Người Mỹ không phô trương giàu có, người Trung Quốc ngưỡng mộ sự xa hoa
Người Trung Quốc và người Mỹ có rất nhiều quan điểm sống tương phản. Một sự khác biệt giữa họ về tiền bạc là: người Trung Quốc quan tâm tới số lượng, trong khi người Mỹ chú trọng đến chất lượng.
Quan điểm về tiền bạc: Tiền là công cụ hay là mục đích sống?
Một người Hungary được hỏi rằng tại sao anh ta không đến Đức, nơi mà lương tháng của anh ta có thể gấp 3 lần. Anh ta đáp lại: Tại sao tôi phải đến đó? Bây giờ tôi đang sống với gia đình, dùng bữa cùng họ, nói chuyện với họ, tận hưởng cuộc sống với họ. Tôi khá hài lòng với cuộc sống hiện tại. Tôi không muốn thay đổi nó.
Thực tế Hungary và Đức là hai quốc gia liền kề nhau. Người đàn ông này không cần phải đi xa nếu anh ta làm ở Đức. Và còn điều gì khác, anh ấy có thể về nhà mỗi tuần, nếu anh muốn. Nhưng người đàn ông Hungary này đã từ chối lời đề nghị. Anh ấy không đòi hỏi nhiều từ cuộc sống.
Đây cũng là thái độ sống chung của người Mỹ. Họ có suy nghĩ rằng, nếu họ có đủ tiền, những gì họ quan tâm không phải tiền, mà là tăng chất lượng cuộc sống với số tiền hiện có. Nhưng nếu điều này xảy ra ở Trung Quốc, bạn có nghĩ rằng người Trung Quốc sẽ không chuyển đến Đức để kiếm tiền gấp 3 lần số tiền hiện có? Chắc chắn là họ sẽ chuyển đến. Và cũng không chỉ là chuyển từ Hungary sang Đức, thậm chí họ sẵn sàng chuyển từ tận cùng của thế giới đến một nơi khác, miễn là có thể giúp họ tăng 3 lần thu nhập. Người Trung Quốc sẽ làm, cho dù có khó khăn thế nào họ cũng sẽ chịu đựng.
Cuộc di dân vào những năm 80 và 90 là một ví dụ. Rất nhiều người Bắc Kinh và Thượng Hải di cư đến Mỹ và Nhật Bản. Khoảng cách này còn xa hơn khoảng cách giữa Đức và Hungary. Nhưng khoảng cách đó không phải là trở ngại cho người Bắc Kinh và Thượng Hải. Mỗi ngày, tại cổng Đại sứ quán Hoa Kỳ và Nhật Bản, có hàng dài người xếp hàng chờ hộ chiếu. Không thể kể xiết bao nhiêu người Trung Quốc bị từ chối visa ở hai đại sứ quán này. Nhưng đó dường như không phải là vấn đề. Dù họ bị từ chối bao nhiêu lần, họ cũng sẽ không dừng việc xếp hàng.
Thực tế, trong số những người mong muốn đến Mỹ hay Nhật Bản này, rất nhiều người có một cuộc sống xa hoa ở Trung Quốc. Họ chẳng bao giờ phải lo về thu nhập vì họ đã có “bát vàng” bảo đảm cho họ mức lương cao và ổn định. Nhưng đây lại là thực trạng của nhiều người Trung Quốc. Với tiền, họ hầu như không bao giờ thỏa mãn; họ muốn có nhiều hơn. Khi họ có nhiều hơn, họ lại kỳ vọng có nhiều hơn nữa. Dường như với họ tiền bạc không bao giờ là đủ; chỉ khi thế giới này có một nơi mà người ta có thể sống với rất nhiều tiền mà không còn nơi nào hơn nữa thì có thể họ mới dừng lại. Đó là chiếc nam châm vĩnh cửu dành cho hầu hết người Trung Quốc. Vậy nên, rất nhiều người sẽ sẵn sàng hy sinh cuộc sống của họ ở Trung Quốc, và nỗ lực đến Mỹ chỉ để kiếm nhiều tiền hơn, mặc dù có khi họ chẳng có thời gian để tiêu tiền và tận hưởng cuộc sống.
Quan điểm tiêu tiền: Chi tiêu vì nhu cầu thiết yếu hay vì sĩ diện?
Cách tiêu tiền cũng có sự khác biệt lớn giữa người Trung Quốc và người Mỹ. Vào năm 1998, theo thống kê, mỗi người Mỹ sẽ ủng hộ từ thiện ít nhất 1.000 đô-la. Năm đó, thu nhập bình quân của mỗi người Mỹ là khoảng 40.000 đô-la. Có nghĩa là 2,5% lượng thu nhập hàng năm của mỗi người Mỹ dành cho từ thiện. Từ thiện được hầu hết người giàu Mỹ ưu tiên. Nhưng ở Trung Quốc, nhiều người giàu có trong các thập kỷ qua là do phạm pháp, bằng cách vơ vét tài sản quốc gia. Tỷ lệ tham nhũng ở Trung Quốc thuộc hàng đầu thế giới. Phần lớn, họ đều chẳng bao giờ nghĩ tới việc làm từ thiện cho những người đói khổ. Trong hầu hết trường hợp, tiền của họ được dùng để đánh bạc, vui chơi, ăn uống xa hoa. Rất nhiều người Trung Quốc giàu có đã lập ra sòng bạc trên thế giới, và vì thế họ xây dựng nên hình ảnh người Trung Quốc ưa thích đánh bạc trên cộng đồng quốc tế.
Người Trung Quốc khi có tiền nổi tiếng là tiêu hoang. Hình ảnh người Trung Quốc ra nước ngoài mua sắm không tiếc tiền đã không còn quá xa lạ, rất nhiều người dùng mấy trăm, mấy ngàn, thậm chí là mấy triệu Nhân dân tệ để mua một bộ quần áo hoặc một chiếc túi xách hàng hiệu. Chẳng vậy mà các thương hiệu lớn như Chanel, Dior, LV, Apple v.v. coi Trung Quốc là một thị trường béo bở. Việc một người Mỹ bình thường bỏ ra 800 đô-la hoặc hơn, để mua một bộ quần áo hàng ngày là chuyện không tưởng.
Ở Mỹ, tất cả những thứ hàng tiêu dùng đều là rẻ nhất. Ví dụ như quần áo, ghế xếp, bộ đồ ăn dùng trong bữa tiệc, thực phẩm thường ngày… Quan niệm tiêu dùng của người Mỹ khá cẩn thận kỹ càng, họ sẽ không vung tiền vì cái mà người Trung Quốc gọi là “sĩ diện”, từ nhỏ họ được giáo dục rằng tính độc lập tự chủ, so sánh giàu nghèo không phải là điều quan trọng ở Mỹ.
Họ thường không để ý xem người khác có ngưỡng mộ thời trang của họ hay không mà ngược lại, nếu mặc một bộ trang phục không phù hợp với khả năng kinh tế của mình thì lại càng thô lỗ và phù phiếm. Thông thường các bậc phụ huynh Mỹ tuy không dạy các con phải quá tiết kiệm, nhưng đều sẽ hướng dẫn các con sử dụng đồng tiền một cách có hiệu quả.
Hiện nay du học sinh người Trung Quốc theo học các trường tư ở Mỹ khá nhiều, và họ thường xem trọng sự giàu có. Họ không ngại ngần mua các bộ cánh đắt, đi xe xịn, dùng hàng hiệu để chứng tỏ bản thân không thua kém dân bản địa. Nếu so sánh những đứa trẻ Trung Quốc ăn diện với những đứa trẻ Mỹ giản dị thì lập tức khác biệt rõ ràng.
Sở dĩ người Trung Quốc chịu bỏ tiền để mua hàng hiệu chủ yếu là do việc ăn mặc của họ đa phần là để cho người khác xem, và là công cụ để họ chứng minh đẳng cấp.
Ngoài ra, có một điều cần làm rõ đó là người Mỹ không phải là không tiêu tiền, mà ngược lại, một gia đình bình thường ở Mỹ, hay nói cách khác là người Mỹ bình thường trung bình tiêu nhiều tiền hơn người Trung Quốc. Số tiền mà họ dùng vào nhà cửa, thể thao, dịch vụ, du lịch, hội họp, ăn uống, giao thông… cũng rất nhiều, có những người tuy kiếm rất nhiều tiền, nhưng cũng “tiền ra” nhiều hơn “tiền vào”. Nhưng cái họ quan tâm là tiêu tiền chất lượng chứ không phải chạy theo xu hướng, bóng bẩy bề ngoài.
Giai cấp trung lưu ở Mỹ chịu tiêu tiền vào sở thích và thể thao. Ví dụ như những chiếc du thuyền ở cảng Chicago, hay có rất nhiều người cuối tuần hẹn vài người bạn tiêu mấy ngàn đô-la để đi trượt tuyết ở Alaska.
******
Với người Trung Quốc, xe và nhà là thước đo của thành công. Người Trung Quốc xem nhà to, nhà đắt tiền là tượng trưng cho sự giàu có, người có tiền mới ở được biệt thự. Người Trung Quốc thích đổ về các thành phố lớn nơi mà giá nhà đất đạt đến tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, họ lại càng mải mê kiếm tiền để có được căn nhà như ý. Người Mỹ chủ yếu xem nhà ở là tổ ấm, nhà lớn hay nhỏ tùy thuộc vào nhu cầu của gia đình.
Trong mắt người Trung Quốc, xe càng thể hiện rõ địa vị xã hội hơn cả nhà ở, lái Mercedes-Benz hay BMW là rất ‘cao quý’. Giá xe ở Trung Quốc nổi tiếng cao và giá mua chỗ để xe cũng không hề thấp. Ở Mỹ, xe hơi là công cụ thay cho đôi chân, mức giá xe được ưa chuộng nhất là vào khoảng 30.000 đô-la.
Chim trĩ khoác lên mình bộ lông sặc sỡ cũng không trở thành chim công
Một người Trung Quốc chuyển đến Mỹ sinh sống đã có những trải nghiệm vô cùng thú vị. Đối diện nhà cô là một gia đình trung lưu điển hình ở Mỹ. Người chồng Antony là quản lý cấp trung của một công ty tài chính, còn vợ Meryl là một giáo viên tiểu học. Mặc dù vậy, họ ăn mặc không khác gì người bình thường. Cuối năm 2008, những người trong khu phố muốn tổ chức tiệc mừng năm mới, nên cô đã không ngại ngần bỏ ra 300 đô-la thuê một bộ lễ phục thương hiệu Prada (thương hiệu thời trang cao cấp của Ý), hy vọng có thể giúp cô hoà nhập.
Cô nghĩ rằng người phụ nữ hàng xóm Meryl chắc cũng sẽ vận một bộ cánh lộng lẫy. Nhưng tối đó, cô ấy chỉ mặc một bộ lễ phục thương hiệu CK. Và Meryl giải thích việc cô ấy chọn hiệu CK là vì nó phù hợp với tầng lớp trung lưu như cô ấy.
Meryl đã dùng một phép ẩn dụ như sau: dù chim trĩ có khoác lên mình một bộ lông sặc sỡ thì nó cũng sẽ không trở thành chim công được. Thật ra, người Mỹ cũng không phải là không thích các nhãn hiệu đắt tiền, nhưng người tiêu dùng đa số chỉ hạn chế trong một nhóm người nhất định mà thôi, ví dụ như giám đốc công ty, những quý bà trong giới thời trang, minh tinh điện ảnh, vận động viên chuyên nghiệp v.v…
Một lần khác, thấy cậu con trai của họ tìm chiếc quần jean giảm giá, cô đã thắc mắc hỏi sao cậu bé không mua chiếc mới. Cậu bé trả lời rằng:
“Mẹ cháu không phải là người giàu có gì, dù cho cháu có mặc quần Levis kiểu mới nhất thì cũng sẽ không trở thành “cậu ấm”. Hơn nữa sau 18 tuổi cháu còn phải kiếm tiền tự nuôi bản thân mình nữa, khi đó sẽ càng không có tiền mua đồ hiệu nữa đâu, cho nên như bây giờ đã là rất tốt rồi ạ”.
Điều làm nên giá trị của một người không phải là tài sản vật chất mà họ sở hữu, mà là lối sống và nhân cách. Tuy nhiên, dù ở đất nước nào, con người cũng không nên trở thành nô lệ của đồng tiền. “Tiền có thể mua được ngôi nhà nhưng không mua được gia đình; mua được thuốc men nhưng không mua được sức khỏe; mua được sách nhưng không mua được tri thức; mua được chức tước nhưng không mua được sự kính trọng…”. Người Mỹ điển hình đã hiểu được điều này, do đó thay vì chú trọng đến số tiền hiện có, họ quan tâm tới chất lượng cuộc sống của mình hơn.