‘Điều chúng ta làm trong đời sẽ để lại tiếng vang vĩnh cửu’
Cựu Thủ tướng Winston Churchill từng viết: “Không có gì trong đời ly kỳ, phấn khích hơn việc bị nhắm bắn mà không mất mạng.”
Mặc dù tôi là một người hâm mộ ông Churchill, và không có ai từng nhắm bắn tôi, nhưng tôi không đồng ý với quan điểm của ông ấy ở vấn đề này. Yêu và được yêu chắc chắn cũng phấn khích không kém. Việc thừa kế vài triệu USD hay trúng xổ số với giải thưởng lớn cũng có thể khiến ta hào hứng như vậy.
Còn với tôi, thoát chết 3 lần trong vài năm cũng là điều kỳ diệu đầy phấn khích.
Con hươu và trái tim
Hơn hai năm trước, khi tôi đang lái xe từ nhà ở Bắc Carolina đến Virginia trên Xa lộ Liên tiểu bang 81 với tốc độ 74 dặm/giờ, thì một con hươu từ đâu xuất hiện và va vào một bên xe của tôi. Cả chiếc xe và con hươu cái tội nghiệp đều bị ảnh hưởng. Nếu là tại một thời điểm khác trong đời, tôi có thể đã nguyền rủa vận rủi này. Nhưng lần này, tôi bước ra khỏi chiếc xe bị hư hại nặng và thầm cảm ơn thế lực siêu nhiên đã giúp tôi thoát nạn. Nếu con hươu va vào chiếc Honda Accord của tôi sớm chút thôi, thì không nghi ngờ gì, nó sẽ xuyên qua cửa sổ xe, đâm vào tôi và khiến tôi hồn lìa khỏi xác.
Tháng 9 năm ngoái, tôi lên kế hoạch cho một chuyến đi về Bắc Carolina. Tôi đã dọn nhà sạch sẽ, đóng gói đồ đạc của mình vào xe, và khi đã đi được 20 dặm thì tôi ngoặt xe từ xa lộ vào bãi đậu xe của một trạm xăng ở Woodstock, Virginia. Trong vài tuần, tôi đã bị đau ở ngực trái, một cơn đau nhói mà tôi đã làm lơ – tôi thường xử sự như một kẻ ngốc trong những vấn đề như thế này.
Dù sao đi nữa, tôi đã ngồi trong xe 5 phút, lặng nghĩ về cơn đau mà dường như có vẻ dần trở nên tồi tệ hơn. Và sau đó, tạm thời ngừng cư xử như một kẻ ngốc, tôi lái xe trở lại trung tâm chăm sóc khẩn cấp của thị trấn Front Royal. Suốt trên đường đi, tôi lo rằng mình có thể qua đời vì trụy tim. Sau khi các nhân viên y tế tiến hành các xét nghiệm khác nhau, bao gồm cả điện tâm đồ và kiểm tra huyết áp, bác sĩ thông báo rằng tôi bị viêm khớp sụn sườn, một loại viêm của khung xương sườn trên. Anh ấy kê đơn một số loại thuốc giá cả phải chăng, và tôi rời khỏi phòng khám, bước đi thanh thản với nụ cười trên môi.
Đến phòng cấp cứu
Cơn đau mới nhất là vào giữa tháng Hai. Không chỉ có chứng viêm sưng quay trở lại, mà nhịp tim và huyết áp của tôi đều tăng lên, tựa như vài chiếc xe đua lao khỏi vạch xuất phát. Được sự động viên của hai người bạn, và các kết quả đo từ máy đo huyết áp mà tôi đã mua, lại một lần nữa, tôi lái xe tới trung tâm chăm sóc khẩn cấp. Một y tá lắng nghe những lời than phiền của tôi, và khuyên tôi nên tới phòng cấp cứu tại bệnh viện địa phương.
Trong vòng 5 tiếng tiếp theo, tôi nằm trên một chiếc băng ca cứu thương {giường bệnh} trong một căn buồng không có sách hay tạp chí. Một nhân viên phục vụ đã đưa tôi chiếc điều khiển từ xa của tivi, nhưng tôi đã không xem tivi nhiều năm rồi và cũng không định xem. Những căn buồng xung quanh tôi, những căn buồng với các bức tường xốp, và trong một số trường hợp thì là các tấm rèm chứ không có cửa ra vào, đã cho tôi một chút tiêu khiển. Một người đàn ông ở phía đối diện phàn nàn về cơn đau lưng dữ dội, một phụ nữ trẻ mô tả sống động về bệnh sỏi thận của mình, và một đứa trẻ tội nghiệp buồng kế bên khóc váng, thút thít và nôn mửa từng cơn suốt 3 tiếng đồng hồ.
Giường tôi đối diện với hành lang, và khi tôi quan sát những người bệnh và những người bị thương đi qua cửa, tôi nghĩ họ là một đoàn diễn hành đáng buồn của nhân loại. Thậm chí càng đáng buồn hơn là, tôi là một thành viên trong đoàn diễn hành đó. Tôi trầm ngâm về những điều ngu ngốc tôi đã làm trong đời – đôi lần hút thuốc, uống quá nhiều rượu vang và những đồ uống có cồn khác, thất bại trong việc tập thể dục trong hai năm vừa qua – và nghĩ, “Thế đấy, dù có chuyện gì xảy ra, thì mình cũng không thể đổ lỗi cho một ai khác ngoài chính bản thân mình.”
Một lần nữa, tôi thoát khỏi bản án tử. Bác sĩ khuyên tôi nên thông báo cho bác sĩ gia đình tôi về sự cố đó và các triệu chứng của tôi. Tôi đã làm vậy, và hỏi anh ấy xem tôi có cần bắt đầu sử dụng thuốc để giảm huyết áp không. Nếu không thì tôi đủ khỏe mạnh để ra về.
Một lần nữa, tôi thở phào nhẹ nhõm. Trên đường về, nếu không vì có tuyết tan và những mảng nước đọng trên mặt đất, tôi có thể đã quỳ xuống và hôn đất mẹ.
Những bài học
Tôi chắc chắn rằng, nhiều độc giả của tôi cũng từng có những trải nghiệm tương tự, những lần mà một cơn bệnh hay một tai nạn có thể đã lấy mạng họ hoặc làm họ thương tật. Khi những tai họa này được đẩy lùi, chúng có thể dạy chúng ta, nhắc nhở chúng ta về sự trân quý cuộc sống, và khiến chúng ta nhìn thế giới này bằng một con mắt khác.
Ví dụ như, nhiều người chúng ta có thể yêu thế giới này nhiều hơn. Cuộc sống thật ngắn ngủi, và thường thì chúng ta quên mất việc trân quý nó. Chúng ta bị cuốn vào những nghĩa vụ và trách nhiệm đến nỗi không nhận thấy những vẻ đẹp cuộc sống xung quanh: một buổi hoàng hôn, nụ cười của một đứa bé, tiếng cười vang của một người lạ trẻ tại bàn kế bên trong tiệm cà phê. Trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây, tôi đã trân quý hơn những điều nhỏ bé, tuy vậy, con hươu và hai lần đi kiểm tra sức khỏe đã giúp tôi nhận ra tầm quan trọng của việc dành nhiều thời gian hơn cho những thú vui như vậy.
Năm tiếng đồng hồ trên giường bệnh mà không có những thú tiêu khiển đó cũng khiến tôi suy nghĩ về những người tôi quan tâm và yêu quý. Tôi chắc chắn rằng, một số họ sẽ nhớ tôi nếu tôi nằm xuống đất hơn là nếu tôi cứ quẩn quanh bên họ lâu nhất có thể. Con gái tôi và anh bạn John của tôi đã nói với tôi rằng họ sẽ tức giận nếu tôi không tự chăm sóc bản thân tốt hơn. Đã đến lúc thay đổi một số thói quen của tôi và hướng đến mục tiêu kéo dài tuổi thọ. Hơn nữa, tôi đã hứa với cô cháu gái 8 tuổi yêu quý và thích thử những điều mới lạ rằng khi con bé 21 tuổi, chúng tôi sẽ tổ chức một bữa tiệc náo nhiệt.
Cuối cùng, tôi tự nhủ mình cần sắp xếp cuộc sống cá nhân một cách có trật tự. Nếu tôi đột ngột ra đi, tôi sẽ khiến bọn trẻ rơi vào một mớ bòng bong lớn. Những tài khoản ngân hàng, bảo hiểm nhân thọ, số điện thoại, địa chỉ email của những người bạn, chuẩn bị hậu sự, di chúc: tất cả những điều này cần được ghi lại một cách có trật tự, và tôi sẽ sớm có trong tay một cuốn sổ tay để giúp tôi trong trường hợp này.
Võ sĩ giác đấu
Buổi sáng sau chuyến phiêu lưu gần đây nhất của tôi, tôi đột nhiên nhớ tới bộ phim “Võ sĩ giác đấu” (Gladiator) mà không vì một lý do cụ thể nào. Bộ phim của Ridley Scott có vài đoạn thoại đáng nhớ về cái chết, và ba trong số đó dường như phù hợp vào thời điểm này.
Trong một phân cảnh, Maximus, vị tướng La Mã bị bắt làm nô lệ và bị buộc phải chiến đấu như một đấu sĩ, nói với thầy của mình, Marcus Aurelius rằng: “Tôi biết một người đàn ông từng nói rằng, ‘Cái chết mỉm cười với tất cả chúng ta. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là mỉm cười đáp lại.’”
Nỗi sợ hãi trước cái chết, điều mà sẽ đến với tất cả chúng ta, dường như là một hành động vô dụng. Tôi thực sự sợ một căn bệnh hiểm nghèo kéo dài dai dẳng, điều khiến cho hàng giờ đồng hồ trên giường bệnh tựa như một buổi đi dạo trong công viên. Tuy nhiên, nói về cái chết, tôi đồng ý với một nhận xét của Giovanni Falcone, công tố viên và là vị anh hùng người Sicily đã bị sát hại vào năm 1992 bởi băng đảng Mafia rằng: “Người nào không sợ cái chết chỉ qua đời duy nhất một lần.”
“Khi một người đàn ông nhìn thấy kết cục của mình, anh ta muốn biết ý nghĩa của cuộc đời mình.” Marcus Aurelius nói với Maximus, và vị hoàng đế sau đó muốn biết mục đích của cuộc đời ông là gì, và người ta sẽ nhớ đến tên tuổi ông ra sao.
Những lời đó khiến tôi suy ngẫm. Mục đích của cuộc đời tôi là gì? Tại sao tôi ở đây? Ý nghĩa của cuộc đời tôi là gì và những người khác sẽ nhớ về tôi như thế nào khi tôi ra đi?
Đó là những câu hỏi lớn của đời người, và tôi vẫn đang ngẫm nghĩ về các đáp án.
Trong đấu trường
Khi Maximus dẫn đoàn quân của ông ta tiến vào trận chiến với những người Đức, ông nói với họ: “Điều chúng ta làm trong đời sẽ để lại tiếng vang vĩnh cửu.”
Tôi tin điều này là đúng. Tất cả chúng ta, bất kể chúng ta làm gì, bất kể chúng ta sống bao lâu, bất kể những việc chúng ta làm nhỏ nhặt đến đâu, đều để lại một dấu ấn. Người lính bộ binh La Mã không tên trong những quân đoàn của Marcus Aurelius có thể là cha của 3 đứa trẻ, dạy chúng học được tình yêu thương, hoặc cũng có thể là người khiến những đồng đội học tập sự hào phóng và khiêm tốn của mình. Anh ta chỉ là một gợn sóng nhỏ trong chiếc hồ lớn của lịch sử, nhưng dù sao, đó vẫn là một gợn sóng.
Lời thoại từ phim “Võ sĩ giác đấu” khiến tôi nhớ đến đoạn nói về “Người đàn ông trong đấu trường” trong bài diễn thuyết của Cựu Tổng thống Theodore Roosevelt. Đây là phần cốt lõi của bài nói đó:
“Không phải là những nhà phê bình; cũng không phải là người đã chỉ ra việc người đàn ông mạnh mẽ vấp ngã như thế nào, hay người khác có thể đã làm tốt hơn họ ở chỗ nào. Công lao thuộc về người đàn ông trực tiếp ở trong đấu trường, người đã bị bụi, mồ hôi và máu làm sạm đi khuôn mặt đầy những vết xước; người đã nỗ lực một cách quả cảm; người đã phạm lỗi hết lần này lần khác. Bởi vì không có nỗ lực nào mà không có sai lầm và thiếu sót. Đó là người đã thật sự cố gắng làm những việc đó; người có lòng nhiệt tình và cống hiến cao cả; người đã hy sinh bản thân mình vì một mục đích xứng đáng; người khi ở đỉnh cao cuối cùng sẽ hiểu được niềm vui chiến thắng của thành tựu lớn, và ở tình huống xấu nhất, nếu anh ta thất bại, thì ít nhất cũng thất bại trong khi đã dám đương đầu với thử thách lớn. Do đó, vị thế của anh ta sẽ không bao giờ ở cùng những tâm hồn lạnh lùng và nhút nhát, những người chẳng biết đến chiến thắng hay thất bại.”
Mỗi ngày, tôi đều nhìn thấy những người đàn ông và những người phụ nữ dấn thân vào đấu trường đó, họ dậy khỏi giường và đảm đương những trách nhiệm của mình. Họ đi làm, nuôi dạy con cái, và thực hiện hàng ngàn những việc nhỏ hằng ngày khác.
Những con người này, cùng với những vị anh hùng trong lịch sử và văn học, truyền cảm hứng cho tôi dấn thân vào đấu trường đó, bất kể tuổi tác ngày càng cao của mình, để vẫn tiếp tục gắn bó và yêu cuộc sống này. Giống như Ulysses già nua trong bài thơ của Tennyson, “thời gian và số phận đã khiến tôi già yếu đi”, nhưng tôi vẫn phải tự thúc đẩy bản thân, và tất cả chúng ta đều phải như vậy, “để nỗ lực, tìm kiếm, và tìm thấy, chứ không phải là khuất phục, đầu hàng.”
Jeff Minick có 4 người con và một trung đội cháu chắt đang lớn. Trong 20 năm, ông giảng dạy lịch sử, văn học, và tiếng La-tinh cho các học sinh học tại gia ở Asheville, Bắc Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết, “Amanda Bell” và “Bụi trên đôi cánh của họ,” và hai cuốn sách phi hư cấu, “Những điều tôi học được trên chặng đường đời” và “Những bộ phim làm nên người đàn ông đích thực.” Hiện nay, ông sống và làm việc tại Front Royal, Virginia. Hãy ghé thăm trang JeffMinick.com để theo dõi các bài viết blog của ông.
Jeff Minick
Nhã Liên biên dịch
Xem thêm: