Cha mẹ bỏ bê con – Kiểu vô ý ngược đãi rất phổ biến
Lời của biên tập viên: Bỏ bê tình cảm có thể biến thành ngược đãi tình cảm, nhưng ranh giới giữa bỏ bê và ngược đãi là như thế nào? Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là một chủ đề quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Ở bài viết này, chúng ta hãy cùng thảo luận với tác giả của cuốn sách “Những trẻ em thiếu tình mẫu tử, vết thương của cháu đã lành chưa?”, để tìm hiểu xem làm thế nào có thể đạt được sự cân bằng thích hợp khi thiếu thốn tình cảm.
Bỏ bê tình cảm là gì?
Bỏ bê tình cảm là không đáp ứng những nhu cầu chính đáng của con trẻ trong khi các cháu đang phát triển về cảm xúc và khả năng nhận thức bản thân. Ấn bản đầu tiên của cuốn sách này đã giải thích sự khác biệt giữa những tội có hành vi và tội không có hành vi, và bỏ bê tình cảm là thuộc về cái sau.
Nhà tâm lý học Jonice Webb đã tiến hành nghiên cứu liên quan, bà cũng sử dụng hai thuật ngữ này, đồng thời cho biết: “Ngược đãi tình cảm là một loại hành vi mà cha mẹ gây ra cho trẻ em, bỏ bê tình cảm thì ngược lại, cha mẹ không làm gì cả. Một cái là cha mẹ ngược đãi con, một cái là cha mẹ làm ngơ đối với con.”
Sự so sánh như vậy vừa rõ ràng vừa đơn giản, đủ để phân biệt hai loại tình huống. Thật không may, cuộc sống không phải lúc nào cũng trắng đen rạch ròi, chẳng hạn như mẹ không cho con trẻ ăn là thuộc về tội không có hành vi, nhưng cũng có thể xem là cố ý không chăm sóc và trừng phạt, như thế xem ra lại thuộc về tội có hành vi. Hai loại tình huống này có xuất hiện ở tầng diện tình cảm không? Giả sử trẻ đang nằm ngoài cửa phòng ngủ của mẹ gào khóc, nhưng người mẹ phớt lờ con, thì sự “không phản ứng” này là tội có hành vi hay không có hành vi?
Trong trường hợp này, chúng ta cần một bộ tiêu chuẩn thứ hai. Chúng ta cần hiểu lý do đằng sau những hành động hoặc không có hành động, nỗi đau mà cha mẹ gây ra là cố ý hay vô ý? Tôi xin bổ sung thêm một tiêu chuẩn nữa: Bỏ bê không cố ý, nghĩa là không chăm sóc con vì sự thiếu hiểu biết hoặc sơ suất của cha mẹ.
Chúng ta có thể sẽ thờ ơ đối với sức khỏe, tình trạng tài chính, gia đình và thậm chí cả con của mình. Mặc dù điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhưng vô ý bỏ bê không phải là trong tâm có ác ý; người mẹ thực sự có thể không biết rằng con mình cảm thấy cần được yêu thương và lắng nghe.
Như vậy, có loại bỏ bê mà dù vô tình gây ra tổn hại nhưng cũng không thể tha thứ không? Ví như nói người mẹ quá mệt mỏi để dậy chăm sóc đứa con đang khóc? Hay là mẹ quá bận rộn nên không có khoảng trống để nghe con tâm sự – ngay cả khi người bạn thân nhất của con vừa qua đời, và cháu đang trải qua lần đầu tiên thống khổ khi mất đi bạn thân? Cô ấy đã bỏ bê điều gì mà cô ấy nên quan tâm?
Rất khó để tách biệt hoàn toàn việc bỏ bê tình cảm và ngược đãi tình cảm đối với trẻ nhỏ, ranh giới giữa hai điều này rất mờ nhạt, rất khó nhìn rõ trong nháy mắt.
Ngược đãi tình cảm có chỗ nào khác?
Ngược đãi không phải do vô tình hay sơ suất. Ngược đãi là cố ý làm (hoặc không làm) một điều gì đó, dù biết trước rằng điều đó sẽ gây ra nỗi đau về mặt tình cảm cho đối phương.
Các hành vi ngược đãi tình cảm thường thấy bao gồm chế giễu, mắng mỏ, đổ lỗi và sỉ nhục, hơn nữa không chỉ là trong khi tức giận. Cũng có thể là với giọng điệu bình thường, nhưng trước mặt bạn bè của con trẻ mà nói ra những lời đó.
Ngoài những lời cay nghiệt, còn có sự ngược đãi tình cảm phi ngôn ngữ như không nói chuyện với trẻ (khó xác định là hành động hay không hành động); ánh mắt thù hận; có hành vi làm tổn hại đến ý thức về bản thân, năng lực hoặc lòng tự trọng của con trẻ; cố tình phá hoại cơ hội thành công của trẻ v.v. Tất cả những hành vi này đều được xem là ngược đãi tình cảm.
Mặc dù hai từ “tình cảm” không phải là nói đến tổn hại về thể chất mà là tổn hại về tinh thần, nhưng hành vi gây ra tổn thương tình cảm cũng bao gồm cả hành vi vật chất. Tôi từng nghe những câu chuyện về các cô gái trong tuổi thanh xuân bị ép phải mặc những bộ quần áo bẩn thỉu, sờn rách, không vừa vặn, không phù hợp, và kết quả là phải chịu đựng sự sỉ nhục rất lớn.
Ngoài ra, làm cho con trẻ cảm thấy xấu hổ vì giới tính của mình, hoặc cố tình để trẻ gặp phải những tình huống khủng khiếp, không thể chịu đựng được, đó cũng là một kiểu ngược đãi tình cảm.
Đe dọa bỏ rơi một đứa trẻ cũng là ngược đãi tình cảm. Những lời đe dọa như “Mẹ sẽ ném con vào trại trẻ mồ côi” hoặc “Nếu con cứ thế mẹ không cần con nữa,” đều đang truyền đạt rằng sự tồn tại của người mẹ là không đáng tin cậy.
Đối với trẻ nhỏ, các cháu phụ thuộc vào người mẹ để sinh tồn, vì vậy những kiểu đe dọa này có thể khiến các cháu sợ hãi. Trên thực tế, trẻ lớn hơn cũng sẽ bị kiểu đe dọa này kiểm soát (đây chính là mục đích khi đe dọa), làm tăng thêm cảm giác bất an và ỷ lại của trẻ.
Đe dọa bỏ rơi một đứa trẻ chính là sự ruồng bỏ về mặt cảm xúc, kiểu đe dọa này có nghĩa là: “Ngươi không thể dựa dẫm vào ta.” Đó là hành vi cố ý, hơn nữa sẽ tạo thành tổn thương tâm lý, vì vậy đó là ngược đãi.
Một người mẹ độc ác sẽ biết chỗ nào ở con trẻ dễ bị tổn thương nhất, và đôi khi sẽ cố tình chà đạp lên nó. Bà ấy biết cách khơi dậy sự xấu hổ của bạn, đó là cảm xúc đau đớn nhất, cảm giác rằng bạn là sự sai lầm, tồi tệ hoặc thiếu sót cơ bản. Làm người khác xấu hổ chính là khiến cho đối phương cảm thấy sai trái hoặc tồi tệ (không chỉ cảm giác tội lỗi về hành vi của họ), đây cũng là một hình thức ngược đãi tình cảm.
Theo quan sát của tôi, những người từng bị ngược đãi tình cảm thời thơ ấu cũng sẽ trải qua tình trạng bị bỏ bê tình cảm, nhưng không nhất định là ngược lại.
Những người mẹ thiếu thốn về mặt tình cảm, nếu là kiểu người tâm không đặt vào con cái, sẽ không ác ý như những người mẹ ngược đãi tình cảm đối với con. Họ cũng sẽ không cố ý làm tổn thương con trẻ. Một phần nguyên nhân khiến những người mẹ ngược đãi tình cảm tàn nhẫn như vậy là do thiếu kết nối về mặt tình cảm và thiếu đồng cảm với con trẻ, loại đứt gãy này cũng đồng nghĩa là họ đang bỏ bê con cái về mặt cảm xúc.
Cho dù đó là ngược đãi hay bỏ bê, những người mẹ này đã không hòa hợp về mặt tình cảm với con, cũng không biết cách nuôi dạy con cho tốt. Phát hiện ra thiếu sót của một người mẹ tàn nhẫn thì tương đối dễ (đôi khi cũng khó), nhưng thật khó để phát hiện ra thiếu sót của một người mẹ hòa ái mà vụng về.