Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc sẽ từ chức vào tháng 10 tới
Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Terry Branstad sẽ từ chức vào đầu tháng 10 tới, kết thúc nhiệm kỳ 3 năm tại Bắc Kinh được đánh dấu bởi mối quan hệ đang ngày càng xấu đi giữa hai nước.
Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố vào ngày 14/9 rằng ông Branstad, người được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm vào năm 2017, đã thông báo cho Tổng thống về quyết định của mình trong một cuộc điện đàm vào tuần trước. Tuy nhiên, cơ quan này không cho biết lý do từ chức của ông Branstad.
Tại một cuộc họp nội bộ nhân viên vào ngày 14/9, ông Branstad nói: “Tôi tự hào nhất về công việc của chúng ta trong việc đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một và mang lại những kết quả rõ ràng cho cộng đồng của chúng ta ở quê nhà”, theo Đại sứ quán Hoa Kỳ.
Trước thông báo của Đại sứ quán, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã cảm ơn sự cống hiến của ông Branstad trên Twitter.
“Đại sứ Branstad đã góp phần tái cân bằng quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, giúp nó hướng tới kết quả, hỗ tương, và công bằng. Điều này sẽ có những tác động tích cực, lâu dài đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở Châu Á – Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ tới”, ông Pompeo cho biết.
Gần đây, cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc, tờ Nhật báo Nhân dân (People’s Daily), đã từ chối đăng một bài bình luận do ông Branstad viết.
Tuần trước, ông Pompeo cho biết, việc tờ báo này từ chối bài viết của ông Branstad đã phơi bày “nỗi sợ hãi về quyền tự do ngôn luận và tranh luận trí tuệ nghiêm túc”, đồng thời phê phán thói đạo đức giả của Trung Quốc thể hiện qua lý do từ chối của tờ báo. Trong một bức thư gửi tới Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc, tờ Nhật báo Nhân dân phàn nàn về sự đối xử thiếu công bằng và hỗ tương của Hoa Kỳ.
Ông lưu ý rằng chỉ riêng năm nay, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã có năm bài bình luận được đăng trên các tờ báo nổi tiếng của Hoa Kỳ như The Washington Post và trả lời phỏng vấn độc quyền trên các hãng thông tấn như CNN và CBS.
Bài bình luận do ông Branstad đề xuất, có tiêu đề “Thiết lập lại mối quan hệ dựa trên sự tương hỗ”, lập luận rằng Trung Quốc đã lợi dụng xã hội cởi mở của Hoa Kỳ, trong khi lại ngăn cản các quan chức Hoa Kỳ, bao gồm cả chính ông Branstad, tự do kết nối với người dân Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trả lời rằng bài viết của ông Branstad “đầy sơ hở, mâu thuẫn trầm trọng với sự thật, và cố tình công kích và bôi nhọ Trung Quốc”.
Ông Branstad, 72 tuổi, là người ở tiểu bang Iowa và đã có hơn 22 năm làm thống đốc bang này, nhiệm kỳ thống đốc bang lâu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông đã từ chức vào tháng 5/2017 để đảm nhận chức vụ ngoại giao ở Trung Quốc.
Ông đã quen biết với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từ lâu, và đã tiếp đón ông Tập ở Iowa khi ông này vẫn còn là một quan chức nông nghiệp trẻ ở miền bắc Trung Quốc vào năm 1985. Trong nhiều năm, hai người vẫn giữ liên lạc và ông Tập gọi ông Branstad là “bạn cũ”.
Ông Pompeo cho biết trong một tweet [trên Twitter] rằng TT Trump đã chọn ông Branstad làm đại sứ “bởi vì kinh nghiệm hàng mấy thập kỷ của ông ấy trong việc đối phó với Trung Quốc khiến ông ấy trở thành người tốt nhất để đại diện cho chính phủ và bảo vệ các lợi ích và lý tưởng của Hoa Kỳ trong mối quan hệ quan trọng này.”
Ngay sau khi đến Bắc Kinh vào tháng 6/2017, ông Branstad đã hoan nghênh thịt bò Mỹ quay trở lại thị trường Trung Quốc sau lệnh cấm kéo dài 14 năm, và nói rằng, “Tôi biết đó là một ưu tiên hàng đầu của tổng thống nhằm giảm thâm hụt thương mại, và đây là một trong những cách mà chúng tôi có thể làm được.”
Tuy nhiên, quan hệ thương mại nhanh chóng trở nên xấu đi, khi Hoa Kỳ áp đặt thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc do những hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, đồng thời Trung Quốc cũng trả đũa lại tương tự. Các tranh chấp khác tiếp theo là về công nghệ, nhân quyền, và phản ứng với đại dịch virus Vũ Hán.
Ông Branstad đã tham gia cùng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin trong các cuộc đàm phán thương mại với các đối tác Trung Quốc tại Bắc Kinh hồi tháng 5/2019.
Thỏa thuận giai đoạn một được ký kết vào tháng 1/2020 thể hiện một sự đình chiến, nhưng không giải quyết được những than phiền cơ bản hơn từ phía Hoa Kỳ.
Tuyên bố của Đại sứ quán Hoa Kỳ cũng ghi nhận vai trò của ông Branstad trong nỗ lực giảm lưu lượng fentanyl từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ, bao gồm một hiệp ước vào năm 2018, trong đó Trung Quốc đồng ý liệt opioid tổng hợp và tất cả các dẫn xuất của nó là những chất phải được kiểm soát.
Ông Branstad cũng có một chuyến thăm hiếm hoi tới Tây Tạng vào tháng 5/2019, nơi ông bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc can thiệp vào quyền tự do tổ chức và thực hành tôn giáo của các Phật tử Tây Tạng.
Hồi tháng 12/2019, vào Ngày Nhân quyền, ông Branstad đã lên tiếng chỉ ra những vi phạm nhân quyền đang diễn ra của Trung Quốc đối với các dân tộc thiểu số, các nhóm tôn giáo và những người bất đồng chính kiến.
Trong một tuyên bố, ngài đại sứ nói rằng trong thời gian ở Trung Quốc, ông đã “chứng kiến sự thất bại của mô hình cai trị của Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) trong việc bảo vệ các quyền tự do cơ bản” của người dân Trung Quốc, “như được quy định trong Tuyên ngôn [Quốc tế Nhân quyền] và trong chính luật pháp của PRC”, khi ông đề cập đến Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hợp Quốc mà Trung Quốc là một nước đã tham gia ký kết.
Ông Branstad cho biết, “Chừng nào mà họ còn không tuân thủ cam kết của mình về việc bảo vệ nhân quyền và tự do cá nhân, thì PRC không thể mong nhận được sự tôn trọng của quốc tế mà họ tìm kiếm.”
Tác giả: Cathy He (The Associated Press đã đóng góp cho bản tin này.)