Đặt cược vào thỏa thuận thúc đẩy của Quốc hội Hoa Kỳ, chứng khoán thế giới tăng vọt
Ngày 11/8, chứng khoán thế giới nhích lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng rưỡi qua, nhờ việc đặt cược vào sự khả thi của gói kích thích tài chính Hoa Kỳ và dấu hiệu căng thẳng Hoa Kỳ-Trung Quốc đã giảm bớt trước một vòng đàm phán thương mại quan trọng.
Trong khi các nhà đầu tư vui mừng bởi sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump cho khôi phục lại một số khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung và tạm hoãn thuế thu nhập, trạng thái của họ dừng ở mức cảnh giác khi căng thẳng vẫn tiếp diễn trong Quốc hội Mỹ về việc mở rộng gói kích thích tài chính.
Dữ liệu kinh tế toàn thế giới cũng vẫn là một nguyên nhân gây lo ngại, mới đây nhất là sự sụt giảm mạnh xuất cảng từ các chỉ số thương mại dẫn đầu Hàn Quốc, và tình trạng thất nghiệp lớn nhất ở Anh Quốc kể từ năm 2009.
Tuy nhiên, giá dầu thô Brent giao sau vẫn ở gần mức cao nhất trong 5 tháng và chỉ số USD giữ ở mức cao nhất trong 1 tuần sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông lạc quan rằng một thỏa thuận kích thích lưỡng đảng sẽ sớm đạt được.
Các nhà phân tích của Commerzbank cho biết thị trường đang loại bỏ những nghi ngờ về tính hợp pháp của sắc lệnh do TT Trump ban hành và dường như bị thuyết phục rằng Quốc hội sẽ đồng ý với một thỏa thuận.
“Không phải không có lý do chính đáng, bởi vì trong chiến dịch tranh cử, cả hai đảng đều quan tâm đến việc thể hiện tốt bản thân”, các nhà phân tích nhận định.
“Ai lại muốn bị coi là kẻ xấu bủn xỉn ngay cả trong thời điểm cần thiết?”
Chỉ số chứng khoán toàn châu Âu tăng gần 1%, trong đó cổ phiếu ô tô dẫn đầu sau khi doanh số bán ô tô Trung Quốc tăng vọt và các hợp đồng tương lai cho thấy một phiên mở cửa mạnh mẽ hơn ở phố Wall.
Chỉ số cổ phần toàn cầu của MSCI tăng 0,4%, trong khi điểm chuẩn của cổ phiếu châu Á, không tính Nhật Bản, tăng gần 1%. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 1,9%.
Chỉ số thế giới hiện đã vượt qua đỉnh kỷ lục tháng 2/2020.
Cũng có những hy vọng rằng lệnh trừng phạt của Bắc Kinh đối với 11 công dân Hoa Kỳ, đòn phản ứng đối với biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các công dân Trung Quốc trong cuộc đàn áp tại Hồng Kông, có thể là hồi kết cho các hành động [trả đũa] qua lại giữa hai cường quốc.
Ông Vishnu Varathan, người đứng đầu bộ phận kinh tế của Ngân hàng Mizuho ở Singapore, cho biết: “Tòa Bạch Ốc chưa bị đụng đến. Điều đó giúp yên tâm phần nào rằng Trung Quốc vẫn đang dành một số ưu tiên cho việc đối thoại [về thỏa thuận thương mại]”.
Các quan chức Hoa Kỳ và Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán vào ngày 16/8 để rà soát lại 6 tháng đầu tiên của thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1. Trong khi Trung Quốc đang bỏ xa các mục tiêu thu mua hàng hóa nông nghiệp và năng lượng từ Hoa Kỳ, thị trường dường như tin tưởng rằng quan hệ thương mại sẽ được tách rời khỏi những ồn ào ngoại giao.
Sự lạc quan đó khiến các tài sản trú ẩn an toàn chịu áp lực nhẹ nhàng, theo đó vàng và các kim loại quý khác giảm 1-3% trong ngày trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiệm cận 0,5870%, mức cao nhất trong vòng 2 tuần.
Cổ phiếu của Trung Quốc đại lục là ngoại lệ, giảm khoảng 1% do lo lắng trước các cuộc đàm phán và cổ phiếu công nghệ giảm, sau khi chỉ số Nasdaq của Mỹ giảm vào ngày hôm trước.
Ông Jason Borbora-Sheen, giám đốc danh mục đầu tư tại Ninety One Asset Management, cho biết các tiêu đề sẽ tạo ra dao động, nhưng vấn đề này không gây ra rủi ro nghiêm trọng “từ góc độ vốn chủ sở hữu hoặc từ góc độ doanh nghiệp, đơn giản vì vấn đề đó đã được các nhà đầu tư lưu tâm rồi”.
Chiều hướng tăng và tiếp diễn
Mức tăng hôm 11/8 theo sau phiên giao dịch mạnh mẽ của phố Wall khi chỉ số Dow và S&P 500 tăng và các nhà đầu tư chuyển hướng sang các cổ phiếu giá trị cốt lõi và ngoài mảng công nghệ, phản ánh sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng.
Chỉ số S&P 500 thấp hơn 1% so với mức cao kỷ lục của tháng 2, trong khi cổ phiếu của châu Á, không tính Nhật Bản, dao động trong khoảng 2% so với mức đỉnh của tháng Giêng.
Trên thị trường tiền tệ, đồng euro-USD đi ngang. Đồng euro giảm 1,6% trong ba phiên gần đây, khi mức dao động 10% của nó kể từ tháng 3 dần giảm nhiệt.
Một yếu tố củng cố sự suy giảm của đồng USD, và sức mạnh vốn cổ phần, là lợi suất trái phiếu kho bạc thực tế hoặc được điều chỉnh theo lạm phát trên đà giảm.
Tuy nhiên, trong một tín hiệu nguy hiểm cho sự phục hồi của đồng euro-USD, lợi suất thực tế của Đức dường như đã bắt kịp với Mỹ khi kỳ vọng lạm phát của khu vực đồng euro tăng lên.
Các đồng tiền nhạy cảm với rủi ro, chẳng hạn như AUD và New Zealand đô-la, vẫn giữ giá và mức tăng của châu Á đã nâng chỉ số tiền tệ thị trường mới nổi lên gần 2%.
Ngay cả đồng lira từng bị vùi dập của Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhích lên sau bốn phiên thua lỗ.
Biên dịch: Hạ Thu