Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và Trung Quốc tranh cãi công khai trong cuộc gặp đầu tiên dưới thời TT Biden
Cuộc đàm phán Hoa Kỳ-Trung Quốc tại Alaska đã có một khởi đầu khó khăn hôm 18/03, khi các nhà ngoại giao hàng đầu của cả hai nước đưa ra những lời chỉ trích gay gắt chống lại chính sách của nhau trước sự chứng kiến của báo giới.
Cuộc gặp song phương kéo dài hai ngày tại Anchorage, Alaska là cuộc hội đàm trực tiếp cao cấp đầu tiên giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng Một. Dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ là Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, trong khi đại diện phía Trung Quốc có Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và nhà ngoại giao chính sách đối ngoại cao cấp Dương Khiết Trì.
“Chúng tôi cũng sẽ thảo luận về những lo ngại sâu sắc của mình trước các hành động của Trung Quốc, bao gồm cả ở Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan, các cuộc tấn công mạng vào Hoa Kỳ, và sự chèn ép kinh tế đối với các đồng minh của chúng tôi. Mỗi hành động trong số những hành động này đã đe dọa trật tự dựa trên quy tắc để duy trì sự ổn định toàn cầu,” ông Blinken nói trong bài diễn văn khai mạc của mình.
Ông nói thêm, “Đó là lý do tại sao chúng không chỉ đơn thuần là những vấn đề nội bộ và tại sao chúng tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải nêu ra những vấn đề này ở đây hôm nay.”
Vài phút phát biểu khai mạc điển hình của cả hai bên cuối cùng đã trở thành một vụ công kích công khai trước khi các cuộc họp kín được tiến hành.
Ông Sullivan nói, “Một quốc gia đáng tin có thể nghiêm khắc nhìn ra những thiếu sót của chính mình và không ngừng tìm cách để cải thiện.”
Ngay sau đó, thông qua một thông dịch viên, ông Dương nói, “Đó là lỗi của tôi. Khi tôi bước vào căn phòng này, đáng lẽ tôi phải nhắc nhở phía Hoa Kỳ chú ý đến giọng điệu của mình trong diễn văn khai mạc tương ứng của chúng tôi, nhưng tôi đã không làm như vậy.” Sau đó, ông cáo buộc phía Hoa Kỳ đã nói năng một cách “trịch thượng.”
Ông Dương sau đó đã công kích những gì ông gọi là nền dân chủ chật vật của Hoa Kỳ, việc đối xử tệ với những nhóm thiểu số, và chỉ trích các chính sách đối ngoại và thương mại của nước này.
“Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là Hoa Kỳ phải thay đổi hình ảnh của chính mình và ngừng thúc đẩy nền dân chủ của chính mình với phần còn lại của thế giới,” ông nói. “Nhiều người ở bên trong Hoa Kỳ thực sự không mấy tin tưởng vào nền dân chủ của Hoa Kỳ.”
“Trung Quốc sẽ không chấp nhận những cáo buộc không có cơ sở từ phía Hoa Kỳ,” ông nói.
Sau những trao đổi gay gắt trên, một quan chức cao cấp trong chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố chỉ trích phía Trung Quốc vi phạm nghi thức ngoại giao của cuộc họp, nói rằng đã có một thỏa thuận là mỗi người trong số bốn nhà ngoại giao này sẽ phải giới hạn bài diễn văn khai mạc của mình trong khoảng 2 phút. Ông Dương kết thúc bài diễn văn trong hơn 15 phút.
“Phái đoàn Trung Quốc… dường như đã đến với ý định tranh giành sự chú ý, họ tập trung vào diễn xuất phô trương màu mè kịch tính trước công chúng thay vì đi vào thực chất vấn đề,” vị quan chức này nói thêm.
Ông Gordon Chang, tác giả của cuốn “The Coming Collapse of China” (Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc) đã lên Twitter để bày tỏ quan điểm của ông về phái đoàn Trung Quốc.
“Trong quá khứ, các nhà ngoại giao của Trung Quốc gian giảo, giả vờ thân thiện và có trách nhiệm. Tuy nhiên, giờ đây họ ngạo mạn không thể tin được. Ông Dương Khiết Trì tại Alaska đã vừa bỏ lớp mặt nạ xuống để thể hiện bộ mặt xấu xí thực sự của Bắc Kinh,” ông Chang viết.
Một trong những điều ông Dương nói trong bài diễn văn khai mạc dài của mình là Tân Cương, Tây Tạng, và Đài Loan là “một phần không thể nhượng được của lãnh thổ Trung Quốc,” và các vấn đề liên quan đến ba khu vực đó là “những vấn đề nội bộ.”
Đài Loan là một quốc gia độc lập trên thực tế với chính phủ được bầu cử dân chủ, quân đội, hiến pháp, và tiền tệ của riêng họ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã đe dọa sẽ đưa hòn đảo này về dưới quyền cai quản của mình bằng các hoạt động quân sự.
Bắc Kinh đã tăng cường gây sức ép đối với Đài Loan kể từ đầu năm nay bằng việc điều các phi cơ quân sự vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan (ADIZ) gần như là hàng ngày. Gần đây nhất hôm 17/03, một chiến đấu cơ chống tàu ngầm của Trung Quốc đã tiến vào vùng ADIZ phía tây nam Đài Loan, theo Bộ Quốc phòng Đài Loan.
Trong một bức thư chung đề ngày 17/03 gửi cho TT Biden, ông Blinken, và ông Sullivan, Dân biểu Ashley Hinson (Cộng Hòa-Iowa) đã dẫn đầu một nhóm các nhà lập pháp yêu cầu phái đoàn Hoa Kỳ phải “nhắc lại cam kết mạnh mẽ của quốc gia chúng ta đối với Đài Loan trước sự đe dọa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)” trong cuộc đàm phán ở Anchorage.
Dân biểu Tim Burchett (Cộng Hòa-Tennessee), một trong những nhà lập pháp đã ký vào bức thư chung này, đã kêu gọi chính phủ Biden cứng rắn với Trung Quốc trong cuộc đàm phán ở Anchorage, theo một tuyên bố từ văn phòng của ông này.
“Gây hấn với đồng minh Đài Loan của chúng ta, đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, đánh cắp thông tin cá nhân riêng tư của người dân Hoa Kỳ – ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về tất cả những sự việc này và cần phải bị quy trách nhiệm pháp lý,” ông Burchett viết.
Ông Burchett nói thêm, “ĐCSTQ là một địch thủ, họ không hành động trung thực và công bằng với chúng ta và muốn làm suy yếu vị thế của chúng ta ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Do Frank Fang thực hiện
Với sự đóng góp của Associated Press và Reuters
Thiện Lan biên dịch
Xem thêm: