Kyiv lên tiếng chỉ trích sau khi Minsk đón lãnh đạo vùng Donetsk do Moscow hậu thuẫn
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã gặp người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) do Moscow hậu thuẫn vào hôm 18/04, thu hút sự phản đối dữ dội từ các quan chức Ukraine.
Kyiv và các đồng minh phương Tây bác bỏ tính hợp pháp của DPR và coi khu vực Donetsk là lãnh thổ do Nga chiếm đóng.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ukraine đã lên án cuộc gặp giữa ông Lukashenko và người đứng đầu DPR Denis Pushilin, được tổ chức tại Minsk, Belarus.
Bộ này mô tả cuộc gặp gỡ trên là “một nỗ lực nhằm hợp pháp hóa đại diện của chính quyền chiếm đóng của Nga tại Donetsk.”
Không giống như hầu hết các thủ đô phương Tây, Minsk — một đồng minh chủ chốt của Nga — duy trì mối bang giao với DPR và Cộng hòa Nhân dân Luhansk láng giềng do Moscow hậu thuẫn.
Tháng 09/2022, Nga đã sáp nhập thành công các tỉnh Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk, và Luhansk của Ukraine sau khi tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.
Moscow coi hai tỉnh Donetsk và Luhansk, vốn cùng tạo nên vùng Donbas nói tiếng Nga, là “các nước cộng hòa nhân dân”.
Kyiv và các đồng minh của họ từ chối công nhận các vụ sáp nhập này — và “các nước cộng hòa nhân dân” do Moscow hậu thuẫn — đồng thời yêu cầu Nga giao lại tất cả các lãnh thổ đã chiếm giữ.
Cuộc gặp gỡ ở Minsk
Tại cuộc gặp gỡ này, ông Lukashenko nói với ông Pushilin rằng Belarus đã cố gắng giúp đỡ người dân Donetsk và trợ giúp tái thiết khu vực bị tàn phá bởi chiến tranh.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này kể từ sau các cuộc sáp nhập gây tranh cãi của Nga hồi năm ngoái.
Donetsk vẫn là nơi giao tranh ác liệt giữa các lực lượng Ukraine và Nga, đặc biệt là trong và xung quanh các thành phố điểm nóng Bakhmut và Avdiivka.
Quân đội chính quy của Nga đã chiến đấu bên cạnh lực lượng tự xưng là Dân quân của Nhân dân Donetsk, một nhóm bán quân sự địa phương ủng hộ việc sáp nhập khu vực này vào Liên bang Nga.
“Cuộc chiến ở đó [ở Donetsk] rất căng thẳng,” ông Lukashenko nói với ông Pushilin trong cuộc gặp mặt.
Theo hãng thông tấn BelTA của Belarus, ông Lukashenko bày tỏ việc nước ông sẵn sàng “cung cấp sự trợ giúp và ủng hộ” cho người dân Donetsk “để người họ hàng của chúng ta cuối cùng [có thể] chấm dứt sự đau khổ”.
Được biết hai nhà lãnh đạo này cũng đã thảo luận về các biện pháp củng cố quan hệ thương mại giữa Belarus và khu vực do Nga kiểm soát này.
Nói trên Telegram sau cuộc gặp, ông Pushilin xác nhận rằng ông và ông Lukashenko đã thảo luận về “sự hợp tác cùng có lợi giữa khu vực của chúng tôi và Cộng hòa Belarus.”
Ông tiếp tục khẳng định rằng DPR mong muốn đẩy mạnh hợp tác song phương với Minsk, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, và xây dựng.
Theo ông Pushilin, DPR tìm cách có được các thiết bị và vật liệu rất cần thiết từ Belarus để đổi lại là các lô hàng ngũ cốc và hạt hướng dương.
Kyiv chỉ trích ‘hành động gây bất lợi’
Trong một tuyên bố ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Ukraine đã mô tả cuộc gặp Lukashenko–Pushilin là “một hành động gây bất lợi trắng trợn khác” của Belarus.
Lưu ý rằng ông Pushilin là mục tiêu của “các biện pháp trừng phạt của Ukraine và quốc tế,” bộ này buộc tội người đứng đầu DPR “trốn tránh các cuộc điều tra” của Kyiv vì vai trò bị cáo buộc của ông này trong “các hành vi phạm tội nghiêm trọng.”
Bộ này tiếp tục yêu cầu Minsk “không thực hiện các bước phá hoại như vậy và ngừng trợ giúp cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đối với Ukraine.”
Bộ lưu ý rằng sau cuộc gặp của ông Lukashenko với ông Pushilin, đại sứ Ukraine tại Belarus, ông Ihor Kyzym, đã được triệu tập tới Kyiv “để hội ý”.
Hôm 19/04, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết phản ứng của Ukraine đối với cuộc gặp ở Minsk đã được Moscow “ghi nhận.”
Ông nói Kyiv có thể trả đũa Minsk bằng cách “thực hiện các hành động khiêu khích” Belarus.
Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời ông Peskov nói rằng: “Không thể loại trừ khả năng khiêu khích.”
Moscow xâm lược Ukraine vào tháng 02/2022 với mục đích đã nêu là bảo vệ những người nói tiếng Nga ở khu vực Donbas và ngăn chặn sự mở rộng về phía đông của NATO.
Về phần mình, Kyiv và những nước ủng hộ thuộc nhóm NATO coi hành động này là một cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ.
Các đồng minh lâu năm
Belarus vẫn là một đồng minh chủ chốt của Nga kể từ năm 1999, khi hai nước ký hiệp ước “Nhà nước Liên minh” trên phạm vi rộng.
Đầu tháng này, ông Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc lại cam kết của họ đối với bản hiệp ước trên, vốn nhằm tăng cường quan hệ kinh tế và quốc phòng giữa hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hồi đầu năm ngoái, hợp tác quân sự giữa Moscow và Minsk đã tăng lên theo cấp số nhân.
Tháng 10/2022, họ thành lập một lực lượng chung gồm các quân nhân Nga và Belarus. Ngay sau đó, Moscow điều hàng ngàn binh sĩ — và khí tài quân sự đáng kể — đến lãnh thổ Belarus.
Belarus, quốc gia có chung đường biên giới dài 675 dặm với Ukraine, vẫn chưa đóng vai trò tích cực trong cuộc xung đột ở nước láng giềng này.
Ông Lukashenko đã nhiều lần bác bỏ ý kiến gửi quân đội Belarus tới Ukraine để chiến đấu bên cạnh các lực lượng Nga.
Tuy nhiên, Kyiv lo ngại rằng Belarus có thể được sử dụng làm bàn đạp cho một cuộc tấn công trong tương lai của Nga, như đã thấy trong những tuần đầu tiên của cuộc xung đột.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times