Nhà khoa học đạt giải Nobel đang tìm cách chữa khỏi bệnh ung thư bằng công nghệ mRNA

Kế hoạch là chích ngừa cho những người bị bệnh ung thư mỗi năm năm một lần để “tiêu diệt tất cả các tế bào đã biến đổi.”

Người đạt giải Nobel, Tiến sĩ Drew Weissman gần đây đã nói về việc sử dụng công nghệ mRNA để ngăn ngừa sự phát triển của bệnh ung thư trong những người dễ bị bệnh.

Tiến sĩ Weissman đã đề xuất sử dụng vaccine mRNA để ngăn ngừa ung thư trong bài phát biểu đạt giải Nobel của ông vào ngày 07/12, “Ý tưởng ở đây là điều trị cho mọi người trước khi họ phát triển ung thư,” ông nói.

Tiến sĩ Weissman đã đạt giải Nobel y học năm nay cùng với Tiến sĩ Katalin Karikó vì đã phát triển một phương pháp ngăn chặn hệ thống miễn dịch khởi động các cuộc tấn công viêm khi chích vào cơ thể mRNA nhân tạo trong phòng thí nghiệm, từ đó cho phép sử dụng công nghệ y học này trong việc điều trị.

Điều này giúp phát triển vaccine mRNA COVID-19 một cách nhanh chóng. Tiến sĩ Weissman và nhóm của ông tại Đại học Pennsylvania hiện đang tập trung vào việc sử dụng công nghệ mRNA để điều trị ung thư.

Một loại vaccine đang được nhóm nghiên cứu phát triển sẽ dạy cơ thể xác định và chống lại các tế bào khối u. Vaccine này nhằm vào những người có đột biến gen làm tăng nguy cơ bị bệnh ung thư.

Ví dụ, BRCA là gen góp phần gây ra nguy cơ ung thư vú. Trong số hơn 18 triệu ca ung thư được xác định trên toàn cầu mỗi năm, khoảng 5 đến 10% xuất phát từ đột biến gen.

Người đạt giải Nobel và nhóm của ông đã nghiên cứu các phương pháp sử dụng mRNA để kích hoạt phản ứng miễn dịch trong cơ thể nhằm tiêu diệt tế bào ung thư.

Trong các thí nghiệm với chuột, các nhà nghiên cứu đã chích mRNA để “dạy” cơ thể sản xuất một loại protein gọi là IL-12. Protein này hướng dẫn cơ thể sản xuất các tế bào miễn dịch gọi là tế bào T hiệu ứng có thể loại bỏ ung thư.

Tiến sĩ Weissman cho biết trong nghiên cứu của mình, “Chúng ta biết rằng phải mất 5 hoặc 10 năm thì các tế bào ung thư mới bắt đầu xuất hiện trước khi quý vị có những khối u lớn hoàn chỉnh làm suy giảm chức năng.”

“Nếu chúng ta điều trị cho những người này, có thể 5 năm một lần, bằng một loại vaccine chỉ tạo ra tế bào T hiệu ứng, [nó] sẽ loại bỏ, tiêu diệt tất cả các tế bào đã biến đổi và có thể ngăn chặn hoàn toàn việc căn bệnh ung thư xuất hiện ở những bệnh nhân này.”

Phương pháp điều trị bằng mRNA

Nhiều công ty dược phẩm đã nghiên cứu việc sử dụng mRNA để điều trị ung thư. Trong tháng này, Moderna và Merck & Co. thông báo rằng họ đã bắt đầu một thử nghiệm giai đoạn cuối đối với phương pháp điều trị bằng mRNA được cá nhân hóa cho những bệnh nhân bị một loại ung thư phổi.

Liệu pháp này được gọi là v940, sẽ được điều chỉnh riêng cho từng bệnh nhân để kích hoạt tế bào T và phối hợp cùng với thuốc Keytruda. Vào tháng 7, hai công ty đã khởi động một nghiên cứu giai đoạn cuối về liệu pháp kết hợp ở những bệnh nhân bị melanoma, một loại ung thư da.

Đầu năm nay, BioNTech, công ty hợp tác với Pfizer để sản xuất vaccine mRNA ngừa Covid-19, cho biết họ đã ký thỏa thuận với chính phủ Anh về các liệu pháp điều trị ung thư được cá nhân hóa.

Theo thỏa thuận, tới cuối năm 2030, có tới 10.000 bệnh nhân sẽ được đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng. Các liệu pháp điều trị ung thư này sẽ sử dụng công nghệ mRNA.

Ngoài ung thư, công nghệ mRNA đang được nghiên cứu để sử dụng trong điều trị dị ứng, bệnh di truyền, đau tim, đột quỵ, suy tim, rối loạn phát triển thần kinh, HIV, sốt rét và bệnh lao.

Việc phát triển mRNA để chủng ngừa cho các bệnh khác khi công nghệ hiện tại bộc lộ ra thiếu sót đáng kể đã đặt ra một số câu hỏi về an toàn.

Các nhà khoa học trong một nghiên cứu mới mang tính bước ngoặt đã phát hiện ra một trình tự trong vaccine Pfizer mRNA COVID tạo ra “phản ứng miễn dịch ngoài ý muốn” trong cơ thể, mà các chuyên gia gọi là “thất bại lớn về phát triển và điều hoà.”

Acid Ribonucleic Messenger tổng hợp (mRNA), chẳng hạn như acid được sử dụng trong vaccine Moderna và Pfizer, cho phép cơ thể tạo ra một loại protein gai đặc hiệu bắt chước SARS-CoV-2. Cơ thể phản ứng với protein lạ và tạo ra khả năng miễn dịch bảo vệ, về mặt lý thuyết sẽ vô hiệu hóa virus thực sự khi nó xâm nhập vào cơ thể.

“Các nhà nghiên cứu từ Đơn vị Độc chất của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa (MRC) đã phát hiện ra rằng bộ máy tế bào ‘đọc’ mRNA bị ‘trượt’ khi phải đối mặt với sự lặp lại của một sửa đổi hóa học thường thấy trong phương pháp trị liệu bằng mRNA. Ngoài protein mục tiêu, những sự trượt này còn dẫn đến việc sản xuất các protein ‘ngoài mục tiêu’ gây ra phản ứng miễn dịch ngoài ý muốn”, theo thông cáo báo chí về nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào ngày 6 tháng 12.

Tuần trước, tiến sĩ Joseph Ladapo, tổng y sĩ tiểu bang Florida đã yêu cầu các quan chức y tế liên bang cung cấp thêm thông tin về việc phát hiện các đoạn DNA trong vaccine Pfizer và Moderna COVID-19 “đi quá giang vào tế bào người.”

Trong một lá thư gửi các quan chức tại CDC và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), ông đã chỉ ra rằng sự hiện diện của DNA thúc đẩy/tăng cường Simian Virus 40 (SV40) trong vaccine đặt ra nguy cơ tích hợp DNA vào tế bào vật chủ cao hơn.”

Ông cảnh báo, “Về mặt lý thuyết, sự tích hợp DNA có thể tác động đến các gen gây ung thư của con người – những gen có thể biến một tế bào khỏe mạnh thành tế bào ung thư.”

Ngoài ra còn có nghiên cứu cho thấy vaccine mRNA COVID-19 có thể làm giảm một loại vi khuẩn đường ruột có lợi được gọi là Bifidobacteria, sự hiện diện của vi khuẩn này có liên quan đến khả năng miễn dịch chống lại mầm bệnh và ung thư cao hơn.

Đại Hải biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Naveen Athrappully
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn