Chuyên gia giải thích vì sao tình trạng mất răng và tiểu đường làm gia tăng nguy cơ mất trí nhớ

Những vấn đề sức khỏe như mất răng, tiểu đường và bệnh Alzheimer dường như không có liên quan với nhau. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy có sự liên quan chặt chẽ giữa các tình trạng này.

Một nghiên cứu mới được đăng trên Tập san Journal of Dental Research đã ủng hộ cho mối liên quan này. Nghiên cứu cho thấy những người bị rụng răng và tiểu đường có thể làm gia tăng nguy cơ bị bệnh Alzheimer và mất trí nhớ.

Mất răng và tiểu đường có liên quan đến mất trí nhớ

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu Y tế và Hưu trí của Đại học Michigan. Những người tham gia gồm có 9,948 người cao tuổi từ 65 đến 85 tuổi hoặc hơn, và phân tích dữ liệu trong 12 năm (2006–2018) để quan sát những thay đổi về nhận thức theo thời gian.

Khi bắt đầu nghiên cứu, những người tham gia đã hoàn thành một cuộc kiểm tra nha khoa để xác định xem họ còn bao nhiêu răng. Họ cũng trải qua các xét nghiệm máu để kiểm tra bệnh tiểu đường.

Sau đó những người tham gia được theo dõi những dấu hiệu của bệnh Alzheimer hoặc mất trí nhớ trong suốt quá trình nghiên cứu, cũng như được hỏi về tình trạng mất răng, tiểu đường, các yếu tố sức khỏe và nhân khẩu học khác.

Các kết quả của nghiên cứu cho thấy những người bị mất răng và tiểu đường có nguy cơ bị các rối loạn nhận thức nhiều hơn gần 3 lần so với những người không có các tình trạng này. Những người trưởng thành ở độ tuổi 65 đến 74 bị tiểu đường và mất hết răng có tốc độ suy giảm nhận thức nhanh nhất.

Mặc dù nghiên cứu cũng phát hiện sự tăng nhẹ [về nguy cơ rối loạn nhận thức] ở những người chỉ bị một bệnh tiểu đường hoặc mất răng, nhưng mối liên quan này không mạnh bằng.

Bệnh tiểu đường và sức khỏe răng miệng

Các biến chứng của tiểu đường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.

“Khô miệng” là tình trạng phổ biến hơn ở những người bị tiểu đường, có thể có nguyên nhân do lão hóa hoặc sử dụng thuốc, hoặc bản thân bệnh tiểu đường. Nước bọt ít nên không dễ rửa sạch những mảnh vụn thức ăn, đường, acid, và vi khuẩn. Điều này có thể dẫn đến bệnh về nướu răng.

Một nghiên cứu từ Tập san British Medical Journal cho thấy bằng chứng về một dạng bệnh về nướu trầm trọng, gọi là bệnh nha chu. Đây là một dấu hiệu sớm của bệnh tiểu đường. Họ cũng phát hiện rằng người bị bệnh nướu răng nhẹ đến trung bình cũng có nhiều người thân bị tiểu đường hơn những người không bị bệnh nướu răng hoặc bị bệnh nướu răng trầm trọng.

Nghiên cứu cũng phát hiện những người bị bệnh nướu răng nặng có cân nặng cao hơn nhiều, với BMI trung bình từ 27 trở lên.

Vậy vì sao tình trạng mất răng và tiểu đường làm gia tăng nguy cơ bị Alzheimer?

Các chuyên gia giải thích 3 lý do có thể xảy ra

  1. Các vấn đề sức khỏe khác

Bà Bei Wu, tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ lão khoa và là phó trưởng khoa nghiên cứu tại Đại học NYU Rory Meyers College và đồng giám đốc NYU Aging Incubator, nói với The Epoch Times rằng: “Người bị bệnh tiểu đường và sức khỏe răng miệng kém thường có những vấn đề sức khỏe khác như cao huyết áp, mức cholesterol cao, và bệnh tim mạch, vốn là các yếu tố nguy cơ của mất trí nhớ.”

  1. Chứng viêm

Giả thuyết khác là tình trạng viêm có thể đóng một vai trò.

Một nghiên cứu năm 2019 đã theo dõi 12,336 người ở độ tuổi trung bình là 57 tuổi trong khoảng 20 năm và phát hiện những người tham gia có mức độ viêm kinh niên nặng nhất có khả năng suy giảm nhận thức nhanh hơn gần 8% so với những người có mức độ viêm nhẹ nhất.

Bà Wu cho biết: “Viêm kinh niên là một đặc điểm phổ biến của bệnh tiểu đường và sức khỏe răng miệng kém (như bệnh nha chu), có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ suy giảm nhận thức và mất trí nhớ.”

Các tác giả của nghiên cứu viết trên Tập san Journal of Dental Research: “Tại Hoa Kỳ có hơn 75% người cao tuổi bị mất hết răng có mang răng giả. Và mọi người biết rằng màng sinh học hình thành trên răng giả có thể chứa vi khuẩn, nấm men và nấm nói chung có thể dẫn đến các phản ứng viêm trong mô miệng.”

Ngoài ra, sức khỏe và vệ sinh răng miệng kém có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ bị các bệnh nhiễm trùng có thể gây viêm và càng góp phần làm suy giảm nhận thức.

  1. Cách ăn uống

Bà Wu cũng cho biết về vai trò của việc ăn uống. Bà Wu nói: Sức khỏe răng miệng kém ảnh hưởng đến việc ăn uống. [Trên thực tế], ăn uống lành mạnh cũng có ích cho sức khỏe nhận thức.”

Một bài đánh giá nghiên cứu gần đây cho thấy những người cao tuổi bị các vấn đề sức khỏe răng miệng thường ăn uống kém và ăn ít thực phẩm giàu dinh dưỡng. Họ cũng ăn ít trái cây và rau củ, vitamin C, và vitamin E, đồng thời tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn hơn.

Bà Wu cho biết: “Các phát hiện từ nghiên cứu cung cấp một số gợi ý thiết thực giúp duy trì sức khỏe nhận thức.”

Bà lưu ý rằng nghiên cứu của bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khám răng thường xuyên, thực hành vệ sinh răng miệng tốt, tuân theo các hướng dẫn điều trị tiểu đường và chăm sóc bản thân để kiểm soát mức đường máu, và sàng lọc các vấn đề nhận thức ở các cơ sở chăm sóc ban đầu.

Bà Wu nói: “Sức khỏe răng miệng kém, bệnh tiểu đường, và suy giảm nhận thức đều có liên quan với nhau, và chúng ta đang bắt đầu hiểu ra cách mà những yếu tố này có thể ảnh hưởng và thúc đẩy lẫn nhau.”

Ông George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn