Lionel Messi đã từ bỏ cách ăn uống không lành mạnh và điều trị bệnh tật để trở thành nhà vô địch thế giới

Với 16 kỷ lục, 695 câu lạc bộ, và 91 bàn thắng quốc tế, anh Lionel Messi đã trở thành một trong những cầu thủ bóng đá vĩ đại nhất thế giới. Mặc dù luyện tập chăm chỉ và có tài năng thiên bẩm, nhưng nhà vô địch đã phải vượt qua một vấn đề sức khỏe trầm trọng và cách ăn uống không lành mạnh để đạt đến đỉnh cao.

Được chẩn đoán bị chứng rối loạn hormone tăng trưởng

Sinh ra ở Rosario, Argentina, Messi thích chơi bóng đá, môn thể thao yêu thích của quê hương Nam Mỹ. Tuy nhiên, việc trở thành cầu thủ thấp nhất so với tuổi trong câu lạc bộ địa phương đã làm tiêu tan mọi hy vọng thành công trong sự nghiệp của anh.

Ở tuổi dậy thì, Messi chỉ cao hơn 4 foot (1.22m) – khác xa so với các cầu thủ bóng đá có chiều cao trung bình là 6 foot (1.83m).

Bác sĩ Diego Schwartzstein chẩn đoán anh bị một căn bệnh hiếm gặp gọi là thiếu hụt hormone tăng trưởng (GHD) khi anh 9 tuổi. Căn bệnh này còn được gọi là lùn tuyến yên, xảy ra khi tuyến yên sản xuất không đủ lượng hormone tăng trưởng, làm suy giảm chiều cao và thể chất.

Lùn tuyến yên có thể là một bệnh di truyền hoặc mắc phải, với mức độ nhẹ hoặc trầm trọng. Người bệnh cần chích hormone tăng trưởng hàng ngày để điều trị. Không có hồ sơ nào về mức độ trầm trọng của bệnh khi Messi được chẩn đoán.

Bác sĩ Schwartzstein nói với BBC News trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Lionel đã được điều trị vào thời điểm thích hợp.”

Anh bắt đầu điều trị từ năm 9 tuổi và hoàn thành vào lúc 14 hoặc 15 tuổi khi ở Barcelona. “Nhưng đó là thời điểm thích hợp để [cơ thể] phát triển toàn diện với sự trợ giúp của hormone tăng trưởng, ” ông Schwartzstein cho biết.

Chiều cao lúc trưởng thành là 5 feet 7 inch (1.7m) đã khiến anh thuộc nhóm những thành viên thấp hơn trong đội.

Nếu không điều trị, Messi có thể đã gặp phải những rủi ro về sức khỏe khiến anh không thể theo đuổi sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp.

Thiếu hormone tăng trưởng trầm trọng có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết ở trẻ nhỏ và ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Căn bệnh này cũng “có thể liên quan đến sự phát triển cơ bắp kém trong một số trường hợp,” ông Perrin White, M.D., giáo sư và trưởng Khoa Nội tiết Nhi khoa tại Trung tâm Y tế Tây Nam UT và Trung tâm Y tế Trẻ em, ở Dallas, nói với The Epoch Times.

Thiếu hụt hormone tăng trưởng không được điều trị có liên quan đến giảm khối lượng cơ nạc, tăng khối lượng chất béo, giảm mật độ khoáng xương và tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch.

“Có những báo cáo về chất lượng cuộc sống thấp hơn liên quan đến mức năng lượng thấp hơn ở người lớn [không được điều trị],” cô Molly O. Regelmann, M.D., bác sĩ nội tiết nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng ở Montefiore, New York, nói với The Epoch Times.

Có phải các liệu pháp điều trị đã đem lại cho Messi một ưu thế?

Các vận động viên có thể lạm dụng hormone tăng trưởng với liều cao để tăng phát triển cơ bắp.

Ông White cảnh báo rằng phương pháp này có rủi ro về mặt y tế vì liều lượng cao có thể gây ra các tác dụng phụ, chẳng hạn như tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường.

Tuy nhiên, có thể theo dõi liều dùng bằng xét nghiệm máu để phát hiện protein được điều chỉnh bởi hormone tăng trưởng có tên là yếu tố tăng trưởng giống insulin-1 (IGF-1).

Ông White cho biết: “Miễn là IGF-1 thuộc giới hạn bình thường trong độ tuổi, vận động viên sẽ không có ưu thế.”

Các nghiên cứu đánh giá tác động của hormone tăng trưởng khi được dùng bởi những người trẻ tuổi, khỏe mạnh không cho thấy lợi ích về hiệu suất.

Messi không tìm kiếm ưu thế – anh cần được điều trị để có một cuộc sống khỏe mạnh và viên mãn.

Bác sĩ của Messi xác nhận rằng mục tiêu là điều trị chứng rối loạn chứ không phải để đem lại ưu thế trong thể thao.

Từ bỏ cách ăn uống không lành mạnh

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018, Lionel Messi thừa nhận anh đã từng ăn uống một cách không lành mạnh và thường xuyên nôn mửa trong các trận đấu.

“Tôi đã ăn uống rất tệ trong nhiều năm; socola, soda, mọi thứ,” Messi nói với La Cornisa TV. “Đó là điều khiến tôi cảm thấy nôn nao trong các trận đấu.”

“Bây giờ tôi chăm sóc bản thân tốt hơn. Tôi ăn cá, thịt, và rau. Mọi thứ đều được lên kế hoạch một cách hợp lý.”

Người đã dạy Messi ăn uống lành mạnh là chuyên gia dinh dưỡng và động học Giuliano Poser. Ông nói với AS.com rằng ông bắt đầu bằng cách loại bỏ thực phẩm chế biến sẵn khỏi các bữa ăn của Messi. Sau đó, ông bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin, ngũ cốc, rau, cá và dầu ô liu cho anh.

Ông Poser nói với Mundo Deportivo, một tờ báo Tây Ban Nha rằng: “Các loại hạt cũng rất tốt.” Ông cảnh báo Messi không nên ăn đường, đó là “thứ tệ nhất” với cơ bắp.

Giống như nhiều chuyên gia dinh dưỡng, ông cũng khuyên không nên ăn quá nhiều thịt. Đây là việc không dễ dàng với Messi vì người Argentina nổi tiếng với cách ăn nhiều thịt theo truyền thống.

Ông nói: “Người Argentina và người Uruguay thường ăn quá nhiều thịt, mặc dù khó tiêu hóa.”

Tú Liên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times


George Citroner
BTV Epoch Times Tiếng Anh
George Citroner là ký giả chuyên mục sức khỏe của The Epoch Times. Ông George Citroner đưa tin về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Ông đã được trao giải thưởng Báo cáo xuất sắc về chỉnh hình truyền thông (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn