Nghiên cứu: Viết chữ bằng tay làm tăng khả năng kết nối của bộ não

Nghiên cứu mới cho thấy viết chữ bằng tay làm tăng khả năng kết nối của não nhiều hơn so với việc đánh máy, nhưng một chuyên gia cho rằng nghiên cứu này chưa đưa ra được một “bức tranh đầy đủ” vì bốn lý do.

Trong thời đại kỹ thuật số của chúng ta, máy tính xách tay và điện thoại thông minh đã trở thành những thiết bị phụ trợ của sinh viên cũng như các chuyên gia. Nhưng nghiên cứu mới sẽ cho chúng ta thấy rằng có thể chúng ta muốn tạm dừng việc gõ phím đó.

Một nghiên cứu gần đây từ Na Uy cho thấy nghệ thuật viết tay kiểu cũ có những tác động đến các phần của não mà việc gõ bàn phím không làm được. Các cử động phức tạp liên quan đến việc viết chữ bằng tay sẽ kích hoạt nhiều vùng não liên quan đến việc học hơn là đánh máy.

Viết chữ bằng tay và đánh máy

Một nghiên cứu mới được công bố trên Frontiers in Psychology (Tập san Những Giới Hạn Trong Tâm Lý Học) và do Audrey van der Meer, nhà nghiên cứu khoa học thần kinh tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy dẫn đầu, đã xem xét sự khác biệt giữa viết chữ bằng tay và đánh máy. Bà Van der Meer và nhóm của bà đã phân tích mạng lưới thần kinh tham gia vào cả hai hoạt động để khám phá về tác động tương ứng của chúng đối với khả năng kết nối của não.

Bà cho biết trong một thông cáo báo chí, “Chúng tôi thấy rằng khi viết bằng tay, các kiểu kết nối não trở nên phức tạp hơn nhiều so với khi đánh máy trên bàn phím. Sự kết nối não rộng như vậy là rất quan trọng cho việc hình thành trí nhớ và mã hóa thông tin mới, do đó, có lợi cho việc học tập.”

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng điện não đồ mật độ cao (EEG) để thu thập dữ liệu từ 36 sinh viên đại học. Những người tham gia được yêu cầu viết hoặc gõ các từ hiển thị trên màn hình bằng cách nhấn các phím bằng một ngón tay.

Kết quả cho thấy khả năng kết nối giữa các vùng não khác nhau tăng lên đáng kể khi viết bằng tay. Ngược lại, việc gõ phím không tạo ra sự gia tăng kết nối tương đương.

Bà Van der Meer nói với The Epoch Times, “Phát hiện chính của chúng tôi là viết bằng tay kích thích trí não tuyệt vời cho mọi người ở mọi lứa tuổi.” Bà nói thêm, viết trên màn hình cảm ứng bằng bút kỹ thuật số mang lại nhiều hoạt động mạng lưới thần kinh hơn so với việc gõ trên bàn phím. “Càng nhiều kết nối trong não khi thực hiện một nhiệm vụ thì não càng được sử dụng hết tiềm năng hơn.”

Tại sao viết chữ bằng tay vẫn còn cần thiết

Theo bàVan der Meer, việc viết thành chữ cái tỉ mỉ và chuyển động chính xác của động tác viết chữ thúc đẩy đáng kể các mô hình kết nối của bộ não liên quan đến việc học tập. Điều này ngụ ý rằng những lợi ích mà bút kỹ thuật số mang lại cũng có thể áp dụng cho bút và giấy truyền thống. Ngược lại, việc gõ phím lặp đi lặp lại ít kích thích thần kinh hơn.

Bà cho biết rằng điều này có thể giải thích tại sao trẻ em được dạy đọc và viết trên máy tính bảng thường gặp khó khăn trong việc phân biệt các chữ cái trong ảnh phản chiếu. Các nhà nghiên cứu đề nghị trẻ nhỏ nên nhận được một số hướng dẫn về cách viết chữ. “Việc viết các chữ cái bằng tay là một kỹ năng vận động tinh, phức tạp, thách thức trí não trẻ.”

Bà Van der Meer cho biết, những đứa trẻ lần đầu được dạy qua máy tính bảng cũng có xu hướng đánh vần và nhận dạng chữ cái kém hơn, có thể là do thiếu kinh nghiệm vận động để viết từng chữ cái.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không khuyên bạn từ bỏ công nghệ. Họ đề xuất một cách tiếp cận cân bằng là sử dụng viết chữ bằng tay cho các ghi chú của bài giảng để tối ưu hóa việc học trong khi tận dụng bàn phím cho các tác vụ viết mở rộng. Những phát hiện này nhấn mạnh việc điều chỉnh các phương pháp giảng dạy để tận dụng cả công cụ viết truyền thống và kỹ thuật số.

Hạn chế của nghiên cứu

Tiến sĩ Juliann Paolicchi, nhà thần kinh học nhi khoa tại Bệnh viện Lenox Hill của Northwell Health và Bệnh viện Đại học Staten Island, người không liên quan đến nghiên cứu, cho biết nghiên cứu này chưa đưa ra được một bức tranh đầy đủ.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng điện não đồ tần số cao để ghi lại hoạt động của não. Phương pháp EEG này có độ phân giải không gian kém, hạn chế khả năng xác định các chức năng cụ thể của vùng não. Tiến sĩ Paolicchi cho biết: “Đối với chức năng không gian của não, một phân tích phức tạp hơn nhiều được thực hiện bằng hình ảnh PET, cung cấp hình ảnh trực tiếp về các vùng não liên quan đến một chức năng.”

Thứ hai, nhóm gõ chỉ sử dụng một ngón tay. Tiến sĩ Paolicchi nhấn mạnh việc gõ bằng cảm ứng đúng cách bằng cả hai tay khác xa với việc gõ “săn và mổ” bằng một hoặc hai ngón tay. Bà lưu ý, “Khi ghi chép trong lớp học, mô hình mà các nhà nghiên cứu đang cố gắng tạo lại, việc gõ bằng cảm ứng phổ biến hơn nhiều với học sinh so với việc gõ kiểu mổ cò.”

Viết chữ thảo trở lại trường học

Chữ thảo đang quay trở lại ở nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ sau khi bị loại bỏ hơn một thập niên trước.

Khi Tiêu chuẩn Cốt lõi Chung của Tiểu bang được ban hành vào năm 2010, đề cập rõ ràng đến việc học các kỹ năng bàn phím từ lớp 3 đến lớp 5. Các tiêu chuẩn này yêu cầu học sinh lớp 4 phải gõ toàn bộ một trang trong một lần. Kết quả là chữ thảo phần lớn đã bị bỏ rơi ở hầu hết các trường học.

Tuy nhiên, xu hướng này hiện đang đảo ngược, theo dữ liệu từ MyCursive.com, chuyên theo dõi các yêu cầu viết chữ thảo trên toàn quốc. Hiện tại, 21 tiểu bang bắt buộc phải áp dụng một số hình thức giáo dục chữ viết. Gần đây nhất, California đã thông qua luật vào tháng 10/2023 bắt buộc phải viết chữ thảo từ lớp một đến lớp sáu.

Khánh Nam biên dịch.

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn