Bản tin đặc biệt

Được FDA Hoa Kỳ chấp thuận, thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm gây tranh cãi đã trở thành hiện thực

Cho đến nay, chỉ có hai quốc gia — Hoa Kỳ và Singapore — chấp thuận thịt nuôi cấy làm thực phẩm cho con người.

Trong một nỗ lực bảo vệ ngành nông nghiệp, nền kinh tế, và sức khỏe của người dân, mới đây, nước Ý đã trở thành quốc gia đầu tiên chính thức cấm thịt nuôi cấy.

Thịt nuôi cấy, còn được gọi là thịt nuôi trong phòng thí nghiệm, được tạo ra trong phòng thí nghiệm thông qua quy trình gồm năm bước, trong đó tế bào gốc từ một con vật sẽ được nhân bản và nuôi lớn trong một loạt các lò phản ứng sinh học trước khi được trộn với các chất phụ gia để tạo ra kết cấu giống thịt thật hơn. Theo công ty tư vấn McKinsey & Company, các tế bào thịt sau đó được lọc qua một máy ly tâm, tạo hình, và đóng gói để phân phối.

Trong một bài đăng trên Facebook hôm 16/11, theo bản dịch sang Anh ngữ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ý — ông Francesco Lollobrigida — cho biết, “Để bảo vệ sức khỏe, hệ thống sản xuất của Ý, hàng ngàn công ăn việc làm, văn hóa và truyền thống của chúng ta, với luật được thông qua ngày hôm nay, Ý là quốc gia đầu tiên trên thế giới được bảo vệ khỏi những rủi ro kinh tế và xã hội của thực phẩm tổng hợp.”

Dự luật này đã được thượng viện Ý thông qua với tỷ lệ 159 phiếu thuận – 53 phiếu chống, và được các tổ chức nông nghiệp của đất nước ủng hộ, nhằm bảo vệ ngành chế biến thịt trị giá 10.1 tỷ USD của nước này.

Thịt gà nuôi cấy được sản xuất trong các bể chứa tại Eat Just ở Alameda, California, hôm 27/07/2023. Thịt nuôi cấy tế bào hoặc nuôi trong phòng thí nghiệm được tạo ra bằng cách cho tế bào động vật ăn chất dinh dưỡng trong các bể thép không gỉ. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)
Thịt gà nuôi cấy được sản xuất trong các bể chứa tại Eat Just ở Alameda, California, hôm 27/07/2023. Thịt nuôi cấy tế bào hoặc nuôi trong phòng thí nghiệm được tạo ra bằng cách cho tế bào động vật ăn chất dinh dưỡng trong các bể thép không gỉ. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Những nỗ lực ở Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm, hoặc để bảo đảm rằng người tiêu dùng biết họ đang mua gì, trong đó có một luật vào năm 2018 tại tiểu bang Missouri cấm dán nhãn “thịt” lên thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật và được nuôi trong phòng thí nghiệm.

Luật này nêu rõ, “Đạo luật này cũng cấm việc trình bày sai lệch một sản phẩm là thịt nếu không có nguồn gốc thu hoạch từ gia súc hoặc gia cầm.”

Hôm 13/11, Dân biểu tiểu bang Florida — ông Tyler Sirois — đã đệ trình một dự luật nhằm cấm “sản xuất, buôn bán, lưu trữ, hoặc phân phối thịt được nuôi cấy” tại tiểu bang này.

“Nông nghiệp và gia súc là những ngành vô cùng quan trọng đối với Florida,” nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa này nói với Politico. “Vì vậy, tôi nghĩ rằng đây là một chuyện đáng bàn đối với tiểu bang của chúng ta.”

Nếu dự luật HB 435 trở thành luật, những nhà hàng và cửa hàng nào vi phạm có thể sẽ bị phạt lên tới 5,000 USD, đồng thời các nhà sản xuất, nhà chế biến, nhà đóng gói, hoặc nhà phân phối trình bày sai lệch hoặc dán nhãn sai lệch cho thực phẩm có thể bị phạt tới 10,000 USD cho mỗi lần vi phạm.

Ông Wilton Simpson, ủy viên Bộ Nông nghiệp và Dịch vụ Người tiêu dùng Florida, hoàn toàn đồng ý với nỗ lực của ông Sirois.

Ông Simpson cho biết trong một tuyên bố với The Epoch Times, “Nếu không có luật này, thịt sản xuất trong phòng thí nghiệm chưa được kiểm nghiệm, tiềm ẩn sự không an toàn, và gần như không được kiểm soát có thể sẽ được bày bán ở Florida.”

“Một trong những trách nhiệm hàng đầu của tôi là bảo đảm sự an toàn và lành mạnh cho nguồn cung cấp thực phẩm của chúng tôi cũng như bảo vệ người tiêu dùng ở Florida, và dự luật được đề xướng này làm được điều đó.”

Hôm 22/11, dự luật này đã được chuyển đến Tiểu ban Nông nghiệp, Bảo tồn, và Phục hồi.

Ông Wilson Castro bổ sung hàng hóa cho các kệ trưng bày thịt tại Siêu thị Presidente ở Miami vào ngày 13/04/2020. (Ảnh: Joe Raedle/Getty Images)
Ông Wilson Castro bổ sung hàng hóa cho các kệ trưng bày thịt tại Siêu thị Presidente ở Miami vào ngày 13/04/2020. (Ảnh: Joe Raedle/Getty Images)

Chợ thịt nuôi cấy

Cho đến nay, chỉ có hai quốc gia — Hoa Kỳ và Singapore — chấp thuận thịt nuôi cấy làm thực phẩm cho con người.

Công ty Research and Markets dự đoán rằng thị trường thịt nuôi trong phòng thí nghiệm toàn cầu sẽ đạt gần 2 tỷ USD vào năm 2035. Công ty này liệt kê 16 công ty thịt được nuôi cấy, năm trong số đó có trụ sở tại Hoa Kỳ, ba ở Israel, hai ở Hà Lan, hai ở Singapore, và một lần lượt ở Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, và Thụy Sĩ.

Hồi tháng Một, Research and Markets cho biết trong phân tích của mình rằng, “Vào năm 2025, phân khúc thịt miếng (nugget) được kỳ vọng là sẽ chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường thịt nuôi trong phòng thí nghiệm.”

“Thị phần lớn của phân khúc này là do lối sống vội vã luôn di chuyển ngày càng phổ biến, nhu cầu về các sản phẩm ăn vặt ngày càng tăng, và nhu cầu về các sản phẩm đông lạnh ngày càng tăng.”

Tuy nhiên, theo công ty này, những miếng bánh mì kẹp với thịt nuôi trong phòng thí nghiệm được dự đoán là sẽ có tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm cao nhất từ ​​năm 2025 đến năm 2035.

Đầu bếp Zach Tyndall phết nước xốt lên một miếng thịt gà nuôi cấy của công ty Good Meat khi nướng thịt tại cơ sở của Eat Just ở Alameda, California, hôm 27/07/2023. Hồi tháng Sáu, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã ủy quyền cho hai công ty có trụ sở tại California, Upside Foods và Good Meat, bán thịt gà được nuôi từ tế bào trong phòng thí nghiệm. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)
Đầu bếp Zach Tyndall phết nước xốt lên một miếng thịt gà nuôi cấy của công ty Good Meat khi nướng thịt tại cơ sở của Eat Just ở Alameda, California, hôm 27/07/2023. Hồi tháng Sáu, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã ủy quyền cho hai công ty có trụ sở tại California, Upside Foods và Good Meat, bán thịt gà được nuôi từ tế bào trong phòng thí nghiệm. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Hồi tháng 11/2022, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) thông báo rằng họ đã “hoàn thành quá trình tham vấn trước khi đưa ra thị trường lần đầu tiên đối với thực phẩm dành cho người làm từ tế bào động vật được nuôi cấy.”

Hôm 21/06, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) lần đầu tiên đã cấp phép sản xuất thịt nuôi cấy từ tế bào cho hai công ty ở Hoa Kỳ là Good Meat và Upside Food.

Good Meat — thương hiệu thịt nuôi cấy của công ty công nghệ thực phẩm Eat Just, Inc. — có cơ sở sản xuất tại Hoa Kỳ và Singapore.

Theo công ty này, sự chấp thuận đó của USDA đã cho phép sản phẩm thịt gà nuôi trong phòng thí nghiệm của công ty lần đầu tiên được sản xuất và bán tại Hoa Kỳ. Bốn tháng trước đó, công ty đã nhận được thư “Không thắc mắc” (No Questions) từ FDA, điều đó có nghĩa là công ty đã vượt qua cuộc đánh giá an toàn thực phẩm.

Công ty này tuyên bố trên trang web của mình rằng, “Sản phẩm đầu tiên của chúng tôi là thịt gà nuôi cấy được chế biến và phục vụ theo nhiều hình thức và đã được cấp phép bán tại Singapore vào năm 2020 và tại Hoa Kỳ vào năm 2023.”

“Chúng tôi cũng đang nghiên cứu các loại thịt khác, bao gồm thịt bò nuôi cấy sử dụng tế bào từ bò nuôi trên đồng cỏ ở California và thịt bò Wagyu từ trang trại Toriyama ở Nhật Bản.”

Hồi tháng Bảy, nhà hàng China Chilcano có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn đã bổ sung một món ăn sử dụng thịt gà nuôi cấy của Good Meat vào thực đơn của mình.

Các nhà đầu tư lớn vào Good Meat gồm UBS O’Connor, một công ty quản lý quỹ phòng hộ thuộc UBS Asset Management, và các công ty đầu tư mạo hiểm như Graphene Ventures cũng như K3 Ventures có trụ sở tại Singapore.

Tỷ phú Bill Gates là một nhà đầu tư lớn vào Upside Foods kể từ khi công ty này ra mắt vào năm 2017.

Ông Bill Gates chia sẻ tại một sự kiện có tên “Chuyển đổi Hệ thống Thực phẩm khi đối mặt với Biến đổi Khí hậu” trong Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Dubai, hôm 01/12/2023. (Ảnh: Christophe Viseux/COP28 qua Getty Images)
Ông Bill Gates chia sẻ tại một sự kiện có tên “Chuyển đổi Hệ thống Thực phẩm khi đối mặt với Biến đổi Khí hậu” trong Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Dubai, hôm 01/12/2023. (Ảnh: Christophe Viseux/COP28 qua Getty Images)

Upside Foods cho biết sự chấp thuận của USDA cho phép công ty sản xuất và bán thịt gà nuôi của mình. Công ty này cho biết phải mất khoảng ba tuần để sản xuất ra được sản phẩm thịt gà phi-lê.

Công ty tuyên bố trên trang web của mình rằng, “Không để bị sa lầy vào ngữ nghĩa, nhưng chúng ta không thể nói quá về điều này: Chúng tôi đang tạo ra thịt!”

“Thịt nuôi cấy là một loại sản phẩm hoàn toàn mới, vì vậy chúng tôi hiểu rằng có rất nhiều nhầm lẫn về việc loại thịt này là gì và không phải là gì. Có một điều, thịt nuôi cấy không phải là thuần chay hay dành cho người ăn chay.”

Theo công ty này, thịt gà nuôi cấy từ tế bào có thành phần chiếm “hơn 99% là tế bào thịt gà.”

FDA đã phê chuẩn cho Upside Foods sản xuất sản phẩm của mình vào tháng 11/2022, dựa trên bản tự đánh giá của Upside về các quy trình và phương pháp quản lý rủi ro.

FDA nêu rõ trong phê chuẩn của mình rằng, “Chúng tôi không xác định được cơ sở để kết luận rằng quy trình sản xuất như được mô tả sẽ dẫn đến việc thực phẩm có chứa hoặc có bất kỳ chất hoặc vi sinh vật nào có thể làm giả mạo thực phẩm này.”

Được FDA Hoa Kỳ chấp thuận, thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm gây tranh cãi đã trở thành hiện thực

“Tại thời điểm này, chúng tôi không có câu hỏi nào về kết luận của Upside rằng thực phẩm được tạo ra từ, hoặc có chứa, nguyên liệu là tế bào gà được nuôi cấy từ quy trình sản xuất như đã được định nghĩa … [là] đều an toàn như các loại thực phẩm tương đương được sản xuất bằng các phương pháp khác.”

Những người ủng hộ thịt nuôi trong phòng thí nghiệm

Những người ủng hộ thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm cho rằng loại thịt này tốt cho sức khỏe con người, thân thiện hơn với động vật, và tốt hơn cho môi trường.

Ông Nicolas Treich, nghiên cứu viên tập sự tại Viện Nông nghiệp, Dinh dưỡng, và Môi trường Quốc gia Pháp. (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của ông Nicolas Treich)
Ông Nicolas Treich, nghiên cứu viên tập sự tại Viện Nông nghiệp, Dinh dưỡng, và Môi trường Quốc gia Pháp. (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của ông Nicolas Treich)

Ông Nicolas Treich là cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Nông nghiệp, Dinh dưỡng, và Môi trường Quốc gia Pháp và là một thành viên của Trường Kinh tế Toulouse tại Đại học Toulouse Capitole.

Trong một báo cáo năm 2021 do Springer Nature công bố, ông lập luận về những mặt tiêu cực của việc chăn nuôi gia súc thông thường, cho rằng “có những lo ngại nghiêm trọng về đạo đức trong việc đối xử với các động vật trang trại.”

“Người ta ước tính có hơn 70 tỷ động vật trang trại trên cạn được nuôi và giết mổ làm thực phẩm mỗi năm,” ông Treich viết, cho biết thêm rằng những động vật được nuôi để làm thực phẩm “thường bị mổ thịt khi còn rất nhỏ.”

Ông nói rằng heo “bị nhốt hàng tuần trong những chiếc chuồng nhỏ, không được đi tới lui hay có những cử động cơ bản.”

Ông Treich cho rằng khoa học động vật đã dần dần công nhận “khả năng cảm quan và nhận thức của động vật, kể cả động vật trang trại.”

“Khoảng 70% đến 80% thuốc kháng sinh trên toàn thế giới được sử dụng cho động vật trang trại, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng là một nơi ươm mầm cho tình trạng kháng thuốc kháng sinh,” ông cho hay.

Gia súc được lùa lên xe tải để chuẩn bị cho cuộc đấu giá gia súc, ở Quemado, Texas, hôm 28/06/2023. Các chủ trang trại và nông dân đã bắt đầu tiêu hủy đàn gia súc của họ vì hạn hán và chi phí cao trong khu vực, với lo ngại giá thịt bò cả nước có thể sẽ tăng cao. (Ảnh: Brandon Bell/Getty Images)
Gia súc được lùa lên xe tải để chuẩn bị cho cuộc đấu giá gia súc, ở Quemado, Texas, hôm 28/06/2023. Các chủ trang trại và nông dân đã bắt đầu tiêu hủy đàn gia súc của họ vì hạn hán và chi phí cao trong khu vực, với lo ngại giá thịt bò cả nước có thể sẽ tăng cao. (Ảnh: Brandon Bell/Getty Images)

Mặc dù thịt động vật thật chứa “một số chất dinh dưỡng quan trọng,” nhưng ông cho rằng tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe, “chẳng hạn như bệnh tim mạch vành, tiểu đường loại 2, béo phì, mất cân bằng nội môi canxi (calcium homeostasis), cùng nhiều loại bệnh ung thư.”

Theo kết luận của ông Treich, ngành sản xuất thịt truyền thống “tác động đáng kể đến tình trạng biến đổi khí hậu,” đòi hỏi “rất nhiều nước và đất đai,” và là nguyên nhân chính gây ra “nạn phá rừng, mất đa dạng sinh học và bệnh dịch.”

Ông viết: “[Thịt nuôi trong phòng thí nghiệm] mang đến một giải pháp thay thế hệ trọng, có lẽ là hệ trọng nhất, để có thể giảm thiểu đáng kể các tác hại của việc sản xuất và tiêu thụ thịt.”

Những người bán thịt tại Old Fashion Country Butcher chế biến thịt để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng do tình trạng thiếu hụt liên quan đến đại dịch COVID-19, ở Santa Paula, California, vào ngày 21/05/2020. Sự trợ giúp lớn hơn cho các hoạt động sản xuất thịt nhỏ hơn đã tăng lên sau khi các nhà máy lớn bị gián đoạn hoạt động. (Ảnh: Brent Stirton/Getty Images)
Những người bán thịt tại Old Fashion Country Butcher chế biến thịt để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng do tình trạng thiếu hụt liên quan đến đại dịch COVID-19, ở Santa Paula, California, vào ngày 21/05/2020. Sự trợ giúp lớn hơn cho các hoạt động sản xuất thịt nhỏ hơn đã tăng lên sau khi các nhà máy lớn bị gián đoạn hoạt động. (Ảnh: Brent Stirton/Getty Images)

Thịt nuôi trong phòng thí nghiệm bị chỉ trích

Những người chỉ trích cho rằng thịt nuôi trong phòng thí nghiệm khiến môi trường trở nên xấu hơn, tác động tiêu cực đến nền kinh tế, và tạo nhiều rủi ro cho sức khỏe con người.

Mặc dù thịt nuôi trong phòng thí nghiệm được quảng cáo là thân thiện với môi trường hơn so với chăn nuôi bò thông thường, nhưng một nghiên cứu do các nhà nghiên cứu từ Đại học California–Davis (UC Davis) và Đại học California–Holtville thực hiện, công bố hôm 21/04, đã cho thấy điều ngược lại.

Nghiên cứu cho thấy, việc sản xuất thịt dựa trên tế bào động vật “dường như tiêu tốn kha khá tài nguyên khi được khảo sát từ lúc bắt đầu cho đến cổng sản xuất, áp dụng các tình huống và giả định sử dụng trong các phân tích của chúng tôi.” Nghiên cứu cho thấy việc sản xuất thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có thể thải ra khá nhiều CO2 hơn trên mỗi kilogram.

Các tác giả viết: “Mô hình của chúng tôi thường đi ngược lại với những nghiên cứu trước đó với giả định rằng tác động đến môi trường của thịt nuôi cấy có thể cao hơn các loại thịt bò thông thường, và trái ngược với tính chất thân thiện hơn với môi trường.”

“Đây là một kết luận quan trọng vì số tiền đầu tư đã được phân bổ cụ thể cho lĩnh vực này với luận điểm rằng sản phẩm này thân thiện với môi trường hơn là thịt bò.”

Nhân viên của Believer Meats làm việc tại phòng thí nghiệm của trụ sở chính của công ty tại Rehovot, Israel, hôm 13/02/2023. (Ảnh: AP Photo/Laura Ungar)
Nhân viên của Believer Meats làm việc tại phòng thí nghiệm của trụ sở chính của công ty tại Rehovot, Israel, hôm 13/02/2023. (Ảnh: AP Photo/Laura Ungar)

Nghiên cứu này cũng khuyến cáo nên thận trọng khi thúc đẩy một nguồn thực phẩm mới vì điều này sẽ gây ra hậu quả trên quy mô toàn cầu.

“Các hệ thống sản xuất nông nghiệp và thực phẩm là trung tâm cung cấp lương thực cho dân số toàn cầu vốn ngày càng gia tăng, và sự phát triển ngày càng nhanh của công nghệ khiến việc sản xuất thực phẩm cải thiện là điều quan trọng đối với sự tiến bộ của xã hội,” báo cáo nêu.

“Việc đánh giá các công nghệ có tiềm năng đột phá này từ góc độ cấp hệ thống là điều cần thiết đối với những người đang tìm cách chuyển đổi hệ thống lương thực của chúng ta.”

Dữ liệu tính đến tháng 12/2022 của USDA cho thấy doanh thu từ động vật và sản phẩm động vật của Hoa Kỳ — tổng cộng 195.8 tỷ USD trong đó 72.9 tỷ USD (37%) đến từ gia súc và bê — chiếm phần lớn nhất trong tổng doanh thu tiền mặt của trang trại vào năm 2021. Theo báo cáo, doanh thu này đã giảm so với doanh thu 78.2 tỷ USD tiền mặt vào năm 2015.

Theo một nghiên cứu do Trung tâm Thực phẩm & Nông nghiệp Stone Barns công bố năm 2017, một thách thức lớn đối với các chủ trang trại Hoa Kỳ là “nhập cảng thịt bò ăn cỏ giá rẻ,” chiếm khoảng 75% đến 80% tổng doanh số bán thịt bò ăn cỏ của Hoa Kỳ.

Thịt bò USDA Choice được bày bán tại một cửa hàng bách hóa ở Los Angeles vào ngày 11/11/2021. Giá bán đã tăng ổn định trong vài tháng qua do lạm phát tăng lên mức chưa từng thấy trong vòng 30 năm. (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)
Thịt bò USDA Choice được bày bán tại một cửa hàng bách hóa ở Los Angeles vào ngày 11/11/2021. Giá bán đã tăng ổn định trong vài tháng qua do lạm phát tăng lên mức chưa từng thấy trong vòng 30 năm. (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Nghiên cứu này cũng cho biết hầu hết người tiêu dùng Hoa Kỳ không biết rằng họ đang mua thịt bò nhập cảng từ các quốc gia khác bởi vì “miễn là thịt bò nhập cảng được nhà máy USDA kiểm định” — điều này là bắt buộc — “để sản phẩm được dán nhãn ‘Sản phẩm của Hoa Kỳ.’”

Ông Derrick Risner, tác giả chính của nghiên cứu tại UC Davis, cho biết: “Mối lo ngại của tôi là việc mở rộng quy mô quá nhanh và gây ra điều gì đó có hại cho môi trường.”

Theo Tiến sĩ Paul Saladino, thịt nuôi trong phòng thí nghiệm là “một trò hề đang sắp sửa diễn ra.”

Được FDA Hoa Kỳ chấp thuận, thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm gây tranh cãi đã trở thành hiện thực

“Thịt nuôi trong phòng thí nghiệm không phải là thịt thật,” ông nói trong một video hôm 14/09 trên X, nền tảng trước đây là Twitter. “Thịt này được tạo ra trong quá trình nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm. Thịt này gần như là chắc chắn sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe cho con người — các vấn đề tự miễn dịch, tổn thương đường ruột, tất cả các loại vấn đề đều có thể phát sinh từ thịt nuôi trong đĩa petri.”

Tiến sĩ Saladino cho biết thịt nuôi trong phòng thí nghiệm sẽ có “thành phần dinh dưỡng kém hơn so với thịt của một con bò được nuôi ăn cỏ tự nhiên.”

Tế bào động vật được nhìn dưới kính hiển vi tại phòng thí nghiệm nghiên cứu của Yakov Nahmias, người sáng lập Believer Meats, tại Đại học Do Thái Jerusalem ở Israel, hôm 14/02/2023. (Ảnh: AP Photo / Emma H. Tobin)
Tế bào động vật được nhìn dưới kính hiển vi tại phòng thí nghiệm nghiên cứu của Yakov Nahmias, người sáng lập Believer Meats, tại Đại học Do Thái Jerusalem ở Israel, hôm 14/02/2023. (Ảnh: AP Photo / Emma H. Tobin)

Tuệ Minh và Tuệ Chân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times