Người dân Trung Quốc gửi lời chúc Tết Nguyên Đán tới nhà sáng lập Pháp Luân Công
Tết Nguyên Đán năm nay sẽ rơi vào thứ Bảy (10/02). Gửi những lời chúc tốt đẹp đến những người thân yêu và những người mà mình kính trọng là điều đầu tiên mà nhiều gia đình Á Châu thực hiện trong dịp Tết Nguyên Đán.
Nhân ngày lễ lớn này của Trung Hoa, hàng chục ngàn người ở Trung Quốc bày tỏ lòng tri ân và kính trọng đối với Đại sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công, một môn tu luyện đã bị bức hại tại quốc gia này trong gần 25 năm.
Một thông điệp chúc mừng như vậy đã được một người họa sĩ ủng hộ Đại sư Lý gửi đi.
Mặc dù chưa tập Pháp Luân Công, nhưng người họa sĩ ẩn danh do lo ngại về an toàn này chia sẻ rằng ông biết rằng môn tu luyện hiện vẫn đang phát triển ở Trung Quốc bất chấp chiến dịch đàn áp tàn nhẫn của chính quyền.
Chỉ riêng trong khu nhà ông, có nhiều người trí thức hoặc chuyên gia đã về hưu vẫn tập Pháp Luân Công và làm theo những lời dạy bảo của môn tu luyện. “Họ đều rất tốt bụng và hòa ái,” ông nói với The Epoch Times.
Ông thấy rằng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi môn tu luyện này thu hút người Trung Quốc đến vậy, bởi vì chúng ta có thể nhận thấy rằng môn tu luyện tập trung vào các giá trị đạo đức và tu tâm dưỡng tính, cũng là vì môn tu luyện này có tác dụng chữa lành. “Chúng tôi đều biết rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt.”
Bắt nguồn từ tín ngưỡng cổ xưa của Trung Hoa về trau dồi và thăng hoa tinh thần, Pháp Luân Công lần đầu tiên được ông Lý Hồng Chí giới thiệu ra công chúng tại Trung Quốc hồi năm 1992. Với các bài tập thiền định nhẹ nhàng và những bài giảng về đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, Pháp Luân Công đã thu hút nhiều người từ mọi giai tầng xã hội — từ các quan chức cấp cao đến người dân nông thôn — dẫn đến con số ước tính vào cuối thập niên này là khoảng 70 đến 100 triệu người đang theo học trong nước.
Tuy nhiên, sự phổ biến ngày càng lan rộng của Pháp Luân Công bị chính quyền xem là mối đe dọa đến quyền kiểm soát xã hội của họ. Theo báo cáo, hồi năm 1999, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân đã phát động chiến dịch trên diện rộng nhằm xóa sổ Pháp Luân Công, khiến hàng triệu học viên bị đưa vào các trại giam, tại đó họ bị tẩy não, tra tấn, hay thậm chí bị sát hại để lấy nội tạng, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.
Tuy nhiên chiến dịch đẫm máu này không thể xóa bỏ tín ngưỡng truyền thống trong tâm khảm mỗi người. Trong số những người gửi lời chúc mừng năm mới gửi đến Đại sư Lý, rất nhiều người chưa tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc cũng ca ngợi các nguyên lý cốt lõi trong các bài giảng của Pháp Luân Công: chân, thiện, và nhẫn.
Ông Lưu chính là một trong những người dân như thế. Ông chỉ cho biết họ của ông vì sợ bị trả thù. Ông bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn đối với phương pháp tu luyện truyền thống mà Đại sư Lý đã truyền ra công chúng.
“Xã hội này hiện đang rất cần chân, thiện, và nhẫn,” ông Lưu nói với The Epoch Times, đồng thời nói rằng quan chức đã biến thành “ác quỷ” dưới sự cai trị của chính quyền cộng sản chuyên chế, “Bằng tấm lòng lương thiện, chúng ta có thể chống lại các ác, và mang lại một tương lai tươi sáng cho Trung Quốc.”
Một cư dân Trung Quốc họ Cát bày tỏ rằng ông rất cảm phục các học viên Pháp Luân Công vì đã kiên định phản đối cuộc bức hại một cách ôn hòa và giúp người Trung Quốc có được tự do. “Cảm ơn Ngài Lý Hồng Chí. Cảm ơn các học viên Pháp Luân Công,” ông nói với The Epoch Times. “Tôi chúc Ngài Lý một năm mới vui vẻ.”
Lời chúc từ các học viên
Trước thềm năm mới Tết Nguyên Đán, các học viên Pháp Luân Công từ Trung Quốc cũng gửi những lời chúc ấm áp tới nhà sáng lập, Đại sư Lý. Họ gửi tin nhắn chúc mừng cùng thiệp điện tử tới trang Minh Huệ Net, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên đưa tin về Pháp Luân Công. Trang web này cho biết kể từ năm 2001, họ đã nhận được hàng vạn lời chúc mừng Đại sư Lý vào dịp Tết Nguyên Đán.
Vào năm nay, những lời chúc tốt đẹp này đã đến từ người dân ở các địa khu trên khắp đất nước, từ tỉnh ven biển phía đông Sơn Đông đến vùng viễn tây Tân Cương, cho thấy môn tu luyện này vẫn phát triển mạnh mẽ và được tôn trọng bất chấp cuộc đàn áp đang diễn ra.
Những tấm thiệp chân thành kính chúc Đại sư Lý một Tết Nguyên Đán vui vẻ đã được gửi đi từ những người thuộc mọi giai tầng, làm việc trong chính quyền thành phố, cơ quan công an, cơ quan tư pháp cũng như trong ngành giáo dục. Ngoài ra còn có các tấm thiệp điện tử do các học viên trong quân đội Trung Quốc thiết kế, gồm có các nghiên cứu viên tại các học viện quân sự, cựu chiến binh từ Bộ Tham mưu Liên hợp, các quân nhân tại ngũ và cựu chiến binh quân đội ở tỉnh Thanh Hải.
Các học viên từ một số thành phố cũng bày tỏ lời hứa rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào họ cũng sẽ nói với người dân Trung Quốc về Pháp Luân Công và phơi bày cuộc bức hại.
Một học viên sống ở tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc, cho biết cô thường nói chuyện trực tiếp với những người Trung Quốc về Pháp Luân Công. “Tôi xem họ như người thân và dùng tấm lòng trong sáng để giải thích mọi chuyện,” cô viết. “Tôi kể cho từng người nghe về những chuyện đang xảy ra và nhắc nhở họ ghi nhớ ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo’, cũng như ‘Chân-Thiện-Nhẫn hảo.’”
Khi gọi Đại sư Lý là “Sư Phụ,” một danh hiệu thể hiện lòng tôn kính trong văn hóa Trung Quốc đối với người thầy, cô cho rằng sự can đảm của mình đến từ sức mạnh của tín niệm. “Sư Phụ đã luôn từ bi bảo hộ tôi, ban cho tôi năng lượng và trí huệ.”
Một người Trung Quốc khác, là một dân làng ở trung tâm tỉnh Hồ Bắc, cho biết ông từng là một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Nhờ tu luyện Pháp Luân Công mà giờ đây ông đã có thể “vui vẻ với một công việc buôn bán nhỏ.”
Khi các quan chức trong làng hoặc nhân viên chính quyền địa phương đến cửa hàng của ông, ông kể cho họ nghe cuộc sống của ông đã thay đổi như thế nào kể từ khi tu luyện Pháp Luân Công hồi năm 2014. “Khi đó, tôi nói với họ rằng Pháp Luân Đại Pháp đã ban cho tôi sức khỏe và Sư Phụ Lý dạy tôi làm một người tốt. Chúng ta có nên quảng bá những điều như thế này không? Pháp Luân Đại Pháp thực sự rất tuyệt vời!”
Bản tin có sự đóng góp của Phương Hiếu và Hùng Bân.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times