Bản tin đặc biệt

​​Mạng lưới phát thanh phủ sóng rộng khắp mà tường lửa của Trung Quốc không thể ngăn chặn

Bị giam bên trong nhà tù đông đúc ở Trung Quốc, luật sư khiếm thị Trần Quang Thành (Chen Guan Cheng) đã giấu tài sản quý giá nhất của mình trong một hộp sữa dùng một lần, không để cho cai ngục biết.

Đó là một chiếc đài vô tuyến (radio) sóng ngắn bỏ túi.

Suốt ba năm, ông Trần luôn mong chờ đến những giây phút sau giờ giới nghiêm. Với một chiếc mền trùm kín đầu và ăng-ten kim loại của chiếc radio đặt dọc thân mình, ông thì nằm yên lặng, còn chiếc máy phát thanh kia được đặt bên tai sẽ mang đến cho ông cuộc sống từ thế giới bên ngoài bức tường của nhà tù. Những người thỉnh nguyện, những người biểu tình, những cuộc đàn áp nhân quyền, một phong trào đại chúng nhằm cắt đứt sự liên đới với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) — qua giọng nói thì thầm nho nhỏ đó, ông đã nhìn thấy tất cả. Ông được tự do.

Hơn một thập niên kể từ khi ông Trần đào thoát sang Hoa Kỳ, số lượng các đài phát thanh phương Tây dành cho những người Trung Quốc khao khát thông tin như ông đã giảm đáng kể.

​​Mạng lưới phát thanh phủ sóng rộng khắp mà tường lửa của Trung Quốc không thể ngăn chặn

Các đài phát thanh lớn như BBC, Deutsche Welle, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã cắt giảm phát sóng ở Trung Quốc hoặc chuyển các chương trình lên mạng trực tuyến. Trong khi đó, “Vạn Lý Tường Lửa” (“Great Firewall”), bộ máy kiểm duyệt của nhà cầm quyền Trung Quốc nhằm cô lập Trung Quốc về mặt kỹ thuật số, dường như ngày càng lớn hơn.

Đi ngược lại xu hướng này là một mạng lưới vô tuyến có tên là Đài Phát thanh Hy Vọng (Sound of Hope, SOH), phần lớn do tình nguyện viên điều hành, có khung giờ phát sóng vào lúc 10 giờ tối và nửa đêm. Nhờ đó mà ông Trần nhận được thông tin về các vấn đề thời sự ở Trung Quốc trong những năm ông bị cầm tù.

Hiện nay, công ty này tự hào là một trong những mạng lưới phát thanh ngắn lớn nhất phủ khắp Trung Quốc, với khoảng 120 đài truyền tín hiệu liên tục tới Trung Quốc.

Ông Tăng Dũng (Allen Zeng), người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Đài Phát thanh Hy Vọng, xem sóng ngắn là giải pháp cho tình trạng ngắt tín hiệu thông tin của nhà cầm quyền.

Ông Tăng Dũng, người đồng sáng lập kiêm CEO của Đài Phát thanh Hy Vọng (Jennifer Zeng/The Epoch Times)
Ông Tăng Dũng, người đồng sáng lập kiêm CEO của Đài Phát thanh Hy Vọng (Jennifer Zeng/The Epoch Times)

“Họ có thể ngắt Internet, thực hiện hành vi sát nhân, lau sạch vết máu, rồi cho kết nối Internet lại,” ông nói với The Epoch Times, đồng thời cho thấy mô hình chặn Internet của Iran trong các cuộc biểu tình trên toàn quốc.

Tuy nhiên, ông Tăng cho biết, với đài vô tuyến sóng ngắn, “họ không biết ở đâu để mà tắt đi.”

“Giống như mưa từ trên trời rơi xuống vậy — không có cách nào che trời được.”

Một tiếng nói đáng tin cậy

Một hành trình không tưởng bắt đầu vào năm 2004 dành cho ông Tăng, khi đó là một kỹ sư ở Thung lũng Silicon.

Bên trong Trung Quốc, một chiến dịch rầm rộ trên toàn quốc đã được tiến hành, nhắm vào gần như 1 trong 13 người Trung Quốc sống theo chân, thiện, nhẫn — ba nguyên lý của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công.

Việc bỏ tù tùy tiện, lao động nô lệ, lạm dụng thuốc tâm thần, và lạm dụng tình dục — những câu chuyện lan truyền từ Trung Quốc đủ kinh khủng đến mức ông Tăng và một nhóm người Trung Quốc xa xứ có cùng chí hướng cảm thấy họ không thể khoanh tay đứng nhìn được nữa.

(Trái) Công an bắt giữ một học viên Pháp Luân Công khi đám đông tụ tập quanh Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 01/10/2000. (Phải) Hai công an Trung Quốc bắt giữ một học viên Pháp Luân Công tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 10/01/2000. (Ảnh: Chien-Min Chung/AP Photo)
(Trái) Công an bắt giữ một học viên Pháp Luân Công khi đám đông tụ tập quanh Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 01/10/2000. (Phải) Hai công an Trung Quốc bắt giữ một học viên Pháp Luân Công tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 10/01/2000. (Ảnh: Chien-Min Chung/AP Photo)

“Chúng tôi phải làm gì đó về chuyện này. Chúng tôi phải ngăn chặn việc sát nhân này,” ông nói.

“Chín Bài Bình Luận về Đảng Cộng Sản,” một loạt bài xã luận vạch trần bản chất thực sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Ảnh minh họa của The Epoch Times)
“Chín Bài Bình Luận về Đảng Cộng Sản,” một loạt bài xã luận vạch trần bản chất thực sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc. (Ảnh minh họa của The Epoch Times)

Điều đầu tiên nghĩ đến là chiếc đài vô tuyến sóng ngắn vốn là một thiết bị gia dụng ở Trung Quốc kể từ thời Chiến tranh Lạnh, một thiết bị mà vào năm 1989, ông Tăng và các sinh viên đại học khác đã sử dụng để tìm kiếm thông tin khi chính quyền cho những chiếc xe tăng cán qua những người biểu tình yêu chuộng dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn.

“Bởi vì không có gì khác có thể tin cậy được,” ông nói.

Với một ít kinh phí và kiến thức kỹ thuật, nhóm bắt đầu với quy mô nhỏ: thuê một giờ phát sóng từ đài phát thanh quốc gia Đài Loan Radio Taiwan International.

Vào khoảng thời gian đó, “Chín Bài Bình Luận về Đảng Cộng Sản,” một loạt bài xã luận của Epoch Times giải thích bản chất của chế độ cộng sản Trung Quốc, vừa được xuất bản, và Đài Phát thanh Hy Vọng đã cho phát sóng dưới dạng âm thanh.

Đây là một sự thành công ở Bắc Kinh đến mức những chiếc đài radio sóng ngắn đã hết hàng trong nhiều tháng.

Những lời phúc đáp, đôi khi là những lời động viên từ những thính giả đã vượt qua được sự kiểm duyệt Internet của Trung Quốc đã giúp nhóm của ông Tăng tiếp tục phát triển. Những người bất đồng chính kiến đã tham gia vào và các chương trình được đa dạng hóa. Chẳng bao lâu, họ đã trở thành nhà thầu lớn nhất của đài phát thanh quốc gia Đài Loan Radio Taiwan International.

Do dữ liệu từ Trung Quốc không rõ ràng nên khó mà đo lường được quy mô khán giả của mạng lưới này.

Nhưng SOH đã bắt đầu có sức ảnh hưởng đến mức đã thu hút sự chú ý của Bắc Kinh. Chính quyền Trung Quốc bắt đầu gây áp lực lên đối tác Đài Loan của mạng lưới vô tuyến này.

Cuối cùng, đài phát thanh Đài Loan đã rút lui. SOH đã trở lại như cũ.

‘Bước đi trong bóng tối’

Từ bỏ không có trong vốn từ vựng của ông Tăng.

Khi mối quan hệ hợp tác với Đài Loan rạn nứt, các kỹ sư đã chạy đua để phát triển các giải pháp của riêng mình. Họ lấy cảm hứng từ sóng vô tuyến của tàu đánh cá để chế tạo máy phát sóng của riêng mình.

Kết quả là một tòa tháp nhỏ được đặt tại Đài Loan với các ăng-ten hướng lên trên và xòe ra như đôi cánh. Họ đặt biệt danh cho thiết bị này là “Hải Âu” (“Seagull”).

Nhóm nghiên cứu đặt thiết bị này ở tầm thấp. Đài “Hải Âu” đầu tiên có mức công suất 100 watt — một phần ngàn dịch vụ vô tuyến nhỏ nhất mà họ đã thuê từ đài phát thanh Đài Loan.

“Đó là thứ duy nhất chúng tôi có thể mua được,” ông Tăng nói.

“Hải Âu” số 1 chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, và nhiều phiên bản kế tiếp của thiết bị này cũng vậy. Chính quyền Trung Quốc nhanh chóng gây nhiễu tín hiệu của những thiết bị này. Nhưng đối với nhóm, đó là một khám phá quan trọng: Ở mức 100 watt, tín hiệu vẫn có thể được nghe thấy.

Ông Trần Quang Thành, luật sư và là nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc

Các đài phát sóng của SOH gần Trung Quốc vào năm 2014 và 2015. (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của ông Tăng Dũng)
Các đài phát sóng của SOH gần Trung Quốc vào năm 2014 và 2015. (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của ông Tăng Dũng)

Họ tiếp tục sản xuất và điều chỉnh thiết bị của mình với mỗi sản phẩm mới.

“Việc đó giống như đi trong bóng tối vậy — chúng tôi không biết liệu có một tia hy vọng nào hay không,” ông Tăng nói.

Cuối cùng, ở lần thử thứ 16, họ đã chứng kiến một sự đột phá. Tín hiệu đã xuyên qua và duy trì ổn định.

Ông Tăng cho rằng hiện tại họ đã phá hủy toàn bộ lực gây nhiễu từ Trung Quốc.

“Chúng tôi đã áp đảo được họ rất nhiều,” ông nói. “Họ không thể di chuyển nhanh như chúng tôi.”

Sự mở rộng

Bỏ qua những thách thức về kỹ thuật, việc đưa các đài phát sóng đi vào hoạt động không phải là điều dễ dàng.

Vùng hoang vu ít người lui tới, nơi tốt nhất để tín hiệu truyền đi mà không bị gián đoạn, cũng là nơi ẩn náu của những loài bò sát đáng sợ, từ bọ cạp đến rắn rít. Ông Hsieh Shih-mu, một tình nguyện viên, trong khi chế tạo một số đài “Hải Âu” đầu tiên nhất ở cực nam Đài Loan, đã từng giẫm phải một con rắn và nhìn thấy nhiều con rắn khác. Nhiều lúc, sau khi loạng choạng đi xe máy về nhà trên con đường núi tối đen như mực, người ông đầy vết muỗi chích.

Sau cơn mưa, con đường hẹp và lầy lội trở nên nguy hiểm hơn nữa. Có một lần, một tình nguyện viên khác suýt ngã xuống đồi — và hẳn anh sẽ ngã xuống nếu không có cành cây ven đường đỡ lấy xe máy của anh. Người ta phải gọi xe kéo để kéo anh lên.

​​Mạng lưới phát thanh phủ sóng rộng khắp mà tường lửa của Trung Quốc không thể ngăn chặn

Trộn bê tông, hàn kim loại, và dựng trụ được phối hợp nhịp nhàng với nhau để có kết quả tốt nhất. Nếu sai một bước, sinh mạng của họ sẽ gặp nguy hiểm.

Ngay cả sau khi một tháp vô tuyến được dựng lên và hoạt động, các bộ phận trở nên cũ kỹ và hỏng hóc. Sự can thiệp của Bắc Kinh, động vật hoang dã, thời tiết khắc nghiệt, bất cứ điều gì cũng đều có thể gây cản trở. Phải luôn có người theo dõi tín hiệu liên tục, sẵn sàng giải quyết mọi trục trặc.

“Chúng tôi không biết chúng tôi có được tác động bao nhiêu nhưng chúng tôi nghe nói rằng đây là điều có thể thực hiện được nên chúng tôi bắt đầu thực hiện,” ông Hsieh nói với The Epoch Times. “Và chúng tôi đã tiếp tục làm điều đó.”

Vị trí nơi ông Hsieh Shih-mu xây dựng đài phát sóng ở miền nam Đài Loan, hôm 31/01/2024. Con đường được trải nhựa từ năm 2015. (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của ông Hsieh Shih-mu)
Vị trí nơi ông Hsieh Shih-mu xây dựng đài phát sóng ở miền nam Đài Loan, hôm 31/01/2024. Con đường được trải nhựa từ năm 2015. (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của ông Hsieh Shih-mu)

Vị trí nơi ông xây dựng đài phát sóng nằm trên đỉnh một ngọn núi cách đất liền một eo biển, bao phủ vùng đồng bằng sông Châu Giang phía nam Trung Quốc, một trung tâm kinh tế và sản xuất quan trọng của Trung Quốc.

​​Mạng lưới phát thanh phủ sóng rộng khắp mà tường lửa của Trung Quốc không thể ngăn chặn

Ngày nay, theo một “ước tính khiêm tốn,” ông Tăng tin rằng toàn bộ mạng lưới vô tuyến sẽ phủ sóng tới 60% [lãnh thổ] Trung Quốc và 80% dân số nước này, bao gồm cả Tây Tạng và Tân Cương vốn bị giám sát chặt chẽ.

Theo ông Tăng, Đài Phát thanh Hy Vọng tạo ra doanh thu thông qua các hoạt động có trụ sở tại Hoa Kỳ, như từ việc cho các mạng vô tuyến khác thuê, và từ các khoản quyên góp.

Với 120 đài phát sóng bao quanh Trung Quốc, mạng lưới “Hải Âu” lớn gấp mấy lần Đài Tiếng nói Hoa Kỳ và Đài Á Châu Tự do, mà theo ông Tăng là ngay cả khi cả hai mạng lưới này đều nhận được tiền từ người đóng thuế để duy trì hoạt động.

Những đòn tấn công

Không thể chặn sóng của Đài Phát thanh Hy Vọng trên bầu trời, ĐCSTQ chuyển sang nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng của mạng lưới này trên mặt đất.

Sau khi theo dõi các tín hiệu để tìm ra vị trí của các đài “Hải Âu,” các đặc vụ của chính quyền này đã gây áp lực buộc các nước sở tại phải xóa mạng lưới vô tuyến này khỏi bản đồ.

Một mục tiêu là đài “Hải Âu” của Đài Phát thanh Hy Vọng ở miền bắc Thái Lan. Theo doanh nhân Đài Loan Chiang Yun-hsin, người giám sát hoạt động ở đó, vào tháng 08/2018, đài phát sóng này đã bị cảnh sát đột kích. Họ tháo dỡ thiết bị và lấy đi mọi thứ từ đài phát sóng, thậm chí cả quạt điện.

“Thật bàng hoàng,” ông nói với The Epoch Times.

Ông Chiang bị bắt vào tháng Mười Một năm đó và bị đưa đến một đồn cảnh sát Bangkok trong đêm.

Sau khi bị bắt, ông Chiang được biết từ một trong các cảnh sát rằng công an Trung Quốc đã xác định được văn phòng của họ thông qua hình ảnh vệ tinh. Công an Trung Quốc quyết tâm hành động đến mức họ đã bay tới Bangkok để yêu cầu những người đồng cấp Thái Lan gỡ bỏ mạng lưới này. Công tố viên sau đó nói với luật sư của ông rằng Đại sứ quán Trung Quốc kiên quyết đưa ông vào tù.

“Họ muốn lấy tôi làm gương,” ông Chiang nói.

Ông Chiang, một người tu luyện Pháp Luân Công, cho biết chính quyền Trung Quốc đã cố gắng tạo ra một ấn tượng tiêu cực về ông với những người đồng cấp Thái Lan bằng cách bôi nhọ đức tin của ông. Khi ông Chiang đang thiền định vào buổi sáng đầu tiên bị giam giữ, một cảnh sát Thái Lan đã cảm thấy chấn động bởi thái độ ôn hòa của ông và tự hỏi tại sao ông lại bị mô tả là một người nguy hiểm.

Cuối cùng bị đuổi khỏi Thái Lan với lệnh cấm 10 năm, ông Chiang quay trở lại Đài Loan mà không hề hối tiếc — ông nói rằng ông đã làm điều đúng đắn.

Ông nhớ lại cách đây hai thập niên ở Trường Xuân, đông bắc Trung Quốc, một nhóm học viên Pháp Luân Công đã mạo hiểm tính mạng của mình để chiếm sóng một đài truyền hình nhà nước Trung Quốc để phát hình một chương trình phản kháng sự tuyên truyền thù hận của Đảng về đức tin của họ, một nỗ lực đã khiến cho một chế độ điên cuồng tiến hành bắt giữ hàng triệu người.

Ông Lưu Thành Quân (Liu Chengjun), người đã chặn sóng Đài Truyền hình Cáp Trường Xuân, trước khi bị tra tấn đến tử vong tại Nhà tù Cát Lâm. (Ảnh: Minh Huệ)
Ông Lưu Thành Quân (Liu Chengjun), người đã chặn sóng Đài Truyền hình Cáp Trường Xuân, trước khi bị tra tấn đến tử vong tại Nhà tù Cát Lâm. (Ảnh: Minh Huệ)

Từ bên kia eo biển, ông Chiang đã đọc về cuộc tra tấn dã man dẫn đến cái chết của nhiều người tham gia chiếm sóng truyền hình bị cầm tù ở Trung Quốc và gặp được một số người phải rời bỏ quê hương để bảo toàn tính mạng.

Ông nói, so với họ, bất cứ cái giá nào mà ông phải trả đều rất “tầm thường.”

Chiếc đài vô tuyến quý giá

Ông Trần Quang Thành, một luật sư tự học, ủng hộ người nghèo ở Trung Quốc, có chiếc radio sóng ngắn đầu tiên vào những năm 1990. Cho đến năm 2012, khi trốn đến Đại sứ quán Mỹ và được tự do ở Hoa Kỳ, ông chưa bao giờ thiếu một chiếc đài vô tuyến bên cạnh mình bất cứ khi nào ông có thể.

Trong thời gian bị quản thúc tại nhà và ở tù liên tục vì vận động nhân quyền, thiết bị này là tai và mắt của ông, cho phép ông tiếp tục kết nối với thế giới.

Ông Trần Quang Thành, một luật sư tự học, ủng hộ người nghèo ở Trung Quốc. (Ảnh: Lionel Bonaventure/AFP qua Getty Images)
Ông Trần Quang Thành, một luật sư tự học, ủng hộ người nghèo ở Trung Quốc. (Ảnh: Lionel Bonaventure/AFP qua Getty Images)

Khi chính quyền ném ông vào tù vì lên tiếng phản đối chính sách ép phá thai của chế độ, ông đã lén đưa một chiếc radio và dùng hộp sữa để ngụy trang, đánh lừa các camera có mặt ở khắp nơi, các tù nhân đầy cảnh giác, và những người cai ngục lục soát đồ đạc của họ hai tuần một lần.

Ông Trần cho biết, ngay cả khi điện thoại thông minh và máy điện toán phổ biến như ngày nay, công nghệ đã được thử nghiệm theo thời gian này vẫn còn phù hợp, đặc biệt là ở vùng nông thôn Trung Quốc. Mức giá thấp của thiết bị này vẫn khó có thiết bị nào qua được, cũng như khả năng truyền thông tin của nó, không phụ thuộc vào tính khả dụng của Internet.

“Tuy đó là sự giao tiếp một chiều nhưng vẫn rất quan trọng,” ông nói với The Epoch Times. “Ngay cả khi quý vị bị cầm tù, ít nhất suy nghĩ của quý vị sẽ không lạc nhịp với xã hội này.”

​​Mạng lưới phát thanh phủ sóng rộng khắp mà tường lửa của Trung Quốc không thể ngăn chặn

Ông Trần mô tả Đài Phát thanh Hy Vọng là “có căn cứ hơn” khi đưa tin chi tiết về các vấn đề xã hội của Trung Quốc.

“Ai đó phải lưu tâm đến nỗi đau khổ trên mảnh đất đó và đặt điều đó dưới sự chú ý của quốc tế,” ông nói. “Cần có nhiều nguồn lực hơn dành riêng cho lĩnh vực này.”

Khi mà nhiều đài phát thanh khác rút lui, thì Đài Phát thanh Hy Vọng hứa sẽ làm được điều đó.

“Đây là điều mà chính quyền Trung Quốc lo sợ nhất,” ông Tăng cho biết. Nếu không thì “tại sao họ lại phải tốn nhiều công sức như vậy để chặn đài phát thanh này, thậm chí cho đến tận ngày nay?”

Nguyễn Lê và Doanh Doanh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times