Cố vấn TT Trump được bầu làm điều hành Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ
Ngày 12/9, ông Mauricio Claver-Carone, giám đốc cấp cao về các vấn đề Tây Bán cầu tại Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ và là cố vấn cho Tổng thống Donald Trump, được bầu làm chủ tịch tiếp theo của ngân hàng phát triển hàng đầu Mỹ Latin.
Ông được bầu bởi Hội đồng thống đốc Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB) và sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm vào ngày 1/10, IDB cho biết trong một tuyên bố. IDB hiện là nguồn cung cấp tài chính dài hạn hàng đầu cho phát triển kinh tế, xã hội và các thể chế ở Mỹ Latin và Caribe, cho vay khoảng 13 tỷ USD mỗi năm.
Bộ Tài chính đề cử Claver-Carone cho vị trí này từ tháng Sáu.
“Việc đề cử ông Claver-Carone thể hiện cam kết mạnh mẽ của Tổng thống Trump đối với vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong các thể chế khu vực quan trọng, cũng như thúc đẩy an ninh và thịnh vượng ở Tây Bán cầu”, Bộ này cho biết trong một tuyên bố hôm 16/6.
Cố vấn an ninh quốc gia Robert C. O’Brien và Ngoại trưởng Michael Pompeo hoan nghênh cuộc bầu cử Claver-Carone, lãnh đạo người Mỹ đầu tiên của IDB.
Ông O’Brien đánh giá cao tân chủ tịch IDB về “tầm nhìn chiến lược của ông trong thúc đẩy đầu tư tư nhân mạnh mẽ nhất trong khu vực”, trong khi Pompeo nói Claver-Carone là một lãnh đạo có tầm nhìn về xúc tiến thịnh vượng ở Tây Bán cầu và là người ủng hộ mạnh mẽ các thể chế dân chủ và sự hợp tác an ninh làm động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.
“Hoa Kỳ mong muốn hợp tác chặt chẽ với ông [Claver-Carone] trong nhiệm kỳ chủ tịch của ngân hàng thiết yếu này, bởi nó giúp hồi sinh các nền kinh tế khắp Mỹ Latin và Caribe”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho hay.
Việc lựa chọn Claver-Carone, một người Mỹ gốc Cuba, làm chủ tịch IDB là một bước tiến quan trọng trong chiến lược Tây Bán cầu của chính quyền TT Trump nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng từ Bắc Kinh trong vùng lân cận Hoa Kỳ.
Trong Khung Chiến lược Tây Bán cầu do chính quyền TT Trump công bố vào tháng Tám, Hoa Kỳ coi khu vực này là vùng “hiểm yếu” đối với an ninh quốc phòng, hòa bình và thịnh vượng Mỹ.
Hội đồng An ninh Quốc gia đề ra bốn mục tiêu chiến lược trong khuôn khổ, bao gồm, (a) bảo đảm an ninh đất liền thông qua việc ngăn chặn nhập cư, buôn lậu và buôn người bất hợp pháp và không kiểm soát; (b) thúc đẩy phát triển kinh tế và mở rộng thị trường tự do ở châu Mỹ; (c) tái khẳng định cam kết của khu vực đối với dân chủ và pháp quyền, chống lại sự xâm lược kinh tế và ảnh hưởng chính trị ác tính; đồng thời (d) phát triển và củng cố cộng đồng các quốc gia đồng chí hướng trong khu vực.
“Tây Bán cầu là một ưu tiên địa chính trị của Hoa Kỳ”, nội dung khuôn khổ đề cập.