Cháy nhà ở kết hợp kinh doanh tại quận Cầu Giấy; Hà Nội phân tích nguyên nhân
Việt Nam – Vào khoảng 4 giờ 20 phút ngày 03/07, tại Hà Nội xảy ra vụ cháy nhà trên phố Tô Hiệu, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy.
Nơi xảy ra hỏa hoạn là ngôi nhà gồm 4 tầng và 1 tầng tum, với tổng diện tích sàn khoảng 150m2.
Căn bị cháy ở Cầu Giấy là nhà ở kết hợp kinh doanh xe điện
Trong ngôi nhà 4 tầng này, tầng 1 kinh doanh đồ chơi, xe điện, xe đạp; từ tầng 2 đến tầng 4 để ở. Vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn, trong nhà có 4 người, và ngoài trời đang mưa.
Thấy có khói, người dân hô hoán và thông báo cho lực lượng cứu hỏa. Lúc này 4 người trong nhà đã thoát ra ban công tầng 3 rồi trèo sang căn nhà bên cạnh.
Cảnh sát cùng 4 xe chữa cháy đến hiện trường, lúc này cửa cuốn tầng 1 vẫn đóng kín, bên trong có nhiều hàng hóa, xe máy.
Đến 6 giờ 50 phút cùng ngày, đám cháy đã được dập tắt, không ghi nhận thương vong về người. Một cụ bà 92 tuổi bị mắc kẹt trên tầng 2 của ngôi nhà được cảnh sát đưa ra ngoài an toàn.
Trước đó sáng 02/07, cũng trên phố Tô Hiệu, một vụ hỏa hoạn khác đã xảy ra tại tầng 6 của một ngôi nhà 8 tầng. Ngôi nhà này là tổ hợp văn phòng cho thuê. Vụ hỏa hoạn đã được dập tắt trong khoảng 10 phút.
Hà Nội phân tích nguyên nhân gây cháy
Hôm 01/07, tại buổi thảo luận về phòng cháy, chữa cháy, và cứu nạn cứu hộ giai đoạn 2025-2030 ở Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó giám đốc Công an Thành phố, cho biết trong thời gian qua thành phố xảy ra nhiều vụ cháy thương tâm.
Ông Tùng cho rằng vấn đề chính là trật tự xây dựng, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra việc cấp phép, giám sát xây dựng. Nhiều sai phạm về xây dựng kéo dài vẫn chưa giải quyết được.
Phó giám đốc công an thành phố nói: “Nếu đưa ra xử lý tất cả thì hết cán bộ, hết cả hệ thống chính quyền phường, chưa nói đến quận.”
Ông Trần Hợp Dũng, Phó Trưởng ban Đô thị Thành phố Hà Nội cho rằng với những khu dân cư không bảo đảm độ rộng mặt đường cho xe chữa cháy, thì nên dừng cấp giấy phép xây dựng.
Hà Nội đang đối diện với nguy cơ cháy nổ gia tăng
Hà Nội đang đối diện với nguy cơ cháy nổ gia tăng, trong đó, các vụ cháy thường tập trung tại các chung cư mini, những căn nhà ở kết hợp kinh doanh… gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ (thuộc Công an thành phố Hà Nội), cho biết hiện nay thủ đô có hơn 1,400 chung cư; gần 400 nhà ở nhiều căn hộ (còn gọi là chung cư mini); hơn 31,200 nhà trọ, và hơn 39,200 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
Nguyên nhân chính của các vụ cháy được xác định là do chập điện và trục trặc thiết bị điện… Có rất nhiều nhà ở kết hợp kinh doanh, chung cư mini không bảo trì hệ thống điện đã xuống cấp.
Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) khuyến cáo người dân cần có kỹ năng thoát nạn và ứng phó với các tình huống khi xảy ra hỏa hoạn.
Theo thống kê, từ năm 2014 đến hết 2023 (chưa tính đến các vụ cháy lớn từ đầu năm 2024 đến nay), Hà Nội xảy ra 4,459 vụ cháy làm 202 người thiệt mạng, 271 người bị thương.
Băng Băng tổng hợp