Nghiên cứu: Cây hoàng tinh có thể cải thiện triệu chứng mãn kinh

Nghiên cứu mới đây từ Nam Hàn cho thấy hoàng tinh – một phương thuốc y học cổ truyền Trung Hoa – có hiệu quả và an toàn hơn trong việc cải thiện triệu chứng mãn kinh so với liệu pháp hormone thông thường.

Thời kỳ mãn kinh thường xảy ra sau chu kỳ kinh cuối cùng, do sự suy giảm tự nhiên của các hormone sinh sản. Trong quá trình chuyển tiếp sang giai đoạn mãn kinh và một thời gian ngắn sau đó, phụ nữ có thể gặp các triệu chứng như bốc hỏa, đổ mồ hôi, trầm cảm, chóng mặt, giảm trí nhớ và đau lưng.

Y học hiện đại điều trị triệu chứng mãn kinh chủ yếu bằng liệu pháp thay thế hormone bên ngoài. Tuy nhiên, nhiều thử nghiệm lâm sàng cho thấy liệu pháp hormone có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung và đột quỵ.

Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Cột sống và Xương Khớp (JRI) của Bệnh viện Y học Nam Hàn Jaseng, nhà nghiên cứu cấp cao Park Doo-ri và nhóm của cô đã xác nhận cây hoàng tinh có thể cải thiện triệu chứng mãn kinh mà không có tác dụng phụ như liệu pháp hormone.

Nghiên cứu được thí nghiệm trên chuột bằng cách sử dụng chiết xuất hoàng tinh từ thuốc “Jaseng JStrogen,” và đã được xuất bản trên tạp chí y học được bình duyệt Biomedicine & Pharmacotherapy vào tháng 09.

Nhóm nghiên cứu kết luận rằng, hoàng tinh có thể cải thiện độ dày biểu mô âm đạo, tình trạng suy nhược tâm lý, bệnh loãng xương và béo phì liên quan đến thời kỳ mãn kinh.

Nói tóm lại, hoàng tinh có chức năng điều chỉnh các thụ thể hormone nữ, hay các phân tử khiến các tế bào phản ứng với hormone trong cơ thể. Tuy nhiên, hoàng tinh cũng ức chế hai yếu tố tăng trưởng đặc trưng dẫn đến tăng sản nội mạc tử cung. Đây là một phát hiện thú vị khẳng định việc sử dụng hoàng tinh là phương pháp điều trị mãn kinh hiệu quả và không có tác dụng phụ.

Loại thảo mộc được đánh giá cao từ hàng nghìn năm trước

Hoàng tinh, còn được gọi là Siberian Solomon’s Seal, là thân rễ phơi hay sấy khô của cây Polygonatum sibiricum. Loại thảo dược này đã được người Trung Hoa sử dụng từ hàng ngàn năm trước như một loại thuốc bổ phổi, thận và lách.

Ngoài ra, nghiên cứu y học hiện đại đã chứng minh hoàng tinh có các đặc tính chống oxy hóa, chống lão hóa, chống loãng xương, bảo vệ thần kinh, hỗ trợ miễn dịch, phòng tiểu đường, chống mệt mỏi và ung thư.

Trong cuốn sách Trung y cổ đại nổi tiếng “Bản thảo cương mục”, hoàng tinh được cho là giúp “bồi bổ và tăng tinh tủy … một phương pháp điều trị hiệu quả cho tất cả các chứng suy nhược.” Trong một số trường hợp, hoàng tinh được người Trung Hoa thời xưa gọi là “phương thuốc trường sinh bất tử”.

Hoàng tinh có thể có nguồn gốc từ khoảng 5,000 năm trước vào thời Hiên Viên Hoàng Đế. Theo “Bowuzhi”, một bản trích lược có tuổi đời 1,800 năm về các câu chuyện và phong tục tập quán của người Trung Hoa cổ xưa, hoàng tinh ban đầu được vị cận thần của Hoàng Đế gọi là “tinh hoa của mặt trời”.

Trong một cuốn sách cổ đại đáng chú ý khác về triết học và y học “Bão Phác Tử”, hoàng tinh được đề cập đến như “một loại tinh chất cung cấp những hiệu quả đặc biệt nếu được dùng trong vòng 10 năm.”

Tác giả của “Bão Phác Tử”, Cát Hồng là một người tu đạo và nhà thảo dược ở thế kỷ thứ tư. Ông được người dân thời đó tôn sùng là Cát Tiên Ông, sau đó được cả trong và ngoài nước công nhận khi nhà khoa học Trung Quốc Đồ U U đoạt giải Nobel Y học và Sinh lý năm 2015. Cuốn sách của Cát Hồng đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về việc điều trị sốt rét bằng chiết xuất từ cây ngải đắng (Artemisia annua) vào hơn 1,600 năm trước.

Thiền sư Vô Tích của nhà Minh sống thọ 124 tuổi và qua đời vào năm 1623. Ông sống ẩn cư trên núi trong một thời gian dài, ăn hoàng tinh và trái cây dại. Nhục thể của ông gần như không có dấu hiệu phân hủy sau gần 400 năm, và là một trong tám “nhục thân bất hoại” nổi tiếng tại ngọn núi Phật giáo linh thiêng – núi Cửu Hoa ở tỉnh An Huy, Trung Quốc.

Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Lisa Bian
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Lisa Bian, là chuyên gia chăm sóc sức khỏe có bằng Cử nhân Khoa học Y khoa. Với nền tảng kiến thức phong phú, bà đã tích lũy được hơn ba năm kinh nghiệm thực tế với tư cách là bác sĩ Trung y. Ngoài chuyên môn lâm sàng, bà còn là nhà văn thành đạt ở Nam Hàn, có những đóng góp quý giá cho The Epoch Times. Những tác phẩm sâu sắc của bà bao gồm nhiều chủ đề, bao gồm y học tích hợp, xã hội, văn hóa Nam Hàn và quan hệ quốc tế.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn