Đề phòng Trung Quốc, Nhật Bản và Indonesia tăng cường liên kết an ninh
Hôm thứ Ba (30/03), Nhật Bản và Indonesia đã cam kết thắt chặt liên kết an ninh và ký một thỏa thuận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng, do nước láng giềng gần kề của hai quốc gia này là Trung Quốc mở rộng sức mạnh kinh tế và quân sự.
Các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Nam đã trở thành vấn đề ưu tiên trong mối bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ đang ngày càng gay gắt và cũng dấy lên những lo ngại đáng kể về an ninh cho Nhật Bản.
“Tôi nghĩ đây là (một) khởi đầu mang tính lịch sử trong mối bang giao song phương giữa Nhật Bản và Indonesia,” Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto nói, đề cập đến hiệp ước chuyển giao.
“Chúng tôi mời phía Nhật Bản tham gia vào quá trình hiện đại hóa năng lực quốc phòng của Indonesia. Chúng tôi cũng khuyến khích huấn luyện chung giữa các quân chủng của chúng ta-các lực lượng hải quân và cả lục quân,” ông nói với các phóng viên.
Ông Prabowo đã đưa ra bình luận trên tại buổi họp báo chung ở Tokyo ngay sau cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Nhật Bản và Indonesia.
“Chúng tôi đã trao đổi quan điểm về tình hình tại Biển Đông và Biển Hoa Nam và chia sẻ mối quan ngại sâu sắc về việc mở rộng và tăng cường các nỗ lực đơn phương để thay đổi hiện trạng này bằng vũ lực,” Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết.
Cuộc họp diễn ra sau chuyến thăm khu vực này của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, người đã cảnh cáo Trung Quốc về “việc áp bức và gây hấn,” đồng thời đã chỉ trích điều mà ông gọi là Trung Quốc cố gắng dùng lợi ích cạnh tranh để bắt nạt các nước láng giềng.
Các thành viên ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á), trong đó có bao gồm cả Indonesia, vẫn thận trọng với việc mất đi quyền tiếp cận nền kinh tế của Trung Quốc, và không muốn bị vướng vào bất kỳ cuộc đối đầu nào giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh.
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cũng chỉ trích gay gắt bạo lực đang diễn ra nhằm vào người dân ở Miến Điện (Myanmar) sau cuộc đảo chính quân sự hôm 01/02. “Indonesia lên án mạnh mẽ hành động kiểu này. Đó là điều không thể chấp nhận được,” bà nói.
Bà Retno đã nổi lên như một tiếng nói của khu vực khi bà kết nối để thiết lập các cuộc đàm phán với quân đội Miến Điện, lực lượng đã giết chết hơn 500 người biểu tình kể từ khi dàn dựng cuộc đảo chính.
Nhật Bản, quốc gia có lợi ích kinh doanh lớn ở Miến Điện, cho đến nay đã kiềm chế áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào giới lãnh đạo quân đội nước này.
Tuy nhiên vào hôm thứ Ba (30/03), ông Motegi trình bày trước quốc hội rằng Tokyo, vốn là nhà cung cấp hỗ trợ kinh tế lớn nhất cho Miến Điện, đã tạm dừng việc hỗ trợ phát triển chính thức của mình.
Do Kiyoshi Takenaka của Reuters thực hiện
Thanh Xuân biên dịch
Xem thêm: