Ba Lan sẽ cử 10,000 quân tới biên giới Belarus; Minsk, Moscow tuyên bố sẽ ‘đáp trả tương xứng’
Quốc gia thành viên NATO Ba Lan đã công bố kế hoạch cử thêm hàng nghìn binh sĩ tới biên giới đang ngày càng căng thẳng với Belarus, một đồng minh chủ chốt của Nga.
Moscow và Minsk, vốn được ràng buộc bởi hiệp ước phòng thủ của riêng họ, đều đã cam kết đáp trả “những nước đi không thân thiện” của Warsaw.
Hôm 10/08, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak thông báo rằng 10,000 binh sĩ sẽ được gửi đến biên giới với Belarus, “trong đó 4,000 binh sĩ sẽ trực tiếp trợ giúp Lực lượng Bảo vệ Biên giới và 6,000 binh sĩ sẽ làm lực lượng dự bị.”
Ông Blaszczak nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh: “Chúng ta điều động quân đội đến gần biên giới … để xua đuổi kẻ xâm lược để họ không dám tấn công chúng ta.”
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cho biết Moscow và Minsk sẽ “đáp trả một cách tương xứng trước bất kỳ nước đi thiếu thân thiện nào của giới lãnh đạo Ba Lan.”
Trong sáu tuần qua, Ba Lan đã tăng cường đều đặn sự hiện diện quân sự dọc biên giới dài khoảng 250 dặm với Belarus.
Việc tăng cường lực lượng có vẻ như là do các chiến đấu cơ của Wagner Group của Nga gần đây đã xuất hiện ở Belarus. Đây là một công ty quân sự tư nhân có mối liên hệ với Điện Kremlin.
Wagner Group hiện đang huấn luyện các đơn vị của quân đội Belarus tại các cơ sở quân sự nằm gần biên giới Ba Lan.
Tuần trước, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố rằng sự hiện diện của Wagner ở Belarus đặt ra mối đe dọa đối với cả Ba Lan và “sườn phía đông” của NATO.
Về phần mình, ông Galuzin cáo buộc Ba Lan quân sự hóa biên giới phía đông của mình dựa trên điều mà ông gọi là “những cái cớ giả tạo.”
“Việc khai triển lực lượng Wagner tại nước cộng hòa anh em của chúng ta [tức là Belarus] là một cái cớ giả tạo khác để Warsaw bắt đầu một đợt chuẩn bị quân sự mới,” ông nói với hãng thông tấn TASS của Nga.
Theo các quan chức Ba Lan, việc khai triển quân gần đây cũng nhằm mục đích kiềm chế số lượng người di cư không có giấy tờ ngày càng tăng đang cố gắng vượt qua biên giới.
Đầu tuần này, ông Tomasz Praga, người đứng đầu Lực lượng Bảo vệ Biên giới Ba Lan, cho biết chỉ trong năm nay 19,000 người di cư không có giấy tờ đã cố gắng đi từ Belarus vào Ba Lan.
Warsaw đang cáo buộc Belarus đưa người di cư từ các nước nghèo ở Trung Đông và châu Phi băng qua biên giới với mục đích “gây bất ổn” cho Ba Lan.
Về phần mình, chính phủ Belarus bác bỏ các cáo buộc này.
Các quan chức Belarus và Nga nói rằng việc quân đội Ba Lan di chuyển đều đặn về phía đông cho thấy Warsaw đang chuẩn bị cho “các hành động gây hấn quy mô lớn hơn.”
Tháng trước, ông Boris Gryzlov, đặc phái viên của Moscow tại Minsk, đã cảnh báo rằng cả Nga và Belarus đều sẵn sàng “đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào” đối với an ninh chung của họ.
Tuần này, ông Tengiz Dumbadze, một thành viên thuộc ủy ban đối ngoại của Quốc hội Belarus, cho biết lực lượng phản ứng nhanh của Ba Lan “đã được khai triển chỉ cách biên giới 40 km [xấp xỉ 25 dặm].”
“Điều này cho thấy [Ba Lan] không áp dụng tư thế phòng thủ, mà là tư thế tấn công,” ông Dumbadze được truyền thông Nga dẫn lời.
“[Belarus] chưa bao giờ thể hiện sự đe dọa đối với bất kỳ nước nào và sẽ không bao giờ làm như vậy. Nhưng chúng tôi sẽ không dung thứ cho những hành động khiêu khích đối với lãnh thổ của mình.”
Warsaw đổ lỗi cho Belarus vì đã dàn dựng các hành động khiêu khích ở biên giới của chính họ.
Hôm 01/08, Ba Lan tuyên bố rằng hai trực thăng của quân đội Belarus đã vi phạm không phận nước này trong thời gian ngắn.
Khi tuyên bố sẽ “đáp trả mối đe dọa”, Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wojciech Skurkiewicz đã gọi hành vi xâm phạm không phận này là một “sự khiêu khích” nhằm vào cả Ba Lan và liên minh NATO.
Ngược lại, Minsk cáo buộc Ba Lan bịa đặt câu chuyện này và “lấy đó làm cái cớ để quân sự hóa các khu vực biên giới.”
‘Chính sách lâu dài’
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, quan hệ giữa Moscow và Minsk vẫn đặc biệt thân thiết.
Một phát ngôn viên của điện Kremlin gần đây đã mô tả Belarus là “đồng minh số 1” của Nga.
Kể từ năm 1999, hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này đã được ràng buộc bởi một hiệp ước “Nhà nước Liên minh,” vốn để nhằm củng cố quan hệ song phương trong lĩnh vực quốc phòng và kinh tế.
Mùa thu năm ngoái (2022), Nga đã gửi hàng nghìn binh sĩ đến Belarus—cùng với vũ khí quân sự quan trọng—theo sự bảo hộ của hiệp ước Nhà nước Liên minh.
Đầu năm nay, Moscow tiết lộ các kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus.
Hồi tháng Sáu, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố rằng một số lượng không xác định vũ khí hạt nhân của Nga đã được chuyển đến nước này.
Để đối phó với các hoạt động khai triển quân đội tại biên giới gần đây của Ba Lan, Moscow cảnh báo rằng một cuộc tấn công vào Belarus—“bởi Ba Lan hoặc bất kỳ kẻ xâm lược nào khác”—sẽ được coi là một cuộc tấn công vào chính nước Nga.
Theo ông Galuzin, việc Ba Lan đang tiến hành hoạt động tăng cường biên giới là một phần trong “chính sách lâu dài về tăng cường tiềm lực quân sự của NATO dọc biên giới phía tây của Nhà nước Liên minh.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times