Hoa Kỳ lập quốc: Chính phủ giỏi không ôm đồm các vấn đề xã hội
Nhiều người cho rằng chính phủ tốt cần giải quyết tất cả vấn đề xã hội cho người dân. Nhưng các vị Cha Lập quốc Hoa Kỳ lại tin rằng guồng máy chính phủ nên nhỏ gọn và không phải là cơ quan giải quyết tất cả các vấn đề.
“Tôi, bản thân tôi, không mong muốn một chính phủ mạnh mẽ. Chính phủ mạnh mẽ sẽ luôn luôn có tính trấn áp”, Thomas Jefferson viết trong lá thư gửi James Madison năm 1787. Thomas Jefferson mong muốn hạn chế quyền lực của chính phủ liên bang, mà hạn chế quyền lực ở đây chính là hạn chế việc can thiệp vào xã hội.
Samuel Adams đã nói: Việc chính phủ đứng ra phân phối lại sự giàu có cho xã hội, đối với Hoa Kỳ là vi phạm Hiến pháp.
Benjamin Franklin nói hãy thận trọng khi đồng cảm với những người yếu thế, lòng từ thiện của bạn không được nuôi dưỡng tâm dựa dẫm của họ, khuyến khích sự yếu đuối của họ, xua tan nguyện vọng mưu sinh và những nỗ lực cầu tiến của họ. Làm từ thiện là một hành động cao cả, thiêng liêng, nhưng nó không thể được thực hiện một cách đơn giản. Nếu lòng từ thiện của chúng ta khiến cho sự lười biếng được khuyến khích và sự ngu ngốc được ủng hộ, thì chúng ta đang đi ngược lại an bài của Tạo hoá.
Thomas Jefferson viết: “Nếu chúng ta có thể ngăn cản chính phủ lãng phí khả năng lao động của người dân dưới cái cớ là chăm sóc cho họ, thì người dân sẽ hạnh phúc”; “Quốc hội không được có quyền lực vô hạn để cung cấp phúc lợi toàn diện, mà chỉ được phép cung cấp phúc lợi cho một số lãnh vực được liệt kê từ trước”.
Chính phủ phải bảo vệ người dân khỏi những sự xâm phạm tới tài sản của họ, đây là nhiệm vụ trị an và cần được phân xử tại tòa án. Chính phủ phải bảo vệ đất nước khỏi sự tấn công của nước ngoài, đây là nhiệm vụ quốc phòng và ngoại giao. Chính phủ cũng cần đảm bảo các nỗ lực cứu trợ như cứu hỏa, cứu thương, v.v.., đây là nhiệm vụ cứu hộ. Chính phủ còn cần cung cấp giao thông, dịch vụ kiểm soát hải quan xuất nhập khẩu, v.v.., đây là nhiệm vụ cung cấp môi trường cho người dân tự do phát triển kinh tế. Đây chính là những nhiệm vụ của chính phủ.
Chính phủ không nên chạy ra khỏi phạm vi của chính mình để kiểm soát tất cả, bởi chính phủ sẽ gặp vấn đề khi quản lý nhiều lãnh vực. Đây là quan điểm rất rõ ràng của những vị Cha Lập quốc Hoa Kỳ.
Các vấn đề của xã hội thì hãy để xã hội và các nguyên lý tự nhiên giải quyết. Nếu chính phủ can thiệp mạnh vào các vấn đề xã hội thay vì chỉ đứng ngoài cung cấp thông tin và khuyến khích người dân giải quyết, thì một vài điều sẽ xảy ra:
- Xã hội mất đi sự tử tế: Người làm từ thiện sẽ ít đi. Bởi vì tại sao người ta phải giúp người khác khi chính phủ là người chịu trách nhiệm?
- Xã hội mất đi sự chính trực: Tại sao người ta phải lo cho bản thân, biết ơn hay cảm thấy xấu hổ khi nhận thứ không phải do mình làm ra? Bởi chính phủ đã nhận trách nhiệm cung cấp phúc lợi cho người dân, nên hưởng thụ thứ không phải do mình làm ra đã trở thành điều hợp lý đương nhiên. Rất nhiều người chỉ muốn nhập tịch vào các nước tự do để lợi dụng chế độ trợ cấp thất nghiệp. Đây là căn bệnh của xã hội hiện đại.
- Xã hội mất đi sự tự do: Bởi vì như chúng ta đã đề cập đến trong kỳ trước, hễ bạn trao thêm quyền cho chính phủ, cho phép chính phủ lấy một phần tài sản của bạn (thông qua thu thuế) để trao cho người khác (thông qua phúc lợi), thì quyền tư hữu của chính bạn sẽ bị thụt lùi.
Trong xã hội thời xưa ở cả phương Đông và phương Tây, trước khi có hình thức chính phủ quản lý và phân chia phúc lợi cho xã hội, thì các vấn đề xã hội vẫn luôn được xã hội giải quyết.
Chẳng hạn ở Hoa Kỳ trước đây, khi xã hội còn chưa đi chệch khỏi các giá trị lập quốc thì chính phủ chỉ cần bảo vệ người dân một cách cơ bản là đủ. Bản chất con người sẽ khiến họ làm việc chăm chỉ để trở nên giàu có, người người đều như vậy, xã hội sẽ giàu có, quốc gia sẽ hùng mạnh. Những người giàu biết rằng làm giàu không dễ dàng, họ sẽ tiết kiệm. Khi giàu có họ sẽ từ thiện cho người nghèo, kiểu cứu trợ này là tự nguyện, không phải là cướp đoạt hay cưỡng ép. Người nhận được cũng cảm thấy biết ơn, và tự cố gắng nỗ lực trên đôi vai của mình, đây là phẩm giá của họ.
Người dân Hoa Kỳ là những người hào phóng nhất thế giới. Không chỉ những người giàu làm nhiều việc tốt, mỗi gia đình trung lưu ở Hoa Kỳ đều là nhà tài trợ nhiều nhất trên thế giới. Sự chăm chỉ, tiết kiệm và hào phóng của người dân đến từ tự do của Hoa Kỳ. Bởi vì tự do làm cho họ giàu có và đồng cảm với những người không may mắn.
Ở phương diện làm từ thiện này, các vị Cha Lập quốc Hoa Kỳ cũng có những tiêu chuẩn rất rõ ràng, có thể tóm gọn đại ý như sau:
- Điểm thứ nhất là chỉ giúp đỡ sau khi người nghèo đã nỗ lực.
- Điểm thứ hai, đừng quá ôm đồm. Giúp họ là để họ tự giúp mình, cố gắng để họ tự giúp mình, giúp một chút nhưng không phải là tất cả. Hãy cung cấp cho người nghèo một cái thang đi lên và khuyến khích họ leo lên suốt chặng đường đó. Nếu anh ta làm việc chăm chỉ, hãy cho anh ta một căn nhà cũ đơn giản, và đừng bao cấp đồ dùng trong nhà. Cuối cùng tự anh ta với thành quả nỗ lực lao động của mình sau này sẽ tự chuyển đến một ngôi nhà đẹp, và anh ta sẽ trân trọng toàn bộ hành trình ấy.
- Thứ ba, trong trường hợp khẩn cấp, chính phủ cần cứu trợ thảm họa trong xã hội. Nhưng sau khi tình trạng khẩn cấp qua đi, sự hỗ trợ sẽ phải dừng lại để tránh nuôi dưỡng tâm lý dựa dẫm.
- Thứ tư, người đầu tiên hỗ trợ nên là những người có mối quan hệ gia đình và người thân trước, sau đó đến hàng xóm, sau đó đến nhà thờ, nếu vẫn không được nữa mới để chính quyền từng cấp một hỗ trợ. Chính phủ cấp liên bang đặc biệt không nên can dự vào vấn đề này.
Tóm lại, những vị Cha Lập quốc Hoa Kỳ cho rằng chức năng của chính phủ là bảo vệ quyền tư hữu của người dân, cung cấp cho người dân môi trường tự do để có khả năng phát triển mạnh mẽ nhất, chứ không phải đảm bảo sự bình đẳng vật chất hay làm phúc lợi. Đây mới là vai trò của chính phủ.