Bản tin đặc biệt

Vâng, chúng tôi muốn các nhà lãnh đạo của mình có đạo đức

Một cuộc thăm dò quốc gia do Harris X thực hiện vào mùa hè năm 2023 cho thấy đa số người Mỹ đã nghĩ rằng các chính trị gia nên tập trung nhiều hơn vào khả năng lãnh đạo có đạo đức hơn là kết quả thực tế. Khi được hỏi câu hỏi thứ hai “Quý vị liên kết yếu tố nào chặt chẽ nhất với khả năng lãnh đạo có đạo đức?” thì đa số những người ủng hộ Đảng Dân Chủ, Đảng Cộng Hòa, và Độc Lập đã chọn sự tin cậy và trung thực lên đầu danh sách.

Vâng, chúng tôi muốn các nhà lãnh đạo của mình có đạo đức

Ngoài ra không còn sự đồng thuận ý kiến nào thêm nữa. Từ danh sách do nhà thăm dò này cung cấp, cử tri Đảng Dân Chủ liên kết sự lãnh đạo có đạo đức chặt chẽ nhất với DEI (sự đa dạng, công bằng, và hòa nhập) và đối xử công bình với những người khác. Cử tri Đảng Cộng Hòa đã lựa chọn những giá trị gia đình và lý tưởng của các Tổ phụ Lập quốc. Cử tri Độc Lập đã chọn các giá trị gia đình cho lựa chọn thứ hai của họ về mối liên hệ với sự lãnh đạo có đạo đức, sau đó chọn đúng và sai cho vị trí thứ ba.

Vì vậy, đúng, người Mỹ muốn có những nhà lãnh đạo có đạo đức. Điểm mà chúng ta không đồng thuận với nhau là định nghĩa của chúng ta về đạo đức.

Điều đáng chú ý trong cuộc khảo sát này là sự thiếu vắng những phẩm chất đạo đức mà cho đến gần đây dùng để để xác định bất kỳ một người Mỹ có đức hạnh nào. Giống như những người được hỏi, các thế hệ trước đều đồng ý rằng đạo đức và tầm nhìn nên hướng dẫn cho các quyết định thực tế, và họ cũng đánh giá cao sự trung thực và đáng tin cậy ở người khác. Tuy nhiên, trong khi họ đồng ý rằng đối xử công bình với người khác hoặc tôn trọng gia đình là những tiêu chí đo lường thích hợp về nhân cách, thì trước tiên họ sẽ xem xét một số đức tính cơ bản hơn có thể được xem là đáng ngưỡng mộ ở một nhân vật của công chúng.

Chúng ta hãy xem qua bốn trong số những đức tính đó.

Dũng khí theo đuổi niềm tin của mình

“Dù hiện có điều gì xảy ra đi chăng nữa, tôi nợ Chúa cuộc đời mình và sẽ cố gắng phục vụ Ngài bằng mọi cách có thể.”

Hai tuần sau khi suýt chết trong một vụ ám sát ngày 30/03/1981, [cựu tổng thống] Ronald Reagan đã viết những lời đó trong nhật ký của mình. Trong thời gian ở bệnh viện, ông đã thể hiện dũng khí tuyệt vời, xen lẫn sự hóm hỉnh và hài hước, đến nỗi Chủ tịch Hạ viện, thành viên Đảng Dân chủ Tip O’Neill, đã có chung cảm xúc của nhiều người Mỹ khi ông nói với vẻ ngưỡng mộ: “Tổng thống đã trở thành một anh hùng.”

Tổng thống Ronald Reagan có bài diễn văn nổi tiếng, kêu gọi “Ông Gorbachev, hãy phá đổ bức tường này!” tại Cổng Brandenburg ở Berlin, Đức, vào ngày 12/06/1987. (Ảnh: Thư viện & Bảo tàng Tổng thống Ronald Reagan)
Tổng thống Ronald Reagan có bài diễn văn nổi tiếng, kêu gọi “Ông Gorbachev, hãy phá đổ bức tường này!” tại Cổng Brandenburg ở Berlin, Đức, vào ngày 12/06/1987. (Ảnh: Thư viện & Bảo tàng Tổng thống Ronald Reagan)

Trong cuốn sách “Tear Down This Wall: A City, a President, and the Speech that Ended the Cold War” (Hãy Phá Đổ Bức Tường Này: Một Thành Phố, Một Tổng Thống, Và Bài Diễn Văn Kết Thúc Chiến Tranh Lạnh), ông Romesh Ratnesar, người viết tiểu sử về ông Reagan, đã kể lại dũng khí của tổng thống sau vụ nổ súng này, bao gồm cả bản ghi nhật ký của ông, sau đó mô tả về một loại dũng khí khác mà tổng thống đã thể hiện sáu năm sau.

Đó là ngày 12/06/1987, và ông Reagan đã có bài diễn văn tại Cổng Brandenburg của Bức tường Berlin. Ông nói về tự do, về Bức tường ngăn cách thành phố và chính nước Đức. Sau đó, khi đang đề cập đến Tổng Bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev, tổng thống đã nói to và có chút xúc động: “Ông Gorbachev, hãy mở cánh cổng này ra!” Ông đợi cho tiếng reo hò lắng xuống, rồi cất lên câu nói xuyên thấu vào trung tâm của cuộc đàn áp của cộng sản: “Ông Gorbachev, hãy phá đổ bức tường này!”

Đến ngày 09/11/1989, Bức tường Berlin sụp đổ, Đông Đức và Tây Đức bắt đầu thống nhất. Chỉ hơn hai năm sau, trong một sự kiện dường như là một phép màu đối với tất cả những người đã dành cả cuộc đời mình trong Chiến Tranh Lạnh, Liên Xô đã chấm dứt sự tồn tại.

Sự lãnh đạo có đạo đức có nghĩa là có đủ can đảm và tầm nhìn để theo đuổi một mục tiêu đáng giá, cho dù không có một cơ hội thành công nào. Không rõ ông có nhớ lời thề mà mình đã ghi trong nhật ký hay không, nhưng với bài Diễn văn tại Bức tường Berlin, ông Reagan đã chứng minh rằng dũng khí là điều tất yếu đối với tất cả các nhà lãnh đạo vĩ đại.

Một quy tắc về danh dự

So với những người cùng thời như ông Thomas Jefferson và ông John Adams thì ông George Washington không có gì nổi bật về nền tảng giáo dục chính quy hay năng lực trí tuệ. Ông không có học vấn hay bằng cấp cao hơn, và đây cũng là một điều mà ông than thở cả đời. Ông tự cảm thấy xấu hổ khi không nói được một loại ngoại ngữ nào và cũng chưa từng hành nghề luật như rất nhiều Tổ phụ Mỹ quốc khác. Mặc dù thời nay ông nổi tiếng là một vị tướng, nhưng thực tế là ông là một nhà chiến lược kém, thua nhiều hơn thắng.

“Tổng Tư lệnh George Washington Từ chức khỏi Ủy ban của Ông” của họa sĩ John Trumbull, 1824. Tranh sơn dầu trên vải. (Ảnh: Tư liệu Công cộng)
“Tổng Tư lệnh George Washington Từ chức khỏi Ủy ban của Ông” của họa sĩ John Trumbull, 1824. Tranh sơn dầu trên vải. (Ảnh: Tư liệu Công cộng)

Tuy nhiên, thanh thế của ông Washington vào cuối Chiến tranh Cách mạng khiến nhiều người kỳ vọng Tổng Tư lệnh Lục quân Lục địa này sẽ trở thành vua của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Một số người còn khuyến khích ông lên ngôi vua. Khi được thông báo rằng ông Washington có thể sẽ gác kiếm và giao lại quyền chỉ huy của mình để quay về trang trại ở Virginia, Vua George Đệ tam của Anh quốc đã thốt lên, “Nếu làm được như vậy thì ông ấy sẽ là người đàn ông vĩ đại nhất thế giới.”

Vào ngày 23/12/1783, ông Washington từ chức khỏi ủy ban của mình, “rời khỏi tất cả các công việc của đời sống công vụ,” và lên đường đón Giáng Sinh tại Mount Vernon.

Ông Washington được kính trọng vì những đức hạnh của ông bởi một phần ông là con người chính trực (probity), nguyên là một từ ngữ theo lối cổ kết hợp giữa danh dự, sự trung thực, vẻ bề ngoài, và tính liêm khiết, đặc biệt là ở nơi công cộng. Khi còn nhỏ, ông Washington đã chép tay “Những quy tắc Lịch sự và Hành vi Đứng đắn trong Xã giao và Đối thoại” và chính ông đã áp dụng các quy tắc này cho bản thân. Ngoài những quy tắc về cách ứng xử và hành vi này, ông còn sống theo một quy tắc ứng xử đạo đức thẳng thắn và cứng rắn như tư thế người lính của mình. Khó mà tưởng tượng được ông có thể thích thú những câu chuyện cười và trí tuệ dân gian như ông Abraham Lincoln hoặc thực hiện những “cuộc trò chuyện bên lò sưởi” như ông Franklin Roosevelt.

Không phải vậy — trừ vài lần ngoại lệ, chủ yếu là trên chiến trường — ông Washington là người dè dặt, một hình mẫu về thái độ chính trực và phẩm giá cổ điển.

Quy tắc đó đã làm nên người đàn ông này.

Những điều căn bản được áp dụng

Trong một bài viết về ông Calvin Coolidge, nhà bình luận Cal Thomas nhắc lại việc tổng thống thứ 30 của chúng ta đã tạo ấn tượng đối với nhà sử học người Anh Paul Johnson như thế nào: “Không có một người của công chúng nào trong thời hiện đại lại mang theo những nguyên tắc nền tảng của chủ nghĩa Mỹ một cách toàn diện hơn: làm việc chăm chỉ, tiết kiệm, tự do theo lương tâm, tự do khỏi chính phủ, tôn trọng văn hóa nghiêm trang.”

Tổng thống đương thời Calvin Coolidge ký dự luật tài trợ cho Cơ quan Cựu chiến binh, tại Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 05/06/1924. (Ảnh: Tư liệu Công cộng)
Tổng thống đương thời Calvin Coolidge ký dự luật tài trợ cho Cơ quan Cựu chiến binh, tại Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 05/06/1924. (Ảnh: Tư liệu Công cộng)

Giống như ông Washington, ông Coolidge được những người đương thời biết đến vì tính đúng mực và tư cách đạo đức chính trực của mình. Không giống như nhiều chính trị gia khác, ông tránh xuất hiện trước công chúng nếu không cần thiết và tránh xa sự chú ý. Khi được yêu cầu giải thích vai trò của mình với tư cách là thống đốc tiểu bang Massachusetts, ông nói rằng ông có ý định “bước đi một cách khiêm tốn và thực hiện nghĩa vụ của mình.” Được gọi là “Cal Im lặng” vì nổi tiếng là người kín tiếng, ông đã chỉ huy nền kinh tế đang bùng nổ trong những năm 1920, là một người phản đối chính phủ toàn quyền và việc định hướng xã hội, đồng thời tin rằng Giấc mơ Mỹ dựa trên hai giá trị cốt lõi là đạo đức và tôn giáo.

“Cal Im lặng” nghe có vẻ ôn hòa, nhu mì, hoặc buồn tẻ, nhưng trong sâu thẳm của người đàn ông Mỹ đến từ Vermont này lại là linh hồn của một con sư tử. Năm 1919, lực lượng cảnh sát Boston đình công, yêu cầu công nhận nghiệp đoàn của họ. Với sự hỗn loạn đang chực chờ tấn công thành phố, Thống đốc Calvin Coolidge đương thời đã tranh luận về việc có nên kêu gọi Lực lượng Vệ binh Tiểu bang Massachusetts giữ trật tự hay không. Như ông Cal Thomas nói với chúng tôi, “Khi ông ấy chuẩn bị ký lệnh hiệu triệu Lực lượng Vệ binh Quốc gia, một số đồng nghiệp đã cảnh báo ông ấy rằng điều đó có thể làm sụp đổ Đảng Cộng Hòa ở Massachusetts và đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông ấy. Thống đốc Coolidge cầm bút và ôn tồn nói, ‘Có lẽ các ông nói đúng,’ rồi ký vào văn bản. Không giương oai. Chỉ cần sức mạnh thầm lặng.”

Giống như ông Reagan và ông Washington, ông Coolidge sẵn sàng đi trên con đường gập ghềnh và làm điều đúng đắn.

Tổng thống Coolidge giơ tay phải trong buổi lễ tuyên thệ ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. (Ảnh: Hulton Archive/Getty Images)
Tổng thống Coolidge giơ tay phải trong buổi lễ tuyên thệ ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. (Ảnh: Hulton Archive/Getty Images)

Phục vụ

Đã đến lúc phải bước xuống một vài bậc trên chiếc thang chính trị này.

Rất ít người Mỹ từng nghe nói đến thành phố Boonville ở North Carolina. Sẽ có ít người hơn thế biết đến cái tên Harvey Smith (1926-2018).

Ông Harvey Smith sở hữu một cửa hàng bách hóa và chợ thịt ở thị trấn nhỏ này. Ông giữ chức thị trưởng Boonville được 34 năm. Có lần ông đã từ chức nhưng người dân không hài lòng với người thay thế ông, nên họ đã ghi tên ông vào lá phiếu ở cuộc bầu cử tiếp theo, và ông trở lại giữ chức vụ này.

Ngoài ra, ông Smith cũng là một cựu chiến binh trong Đệ nhị Thế chiến, phục vụ trong 26 năm với tư cách là Đội trưởng Đội cứu hỏa Boonville, là thủ quỹ tại nhà thờ Baptist địa phương. Ông còn sở hữu một phi cơ nhỏ và một phi trường, nơi mà nhiều thanh thiếu niên lần đầu tiên được bay trên bầu trời qua những cánh đồng và rừng cây phía dưới.

Một trong những hành khách trẻ tuổi đó, anh Louis Fletcher, người sau này trở thành lính cứu hỏa, nói sau đám tang của ông Smith, “Tôi luôn trân quý ông Harvey vì ông ấy làm các việc không phải để được công nhận, hay để được tôn vinh, mà ông ấy làm các việc vì đó là điều đúng đắn phải làm. Ông ấy đã làm điều đó, không chỉ cho sở cứu hỏa ở Boonville, mà còn cho toàn bộ thị trấn, cho cộng đồng.”

Ông Harvey Smith phục vụ ở những văn phòng này vì ông yêu mến Boonville và người dân ở đó, cũng như muốn giúp chăm nom những gì ông yêu quý.

Đó có thể là điều quan trọng nhất khi nói đến sự lãnh đạo có đạo đức — phục vụ vì tình yêu thương.

Tổng thống và là Tổ phụ Lập quốc John Adams đã từng viết: “Hiến Pháp của chúng ta được soạn thảo chỉ dành cho những người có đạo đức và mộ đạo. Hiến Pháp hoàn toàn không phù hợp với chính phủ của bất kỳ chính phủ của bất kỳ người nào khác.” (Ảnh: J. Helgason/Shutterstock)
Tổng thống và là Tổ phụ Lập quốc John Adams đã từng viết: “Hiến Pháp của chúng ta được soạn thảo chỉ dành cho những người có đạo đức và mộ đạo. Hiến Pháp hoàn toàn không phù hợp với chính phủ của bất kỳ chính phủ của bất kỳ người nào khác.” (Ảnh: J. Helgason/Shutterstock)

Còn chúng ta thì sao?

Chúng ta đã bắt đầu bằng một cuộc thăm dò rồi, giờ hãy khép lại bằng một cuộc thăm dò khác.

Một cuộc thăm dò của Gallup hồi tháng 05/2023 cho thấy mức cao kỷ lục với 54% người Mỹ trưởng thành đánh giá các giá trị đạo đức ở đất nước này là “kém.” Một kỷ lục khác đã bị phá vỡ khi cuộc thăm dò tương tự cho thấy 83% người Mỹ tin rằng các tiêu chuẩn đạo đức của chúng ta đang ngày càng tồi tệ hơn.

Trong một nền dân chủ, các nhà lãnh đạo được bầu thường phản ánh giá trị của những người bỏ phiếu cho họ. Ông John Adams có thể đã tiên liệu điều này khi ông viết, “Hiến Pháp của chúng ta được soạn thảo chỉ dành cho những người có đạo đức và mộ đạo. Hiến Pháp hoàn toàn không phù hợp với chính phủ của bất kỳ người nào khác.”

Thông điệp này đã quá rõ ràng: Nếu chúng ta muốn các chính trị gia được bầu của mình thể hiện khả năng lãnh đạo có đạo đức, dù ở Oval Office hay Tòa Thị chính Boonville, thì bản thân chúng ta phải trở thành người có đạo đức hơn.

Tuệ Minh và Thanh Nguyên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times