Cơ quan giám sát: Ít nhất 22,000 thường dân đã thiệt mạng bởi các cuộc không kích của Hoa Kỳ từ sau sự kiện 11/09
Theo số liệu mới nhất từ cơ quan giám sát Airwars, ít nhất 22,679 thường dân đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Hoa Kỳ suốt 20 năm qua trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.
Hôm 06/09, cơ quan giám sát Airwars có trụ sở tại Anh Quốc đã công bố báo cáo về thường dân thiệt mạng, trước lễ kỷ niệm 20 năm ngày 11/09. Airwars cho biết, trong hai thập niên qua, Hoa Kỳ đã thực hiện ít nhất 91,340 cuộc không kích trên phạm vi bảy quốc gia.
Theo dữ liệu của Airwars, số thường dân thiệt mạng nhiều nhất đã được phát hiện tại Iraq (ít nhất 11,474 người), tiếp theo là Syria (5,731 người), Afghanistan (4,815 người), Pakistan (424 người), Yemen (156 người), Somalia (72 người), và Libya (7 người).
Thời kỳ khốc liệt nhất là trong cuộc xâm lược Iraq năm 2003, khi ít nhất 5,529 thường dân thiệt mạng trong các cuộc không kích, Airwars cho biết. Sau năm 2004, số người thiệt mạng vì các cuộc không kích hầu hết ở mức dưới 1,000 người mỗi năm cho đến khi ISIS trỗi dậy.
Airwars cho biết: “Các chiến dịch đánh đuổi ISIS khỏi thành phố Mosul của Iraq và thành phố Raqqa của Syria vào những năm 2016-2017 đã chứng kiến một số cuộc giao tranh nội đô khốc liệt nhất kể từ sau Đệ nhị Thế Chiến. Chỉ riêng tại Raqqa, các cuộc tấn công của Liên quân được báo cáo là đã sát hại ít nhất 1,600 thường dân.”
Airwars lưu ý rằng ước tính 22,679 người thiệt mạng là một con số dè dặt, và có tới 48,308 người có thể đã thiệt mạng bởi các cuộc không kích của Hoa Kỳ. Sự thiếu minh bạch của chính phủ cùng sự phức tạp tổng thể của các xung đột quân sự khiến rất khó khăn để có được một con số chính xác về nhân mạng.
Airwars cho biết, “Sự cách biệt giữa hai con số này phản ánh nhiều ẩn số khi nói đến thiệt hại về thường dân trong chiến tranh. Các bên tham chiến hiếm khi theo dõi các hậu quả do hành động của chính họ gây ra – và thậm chí sau đó thực hiện việc này rất kém hiệu quả. Việc tính đếm tổn thất được giao lại cho các cộng đồng địa phương, tổ chức xã hội dân sự và các cơ quan quốc tế.”
Để phục vụ cho dự án của mình, tổ chức này cho biết họ đã tiếp cận Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ (CENTCOM) và được thông báo rằng không dữ liệu sẵn có về thiệt hại dân sự.
Theo Airwars, CENTCOM cho biết, “Thông tin quý vị yêu cầu không có ngay tại văn phòng của chúng tôi vì nó trải dài giữa nhiều hoạt động/chiến dịch trong khoảng thời gian từ 18 đến 20 năm qua.”
Các tài liệu nội bộ của chính phủ mà The Intercept thu được cho thấy nhiều sai sót trong cách quân đội theo dõi các tình huống thường dân thiệt mạng do các cuộc không kích. Các tài liệu đó, được gọi là “Drone Papers,” được báo cáo cho thấy rằng quân đội định rõ những người mà họ sát hại trong các cuộc không kích có chủ đích như là EKIA – viết tắt của “enemy killed in action” (tức là kẻ địch đã bị tiêu diệt trong trận chiến) – ngay cả khi họ không phải là mục tiêu dự kiến của cuộc tấn công đó.
“Trừ khi sau khi thiệt mạng xuất hiện bằng chứng để chứng minh những người đàn ông bị sát hại này không phải là khủng bố hoặc ‘những chiến binh thuộc kẻ thù bất chính,’ nếu không họ vẫn được định danh là EKIA,” The Intercept cho biết, trích dẫn nguồn tin đã làm rò rỉ tài liệu trên.
Những người chỉ trích các cuộc không kích này đã cảnh báo rằng hậu quả là thường dân thiệt mạng có thể dẫn đến “phản ứng ngược” – một thuật ngữ do CIA đặt ra để mô tả các hoạt động của Hoa Kỳ ở ngoại quốc có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn ở quê nhà ra sao.
Một ví dụ có thể nêu ra về phản ứng ngược từ các cuộc không kích là vào tháng 05/2017, khi thường dân người Anh Quốc Salman Abedi đã sát hại 23 người trong một vụ đánh bom tự sát bên ngoài Manchester Arena sau một buổi hòa nhạc của Ariana Grande. Lúc bấy giờ, chị gái của Abedi được báo cáo đã nói rằng hành động của anh ta có thể được thôi thúc bởi mong muốn trả thù cho những thường dân đã thiệt mạng tại Syria.
“Tôi nghĩ anh ấy đã nhìn thấy những đứa trẻ – những trẻ em Hồi giáo – thiệt mạng khắp mọi nơi và mong muốn trả thù.” Em gái của Abedi nói với The Wall Street Journal. “Anh ấy nhìn thấy chất nổ mà Mỹ đã thả xuống vào trẻ em ở Syria, và anh ấy đã muốn trả thù.”
Bà Maha Hilal, đồng giám đốc của Justice for Muslims Collective, cho biết bất kể các cuộc không kích của Hoa Kỳ gây ra phản ứng ngược hay không, người Mỹ đều nên phẫn nộ trước việc chính phủ của họ đã sát hại thường dân vô tội. Bà Hilal nói rằng đáng tiếc là hầu hết các hãng truyền thông Hoa Kỳ lại không đưa tin về những sự kiện như vậy.
Hôm 01/09, bà Hilal nói, “Khi chúng ta bàn về cuộc sống của người Hồi giáo và thương vong dân sự, phần lớn mối quan tâm là, ‘Nếu chúng ta gây ra quá nhiều thương vong dân sự, liệu điều này có tạo ra sự thù hận trong các nhóm bị nhắm mục tiêu không? Liệu điều này có biến họ trở thành những người chống Mỹ, và do đó sẽ [dẫn đến] một kiểu trả thù nào đó?’” Trong một hội thảo trên web do Dự án Phí tổn Chiến tranh của Đại học Brown khởi xướng – ước tính tổng cộng khoảng 387,000 thường dân đã thiệt mạng vì các cuộc chiến chống khủng bố.
“Nói cách khác, mối quan tâm không thực sự là về những thường dân đã thiệt mạng. Đó là về việc thường dân bị sát hại mà khả năng sự ra đi của họ có thể tạo ra nhiều bạo lực hơn nữa.”
Bộ Quốc phòng đã không lập tức phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times về báo cáo trên của Airwars.
Ông Ken Silva đưa tin về các vấn đề an ninh quốc gia cho The Epoch Times. Kinh nghiệm đưa tin của ông cũng bao gồm cả an ninh mạng, tội phạm và tài chính hải ngoại – kể cả ba năm làm phóng viên ở Quần đảo Virgin thuộc Anh và hai năm ở Quần đảo Cayman. Quý vị có thể liên lạc với ông tại [email protected]
Hạo Văn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: