Hà Lan đóng cửa Lãnh sự quán Trùng Khánh trong bối cảnh sụt giảm đầu tư ngoại quốc của Trung Quốc, tranh chấp về vi mạch bán dẫn
Hôm 01/03, Đại sứ quán Hà Lan tại Bắc Kinh đã đưa ra một tuyên bố, loan báo đóng cửa lãnh sự quán tại Trùng Khánh, một siêu đô thị ở phía tây nam Trung Quốc.
Tuyên bố ngắn gọn này đã được đăng trên X, trước đây gọi là Twitter, trong đó cho biết, “Đại sứ quán tại Bắc Kinh giờ đây cũng sẽ đại diện cho Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Vân Nam, và Quý Châu”.
Trang web chính thức của Đại sứ quán Hà Lan tại Trung Quốc không cung cấp bất kỳ thông tin nào về việc đóng cửa tổng lãnh sự quán.
Theo một bản tin từ Bloomberg, các đại diện Hà Lan nói với một nhóm các doanh nhân ngoại quốc ở Thành Đô hôm 01/03 rằng họ sẽ đóng cửa lãnh sự quán tại Trùng Khánh vì sự hiện diện kinh doanh của Hà Lan ở khu vực này bị hạn chế.
Việc đóng cửa lãnh sự quán này xảy ra khi các nhà đầu tư ngoại quốc tiếp tục rút khỏi Trung Quốc và chế độ cộng sản Trung Quốc đang nỗ lực thu hút các nhà đầu tư ngoại quốc trong bối cảnh nền kinh tế đang suy thoái.
Hôm 04/03, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết mọi quốc gia đều có quyền quyết định thành lập hoặc đóng cửa các cơ quan đại diện ở ngoại quốc, đồng thời tôn trọng quyết định của Hà Lan.
Việc Hà Lan đột ngột đóng cửa lãnh sự quán ở Trùng Khánh nêu bật sự thay đổi chiến lược của Hà Lan nhằm đối phó với các căng thẳng địa chính trị và sự suy giảm đầu tư vào Trung Quốc, theo quan điểm của cộng đồng quốc tế.
Tranh chấp về vi mạch bán dẫn và căng thẳng chính trị
Trước đó trong năm nay, ASML, một nhà sản xuất thiết bị sản xuất chất bán dẫn có trụ sở tại Veldhoven, Hà Lan, thông báo rằng chính phủ Hà Lan đã thu hồi một phần giấy phép xuất cảng thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn tân tiến sang Trung Quốc. Chính phủ nước này viện dẫn những lo ngại rằng thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn dành cho máy điện toán sẽ được ĐCSTQ sử dụng cho mục đích quân sự.
ASML là nhà cung cấp lớn nhất cho ngành công nghiệp bán dẫn và là công ty duy nhất trên thế giới sản xuất thiết bị EUV in thạch bản cực tím để tạo ra những vi mạch bán dẫn tân tiến nhất.
Ngày 01/03, Câu lạc bộ Phóng viên Ngoại quốc Trung Quốc (FCCC) đã đưa ra tuyên bố liên quan đến một vụ việc xảy ra hôm 27/02. Trong cuộc biểu tình bên ngoài ngân hàng đầu tư Tứ Xuyên Tín Thác (Sichuan Trust) ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, một thông tín viên NOS đã bị cảnh sát ĐCSTQ ngăn cản ghi hình. Vụ việc được ghi lại trong một video do NOS phát hành. Mặc dù thông tín viên này nhiều lần tự nhận mình là ký giả ngoại quốc và cho xem thẻ ký giả do chính phủ cấp, nhưng công an đã cư xử thô bạo và đẩy anh xuống đất. Họ cũng tịch thu micro và ba lô của anh. Sau đó, thông tín viên này và người quay phim của anh bị đưa đến đồn công an, bị giam giữ trong vài giờ và cuối cùng được thả mà không có bất kỳ lời giải thích nào.
FCCC cho biết trong tuyên bố rằng họ vô cùng lo lắng trước cách đối xử với các ký giả Hà Lan và kêu gọi nhà cầm quyền hãy “giữ lời hứa của chính họ và bảo vệ sự an toàn cũng như quyền đưa tin của tất cả các ký giả ngoại quốc làm việc tại nước này.”
Các lý do địa chính trị
Ông Vương Quách (Wang He), một nhà bình luận thời sự kiêm ký giả chuyên mục của The Epoch Times, nói rằng việc đóng cửa lãnh sự quán Trùng Khánh sẽ là một quyết định chính trị quan trọng, phản ánh rằng Hà Lan đang xa lánh ĐCSTQ. “Từ góc độ kinh tế, dường như Hà Lan không cần thiết phải đóng cửa lãnh sự quán Trùng Khánh. Hà Lan là điểm đến đầu tư lớn nhất của Trung Quốc và là nguồn đầu tư lớn thứ hai tại EU.”
Năm ngoái (2023), cơ quan tình báo Hà Lan cảnh báo rằng mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Hà Lan nhưng nước này đã đặt ra “mối đe dọa lớn nhất” đối với an ninh kinh tế của đất nước, chẳng hạn như gián điệp thương mại và các khoản đầu tư bí mật.
Cả Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu đều áp dụng chiến lược “giảm rủi ro” đối với ĐCSTQ để chuyển các chuỗi cung ứng và các khoản đầu tư của họ ra khỏi Trung Quốc.
Ông Vương viết: “Chiến lược quốc tế của Hà Lan là ‘dựa vào EU và đi theo Hoa Kỳ.’ Mặc dù Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với Hà Lan, nhưng với chính sách ngoại giao chiến lang tràn lan của ĐCSTQ và chính sách ‘giảm rủi ro’ của Hoa Kỳ và EU, chắc chắn Hà Lan sẽ ngày càng xem ĐCSTQ như một đối thủ cạnh tranh hơn là một đối tác.”
Bản tin có sự đóng góp của Li Yan and Qiu Sheng
Thanh Nguyên lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times