Bản tin đặc biệt

Ông Jack Smith muốn một phiên tòa xét xử ông Trump vào Siêu Thứ Ba; lý do tại sao điều này khó xảy ra

Thời điểm là một khía cạnh quan trọng, vì việc trì hoãn phiên tòa cho đến sau cuộc bầu cử sẽ có lợi cho cựu Tổng thống Trump, trong khi các đối thủ của ông thì muốn nhanh chóng kết án.

Theo một số luật sư và chuyên gia pháp lý, cựu Tổng thống Donald Trump khó có thể hầu tòa như lịch trình của vụ án tại Hoa Thịnh Đốn, nơi ông bị cáo buộc tội âm mưu chống lại và cản trở chính phủ liên bang khi nỗ lực thách thức kết quả cuộc bầu cử năm 2020.

Phiên tòa này đã được ấn định vào ngày 04/03, một ngày có ý nghĩa chính trị vì ngày này rơi vào chỉ một ngày trước Siêu Thứ Ba (Super Tuesday), khi nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ sẽ tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ. Tuy nhiên, thủ tục tố tụng trước khi xét xử ngày càng phức tạp, với một số kiến nghị và kháng cáo đang chờ giải quyết, cũng như một vụ kiện lên Tối cao Pháp viện mà có thể hủy bỏ một nửa các cáo buộc này.

Điều này sẽ có lợi cho cựu Tổng thống Trump nếu phiên tòa bị hoãn cho đến sau cuộc bầu cử trong lúc ông đang cạnh tranh để giành được đề cử của Đảng Cộng Hòa, còn các đối thủ của ông thì muốn nhìn thấy một bản án càng sớm càng tốt.

Một số luật sư đã lưu ý rằng, các công tố viên, dẫn đầu bởi biện lý đặc biệt Jack Smith, cho đến nay vẫn nhất quyết muốn giữ ngày xét xử vào đầu tháng Ba đó. Họ lập luận rằng việc giải quyết vụ án càng nhanh càng tốt là vì lợi ích của công chúng, tuy nhiên vẫn chưa giải thích tại sao điều này lại cần thiết về mặt pháp lý, chứ không phải về mặt chính trị, khi áp dụng tốc độ nhanh bất thường này.

Quyền miễn trừ

Mọi nỗ lực nhằm bám sát lịch trình chặt chẽ này, vốn là điều mà các luật sư của cựu Tổng thống Trump đã nhiều lần phản đối, đã tan thành mây khói hôm 13/12 khi thẩm phán chủ trì vụ án, Thẩm phán Tòa Địa hạt Liên bang Tanya Chutkan, đã tạm dừng vụ án.

Thẩm phán Chutkan đã làm như vậy sau khi Tòa phúc thẩm Liên bang Khu vực Hoa Thịnh Đốn quyết định thụ lý đơn kháng cáo của cựu Tổng thống Trump về vấn đề quyền miễn trừ của tổng thống.

Các luật sư của cựu tổng thống đã lập luận rằng hành động thách thức cuộc bầu cử năm 2020 của ông nằm trong giới hạn nhiệm vụ tổng thống của ông và do đó được hưởng đặc quyền của tổng thống. Họ cũng khẳng định rằng vì cựu Tổng thống Trump đã bị Hạ viện đàn hặc vì hành động thách thức bầu cử của mình và sau đó được Thượng viện tuyên trắng án, do đó ông không nên bị buộc tội hình sự vì những hành động tương tự.

Một số chuyên gia Hiến Pháp trước đây đã nói với The Epoch Times, lập luận đầu tiên mạnh mẽ hơn nhiều so với lập luận thứ hai.

Một hội đồng gồm ba thẩm phán Khu vực Hoa Thịnh Đốn đã yêu cầu các bên tóm tắt về vấn đề này trước ngày 02/01/2024, cho họ thời hạn chưa đầy ba tuần bao gồm cả những ngày nghỉ lễ trong đó.

Bà Leslie McAdoo-Gordon, luật sư bào chữa hình sự vốn theo sát vụ án, bình luận trong một bài đăng trên X, trước đây gọi là Twitter: “Đây là một lịch trình nhanh đến mức phi lý đối với một vụ án không phải là trường hợp khẩn cấp thực sự.”

Biện lý đặc biệt Jack Smith nói chuyện với các phóng viên tại Bộ Tư Pháp ở Hoa Thịnh Đốn hôm 01/08/2023. (Ảnh: Saul Loeb/AFP qua Getty Images)
Biện lý đặc biệt Jack Smith nói chuyện với các phóng viên tại Bộ Tư Pháp ở Hoa Thịnh Đốn hôm 01/08/2023. (Ảnh: Saul Loeb/AFP qua Getty Images)

“Lịch trình này quá ngắn nên không phải là một nỗ lực nghiêm túc để phân tích vấn đề này,” bà viết. “Thật vô nghĩa.”

Bà McAdoo-Gordon nghi ngờ rằng không rõ lịch trình vội vã này có phải là do ông Smith đã yêu cầu Tối cao Pháp viện (SCOTUS) nhanh chóng ra phán quyết về vấn đề quyền miễn trừ của tổng thống hay không. Nếu Tối cao Pháp viện tiếp nhận vụ kháng cáo, thì vụ án này sẽ “nhảy qua” trót lọt cấp [Tòa án] Khu vực Hoa Thịnh Đốn, khiến quyết định của tòa cấp dưới trở nên thừa thãi.

Bà nói trong một bài đăng khác trên X: “Tôi cho rằng chắc chắn là SCOTUS sẽ thụ lý vụ án này và ra quyết định.”

Ông Jack Smith muốn một phiên tòa xét xử ông Trump vào Siêu Thứ Ba; lý do tại sao điều này khó xảy ra

“Đối với họ, vụ án này quá quan trọng với đất nước và việc phân tích cũng như giải thích Hiến Pháp đến nỗi họ không thể từ chối. Vì vậy, rốt cuộc thì ba thẩm phán [Khu vực Hoa Thịnh Đốn] này nghĩ gì không quan trọng.”

Ông Jonathan Turley, một giáo sư Khoa Luật của trường Đại học George Washington và là chuyên gia về các vấn đề Hiến Pháp, cho biết nếu Tối cao Pháp viện chấp nhận xét xử vụ án nhanh chóng, điều đó có thể khiến ông Smith đạt được ngày xét xử theo ý mình.

Ông nói trong một bài đăng trên X: “Phiên tòa vào tháng Ba vẫn có thể diễn ra tùy thuộc vào cách Tối cao Pháp viện hành động theo yêu cầu xem xét đẩy nhanh phiên tòa của ông Smith như thế nào.”

Tuy nhiên, ông Horace Cooper, thành viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công Quốc gia, cựu giảng viên về luật Hiến Pháp tại trường Đại học George Mason, gợi ý rằng nhiều khả năng ngày xét xử sẽ bị hoãn lại.

Mặc dù lịch trình của Tòa phúc thẩm Khu vực Hoa Thịnh Đốn không liệt kê ngày diễn ra phiên điều trần, nhưng ông Cooper tin tưởng rằng phiên tòa sẽ được ấn định ngày giờ, vì các thẩm phán sẽ không muốn quyết định về vấn đề này mà chỉ dựa trên bản tóm tắt bằng văn bản.

Cựu Tổng thống Donald Trump ngồi vào bàn bào chữa cùng các luật sư Christopher Kise (trái) và Alina Habba (thứ 2 từ phải sang) tại Tòa án Tối cao tiểu bang New York ở thành phố New York hôm 07/12/2023. (Ảnh: Eduardo Munoz Alvarez-Pool/ Getty Images)
Cựu Tổng thống Donald Trump ngồi vào bàn bào chữa cùng các luật sư Christopher Kise (trái) và Alina Habba (thứ 2 từ phải sang) tại Tòa án Tối cao tiểu bang New York ở thành phố New York hôm 07/12/2023. (Ảnh: Eduardo Munoz Alvarez-Pool/ Getty Images)

Ông nói với The Epoch Times: “Họ sẽ yêu cầu điều đó.”

Ngay cả khi phiên điều trần diễn ra sớm thì cũng không thể biết được thẩm phán sẽ mất bao lâu để đưa ra ý kiến. Tuy nhiên, ông nói, các thẩm phán có thể bị thúc giục đẩy nhanh phán quyết “bởi vì bên công tố đang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc này.”

Ông nói: “Họ cũng biết rằng nếu họ không gấp rút thúc giục, rất có thể Tối cao Pháp viện sẽ nói, ‘Chà, hãy đợi cho đến khi họ xem xét xong đã.’

Ông Cooper cho biết, các luật sư của cựu Tổng thống Trump nên chỉnh sửa lập luận của họ về quyền miễn trừ để khiến lập luận này trở nên hấp dẫn hơn trước Tối cao Pháp viện.

Ông nói: “Nếu nhóm [pháp lý] của ông Trump tiếp tục với lập luận cụ thể này rằng chỉ cần là tổng thống thì ông ấy sẽ được miễn trừ khỏi cáo buộc hình sự này… thì hầu như sẽ không gây được sự chú ý lắm.”

Đối với Tối cao Pháp viện, lập luận đó sẽ “hấp dẫn hơn về mặt trí tuệ” nếu nhóm [pháp lý] của ông Trump chỉnh sửa lập luận của mình để xoáy vào trọng tâm rằng liệu việc lấy bất kỳ hành động nào [mà ông Trump] thực hiện trong quá trình thi hành trách nhiệm của tổng thống làm cơ sở cho các cáo buộc hình sự có “xâm phạm quyền lực hành pháp” hay không.

Cản trở

Mặc dù chưa rõ vấn đề quyền miễn trừ rốt cuộc sẽ được giải quyết thế nào, nhưng Tối cao Pháp viện gần đây đã giáng một đòn mạnh vào kế hoạch dự kiến của ông Smith.

Hôm 13/12, Pháp viện đã chấp nhận đơn khiếu nại của ông Joseph Fischer, người bị cáo buộc tội “cản trở thủ tục tố tụng chính thức” vì tham gia vào vụ biểu tình và bạo loạn tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2021.

Cáo buộc nói trên mà Bộ Tư pháp (DOJ) đã đưa ra đối với hơn 300 người có mặt tại Tòa nhà Quốc hội hôm 06/01 có hình phạt lên tới 20 năm tù. Ông Smith cũng sử dụng cáo buộc này đối với cựu Tổng thống Trump — và cáo buộc này xuất hiện trong ít nhất một nửa trong số những vụ án mà ông đang phải đối mặt.

Những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump biểu tình tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 06/01/2021. (Ảnh: AP Photo/Jose Luis Magana, File)
Những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump biểu tình tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 06/01/2021. (Ảnh: AP Photo/Jose Luis Magana, File)

Các cáo buộc bắt nguồn từ cách giải thích mới lạ về Mục 1512 của bộ luật hình sự liên bang trong đó quy định cấm “tác động đến nhân chứng, nạn nhân, hoặc người cung cấp thông tin.”

Năm 2002, Quốc hội đã sửa đổi luật bằng cách bổ sung một tiểu mục khác áp dụng cho bất kỳ ai “…thay đổi, phá hủy, cắt xén, hoặc che giấu một cách không trung thực hồ sơ, tài liệu, hoặc đồ vật khác, hoặc cố tình làm như vậy, với mục đích làm hư hại tình trạng nguyên vẹn hoặc tính sẵn có của đồ vật đó để sử dụng trong thủ tục tố tụng chính thức; hay … nói cách khác là cản trở, ảnh hưởng hoặc gây trở ngại đối với bất kỳ thủ tục tố tụng chính thức nào, hoặc cố tình làm như vậy.”

DOJ và ông Smith đã lấy phần cuối cùng của tiểu mục này và cáo buộc những người gây bạo loạn ngày 06/01 đã cản trở một cách tiêu cực đến việc Quốc hội chứng nhận [kết quả] cuộc bầu cử ngày hôm đó.

Các thẩm phán liên bang ở Hoa Thịnh Đốn hầu hết đều đồng ý với cách giải thích này, ngoại trừ Thẩm phán Carl Nichols, người đã bác bỏ cáo buộc đó đối với ông Fischer và hai bị cáo khác.

Thẩm phán Nichols cho rằng luật “nói rằng bị cáo phải thực hiện một hành động nào đó liên quan đến tài liệu, hồ sơ, hoặc đồ vật khác nhằm cản trở, gây trở ngại hoặc tác động một cách tiêu cực đến thủ tục tố tụng chính thức.”

Ông cho rằng, mục sửa đổi năm 2002 đã được bổ sung để lấp kín “một lỗ hổng rất rõ ràng” mà đã cho phép người ta tiêu hủy bằng chứng về hành vi sai trái của họ.

Ông cho biết: “Trong lịch sử lập pháp, không có điều gì nằm ngoài mục đích như thế.”

Vấn đề tương tự đã được biện lý William Barr giải thích chi tiết vào năm 2018 trong một bức thư gửi DOJ khi biện lý đặc biệt đương thời Robert Mueller được cho là đang cân nhắc sử dụng đạo luật tương tự đối với cựu Tổng thống Trump. Ông Barr, người cho rằng cách diễn giải luật như vậy là không có cơ sở, sau đó đã được cựu Tổng thống Trump bổ nhiệm làm tổng chưởng lý.

Tổng chưởng lý William Barr (trái) nói, trong khi Tổng thống Donald Trump quan sát trước khi ký một sắc lệnh liên quan đến quản lý mạng xã hội tại Oval Office ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 28/05/2020. (Ảnh: Doug MIlls-Pool/Getty Images)
Tổng chưởng lý William Barr (trái) nói, trong khi Tổng thống Donald Trump quan sát trước khi ký một sắc lệnh liên quan đến quản lý mạng xã hội tại Oval Office ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 28/05/2020. (Ảnh: Doug MIlls-Pool/Getty Images)

Mục sửa đổi năm 2002 là một phần của Đạo luật Sarbanes–Oxley, nhằm “làm rõ và lấp kín các lỗ hổng trong luật hình sự hiện hành liên quan đến việc tiêu hủy hoặc bịa đặt bằng chứng và bảo quản các hồ sơ tài chính và kiểm toán,” nhằm ngăn chặn các vấn đề phát sinh từ vụ bê bối Enron, ông Barr giải thích, trích dẫn Hồ sơ Thượng viện.

Tháng 07/2002, Thượng nghị sĩ đương thời Trent Lott (Cộng Hòa-Mississippi) cho biết ông đã đưa ra bản sửa đổi Mục 1512 nhằm mục đích “ban hành các đạo luật chặt chẽ hơn đối với việc tiêu hủy tài liệu … để chúng ta không lặp lại những gì chúng ta đã chứng kiến hồi đầu năm nay trong vụ bê bối Enron.”

Mặc dù vậy, quyết định bác bỏ cáo buộc của Thẩm phán Nichols đã bị tòa phúc thẩm khu vực Hoa Thịnh Đốn lật ngược.

Ông Jack Smith muốn một phiên tòa xét xử ông Trump vào Siêu Thứ Ba; lý do tại sao điều này khó xảy ra

Luật sư bào chữa William Shipley, người đại diện cho một số bị cáo trong sự kiện ngày 06/01, dự đoán rằng Tối cao Pháp viện đã thụ lý vụ Fisher để ngăn cản cách diễn giải của DOJ về Mục 1512.

“SCOTUS thường không thụ lý một vụ kiện theo kiểu này nếu họ đồng ý với kết quả của tòa án cấp dưới. Chẳng có lý do gì để làm như vậy. Số liệu thống kê cho thấy khi Pháp viện thụ lý vụ kiện kiểu này, họ sẽ đảo ngược [phán quyết] của tòa án cấp dưới,” ông nói trong một bài đăng trên X.

“Trong ba lần gần đây nhất khi SCOTUS tiếp nhận các vụ kiện liên quan đến định nghĩa ‘mở rộng’ của DOJ về các điều khoản trong một đạo luật cản trở, Pháp viện đã bác bỏ bản kết án của cả ba vụ kiện.”

Ông Shipley nói rằng kết quả này đã được giáo sư trường luật Harvard Jack Goldsmith dự đoán hồi tháng Ba. Tuy ông Goldsmith là một người có khuynh hướng bảo tồn truyền thống nhưng ông không phải là đồng minh của cựu Tổng thống Trump.

Ông Goldsmith nói trong một bài đăng trên X, “Việc giải thích một đạo luật hình sự được sử dụng để kết án hàng trăm kẻ bạo loạn trong vụ ngày 06/01, Mục 18 U.S.C. 1512(c)(2), sẽ không qua nổi quá trình phúc thẩm.”

Ông viết, Tối cao Pháp viện “diễn giải các đạo luật như thế này một cách kỹ lưỡng” và rồi cuối cùng họ sẽ làm như vậy một lần nữa trong vụ kiện này.

Ông Cooper thì thận trọng hơn trong việc diễn giải các ý định của Tối cao Pháp viện.

Việc vụ kiện được chấp nhận chỉ có nghĩa là “có ít nhất bốn thẩm phán cho rằng vụ kiện này đưa ra một vấn đề mới và sẽ được giúp đỡ dưới sự hướng dẫn của toàn bộ Tối cao Pháp viện.”

(Từ trái sang phải) Các thẩm phán Tối cao Pháp viện gồm ông John Roberts, bà Elena Kagan, ông Neil Gorsuch, và ông Brett Kavanaugh tham dự sự kiện diễn văn Thông điệp Liên bang tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 05/02/2019. (Ảnh: Doug Mills-Pool/Getty Images)
(Từ trái sang phải) Các thẩm phán Tối cao Pháp viện gồm ông John Roberts, bà Elena Kagan, ông Neil Gorsuch, và ông Brett Kavanaugh tham dự sự kiện diễn văn Thông điệp Liên bang tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 05/02/2019. (Ảnh: Doug Mills-Pool/Getty Images)

Ông cho biết, mặc dù đúng là Tối cao Pháp viện thường không chấp nhận các vụ kiện “chỉ để phê chuẩn các phán quyết trước đó,” nhưng những cân nhắc về mặt chính trị cũng là một yếu tố tác động ở đây, đặc biệt đối với một số thẩm phán.

Ông Cooper suy đoán rằng có hai hoặc ba thẩm phán cấp tiến “tiếp tục sử dụng địa vị cao của mình như một cách để cố gắng gây ảnh hưởng đến xã hội” và ít nhất hai trong số họ có thể đã bỏ phiếu để tiếp nhận vụ kiện nhằm xác nhận phán quyết của tòa phúc thẩm khu vực Hoa Thịnh Đốn.

Theo quan điểm của ông, Chánh án John Roberts, người đã nhiều lần bỏ phiếu thuận với các đồng sự có khuynh hướng thiên tả của mình mặc dù ông là một người có khuynh hướng bảo tồn truyền thống, có thể không muốn tiếp nhận vụ kiện và có thể sẽ không muốn tiếp nhận vụ kiện về quyền miễn trừ của ông Trump.

Ông Cooper nói: “Tôi có thể nói với quý vị rằng Chánh án Roberts không muốn bị vướng vào một vụ lùm xùm chính trị.”

Tuy nhiên, Chánh án Roberts có thể sẽ xem vụ kiện liên quan đến ngày 06/01 này ít “nguy hiểm” hơn vì vụ kiện ít có khả năng ảnh hưởng đến cuộc bầu cử, ông nói.

“Có thể ông ấy thích vụ kiện này hơn” nhưng vẫn hiểu được rằng “tác động hầu như không đáng kể từ vụ kiện liên quan đến ngày 06/01 này” sẽ ảnh hưởng đến việc truy tố ông Trump.

Ông Cooper cho biết vấn đề pháp lý mà Pháp viện sẽ xem xét tập trung vào lập luận “thông báo công bằng” dựa trên điều khoản về thủ tục tố tụng công bằng của Hiến Pháp.

“Liệu có phải chính phủ đã mở rộng một đạo luật mà trong đó không ai dự đoán được rằng sẽ bao gồm các hành động của mình?” ông nói.

Theo quan điểm của ông, cách diễn giải của DOJ thực sự không phù hợp và “khá là xa rời” với những gì mà luật có ý định đề cập.

Tòa nhà Bộ Tư pháp ở Hoa Thịnh Đốn ngày 09/02/2022. (Ảnh: Stefani Reynolds/AFP qua Getty Images)
Tòa nhà Bộ Tư pháp ở Hoa Thịnh Đốn ngày 09/02/2022. (Ảnh: Stefani Reynolds/AFP qua Getty Images)

Ông gợi ý rằng nếu Quốc hội muốn quy kết cụ thể việc đột nhập vào Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ là một trọng tội thì cần thông qua luật này để luật có hiệu lực.

Ngay cả khi Tối cao Pháp viện giữ nguyên cáo buộc cản trở, thì vẫn tồn tại nghi vấn là vào lúc nào.

Ông Shipley dự đoán rằng “vụ án ở Hoa Thịnh Đốn của ông Trump sẽ không được đưa ra xét xử”—và ít nhất thì, sẽ không diễn ra theo kế hoạch.

Ông Jack Smith muốn một phiên tòa xét xử ông Trump vào Siêu Thứ Ba; lý do tại sao điều này khó xảy ra

Một luật sư khác, nổi tiếng với việc phân tích các vụ án về ông Trump thông qua trương mục X ẩn danh— “KingMakerFT” —đồng ý rằng việc trì hoãn vụ án này của ông Trump là điều không thể tránh khỏi.

“Tôi không thể nghĩ ra bất cứ tình huống nào mà trong đó ông Smith giữ nguyên được ngày xét xử là ngày 04/03. Thẩm phán Chutkan vẫn chưa ra quyết định về bản kiến nghị bác bỏ vụ án của ông Trump dựa trên cơ sở luật định, bao gồm cả lập luận về ý nghĩa của Mục 1512. SCOTUS hiện đang gặp phải vấn đề này. Quyết định sớm nhất là vào tháng Sáu,” ông nói.

Ông Cooper cho biết: “Điều khôn ngoan nhất” mà ông Smith nên làm là bãi bỏ ngay các cáo buộc cản trở đối với ông Trump.

Điều đó sẽ khiến các công tố viên chỉ còn lại hai cáo buộc: âm mưu lừa gạt chính phủ và âm mưu vi phạm quyền bầu cử của người Mỹ.

Tuy nhiên, ông Cooper cho biết, Thẩm phán Chutkan hiện đã tạm dừng quá trình tố tụng và ông Smith đang mắc kẹt với cáo buộc cản trở.

KingMakerFT cho rằng “rất, rất khó có khả năng” ông Smith sẽ hủy bỏ những cáo buộc đó.

“Hai cáo buộc còn lại thậm chí còn rắc rối hơn,” ông nói với The Epoch Times qua thư điện tử. “Ngoài ra, ông Smith đã vượt quá giới hạn tới mức dường như là một cuộc truy tố có mục đích chính trị. Đơn phương hủy bỏ một nửa cáo buộc chỉ để giữ lịch trình xét xử nhanh gọn một cách vô lý sẽ là bằng chứng khách quan mạnh mẽ cho thấy đây là một vụ truy tố có mục đích chính trị.”

Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times