm kiếm ‘người thay đổi cuộc chơi’

HOA THỊNH ĐỐN — Các lực lượng của Nga và Ukraine đang chiến đấu, đổ máu, và tử trận trong các chiến hào ở phía đông băng giá của châu Âu.

Tuy nhiên, với rất nhiều máu đã đổ ra, chuyện cuộc xung đột này kết thúc dường như vẫn còn xa vời, và không có ai trong giới cầm quyền tỏ ra tự tin rằng mọi việc sẽ diễn ra theo cách của họ.

Quân bài đặc biệt trong cả cuộc chiến này là Hoa Kỳ và câu hỏi là liệu cường quốc quân sự lớn nhất thế giới này có thể hoặc sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ an ninh trực tiếp cho Ukraine hay không.

Chỉ vài tháng trước còn cam kết sẽ tài trợ cho Ukraine miễn là nước này còn cần, chính phủ Tổng thống Biden hiện đang gặp khó khăn, và tiền bạc cho một cuộc chiến ở bên kia thế giới đã cạn kiệt.

Nga đang chờ đợi và háo hức nắm bắt cơ hội này để giành lấy những gì họ đã bị khước từ — chí ít, đó là những gì mà phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby đã nói.

Hồi tháng 12/2023, ông Kirby nói với The Epoch Times rằng, “Có những rủi ro đáng kể đối với lực lượng vũ trang Ukraine nếu viện trợ và trợ giúp ngoại quốc cạn kiệt và chúng tôi không thể tiếp tục giúp đỡ họ trong cuộc chiến của họ nữa.”

“Ukraine hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng từ phía Nga, đặc biệt là từ các cuộc không kích, phi cơ không người lái, và phi đạn nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của họ. Và chúng tôi biết rằng người Nga có ý định quay lại tấn công, đặc biệt là ở phía đông.”

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn hôm 04/01/2024. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn hôm 04/01/2024. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Ukraine đã chiến đấu hết mình và giành lại khoảng một nửa lãnh thổ bị chiếm giữ hồi ban đầu trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga. Nhưng ông Kirby lo ngại rằng “năng lực của Ukraine để tiếp tục tự vệ và giành lại lãnh thổ từ binh sĩ Nga” sẽ bị tổn hại nếu không có nguồn tài trợ bổ sung từ Hoa Kỳ.

“Họ đã giành lại hơn 50% lãnh thổ mà người Nga đã chiếm được trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến,” ông Kirby nói.

“Việc đó không đáng kể. Giờ đây, không chỉ nhờ vào sự can đảm và dũng cảm của họ, mà còn trông cậy rất nhiều vào Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo trên thế giới để nhận được viện trợ và trợ giúp trong đó.”

Một vấn đề đảng phái

Liệu Hoa Kỳ có tiếp tục trợ giúp hay không vẫn còn phải chờ xem.

Theo Bộ Quốc phòng, Hoa Kỳ đã cam kết viện trợ quân sự tổng cộng hơn 44 tỷ USD cho Ukraine kể từ tháng 02/2022, phần lớn trong số đó dưới hình thức Quyền Sử dụng Ngân sách Viện trợ của Tổng thống (PDA).

Khoản viện trợ này gồm Hoa Kỳ chuyển vũ khí trực tiếp sang Ukraine từ kho dự trữ của quốc gia và sau đó chi tiền để bổ sung thêm kho dự trữ của mình.

Ngũ Giác Đài sắp cạn kiệt ngân sách để bổ sung kho dự trữ, vì vậy hầu hết viện trợ quân sự cho Ukraine trong thời điểm hiện tại đã bị dừng lại.

Hồi tháng 10/2023, Tổng thống Joe Biden đề xướng gói chi tiêu bổ sung trị giá 105 tỷ USD cho Israel, Ukraine, và biên giới phía nam Hoa Kỳ. Trong số đó, khoảng 44.4 tỷ USD sẽ được chuyển trực tiếp thông qua Ngũ Giác Đài.

Dự luật bổ sung này đã bị đình trệ tại Quốc hội, nơi nổ ra một cuộc tranh chấp đảng phái về phạm vi và các ưu tiên của họ, khiến tương lai của sự viện trợ từ đất nước dành cho Ukraine bị đảo lộn.

Sự bế tắc của Quốc hội phản ánh sự ủng hộ rộng rãi của Hoa Kỳ đối với cuộc chiến, vốn bắt đầu bùng phát trong bối cảnh cuộc phản công được cường điệu hóa nhưng đang bị trì hoãn của Ukraine vào mùa thu năm ngoái.

Đội xe tăng Ukraine tham gia cuộc tập trận ở vùng Donetsk, Ukraine, hôm 15/12/2023. (Ảnh: Anatolii Stepanov/AFP qua Getty Images)
Đội xe tăng Ukraine tham gia cuộc tập trận ở vùng Donetsk, Ukraine, hôm 15/12/2023. (Ảnh: Anatolii Stepanov/AFP qua Getty Images)

Theo một cuộc khảo sát do Hội đồng Chicago về các Sự vụ Toàn cầu thực hiện hồi tháng 10/2023, khoảng một nửa số cử tri Đảng Cộng Hòa và hơn 3/4 cử tri Đảng Dân Chủ ủng hộ việc tiếp tục tài trợ cho Ukraine.

Tương tự, đa số thành viên Đảng Dân Chủ tin rằng Hoa Kỳ nên trợ giúp quân sự và kinh tế cho Ukraine trong thời gian quốc gia này giành lại được những vùng đất bị chiếm đóng; trong khi đa số thành viên Đảng Cộng Hòa tin rằng giới lãnh đạo Hoa Kỳ nên thúc giục Ukraine theo đuổi một giải pháp điều đình với Nga.

Hoa Kỳ giảm tài trợ, Ukraine tìm kiếm ‘người thay đổi cuộc chơi’

Tuy nhiên, ngay cả trong số các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Quốc hội cũng có sự bất đồng sâu sắc về việc nên chuyển viện trợ nào cho Ukraine và tại sao.

“Tôi không nghĩ rằng chúng ta nên tiếp tục viện trợ cho cuộc chiến Ukraine,” Thượng nghị sĩ J. D. Vance (Cộng Hòa-Ohio) nói với The Epoch Times. “Tôi nghĩ điều đó đang phá hủy đất nước chúng ta vào thời điểm này, có nghĩa là cuộc chiến dai dẳng đó đang hủy hoại đất nước này.”

Các thành viên Đảng Cộng Hòa khác đồng ý với sự cần thiết phải viện trợ cho Ukraine, nhưng tin rằng Tổng thống Biden nên tạo tiền lệ lớn hơn cho các vấn đề trong nước như bảo đảm biên giới phía nam.

Thượng nghị sĩ John Kennedy (Cộng Hòa-Los Angeles) nằm trong nhóm này và tin rằng việc chi tiêu bổ sung cho Ukraine là điều không thể chấp nhận được cho đến khi nào chính phủ Tổng thống Biden tính toán lại các ưu tiên chi tiêu của mình.

Thượng nghị sĩ John Kennedy (Cộng Hòa-Los Angeles) trong phiên điều trần ở Capitol Hill tại Hoa Thịnh Đốn vào ngày 29/03/2023. (Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)
Thượng nghị sĩ John Kennedy (Cộng Hòa-Los Angeles) trong phiên điều trần ở Capitol Hill tại Hoa Thịnh Đốn vào ngày 29/03/2023. (Ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)

“Việc này chẳng đi đến đâu, và sẽ không đem lại kết quả gì,” ông Kennedy nói với The Epoch Times về khoản chi tiêu bổ sung này.

“Đối với Tổng thống Biden, có một biên giới mở rộng quan trọng hơn viện trợ cho Ukraine, Đài Loan, hay Israel. Liệu điều đó sẽ thay đổi không? Tôi không biết.”

Các thành viên Đảng Dân Chủ cũng đang gặp khó khăn trong việc hình dung ra một con đường mới phía trước.

Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal (Dân Chủ-Connecticut) nói với The Epoch Times rằng việc nhanh chóng thông qua khoản tài trợ bổ sung là “khó xảy ra” nhưng ông vẫn “hy vọng” về một thỏa hiệp vào đầu năm nay.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ John Fetterman (Dân Chủ-Pennsylvinia) nói với The Epoch Times rằng ông “không biết” liệu yêu cầu bổ sung đó có được thông qua hay không nhưng Quốc hội nên phê chuẩn “viện trợ quan trọng” cho các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ, kể cả Ukraine và Israel.

Trợ lý Ngoại trưởng James O’Brien cho biết tại phiên điều trần vào ngày 08/11/2023 trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang “chơi trò chờ đợi.”

“Ông ấy nghĩ rằng nếu ông có thể đợi đến cuộc bầu cử của chúng ta hoặc đợi Ukraine mệt mỏi thì ông ấy có thể sống sót,” ông O’Brien nói. “Ông Putin nói rằng nếu chúng ta rời đi, Ukraine sẽ sụp đổ trong vài tuần nữa.”

Ukraine đang trong thế bế tắc

Hầu hết các chuyên gia không tin rằng Ukraine sẽ thất thủ trong vài tuần nếu không có Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, nhiều người tin rằng có thể quốc gia đang bị bao vây này sẽ rơi vào tình thế bế tắc tàn khốc với Nga và, đến một lúc nào đó, quốc gia này sẽ phải nhượng lại một số lãnh thổ của mình cho kẻ xâm lược.

Hoa Kỳ giảm tài trợ, Ukraine tìm kiếm ‘người thay đổi cuộc chơi’

Trong khi đó, Ukraine đã thúc đẩy các đối tác của mình cấp thêm tài trợ, và hôm 15/01, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã có mặt tại Davos, Thụy Sĩ, để đề nghị Hội nghị thượng đỉnh Hòa bình Toàn cầu vạch ra con đường hướng tới chiến thắng cho quốc gia mình.

Ông Peter Rough, giám đốc Trung tâm Âu Châu và Á-Âu tại Viện Hudson, một tổ chức tư vấn theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống, cho biết Ukraine hoàn toàn không có một chiến lược khả thi nào để giành chiến thắng nếu không có các chuyến viện trợ vũ khí quốc tế tương tự như Hoa Kỳ cung cấp.

“Trợ giúp an ninh của Hoa Kỳ là cần thiết cho Ukraine,” ông Rough nói với The Epoch Times trong một thư điện tử. “Không có con đường phía trước mà không có sự trợ giúp này.”

Quân nhân Ukraine di chuyển thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất tại Phi trường Boryspil ở Kyiv, Ukraine, vào ngày 13/02/2022. (Ảnh: Sergei Supinsky/AFP qua Getty Images)
Quân nhân Ukraine di chuyển thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất tại Phi trường Boryspil ở Kyiv, Ukraine, vào ngày 13/02/2022. (Ảnh: Sergei Supinsky/AFP qua Getty Images)

Theo ông Pavel Baev, giáo sư nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo ở Na Uy, Ukraine có thể tiếp tục chiến đấu và làm Nga đổ máu mà không có vũ khí của Hoa Kỳ, nhưng điều đó sẽ bị hạn chế.

“Ukraine có thể phòng thủ trước các cuộc tấn công mới của Nga, nhưng chắc chắn nhất sẽ không thể phát động một cuộc phản công mới nếu không có sự trợ giúp quân sự đáng kể và bền vững của Hoa Kỳ,” ông Baev nói với The Epoch Times trong một thư điện tử.

Ông Baev nói rằng Ukraine có thể phải chật vật trong điều kiện mùa đông và mùa xuân khắc nghiệt nếu không có thêm viện trợ của Mỹ nhưng sẽ khó có thể đối đầu trực tiếp với Nga trong các chiến dịch quân sự vào mùa hè tới.

“Việc tạm dừng, giống như điều đang xảy ra hiện nay, là vô ích nhưng không phải là thảm họa … [nhưng] việc Hoa Kỳ cắt vĩnh viễn sự trợ giúp sẽ mang lại cho Nga một lợi thế lớn cho chiến dịch mùa hè.”

Tương tự, ông Dakota Wood, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Heritage Foundation cho biết “rất khó có chuyện” Ukraine có thể tiếp tục tiến hành nỗ lực chiến tranh xâm lược mà không có sự trợ giúp của Hoa Kỳ.

Ông cho rằng Ukraine có thể gây tổn hại nặng nề cho lực lượng Nga nhưng không thể đẩy họ ra khỏi các vùng lãnh thổ phía đông đã bị chiếm đóng.

“Nếu Hoa Kỳ ngừng trợ giúp, Ukraine có thể tìm mọi cách tiếp tục chống lại Nga trong một thời gian, khiến Nga không thể tiến sâu hơn vào Ukraine, nhưng cũng không thể đánh bật Nga ra khỏi vùng lãnh thổ mà quốc gia này kiểm soát và Ukraine có thể sẽ tổn thất nhiều hơn, đặc biệt là dọc theo duyên hải Hắc Hải,” ông Wood nói trong thư gửi tới The Epoch Times.

Ông Baev và ông Wood đồng ý rằng chỉ với sự trợ giúp của châu Âu, Ukraine mới có thể bảo vệ lãnh thổ hiện tại của mình trong một thời gian tới.

Tuy nhiên, sự trợ giúp của châu Âu không được bảo đảm và nếu sự trợ giúp của Hoa Kỳ chùn bước, thì các nhà lãnh đạo Âu Châu có thể sẽ làm điều tương tự.

Hoa Kỳ giảm tài trợ, Ukraine tìm kiếm ‘người thay đổi cuộc chơi’

“Nhìn chung châu Âu cung cấp nhiều trợ giúp hơn Hoa Kỳ,” ông Wood nói. “Cùng với sự trợ giúp từ Hoa Kỳ và các nước Âu Châu đã giúp Ukraine ban đầu đẩy lùi Nga và sau đó làm nản lòng những nỗ lực của Nga nhằm đạt được mục tiêu của mình.”

“Tuy nhiên, chỉ riêng sự trợ giúp từ châu Âu sẽ không cung cấp được thiết bị và đạn dược cần thiết cho nỗ lực của Ukraine nhằm duy trì các hoạt động chống lại Nga.”

Ukraine có thể cần trợ giúp an ninh trong bao lâu là một điểm gây bàn cãi. Một số quan chức Âu Châu tin rằng việc vận chuyển vũ khí tới Ukraine sẽ phải tiếp tục trong nhiều năm.

Cố vấn an ninh quốc gia của Cộng hòa Séc Tomas Pojar nói với các phóng viên ở Hoa Thịnh Đốn vào tháng 10/2023: “Chúng tôi thực sự phải có vũ khí trong thời gian lâu dài và tôi nghĩ rằng dòng vũ khí đến Ukraine phải ở đó thêm 10 năm nữa.”

“Tôi không nói rằng sẽ còn giao tranh thêm 10 năm nữa, nhưng để giữ cho Nga càng xa biên giới của chúng tôi càng tốt thì điều này sẽ phải được duy trì.”

Một tân binh người Ukraina (phải) nhìn qua kính ngắm của phi đạn đất đối không khi một viên huấn luyện người Anh đang quan sát, trong một buổi huấn luyện tại hiện trường với lực lượng vũ trang Vương quốc Anh ở Anh vào ngày 11/10/2022. (Ảnh: Leon Neal/Getty Images)
Một tân binh người Ukraina (phải) nhìn qua kính ngắm của phi đạn đất đối không khi một viên huấn luyện người Anh đang quan sát, trong một buổi huấn luyện tại hiện trường với lực lượng vũ trang Vương quốc Anh ở Anh vào ngày 11/10/2022. (Ảnh: Leon Neal/Getty Images)

Sự phụ thuộc vào hệ thống vũ khí ngoại quốc

Một sự cân nhắc quan trọng đối với nhiều người đang tính toán khả năng tiếp tục hoạt động của Ukraine là việc nước này tiếp tục phụ thuộc vào các hệ thống vũ khí của Hoa Kỳ.

Ông Sam Kessler, cố vấn địa chính trị của công ty tư vấn rủi ro North Star Support Group, tin rằng Ukraine sẽ cần phải định hình lại chiến thuật và chiến lược của mình một cách mạnh mẽ để tiếp tục cuộc chiến mà không cần tiếp cận vũ khí của Mỹ.

“Điều này rất có thể sẽ dẫn đến sự gia tăng các hoạt động chiến tranh bất đối xứng cũng như gia tăng chiến tranh ở đô thị,” ông Kessler nói.

Ông cho biết, giới lãnh đạo ở Nga, Ukraine, và Hoa Kỳ dường như nhận thức sâu sắc về sự phụ thuộc này. Bản thân sự nhận thức đó “có thể có thể tác động đến cách thức mà tất cả các bên tham gia vào cuộc chiến cũng như các vòng đàm phán hòa bình trong tương lai của các bên tham chiến.”

Ông cho rằng sự thay đổi trong việc tài trợ của Hoa Kỳ có thể là “một yếu tố thay đổi cuộc chiến quan trọng” và buộc các đối tác Âu Châu “rút lại các cam kết của họ hoặc nâng cấp các tổ hợp công nghiệp – quân sự của riêng họ cho cuộc xung đột này hoặc những cuộc xung đột trong tương lai.”

Kyiv không phải là không có ngành công nghiệp riêng. Hồi tháng 12/2023, Tổng thống Zelenskyy cho biết rằng ông đặt mục tiêu cho Ukraine sản xuất trong nước hơn 1 triệu phi cơ không người lái cho quân đội vào năm tới.

Tuy nhiên, quốc gia này còn xa mới có thể sản xuất hàng loạt hệ thống pháo, chống tăng, và chống hỏa tiễn của riêng mình. Tương tự như vậy, hiện tại liên minh NATO nói chung trong vòng một năm không sản xuất được một nửa số lượng đạn pháo mà Ukraine tìm cách có được cho chính mình.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói chuyện trong một cuộc họp báo ở Kyiv vào ngày 03/03/2022. (Ảnh: Sergei Supinksy/AFP qua Getty Images)
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói chuyện trong một cuộc họp báo ở Kyiv vào ngày 03/03/2022. (Ảnh: Sergei Supinksy/AFP qua Getty Images)

Theo ông Wood, Ukraine cũng sẽ cần xem xét sự phụ thuộc của mình vào các hệ thống khác, chẳng hạn như các vệ tinh của Hoa Kỳ là cần thiết trong việc chụp ảnh, nhắm mục tiêu, và liên lạc, điều mà Ukraine hoàn toàn không thể tự mình trang bị được.

“Trong khi các quốc gia Âu Châu sản xuất các hệ thống và lượng vũ khí tương tự (ví dụ như hệ thống không gian), thì họ có số lượng và năng lực rất hạn chế để nhanh chóng tăng cường sản xuất nhằm bù đắp sự mất mát lượng vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp,” ông Wood cho biết.

Tác động đến Hoa Kỳ

Giới lãnh đạo Hoa Kỳ cũng phải cạnh tranh với vị thế địa chính trị của mình nếu rút lui khỏi vấn đề Ukraine.

Ông Wood nói: “Câu hỏi cuối cùng là rủi ro nào đối với lợi ích của Hoa Kỳ sẽ được tạo ra trong trường hợp Nga đạt được các mục tiêu của mình.”

Ông cho rằng việc chấp nhận một thỏa thuận thương lượng với Nga vào thời điểm này có thể khuyến khích chủ nghĩa phiêu lưu quân sự hơn nữa từ Nga hoặc các cường quốc độc tài khác như Trung Quốc, Iran, hoặc Bắc Hàn.

Điều lo ngại lớn nhất là việc Ukraine thua cuộc sẽ khiến Hoa Kỳ mất đi ảnh hưởng ở ngoại quốc, làm giảm khả năng định hướng các sự kiện ở những khu vực có tầm quan trọng chiến lược.

“Rất khó để có được câu trả lời cho những câu hỏi này, nhưng trong chừng mực Hoa Kỳ rút lui khỏi việc trợ giúp Ukraine, cơ hội sẽ được tạo ra cho các đối thủ cạnh tranh của Mỹ mà lẽ ra sẽ không tồn tại,” ông Wood nói.

“Điều này có thể sẽ giúp các đối thủ cạnh tranh dễ dàng khai thác nhận thức về sự yếu kém của Mỹ và sự suy giảm hiện diện trong khu vực.”

Tương tự, ông Kessler nói rằng bất cứ điều gì Hoa Kỳ quyết định làm về việc tài trợ cho Ukraine sẽ gửi “một thông điệp tới các đối thủ và đồng minh của họ về sức mạnh trong tương lai, khả năng khai triển sức mạnh và ảnh hưởng trong một hệ thống quốc tế đang trở nên đa cực và cạnh tranh hơn.”

Binh sĩ Bắc Hàn tuần tra gần thị trấn Sinuiju qua biên giới từ Đan Đông, Trung Quốc, vào ngày 10/02/2016. (Ảnh: Johannes Eisele/AFP qua Getty Images)
Binh sĩ Bắc Hàn tuần tra gần thị trấn Sinuiju qua biên giới từ Đan Đông, Trung Quốc, vào ngày 10/02/2016. (Ảnh: Johannes Eisele/AFP qua Getty Images)

Ông Baev cho rằng nếu Hoa Kỳ quay lưng với Ukraine, điều đó có thể cản trở rất lớn đến khả năng của Hoa Kỳ trong việc xây dựng các liên minh quốc tế sau này, chẳng hạn như trong nỗ lực chống lại sự xâm lược của cộng sản Trung Quốc.

“Viễn cảnh Hoa Kỳ ngừng trợ giúp cho Ukraine thực sự có những rủi ro nghiêm trọng đối với lợi ích an ninh của Hoa Kỳ, và việc không đẩy lùi cũng như trừng phạt hành động xâm lược của Nga có thể dẫn đến sự suy yếu của NATO và làm tổn hại đến mối liên hệ an ninh xuyên Đại Tây Dương,” ông Baev cho biết.

“Điều này sẽ mang lại sự khích lệ mạnh mẽ cho các nhà độc tài khác … và Trung Quốc sẽ là bên chiến thắng chủ yếu sau thất bại do Hoa Kỳ tự gây ra.”

Tương lai của Ukraine

Rõ ràng là việc Hoa Kỳ có trợ giúp cho Ukraine hay không sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định cuộc chiến sẽ kết thúc như thế nào.

Trong tương lai có thể Ukraine sẽ lấy lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của mình. Có thể hơn nữa là nước này sẽ phải chịu số phận tương tự như Phần Lan những năm 1930, nước đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Liên Xô nhưng phải trả giá đắt và mất đất đai.

Hoa Kỳ giảm tài trợ, Ukraine tìm kiếm ‘người thay đổi cuộc chơi’

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một cuộc họp báo hôm 20/10/2023 rằng ông Putin đã thất bại trong mục tiêu chính của mình là “Xóa [Ukraine] khỏi bản đồ, đưa nước này sáp nhập [vào] Nga.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói chuyện trong một cuộc họp báo ở Tel Aviv, Israel, hôm 17/10/2023, (Ảnh: Jacquelyn Martin/Pool/AFP qua Getty Images)
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói chuyện trong một cuộc họp báo ở Tel Aviv, Israel, hôm 17/10/2023, (Ảnh: Jacquelyn Martin/Pool/AFP qua Getty Images)

Tuy nhiên, mới đây ông Putin nói rằng “không có tương lai” cho Ukraine nếu không có Nga và rằng Ukraine không thể tiếp tục là một quốc gia có chủ quyền trừ phi “có mối quan hệ hợp tác với Nga.”

Ông cũng tuyên bố rằng Ukraine thuộc về “lãnh thổ lịch sử” của Nga, một thuật ngữ dùng để chỉ hầu hết vùng đất trước đây do Liên Xô và Đế quốc Nga kiểm soát.

Để đạt được mục đích đó, các lực lượng Nga đã cố ý nhắm mục tiêu vào những thường dân ở Ukraine, những người đã góp phần tạo nên bản sắc dân tộc Ukraine. Đáng chú ý nhất là vụ tấn công trong ngày đầu năm mới vào một trường đại học và bảo tàng nhằm tìm cách phá hủy các tòa nhà lịch sử có liên quan đến cuộc kháng chiến của chủ nghĩa dân tộc Ukraine chống lại Liên Xô.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, cả hai quốc gia đều đang chịu thương vong nặng nề, cạn kiệt binh lính, và có nguy cơ mất đi mọi sự ủng hộ của người dân để tiến hành các chiến dịch xâm lược.

Ukraine đang tìm cách để nửa triệu nam giới nhập ngũ sau những tổn thất gần đây. Tình trạng của Nga cũng không khá hơn là bao và hiện đang hứa hẹn cấp quyền công dân cho những người ngoại quốc đồng ý chiến đấu nhân danh quốc gia này.

Dù viện trợ của Hoa Kỳ đi theo hướng nào đi nữa thì thực tế là hiện tại điều đó vẫn chưa được khai triển.

Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Thiếu tướng Pat Ryder cho biết trong cuộc họp báo ngày 04/01: “Chúng ta không còn ngân sách bổ sung nữa.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp qua hội nghị từ xa ở Moscow hôm 10/03/2022. (Ảnh: Mikhail Klimentyev/SPUTNIK/AFP qua Getty Images)
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp qua hội nghị từ xa ở Moscow hôm 10/03/2022. (Ảnh: Mikhail Klimentyev/SPUTNIK/AFP qua Getty Images)

“Chúng tôi có thẩm quyền chi [4.2 tỷ USD] từ nguồn ngân sách sẵn có nhưng sẽ không có khả năng bổ sung cho kho hàng bằng cách rút bớt tiền hoặc lấy hàng hóa ra khỏi kho của chúng tôi.”

Mặc dù vậy, trong cuộc họp báo hôm 04/01, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller vẫn tiếp tục cam kết trợ giúp.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục trợ giúp Ukraine … miễn là cần thiết,” ông Miller cho biết. “Điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ tiếp tục trợ giúp họ ở mức tài trợ quân sự tương tự như chúng tôi đã làm vào năm 2022 và 2023.”

Hiện tại, và có thể trong thời gian dài sắp tới, Ukraine sẽ cần phải dựa vào khả năng của chính mình, và thực hiện những điều phải làm để tồn tại.

Bản tin có sự đóng góp của Emel Akan và Joseph Lord

Doanh Doanh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times