Brazil và Tây Ban Nha báo cáo các ca tử vong đầu tiên do bệnh đậu mùa khỉ bên ngoài Phi Châu

Brazil và Tây Ban Nha đã báo cáo các ca tử vong liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở bên ngoài lục địa Phi Châu, với ca tử vong thứ hai sau vài giờ.

Brazil là nước đầu tiên báo cáo về tử vong do bệnh đậu mùa khỉ vào hôm 29/07. Đó là một người đàn ông 41 tuổi bị ung thư hạch bạch huyết và suy giảm miễn dịch. Theo BBC, Bộ Y tế Brazil khẳng định rằng “các bệnh đi kèm làm trầm trọng thêm tình trạng của nạn nhân”. Người này nhập viện ở thành phố Belo Horizonte đã tử vong vì sốc nhiễm trùng sau khi được đưa đến đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU).

Brazil cho đến nay đã báo cáo 1,066 trường hợp được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ, với 513 trường hợp nghi ngờ khác. Trong đó, bang Sao Paulo chiếm phần lớn các trường hợp. Theo dữ liệu của Bộ, hơn 98% các ca nhiễm được phát hiện ở những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới.

Ngay sau khi Brazil công bố ca tử vong đầu tiên do bệnh đậu mùa khỉ, Tây Ban Nha cũng đưa ra thông báo tương tự và trở thành quốc gia đầu tiên ở Âu Châu ghi nhận trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Nạn nhân bị viêm não do lây nhiễm [virus đậu mùa khỉ] và tử vong ở vùng Valencia phía đông bắc. Hôm 30/07, Tây Ban Nha báo cáo ca tử vong thứ hai liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ.

Tại Tây Ban Nha, bộ y tế đã xác nhận có 4,298 ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Trong số 3,750 bệnh nhân mà bộ y tế có thông tin, 120 bệnh nhân (chiếm 3,2%) đã phải nhập viện.

Tại Hoa Kỳ, 5,189 trường hợp đã được xác nhận tính đến ngày 29/07 theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).

New York có số ca nhiễm cao nhất với 1,345 ca, tiếp theo là California với 799 ca, Illinois với 419 ca, Florida với 373 ca, và các bang Georgia và Texas với 351 ca.

Tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe

Các trường hợp tử vong ở Brazil và Tây Ban Nha xảy ra khi Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đợt bùng phát dịch đậu mùa khỉ là “Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm (PHEIC)” vào ngày 23/07. Phần lớn các trường hợp là ở “Khu vực Âu Châu của WHO,” một bản tin cho biết.

Các nhà dịch tễ học đang tranh cãi về việc liệu tuyên bố khẩn cấp của WHO có phải là lựa chọn đúng đắn hay không. Theo Tiến sĩ Jimmy Whitworth, giáo sư y tế công cộng quốc tế tại Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London, vấn đề này là một “quyết định khó khăn” đối với ủy ban khẩn cấp của WHO.

Ông cho biết: “Theo một số khía cạnh, bệnh đậu mùa khỉ đáp ứng định nghĩa của một đợt bùng phát chưa từng có trên diện rộng ở nhiều quốc gia và việc gia tăng phối hợp quốc tế sẽ mang lại những lợi ích nhất định,” theo một bài bình luận trên The Epoch Times.

“Mặt khác, đậu mùa khỉ có vẻ là một bệnh lây nhiễm mà chúng tôi có các phương tiện cần thiết để kiểm soát; hầu hết các trường hợp đều nhẹ và tỷ lệ tử vong cực kỳ thấp.”

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với đài CNN, cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci nói rằng tuyên bố khẩn cấp về virus đậu mùa khỉ đang được chính phủ liên bang “xem xét tích cực”.

Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.

Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn