ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công qua chiến dịch tuyên truyền mới nhắm đến hàng chục triệu người
Nhà phân tích cho biết, khi nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn với tình trạng suy thoái và sự bất mãn của công chúng ngày càng gia tăng, thì chiến dịch này cũng được đưa ra nhằm bịt miệng người Trung Quốc.
Một báo cáo cho thấy Bắc Kinh đang sử dụng lực lượng công an, quan chức trong khu dân cư, và giáo viên để phát động một chiến dịch tuyên truyền mới nhằm phỉ báng Pháp Luân Công và thu thập chữ ký ủng hộ việc đàn áp nhóm tín ngưỡng này.
Theo báo cáo do tổ chức bất vụ lợi Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp công bố, hàng chục triệu người Trung Quốc đã đọc qua các tuyên truyền này và ký tên thỉnh nguyện, thường là dưới áp lực của chính quyền. Chiến dịch thu thập chữ ký diễn ra trên nền tảng WeChat phủ sóng rộng khắp, là một phần trong nỗ lực sâu rộng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm lôi kéo sự ủng hộ của công chúng đối với cuộc đàn áp Pháp Luân Công đang diễn ra trong bối cảnh đảng này tăng cường kiểm soát tư tưởng đối với xã hội dân sự.
“Qua các bài diễn văn trước công chúng trong những năm gần đây, chúng tôi biết rằng chiến dịch ‘đàn áp khắc nghiệt’ của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công vẫn là một ưu tiên hàng đầu của bộ máy an ninh, và chiến dịch này rõ ràng là một mưu toan kiểu Orwell để thực hiện điều đó,” ông Levi Browde, giám đốc điều hành của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp (FDIC), cho biết trong một thông cáo báo chí.
Chiến dịch tuyên truyền
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần cổ xưa bao gồm các bài tập thiền định khoan thai và chiểu theo các bài giảng đạo đức tập trung vào các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Hồi tháng 06/1999, Tổng bí thư ĐCSTQ đương thời Giang Trạch Dân đã phát động một chiến dịch nhằm xóa sổ pháp môn này. Một tháng sau, bộ máy an ninh trên toàn quốc đã bắt đầu bắt giữ và bỏ tù các học viên, đồng thời cơ quan tuyên truyền của nhà nước ở các cấp đã phát động chiến dịch tuyên truyền bôi nhọ các học viên là những người thực hành tà giáo nguy hiểm.
Theo báo cáo, “Nói Không với Mê tín dị đoan,” một tên gọi mà chính quyền Trung Quốc dùng để mô tả dự án trực tuyến mới nhất này, yêu cầu người dùng đọc qua các bài báo và hình ảnh bôi nhọ 25 nhóm tâm linh và tôn giáo bị cấm trước khi ký đơn thỉnh nguyện, nhưng đặc biệt nhấn mạnh vào Pháp Luân Công. Trang web cũng đưa ra một danh sách các khuyến nghị giúp đỡ chính quyền nhắm vào các nhóm tín ngưỡng này, chẳng hạn như từ chối nhận các tài liệu do các học viên phân phát, và báo công an về những người bạn và người thân tu luyện Pháp Luân Công.
Báo cáo mô tả chiến dịch này là nỗ lực thu thập chữ ký lớn nhất kể từ năm 2017. Hồi năm 2017, Phòng 610, một cơ quan cấp cao được thành lập nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công, đã ra mắt một trang web và các trương mục công khai trên các nền tảng truyền thông xã hội lớn nhằm thúc đẩy tuyên truyền vu khống Pháp Luân Công và các nhóm tín ngưỡng khác bị chính quyền nhắm tới.
Dự án mới nhất này đã được khai triển hồi tháng 04/2023 trên tài khoản WeChat chính thức của Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc (CACA), một tổ chức xã hội có liên hệ chặt chẽ với ĐCSTQ. Theo các cơ quan công an thành phố, dự án này là do Ủy ban Chính trị và Pháp luật, một cơ quan của Đảng chuyên giám sát công an, các công tố viên, và các thẩm phán đưa ra, đồng thời đóng vai trò trọng điểm trong việc thực hiện cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
Áp lực ký tên thỉnh nguyện
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng, tính đến tháng 05/2022, hơn 270 triệu người đã ký vào đơn thỉnh nguyện trực tuyến.
Tuy vậy, những con số này phần lớn là do Đảng thúc đẩy. Đảng đã ra lệnh cho công an ở tất cả các tỉnh trên toàn quốc phải bảo đảm rằng chiến dịch tuyên truyền này có thể thu hút được sự chú ý của càng nhiều người dân càng tốt.
Theo một bản phân tích của FDIC về các báo cáo và hình ảnh của chính quyền địa phương, các nhân viên công an mặc đồng phục đứng cạnh người dân tại các cửa hàng bách hóa, tiệm bán giày, quán cà phê, và ga xe lửa đã đưa ra một mã vạch của chiến dịch này, sau đó chờ người dân ký tên. Báo cáo cho biết: “Trong các tình huống bị dọa dẫm như vậy, người dùng gần như không thể từ chối ký tên, bất kể quan điểm thực sự của họ về Pháp Luân Công và quyền tự do tôn giáo là gì.”
Các ủy ban khu dân cư, có mặt khắp nơi trên toàn quốc, đang ở tuyến đầu để thực hiện lệnh này. Ví dụ, ở thành phố Cẩm Châu phía bắc và thành phố Quảng Châu phía đông, các cộng đồng khu dân cư đã dựng các gian hàng trước các cửa hàng bách hóa, công viên, hoặc quảng trường công cộng để phân phát tờ rơi và xin chữ ký.
Báo cáo cho thấy trọng tâm đặc biệt của chiến dịch này dường như nhắm vào học sinh ở các trường tiểu học và trung học. Các nhà nghiên cứu đã xác định được hàng ngàn trường học trên toàn quốc đã khai triển dự án ký tên này.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, một người cha muốn ẩn danh vì lo ngại về an toàn cho biết ông đã nhận được liên kết dẫn đến đơn thỉnh nguyện này từ cuộc trò chuyện nhóm ở trường học của con mình.
“Quý vị chẳng thể nói rằng điều đó là không bắt buộc,” người đàn ông nói về việc ký đơn thỉnh nguyện. “Nhiều bậc cha mẹ lo lắng con em họ có thể bị phạt nếu họ có ý kiến không hợp lòng ĐCSTQ.”
Theo người cha này, một số bậc cha mẹ đã ký tên vì họ không biết Pháp Luân Công là gì, còn một số người khác chỉ làm theo những gì giáo viên yêu cầu họ làm. “Có rất nhiều chiến dịch lấy chữ ký được ban giám hiệu nhà trường giao xuống. Cha mẹ hiện không còn nhạy cảm với những điều này nữa.”
Những người dùng mạng xã hội cũng phàn nàn về việc gây sức ép lên giáo viên, buộc họ phải thu thập chữ ký.
“Giáo viên đang chịu áp lực từ hai phía,” một người dùng Weibo viết. Anh cho biết một người trong gia đình anh là giáo viên và anh kể ra hơn cả chục chiến dịch ký tên, từ việc từ chối sử dụng ma túy cho đến dự án mới nhất mà các ban giám hiệu giao cho giáo viên trong một học kỳ. “Các bậc cha mẹ cho rằng giáo viên đã can thiệp vào quá nhiều việc, cho nên giáo viên phải giải thích cho cha mẹ hiểu. Những người giám sát sẽ không hài lòng nếu phát hiện giáo viên không thu thập đủ chữ ký” của toàn bộ học sinh.
‘Chiêu trò truyền thông’
Theo ông Ngô Đặc (Wu Te), một nhà bình luận độc lập về Trung Quốc thì các quan chức của chế độ này đang xem chiến dịch thỉnh nguyện không chỉ là một công cụ để đàn áp các nhóm tín ngưỡng này mà còn là một mưu đồ nhằm bịt miệng công chúng.
Ông nói với The Epoch Times: “Giờ đây, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn do suy thoái và sự bất mãn của công chúng ngày tăng cao, thì ngày càng có nhiều người Trung Quốc tự nguyện phơi bày tình trạng nhân quyền của đất nước và kể với truyền thông ngoại quốc.”
Theo ông Ngô, một động cơ khác khuyến khích chính quyền phát động chiến dịch này là áp lực tài chính. “Các tổ chức như CACA hay Phòng 610 không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho xã hội. Quả thực, những tổ chức này chỉ tạo thêm áp lực tài chính cho nhà nước. Vì ngay cả các chính quyền địa phương cũng gặp khó khăn trong việc trả lương cho nhân viên của mình, nên các tổ chức này cần một chiến dịch chữ ký như một chiêu trò truyền thông thu hút sự chú ý của công chúng để nhận tài trợ.”
‘Sức mạnh’ của hoạt động phản kháng cấp cơ sở
ĐCSTQ vẫn tiếp tục đàn áp Pháp Luân Công dẫu cho cuộc bức hại này đã bước sang năm thứ 25. Đảng này chưa bao giờ thay đổi chính sách cứng rắn của họ đối với nhóm tín ngưỡng này như những vụ bắt giữ và kết án đang diễn ra đã chứng minh. Theo dữ liệu được thu thập bởi Minghui, một trang web chuyên đưa tin về Pháp Luân Công, chỉ riêng trong năm 2023, các tòa án ở Trung Quốc đã kết án tù và ban hành các hình phạt khác cho 755 người vì thực hành Pháp Luân Công, gấp gần bảy lần so với năm trước. Nhiều người bị kết án với bản án dài hạn.
Dưới sự giám sát của ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc, chế độ này chỉ ngày một khuếch đại thêm những hành vi đàn áp của mình. FDIC nhận thấy rằng, so với những năm trước, cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã trở thành một ưu tiên cao hơn đối với bộ máy an ninh của ĐCSTQ.
Vô số học viên đã mất mạng sau khi bị tra tấn và ngược đãi chỉ vì từ chối từ bỏ đức tin của mình, và nhiều người khác vẫn đang bị giam giữ trong các trại giam rộng lớn của nước này. Trang web Minghui xác nhận hơn 200 học viên đã tử vong hồi năm ngoái, trong đó có hàng chục trường hợp tử vong không được báo cáo vào năm 2022. Trang web lưu ý rằng số người thiệt mạng trên thực tế có thể cao hơn nhiều lần bởi vì các thông tin liên quan đều bị chế độ này kiểm duyệt rất nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, mối đe dọa bị bắt giữ, giam cầm, hay thậm chí bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng không thể bịt miệng những học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Theo FDIC, trong nhiều năm, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã hình thành một nỗ lực phản kháng quy mô lớn ở cấp cơ sở nhằm bóc trần tuyên truyền của ĐCSTQ, cũng như phơi bày cuộc đàn áp nhắm vào môn tu luyện tâm linh này và bản chất bạo ngược của ĐCSTQ. Cuộc phản kháng ôn hòa này gồm có phân phát tài liệu thông tin và trò chuyện trực tiếp với người dân Trung Quốc.