‘Cách tiếp cận thông minh hơn’ đối với Trung Quốc của TT Biden đụng phải thực tại gây hấn của Trung Quốc
Trong một bài báo hôm 16/11/2020 trên tờ New York Times, ký giả Ana Swanson đã sử dụng nhiều cuộc phỏng vấn với các nguồn ẩn danh để khuyên ông Joe Biden đánh giá tổng thể về “cách tiếp cận thông minh hơn” của mình đối với Trung Cộng:
“Ông ấy [Biden] và các cố vấn của ông ấy coi nhiều biện pháp của ông Trump, vốn nhằm mục đích cắt đứt các mối liên hệ giữa nền kinh tế Trung Quốc và Hoa Kỳ, là vụng về, tốn kém và thiếu chiến lược. Họ nói rằng họ muốn thực hiện một cách tiếp cận thông minh hơn, trong đó bao gồm việc hợp tác với Trung Cộng trong một số vấn đề như sự nóng lên toàn cầu và đại dịch, đồng thời cạnh tranh với họ về vị thế dẫn đầu công nghệ và đối đầu với họ trong các vấn đề khác như chủ nghĩa bành trướng quân sự .…”
Cụ thể hơn, một số chuyên gia châu Á của Đảng Dân Chủ chỉ trích cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng việc dỡ bỏ “Các hướng dẫn Liên lạc” phiền hà của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào hôm 15/01, mà trong nhiều thập kỷ qua đã phân biệt đối xử đối với các quan chức đến từ Đài Loan dân chủ, chính là một kiểu hành động “vụng về,” thậm chí nguy hiểm, gây khiêu khích với Trung Cộng, điều mà họ tin rằng ông Biden sẽ né tránh. Ví dụ, ông Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đã được dẫn lời trong một bài báo trên tạp chí web Foreign Policy hôm 24/01 rằng:
“Tôi đoán là chính phủ Biden chính là quyết định quay trở lại với kiểu hành động ít công khai hơn. Và đó là bởi vì không thấy có nhu cầu sử dụng Đài Loan như một vũ khí chống lại Trung Cộng—điều đó có hại cho những lợi ích của Đài Loan… Tôi nghĩ rằng việc sử dụng Đài Loan như một quân bài hoặc vũ khí để chọc vào mắt Bắc Kinh… thực tiễn đó sẽ biến mất.”
Tuy nhiên, chế độ độc tài của Trung Cộng đã không lãng phí thời gian để chứng minh với Chính phủ Biden mới mẻ rằng họ khá sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự ngày càng mở rộng để biến Đài Loan thành “vũ khí” chống lại các lợi ích của Hoa Kỳ. Ngoài ra, bằng cách này họ sẽ không cho phép ông Biden “tách biệt” các vấn đề kinh tế hoặc thậm chí liên hệ đến COVID-19 khỏi mục tiêu quan trọng nhất của Trung Cộng là chinh phục Đài Loan dân chủ, trên con đường vươn tới vị trí bá chủ toàn cầu.
Bắt đầu từ ba ngày sau khi ông Biden nhậm chức, trong hai ngày 23 và 24 tháng Một, Lực lượng Không quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Cộng (PLAAF) đã điều 29 oanh tạc cơ, chiến đấu cơ và phi cơ giám sát vào Eo biển Đài Loan, xâm phạm vùng nhận dạng phòng không phía tây nam của Đài Loan (ADIZ).
Hôm 23/01, PLAAF đã điều động 8 oanh tạc cơ H-6K tới Eo biển Đài Loan, trong khi tổng số chiến đấu cơ điều động trong hai ngày đó là 16 chiếc: J-10 (6), J-16 hai chỗ ngồi (8) và Su-30MKK (2). Ngoài ra, 5 phi cơ giám sát đã được khai triển trong hai ngày này, bao gồm 3 phi cơ tác chiến chống tàu ngầm Y-8Q (ASW), 1 phi cơ giám sát điện tử Y-8, và 1 phi cơ hệ thống kiểm soát và cảnh báo trên không KJ500 (AWACS).
Các cuộc điều động này nằm trong một chiến dịch đe dọa quân sự/chiến tranh chính trị tăng cường kéo dài gần hai tháng của PLA với các cuộc xâm nhập không phận gần như diễn ra hàng ngày của PLAAF vào ADIZ của Đài Loan.
Có khả năng là trong các ngày 23 và 24/01, PLAAF đã khai triển các đội hình nhỏ hơn mà sẽ là một phần của chiến dịch phong tỏa trên không lớn hơn. Tám oanh tạc cơ H-6K có thể mang theo ít nhất 32 tên lửa chống hạm siêu âm YJ-12 phóng từ trên không trong phạm vi 400km (khoảng 249 dặm). Đánh chìm một tàu hoặc bắn hạ một phi cơ dân dụng, và những lần tăng đột xuất phí bảo hiểm sẽ nhanh chóng đóng cửa vận tải hàng không và đường biển dân sự đến Đài Loan. Các trận không chiến lớn sẽ xảy ra sau đó giữa PLAAF và các phi cơ của Không quân Đài Loan. Có nhiều khả năng chiến đấu cơ của Hải quân hoặc Không quân Hoa Kỳ sẽ tham gia những trận chiến như vậy.
Trong những thập kỷ sau khi Hoa Kỳ không còn công nhận Đài Loan về mặt ngoại giao vào năm 1979, các chính phủ Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa đã cẩn thận truyền đạt cho Bắc Kinh ở nhiều cấp độ rằng một cuộc tấn công của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan có thể dẫn đến sự hỗ trợ quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ cho nền dân chủ trên hòn đảo này, một hàm ý cũng được nêu rõ trong Đạo luật Bang giao Đài Loan năm 1979.
Vào tháng 03/1995, chính phủ Clinton đã phát tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ Đài Loan khi gửi đi hai hàng không mẫu hạm của Hải quân Hoa Kỳ để đáp trả các cuộc tập trận quân sự của Trung Cộng nhằm đe dọa các cử tri Đài Loan trước thềm các cuộc bầu cử. Tín hiệu phát ra của không quân và hải quân của quân đội Hoa Kỳ đã trở nên gay gắt hơn trong 5 năm qua khi Trung Cộng bắt tay vào một chiến dịch gia tăng uy hiếp quân sự đối với hòn đảo này.
Để xây dựng niềm tin, hôm 23/01, chính phủ Biden đã cho phép Hải quân Hoa Kỳ cử hàng không mẫu hạm USS Roosevelt và một tàu khu trục hộ tống vào khu vực Eo biển Đài Loan, nằm giữa Đài Loan và quần đảo Philippines, gần khu vực mà PLAAF khai triển hầu hết các cuộc xuất kích gần đây của họ nhằm đe dọa Đài Loan.
Sau đó hôm 29/01, tờ Financial Times tiết lộ rằng oanh tạc cơ H-6 xuất kích hôm 23/01 là để thực hiện một cuộc tấn công mô phỏng chống lại tàu USS Roosevelt. Các chiến đấu cơ F/-18E/F trên hàng không mẫu hạm này có thể hạ gục các oanh tạc cơ và chiến đấu cơ của Trung Cộng nếu cần. Nhưng thực tế là sơ đồ tấn công đó có thể đã áp đảo hệ thống phòng thủ của hàng không mẫu hạm này bằng các cuộc tấn công đồng thời bằng các phi cơ YJ-12 được phóng từ trên không và trên mặt đất, các hỏa tiễn đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26B được phóng từ mặt đất, sau đó mẫu hạm và tàu ngầm phóng các hỏa tiễn chống hạm YJ-12.
Ngoài ra, hôm 23/01, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Cộng “ngừng gây áp lực quân sự, ngoại giao, và kinh tế đối với Đài Loan và thay vào đó tham gia vào cuộc đối thoại có ý nghĩa với các đại diện được bầu cử dân chủ của Đài Loan.” Họ lưu ý thêm, “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan duy trì khả năng tự vệ đầy đủ. Cam kết của chúng tôi đối với Đài Loan là rất vững chắc và sẽ góp phần trong việc duy trì hòa bình và ổn định xuyên Eo biển Đài Loan và trong khu vực này.”
Trên thực tế, thẳng thắn mà nói thì đã có một cuộc “chiến tranh” khá sôi nổi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên Eo biển Đài Loan trong phần lớn thập kỷ này, với việc PLA ngày càng tăng cường các hoạt động nâng cấp vũ khí, các cuộc tập trận, và bây giờ là sự thắt chặt quân sự nhằm đe dọa Đài Loan, đáp lại là các phản ứng của Hoa Kỳ dưới hình thức tăng cường khai triển phi cơ giám sát, oanh tạc cơ, và các đội hình hải quân vào trong khu vực xung quanh Đài Loan và vào Biển Đông. Điều này giờ đây đã trở thành một hoạt động đặc trưng diễn ra hàng ngày ở vùng Tây Thái Bình Dương, nhưng quý vị sẽ không thấy nó được đưa tin trên CNN.
Tuy nhiên, chính Trung Cộng đã gia tăng sự sôi sục kể từ khi họ tái cơ cấu PLA vào cuối năm 2015 nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động quân sự bất ngờ. Việc họ tập trung vào các chiến lược và các hoạt động của Lực lượng Liên hợp mới hiệu quả hơn, vốn đã được xác thực bằng các cuộc tập trận gia tăng, cũng là được thiết kế để gây áp lực buộc Đài Loan tự trị phải đầu hàng trao tự do của mình cho Trung Cộng. Nếu “lãnh đạo trọn đời” Tập Cận Bình của Trung Cộng trong vòng một đến năm năm tới quyết định rằng PLA có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh giành Đài Loan, thì đó là lúc cuộc chiến có thể sẽ bắt đầu.
Vì vậy, khi các lực lượng của Hoa Kỳ ở châu Á thường xuyên ở trong tình trạng “cảnh giác cao độ”, khi cán cân quyền lực ở Eo biển Đài Loan đang dao động và có thể nhanh chóng trở nên nguy hiểm, thì đó có phải là thời điểm khiến cho sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan “ít công khai hơn?” Liệu Tập Cận Bình có thực sự tin rằng ông ta có thể thắng trong cuộc chiến Đài Loan hay không, liệu nhận thức của ông ta về việc Hoa Kỳ giảm bớt sự ủng hộ dành cho Đài Loan có thể hỗ trợ cho quyết định cuối cùng của ông ta trong việc bắt đầu một cuộc chiến không?
Khả năng Trung Cộng sẽ giết hàng triệu người ở Đài Loan trong quá trình xâm lược chắc chắn sẽ lấn át mọi suy xét về sự bối rối, hoặc miễn cưỡng “chọc vào mắt Bắc Kinh.” Tốt hơn cả là ngăn chặn cuộc chiến tranh trên Eo biển Đài Loan bằng cách dựa vào thành tích tăng cường bán vũ khí quân sự và hỗ trợ chính trị công khai cho Đài Loan của chính phủ Trump.
[Hoa Kỳ] nên cân nhắc bán cho Đài Loan hỏa tiễn chống phi cơ SM-6 mới, thứ mà khi bắn ra đường đạn với sự hỗ trợ cảm biến trong không khí có thể đánh chặn phi cơ của PLAAF tới gần 1,000km (khoảng 621 dặm). Hoa Thịnh Đốn cũng nên xem xét các thỏa thuận thanh toán theo kiểu “Thuê-Mượn” để xây dựng một “kho dự trữ” vũ khí và phụ tùng tại Đài Loan nhằm duy trì tốt hơn các hoạt động quốc phòng qua một cuộc bao vây của PLA.
Sẽ tốt hơn nếu khai thác phần cuối của Các hướng dẫn Liên lạc đối với Đài Loan bằng cách thiết lập một chế độ huấn luyện “trực tuyến” sôi nổi giữa lực lượng quân sự của Hoa Kỳ và của Đài Loan. Điều này cần được hỗ trợ bởi sự tiếp xúc thích hợp nhưng thường xuyên giữa các nhà hoạch định và các nhà lãnh đạo quân sự.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.