Nghiên cứu xác nhận cơ chế điều trị bệnh gout trong y học cổ truyền Đại Hàn 

Nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra cơ chế của phương pháp điều trị bệnh gout hiệu quả theo y học cổ truyền Đại Hàn.

Gout là một dạng viêm khớp phổ biến và phức tạp. Được biết đến như “bệnh của vua,” gout là một trong những chứng bệnh về khớp lâu đời nhất trong lịch sử nhân loại. Người Tây phương thời xưa tin rằng gout là “vết cắn của quỷ,” trong khi các nghiên cứu y học hiện đại đã tìm thấy nguyên nhân gây ra căn bệnh này là do nồng độ acid uric (urate) cao trong cơ thể lắng đọng tại khớp và các mô xung quanh.

Các loại thuốc được sử dụng trong y học hiện đại để điều trị gout thường có tác dụng phụ gây tổn thương tim, gan, và chức năng thận, trong khi các thầy thuốc Đại Hàn và Trung Hoa thời xưa đã điều trị căn bệnh này bằng y học tự nhiên của Đại Hàn (Trung Hoa), kết hợp với châm cứu. Phương pháp họ dùng đã được chứng minh là có hiệu quả cao và ít tác dụng phụ.

Một nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Lee Junho và Yang Gap-sik, giáo sư Y học cổ truyền Đại Hàn tại trường Đại học Wooseok dẫn đầu, tuyên bố vào tháng 04 rằng họ đã khám phá ra cơ chế điều trị bệnh gout bằng các chiết xuất thảo dược thông qua các thí nghiệm trên động vật.

Trong vòng 5 năm qua, nhóm tác giả đã nghiên cứu về cơ chế điều trị hiệu quả bệnh Gout của các chiết xuất thuốc Đại Hàn thông qua điều chỉnh sự xuất hiện của phức hợp điều hòa viêm. Phức hợp điều hòa viêm thuộc hệ miễn dịch bẩm sinh là một phức hợp protein giúp nhận biết các tín hiệu nguy hiểm trong tế bào và kích hoạt các phản ứng viêm.

Các nhà nghiên cứu đã xác nhận rằng các vị thuốc cổ truyền của Đại Hàn như hoa cúc dại, trái kiwi, hồng sâm, rễ cây hà thủ ô, nữ trinh tử, và tổ ong có tác dụng trong điều trị bệnh gout.

Tiến sĩ Lee nói rằng nghiên cứu “cung cấp cơ sở khoa học cho việc thiết kế các thử nghiệm lâm sàng” về cách mà thuốc Đại Hàn đã điều chỉnh sự xuất hiện của các “phức hợp điều hòa viêm.”

Bài báo nghiên cứu với tiêu đề “Các sản phẩm tự nhiên là chiến lược trị liệu mới cho bệnh gout qua trung gian phức hợp Inflammasome NLRP3,” đã được đăng vào tháng 03 trên trang Frontiers in Pharmacology, một tạp chí nằm trong danh mục SCI.

Đây không phải là lần đầu tiên một tạp chí quốc tế nổi tiếng đăng tải nghiên cứu về hiệu quả của thuốc Đại Hàn trong điều trị bệnh gout. Năm 2020, giáo sư Yang và nhóm nghiên cứu của ông đã công bố một bài viết trên tạp chí Nature Reviews Rheumatology. Đây là bài viết đầu tiên chứng minh cơ chế điều trị bệnh gout của cây ngải tây Đại Hàn.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện rằng beta-carotene có nhiều trong artemisinin (cây Thanh hao hoa vàng), làm giảm bọng mắt và ức chế sản xuất cytokine gây viêm (chất truyền tín hiệu giúp kiểm soát và kích thích hệ thống phòng thủ của cơ thể).

Nghiên cứu cho thấy β-carotene gắn trực tiếp với protein ASC, có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành phức hợp điều hòa viêm gây ra bệnh gout, từ đó ngăn chặn sự hình thành của phức hợp này.

Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Lisa Bian
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Lisa Bian, là chuyên gia chăm sóc sức khỏe có bằng Cử nhân Khoa học Y khoa. Với nền tảng kiến thức phong phú, bà đã tích lũy được hơn ba năm kinh nghiệm thực tế với tư cách là bác sĩ Trung y. Ngoài chuyên môn lâm sàng, bà còn là nhà văn thành đạt ở Nam Hàn, có những đóng góp quý giá cho The Epoch Times. Những tác phẩm sâu sắc của bà bao gồm nhiều chủ đề, bao gồm y học tích hợp, xã hội, văn hóa Nam Hàn và quan hệ quốc tế.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn