Nghệ thuật ứng xử trong tình yêu: Giao tiếp hiệu quả với người cố chấp
Cởi trói bản thân khỏi hành vi và phản ứng tiêu cực của đối tác nhiều bao nhiêu, bạn sẽ càng dễ dàng tránh khỏi những cơn giận dữ đầy cảm tính của họ, bạn sẽ càng hạnh phúc và hài lòng bấy nhiêu. Và bạn cũng sẽ kiểm soát được trạng thái nội tâm của chính mình.
Sarah và Jon yêu nhau được ba năm, Sarah cho rằng Jon là người có tính “cố chấp đến mức khó hiểu”. Jon chia sẻ rằng những cô gái mà anh ấy đã từng hẹn hò đều gọi anh là “cố chấp”.
Không ngạc nhiên khi Jon phủ nhận tính cố chấp của bản thân và đổ lỗi cho những bạn gái cũ rằng họ đòi hỏi khắt khe, không thể làm hài lòng, hung hăng và kiểm soát – đây là những lời chỉ trích quen thuộc của anh.
Theo Sarah, dù chỉ cố gắng để nói với Jon rằng những lời anh nói đã gây tổn thương thôi cũng đã là một thử thách lớn. Hành động biện hộ đầu tiên của Jon là chối bỏ việc này; đơn giản là anh không nói như vậy. Jon cho rằng lời nói của anh đã bị Sarah bóp méo hoặc bịa ra. Trong tình huống Sarah giữ vững lập trường cá nhân, thì Jon khăng khăng rằng cô cần xem lại hành vi của chính cô, rằng cô đã làm gì khiến anh phải buông ra những lời nói như vậy.
Có thời điểm, Jon bắt đầu kể về những gì Sarah đang làm với anh vào lúc đó, lời phàn nàn hiện tại của cô là sự gây hấn với anh như thế nào. Nếu Sarah cứ tiếp tục như thế, Jon sẽ tấn công toàn diện sau đó; anh lắc đầu ngán ngẩm và nói những câu như “Hãy nhìn vẻ mặt, lắng nghe giọng điệu của em đi; em mới là người tức giận.”
Sau đó, Jon buộc tội Sarah đang cố gắng kiểm soát anh, tuyên bố rằng nếu anh làm bất cứ điều gì không theo ý muốn hoặc suy nghĩ của Sarah thì cô sẽ hạ bệ anh và bị kiểm soát.
Tại thời điểm này, Sarah mới là người cảm thấy bị kiểm soát, cô im lặng, đồng thời tức giận. Rồi cô mất bình tĩnh và bắt đầu la hét. Cuộc trò chuyện (thực ra chưa bao giờ là một cuộc trò chuyện) sau đó trở thành một cuộc chiến và nó thường kết thúc bằng việc Sarah bỏ ra khỏi phòng, thường kéo theo đó là những cáo buộc của Jon rằng cô đang kiểm soát hơn nữa bằng hành động bỏ đi của cô.
Đáng buồn là sự việc kiểu này xảy ra mọi lúc ở nhiều cặp đôi. Đáng buồn hơn, Sarah, và bất cứ ai trong hoàn cảnh tương tự này, không bao giờ được chia sẻ về những gì làm họ tổn thương. Kết quả là, Sarah chưa bao giờ cảm thấy được lắng nghe, được thấu hiểu, được cảm thông hoặc được yêu thương. Sự tổn thương của cô (và cả những trải nghiệm) thường bị chối bỏ, cô cảm thấy bị bỏ rơi.
Sarah bắt đầu cảm thấy bị tổn thương bởi một điều gì đó cụ thể, thường là một lời nhận xét hoặc một vấn đề nhỏ; thực ra cô chỉ cần một chút ghi nhận và sự mở lòng, một sự thừa nhận cơ bản về những gì cô đã làm. Tuy nhiên, điều cô nhận được thay vào đó lại là một cuộc tấn công, một cuộc chiến. Từ đầu cho đến cuối đều là sự tổn thương, và bây giờ, trên hết, cô đang phải xoay xở với một đống lời chỉ trích. Giờ đây, cô không chỉ cảm thấy bị tổn thương mà còn tức giận, cô đơn, thất vọng và không được yêu thương.
Cố gắng bày tỏ sự khó chịu của mình là một việc gây thiệt thòi đối với Sarah.
Đồng thời, Sarah cảm thấy bị cản trở bởi những tương tác này; mọi thứ trong mối quan hệ không bao giờ có thể thay đổi hoặc cải thiện nếu điều làm tổn thương cô ấy không được xử lý từ gốc rễ. Sự bế tắc này sau đó làm tăng thêm tình trạng đau khổ.
Bạn đọc có thể cho rằng Sarah cần phải rời xa Jon và những gì cô ấy đang phải chịu đựng rõ ràng là sự lạm dụng tình cảm. Nhưng vấn đề ở đây là: Sarah không muốn rời xa Jon. Cô vẫn yêu Jon và tin rằng có đủ những mặt tích cực để cô tiếp tục mối quan hệ với anh ấy. Ngoài tính cố chấp, Jon rất hóm hỉnh và thông minh, hài hước và yêu đời; anh thể hiện tình yêu đối với cô, và cùng cô có những chuyến phiêu lưu thú vị. Anh có một đại gia đình với các thành viên rất gắn kết, yêu thương nhau mà cô rất trân trọng, và còn rất nhiều những điều tốt đẹp khác nữa.
Những gì Sarah muốn ở tôi là các chiến lược đối phó; làm thế nào để giao tiếp hiệu quả và ít bị kích động bởi sự cố chấp của Jon. Cô ấy muốn hạnh phúc hơn trong mối quan hệ này, để Jon không ôm giữ sự cố chấp cá nhân, để cô không mắc bẫy khi anh tấn công, và nói chung, để có thể tránh xa cơn giận dữ của anh ấy.
Với trách nhiệm của mình, tôi đưa ra những gợi ý như sau cho Sarah.
Khi thể hiện cảm xúc của bạn:
1. Hãy bám sát thực tế.
Hãy nói thật cụ thể về những gì đã xảy ra khiến bạn khó chịu. Sử dụng các từ cụ thể đã được nói ra, chuỗi sự kiện chính xác đã xảy ra khi bày tỏ cảm xúc của bạn. “Em đã nói điều này, sau đó anh nói điều kia.” Đừng phóng đại và đừng khái quát hóa; cũng đừng diễn giải vì chúng làm gia tăng tính cố chấp.
2. Sử dụng câu chủ ngữ nói về bản thân.
“Em”. Ví dụ như: “Em cảm thấy bị tổn thương,” “Em cảm thấy bị hiểu lầm.” Giữ cuộc trò chuyện dựa trên những điểm không thể thương lượng và không thể chối cãi – hãy điều chỉnh vấn đề từ kinh nghiệm trước đây của bạn.
3. Đừng phản ánh sự tức giận của người cố chấp.
Giữ giọng nói của bạn đều và ổn định. Thật bình tĩnh! Đây có thể là lời khuyên quan trọng nhất mà tôi có thể đưa ra. Rất khó để giữ bình tĩnh khi chúng ta cảm thấy bị tấn công một cách phi lý, nhưng điều tối quan trọng là không nên đáp trả cơn giận dữ của người cố chấp bằng sự tức giận lớn hơn. Sự tức giận cộng hưởng sẽ chỉ tạo ra một quả cầu lửa củng cố cho quan điểm của người cố chấp chống lại bạn. Sự tức giận của bạn càng khiến họ khẳng định rằng bạn phải chịu trách nhiệm về những gì đang xảy ra (và họ vô tội).
4. Thiết lập ranh giới lành mạnh.
Đưa tay về phía người kia để ra hiệu ‘dừng lại.’ Cử chỉ này tạo ra sự tách biệt và một thông điệp rằng không thể tranh cãi theo cách đang diễn ra. Nếu cảm thấy phù hợp, có thể kèm theo những lời nói điềm tĩnh, “Vui lòng không sử dụng giọng điệu đó với em” hoặc “Làm ơn không nói chuyện với em theo cách này.
5. Lặp lại điều bản thân bạn muốn chia sẻ.
Khi người cố chấp chuyển cuộc trò chuyện sang các chủ đề khác, và thường là chủ đề nhắm vào bạn, hãy lặp lại chính những từ bạn đã bắt đầu chia sẻ trước đó, thật bình tĩnh, với giọng trầm và chậm, “Em không thoải mái khi anh nói điều này…” Và sau đó lại lặp lại nếu người kia tiếp tục chuyển chủ đề, “Em không thoải mái khi anh nói điều này…” Đừng tự bảo vệ bản thân trước những lời buộc tội của họ; chớ mắc bẫy. Cho dù cảm giác đó có khó khăn hoặc phản trực giác đến đâu, hãy bỏ qua những gì đang xảy ra với bạn và quay lại trải nghiệm mà bạn đang cố gắng chia sẻ.
6. Tạm thời rút lui.
Hãy ra khỏi phòng và không cần giải thích thêm.
7. Chia sẻ đúng thời điểm.
Khi mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp với đối tác của bạn, trong khoảnh khắc gần gũi đó, hãy chia sẻ trải nghiệm của bạn về tính cố chấp của họ. Nhưng đừng làm cho họ trở nên cố chấp (đương nhiên rồi!), hãy nói về việc muốn gần gũi và thân mật hơn với họ. Bày tỏ mong muốn của bạn để có thể chia sẻ một cách thật lòng: điều gì có hiệu quả trong mối quan hệ – và cả – điều gì không hiệu quả. Quan trọng nhất, hãy cho đối tác của bạn biết rằng ngay cả khi bạn đang buồn vì những lời họ đã nói, bạn vẫn yêu thương và tôn trọng họ.
Nếu như trong số các bạn có người cảm thấy bức xúc vì tôi đã cố gắng giúp ai đó tìm thấy sự bình yên trong một mối quan hệ như vậy và rằng điều duy nhất tôi nên làm là giúp Sarah rời bỏ Jon, thì tôi muốn nói với họ thế này: Sarah không muốn rời bỏ mối quan hệ đó, về điểm này cô ấy đã rất rõ ràng. Sarah muốn tôi giúp cô ấy tìm thấy sự bình yên trong một mối quan hệ còn những khiếm khuyết, giống như bất kỳ mối quan hệ nào khác. Nhiều người lựa chọn ở lại trong những mối quan hệ mà nếu xét từ bên ngoài, chúng ta có thể cho là nên kết thúc. Nhiều người thậm chí còn hạnh phúc trong những mối quan hệ mà nếu xét từ bên ngoài có lẽ thật sự không thể tưởng tượng được. Nó như vậy đấy; bởi vì đây là thế giới xúc cảm của con người. “Xét từ bề ngoài”, bốn từ này có lẽ không mang nhiều ý nghĩa ở đây.
Nếu đối tác của bạn là một người cố chấp, thường sử dụng sự tức giận để ngăn bạn lại và kiểm soát bạn, một số lời khuyên của tôi có thể hữu ích. Tôi cũng mong là như vậy. Những mối quan hệ thân tình rất khó; những mối quan hệ không thể chia sẻ những gì tổn thương lại càng khó khăn và đơn độc hơn.
Tuy nhiên, mối quan hệ nào cũng vậy, có thể cởi trói bản thân khỏi hành vi và phản ứng tiêu cực của đối tác nhiều bao nhiêu, bạn sẽ càng dễ dàng tránh khỏi những cơn giận dữ đầy cảm tính của họ, bạn sẽ càng hạnh phúc và hài lòng bấy nhiêu. Và bạn cũng sẽ kiểm soát được trạng thái nội tâm của chính mình. Con đường dẫn tới một mối quan hệ êm ả thường có nhiều chướng ngại mà chúng ta không thích và cả những chướng ngại chúng ta được khuyên là không nên dấn thân. Chờ đợi một mối quan hệ hoàn hảo hoặc thay đổi để trở nên tốt đẹp ngay bây giờ, đó là lựa chọn của mỗi chúng ta.
Nancy Colier là một nhà trị liệu tâm lý, Bộ trưởng liên tôn giáo, là tác giả kiêm diễn giả cuốn sách sắp ra mắt “Không ngừng suy nghĩ” (2021) và “Sức mạnh của trạng thái tĩnh: Cách tỉnh táo để giữ mình trong thế giới ảo”.
Nancy Colier
Tiên Tiên biên dịch
Xem thêm: