Bọn trẻ có ổn không?
Đối với một cô bé mà dường như đã có tất cả mọi thứ, Monroe Christine Lewis giờ đây đang là tâm điểm của một cuộc chiến ly thân và giành quyền nuôi con tồi tệ, và cha cô, Jeff Lewis, đang thông báo rằng cô bé cần được tư vấn tâm lý.
Monroe sinh ngày 25/10/2016 và đã gần 4 tuổi. Cô bé là kết quả của một hợp đồng thương mại mang thai hộ gồm bốn bên. Để tôi giải thích điều này.
Đầu tiên là hai người cha, Jeff Lewis và bạn trai anh ta lúc đó, Gage Edward. Cả hai đều tham gia chương trình truyền hình “Flipping Out” của Bravo TV. Monroe là kết quả từ một “người hiến tặng” trứng, một người mẹ mang thai hộ, tinh trùng của Jeff, và Gage thì là một người cha “khác”. Sự sắp xếp thụ thai và mang thai hộ của bốn bên này đã dẫn đến sự ra đời của Monroe. Khá rắc rối phải không? Nó có thể khó hình dung. Nhưng đây là bức tranh của gia đình công nghệ cao thời đại mới này.
Kể từ khi Lewis và Edward chia tay vào năm 2019, họ đã đối đầu với nhau trong một cuộc chiến giành quyền nuôi con chung. Hậu quả là Monroe luôn bị đưa qua đưa lại cả hai nhà khi họ muốn chia sẻ cô bé. Một phóng viên cho biết: “Sau một phiên tòa gian nan nữa mà Gage cố gắng nhận quyền nuôi con 2-2-3 (hai đêm cho Gage, hai đêm cho Jeff, và ba đêm tiếp theo là thay phiên nhau)”, Lewis hiện tuyên bố anh đang nhận thấy một số thay đổi đáng lo ngại trong hành vi của con gái mình. Có lẽ một phần là do cô bé bị đẩy qua đẩy lại như một quả bóng bàn. Lewis cho biết Monroe trở nên quấn quýt với anh hơn trong khi trước đó cô bé khá độc lập. Cô bé cảm thấy bất an mỗi khi anh rời khỏi, không biết anh có trở lại không, và ai sẽ là người có mặt khi cô bé thức dậy?
Thành thật mà nói, cô gái nhỏ này đã được định sẵn là phải gặp khó khăn ngay từ trước khi ra đời. Bị chia cắt từ khi mới sinh với người mẹ duy nhất mà cô bé từng biết, người mẹ đẻ của mình, sẽ gây tổn thương trong cuộc sống của bất kỳ đứa trẻ nào. Mối liên kết giữa mẹ và con là có thật và đã được khoa học ghi nhận trong các nghiên cứu.
Một nghiên cứu với tựa đề “Sự cách ly mẹ con dẫn tới tổn thương thần kinh sinh học khi trưởng thành như thế nào” cho rằng: “Kể từ thời điểm này, việc cách ly mẹ và con sớm có thể dẫn đến một loạt các phản ứng gây tổn thương cảm xúc, mà trong đó trẻ có một giai đoạn lo lắng, luôn có hành động kêu gọi và tìm kiếm, sau đó là giai đoạn suy giảm các hành động phản ứng”.
Việc Monroe không biết nguồn gốc di truyền của mình từ người mẹ ruột – người phụ nữ đã cung cấp trứng để tạo ra Monroe – có thể gây ra sự hoang mang về nguồn gốc. Sự hoang mang về nguồn gốc được mô tả là sự khao khát về danh tính, quan hệ họ hàng, chỗ đứng, nguồn gốc, và nhận thức bản thân, mà những người sinh ra từ việc hiến trứng hoặc tinh trùng vô danh thường cảm thấy. Triệu chứng này thường gặp ở những đứa trẻ được nhận làm con nuôi. Tuy nhiên, theo một bài báo trên tạp chí Facts, Views, and Vision của Trung tâm Công nghệ Sinh học Quốc gia, thì đây còn là “một thuật ngữ để chỉ tình trạng rối loạn và thiếu nhận thức về bản thân do không biết về người cha hoặc mẹ ruột của mình, và cũng xảy ra với các cá nhân sinh ra từ tinh trùng [hoặc trứng] của những người hiến tặng vô danh.”
Monroe đang phải đối mặt với sự tổn thương này, đồng thời thiếu những tình cảm của một người mẹ mà không một người cha nào có thể thay thế được, dù người cha hay những người cha đó có tốt đến đâu.
Vì hành vi sai lầm của cha mình, cô bé cũng đã bị đuổi học khi mới 2 tuổi. Và đến khi cô bé đủ lớn để biết tìm kiếm trên Google, cô bé sẽ biết rằng người mẹ mang thai hộ của mình đã kiện Lewis và Bravo TV vì đã quay phim quá trình sinh đẻ mà không được cho phép.
Bộ phim Hollywood năm 2010, “Những đứa trẻ đều ổn”, với sự tham gia của Annette Bening, Julianne Moore và Mark Ruffalo, kể về câu chuyện của một thử nghiệm tương tự. Đây là một bộ phim đã đoạt giải thưởng tại Sundance và đã thu về hàng triệu đô la tiền vé. Nội dung phim kể về Bening và Moore là một cặp đôi đồng tính đã kết hôn và có con thông qua tinh trùng hiến tặng từ một người ẩn danh (do Ruffalo thủ vai).
Cậu con trai mới lớn của họ trở nên tò mò và muốn tìm hiểu xem cha ruột của mình là ai. Vì cậu chỉ được quyền biết thông tin này khi đủ 18 tuổi, cậu đã nhờ chị gái của mình (cũng là con của Ruffalo) giúp đi tìm cha. Cuối cùng họ cũng tìm thấy cha của mình. Tuy có một chút căng thẳng trong gia đình hiện đại mới này, nhưng bộ phim đã kết thúc với việc “những đứa trẻ đều ổn”, theo đúng phong cách Hollywood.
Trong đời thực, mọi thứ phức tạp và lộn xộn hơn. Rõ ràng là Monroe bây giờ đang không ổn, và có lẽ cũng sẽ không ổn cho đến tuổi thiếu niên và tuổi trưởng thành, nếu chúng ta nhìn vào các dữ liệu thực tế.
Có lẽ Monroe không thực sự cần tới sự tư vấn. Có thể cô bé chỉ cần cha và mẹ của mình? Nhưng giữa những rối rắm này, khi những điều tốt nhất cho trẻ không được xem trọng bằng những mong muốn và truy cầu của người lớn, thậm chí chúng ta còn có thể biết được mẹ của cô bé là ai không?
Jennifer Lahl là Nhà sáng lập và Chủ tịch của Trung tâm Văn hóa và Đạo đức Sinh học, đồng thời là nhà sản xuất của các bộ phim tài liệu “Eggsploitation”, “Anonymous Father’s Day”, “Breeders: A Subclass of Women?” và “Maggie’s Story”. Vào năm 2018, cô đã phát hành “#BigFertility”, một bộ phim được chính thức lựa chọn trong Liên hoan phim Quốc tế Thung lũng Silicon.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.