Lần đầu tiên thận heo được cấy ghép cho người

Người này đã được cho dùng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn ngừa khả năng đào thải nội tạng vì hệ miễn dịch của con người 'phản ứng vô cùng dữ dội.'

Lần đầu tiên, thận heo chỉnh sửa gen đã được cấy ghép thành công vào người, con vật đã được biến đổi gen để làm cho cơ quan này tương thích.

Cuộc phẫu thuật kéo dài 4 giờ được tiến hành tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (MGH) vào ngày 16/03, theo thông cáo báo chí của MGH hôm thứ Năm (21/03). Quả thận được lấy từ một con heo đã trải qua 69 chỉnh sửa bộ gen để loại bỏ “các gen heo có hại” và thêm vào “một số gen nhất định của con người để cải thiện khả năng tương thích với [cơ thể] con người.” Người ta đã sử dụng công nghệ CRISPR-Cas9 để thực hiện những chỉnh sửa này nhằm bảo đảm cơ thể con người không đào thải những quả thận lạ.

Ngoài ra, “các nhà khoa học đã vô hiệu hóa retrovirus nội sinh ở con heo lấy thận để loại bỏ mọi nguy cơ lây nhiễm ở người.” Người nhận thận, ông Richard Slayman ở Weymouth, Massachusetts, đang “hồi phục tốt” tại bệnh viện và dự kiến ​​sẽ sớm xuất viện.

“Chúng tôi hy vọng phương pháp cấy ghép này sẽ mang đến khả năng cứu sống hàng triệu bệnh nhân đang bị suy thận trên toàn thế giới,” Ông Tatsuo Kawai, giám đốc Trung tâm dung nạp cấy ghép lâm sàng Legorreta tại MGH cho biết.

Quy trình cấy ghép được thực hiện theo Phác đồ tiếp cận mở rộng (EAP) của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ. EAP, hay còn gọi là compassionate use (sử dụng đặc cách), cho phép những bệnh nhân mắc các tình trạng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng được tiếp cận với các phương pháp điều trị thử nghiệm. Ngoài việc ghép thận, ông Slayman còn được tiêm truyền các loại thuốc ức chế miễn dịch mới.

Ông Slayman, người bị tăng huyết áp và tiểu đường loại 2 trong vài năm, lần đầu tiên được ghép thận từ người khác vào năm 2018 sau khi chạy thận trong 7 năm. Tuy nhiên, 5 năm sau, ông có dấu hiệu suy thận và ông bắt đầu lại quy trình chạy thận vào tháng 05/2023.

Ông Slayman nói trong một tuyên bố, “Bác sĩ chuyên khoa thận của tôi, Tiến sĩ Winfred Williams, MD, và nhóm của Trung tâm Cấy ghép đã đề nghị phương pháp ghép thận từ heo, giải thích cẩn thận những ưu và nhược điểm của quy trình này. Tôi xem đó không chỉ là cách giúp tôi mà còn là cách mang lại hy vọng cho hàng nghìn người cần ghép tạng để sống sót.”

Ông Joren Madsen, giám đốc Mass General Transplant Center (Trung tâm cấy ghép tổng hợp đại chúng), cho biết thông thường hệ miễn dịch của con người “phản ứng vô cùng dữ dội” với nội tạng heo.

Người nhận cấy ghép nội tạng người sẽ được [chỉ định] dùng thuốc để ngăn ngừa đào thải. Ông Madsen nói rằng nếu những loại thuốc như vậy được đưa cho người nhận thận heo, “[thận] cấy ghép đó sẽ bị đào thải và chuyển sang màu đen sau vài phút.”

Ông Madsen cho biết, 69 chỉnh sửa được thực hiện đối với DNA của heo bị lấy tạng và việc phát triển các kháng thể đơn dòng đặc biệt nhằm ngăn chặn sự đào thải của thận đã góp phần giúp ca cấy ghép thành công.

Cấy ghép động vật-người

Mặc dù trường hợp của ông Slayman là trường hợp đầu tiên của ca ghép thận heo biến đổi gen nhưng đây không phải là lần đầu tiên nội tạng heo được cấy ghép vào người. Trước đây, tim heo biến đổi gen được cấy ghép vào hai người khác nhau, sau đó cả hai bệnh nhân đều tử vong sau quá trình này.

Để cấy ghép, [hệ gen] di truyền của heo đã được thay đổi để tạo ra phôi heo. Sau đó những phôi này phát triển thành heo trong môi trường kiểm soát sinh học kín.

Khi một người cần cấy ghép, nội tạng sẽ được lấy ra khỏi động vật và cấy vào người họ, sau đó người này phải dùng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn nguy cơ đào thải nội tạng.

Quá trình cấy ghép nội tạng động vật cho con người (gọi là cấy ghép dị loại) đã bị chỉ trích nặng nề do những lo ngại về đạo đức.

Một nghiên cứu năm 2018 được xuất bản tại Thư viện Y khoa Quốc gia cho rằng “công nghệ sinh học tế bào gốc và chỉnh sửa gen đang được áp dụng để tạo ra các loại động vật chimera có nội tạng con người.”

Điều này làm dấy lên lo ngại rằng tế bào người được cấy vào phôi heo biến đổi gen sẽ “di chuyển đến não của động vật và làm thay đổi hành vi hoặc trạng thái nhận thức của nó.”

Nghiên cứu viết, “Không có sự đồng thuận trong việc đánh giá chính xác ý nghĩa của việc sở hữu trạng thái nhận thức giống con người. Có nhiều đặc tính của nhân cách con người bao gồm trí thông minh, khả năng tự chủ, khả năng giao tiếp và tự nhận thức.”

“Nhân cách có nên được định nghĩa là phần trăm tế bào não của con người được biểu hiện trong một loài chimera giữa con người và động vật hay nên được đánh giá bằng cách sử dụng các đánh giá học tập về tâm lý hoặc nhận thức?”

Nhu cầu về nội tạng heo xuất hiện trong bối cảnh nguồn cung nội tạng người đang thiếu hụt trầm trọng.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Tài nguyên & Dịch vụ Y tế, hơn 103,000 người ở Hoa Kỳ đang trong danh sách chờ ghép tạng. Cứ sau tám phút lại có một người được thêm vào danh sách này. Mỗi ngày có 17 người tử vong trong khi chờ cấy ghép.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2022 với BBC, người phát ngôn của nhóm bảo vệ quyền động vật có trụ sở tại Vương quốc Anh Animal Aid cho biết họ phản đối việc thay đổi hệ di truyền động vật để cấy ghép dị loại trong “bất kỳ trường hợp nào.”

Tổ chức này cho biết, “Động vật có quyền sống cuộc sống của mình mà không bị thao túng về mặt di truyền với tất cả những đau đớn và chấn thương mà điều này gây ra, chỉ bị giết và thu hoạch nội tạng của chúng.”

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Naveen Athrappully
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn