Nhà sáng lập FTX Bankman-Fried bị từ chối bảo lãnh tại Bahamas sau khi bị bắt, đối mặt với án tù lên tới 115 năm
Anh Sam Bankman-Fried, người sáng lập kiêm cựu Giám đốc điều hành của sàn giao dịch mã kim thất bại FTX, đã bị từ chối bảo lãnh sau khi bị bắt giữ hôm 12/12 tại Bahamas theo yêu cầu của chính phủ Hoa Kỳ.
Trong một phiên điều trần kéo dài hơn ba giờ hôm 13/12, Chánh án Joyann Ferguson-Pratt đã từ chối yêu cầu bảo lãnh 250 ngàn USD của anh Bankman-Fried, với lý do về một nguy cơ đào thoát tăng cao bởi vì cựu tỷ phú này tiếp cận được các nguồn tài chính.
Vị thẩm phán đã ra lệnh tạm giam người đàn ông 30 tuổi này tại nhà tù Bahamian cho đến ngày 08/02/2023.
Theo yêu cầu của Biện lý Liên bang Tòa án Địa hạt phía Nam của New York, cơ quan chấp pháp Bahamas đã bắt giữ anh Bankman-Fried. Trước đó, Biện lý Liên bang này đã thông báo cho Văn phòng Tổng chưởng lý Bahamas rằng họ đã đệ trình các cáo buộc hình sự đối với cựu tỷ phú mã kim này, người từng sở hữu tài sản ròng ước tính trị giá 26 tỷ USD.
Hoa Kỳ và Bahamas đã ký kết một hiệp ước dẫn độ từ năm 1994. Thượng nghị sĩ Ryan Pinder, Tổng chưởng lý Bahamas, cho biết Hoa Kỳ có thể sẽ yêu cầu dẫn độ anh Bankman-Fried và ông dự định sẽ nhanh chóng giải quyết việc dẫn độ này. Được biết, nhóm pháp lý của anh Bankman-Fried đã nói với tòa án này rằng họ dự trù chống lại bất kỳ lệnh dẫn độ nào đến Hoa Kỳ.
Ông Mark Cohen, cố vấn pháp lý của anh Bankman-Fried, cho biết trong một thư điện tử, “Ông Bankman-Fried đang xem xét các cáo buộc này cùng với nhóm pháp lý của mình và xem xét tất cả các lựa chọn pháp lý của mình.”
Các công tố viên công bố nhiều cáo buộc
Các công tố viên và cơ quan quản lý bao gồm Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) và Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái (SEC) đã đệ trình các cáo buộc chống lại anh Bankman-Fried, bao gồm gian lận chuyển khoản, cũng như các âm mưu thực hiện hành vi gian lận chuyển khoản, gian lận hàng hóa, gian lận chứng khoán, rửa tiền, và gian lận chống lại Hoa Kỳ.
Anh Bankman-Fried phải đối mặt với án tù lên tới 115 năm nếu bị kết án về tất cả tám tội danh này.
Chủ tịch SEC Gary Gensler cho biết người chủ cũ của FTX này “đã dựng lên một công ty yếu kém dựa trên một nền tảng của sự lừa dối trong khi nói với các nhà đầu tư rằng đó là một trong những cơ ngơi an toàn nhất trong ngành mã kim” và dàn dựng một kế hoạch lừa đảo các nhà đầu tư vốn cổ phần vào FTX.
CFTC đã buộc tội anh Bankman-Fried với tội gian lận và tội che giấu sự thật quan trọng, đồng thời tuyên bố rằng những hành động của anh đã gây ra thiệt hại hơn 8 tỷ USD tiền gửi của khách hàng FTX. Trong một tuyên bố, CFTC đã cáo buộc FTX trộn tiền của khách hàng với quỹ đầu cơ liên kết của FTX là Alameda Research.
Theo một bản cáo trạng (pdf) được mở niêm phong hôm 13/12, các công tố viên Hoa Kỳ cáo buộc rằng anh Bankman-Fried đã tham gia vào một kế hoạch lừa đảo khách hàng của FTX bằng cách biển thủ tiền gửi của những khách hàng đó và sử dụng khoản tiền này để thanh toán các chi phí và khoản nợ của Alameda Research.
Theo ông Damian Williams, Biện lý Liên bang Tòa án Địa hạt phía Nam của New York, nói rằng họ còn cáo buộc anh Bankman-Fried đã kiếm được “hàng chục triệu dollar đóng góp cho chiến dịch bất hợp pháp” cho cả các ứng cử viên Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa cũng như các ủy ban chiến dịch vốn không đứng tên anh.
FTX có trụ sở tại Bahamas đã từng được định giá 32 tỷ USD sau khi huy động được 400 triệu USD từ các nhà đầu tư trong vòng cấp vốn mới nhất và anh Bankman-Fried được biết đến bởi lối sống bác ái, trở thành nhà tài trợ cá nhân lớn thứ hai cho Đảng Dân Chủ, đồng thời tuyên bố đã đóng góp một số tiền tương tự cho Đảng Cộng Hòa.
Bankman-Fried phủ nhận hành vi gian lận
Tuy nhiên, hồi tháng Mười Một, sàn giao dịch mã kim này đã sụp đổ một cách ngoạn mục trong bối cảnh khủng hoảng thanh khoản sau khi có thông tin tiết lộ rằng Alameda đã sử dụng tài sản của khách hàng FTX để giữ cho quỹ đầu cơ này đứng vững. Một thỏa thuận giải cứu tiềm năng của đối thủ lớn hơn là Binance sau đó đã bị rút lại và các nhà giao dịch vội vã rút hàng tỷ USD khỏi nền tảng này.
Hôm 11/11, FTX đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Hàng triệu người sử dụng sàn giao dịch này đã không thể truy cập vào ví tiền điện tử của họ nữa.
Theo một hồ sơ tòa án, FTX nợ 50 chủ nợ lớn nhất gần 3.1 tỷ USD.
Bất chấp sự sụp đổ của sàn giao dịch này, và những nghi vấn mơ hồ liên quan đến hàng tỷ USD bị thâm hụt, anh Bankman-Fried vẫn tiếp tục trả lời phỏng vấn cho nhiều hãng thông tấn khác nhau và mới đây đã nói chuyện tại Hội nghị thượng đỉnh DealBook do The New York Times tổ chức hôm 30/11.
Trong các cuộc phỏng vấn như vậy, anh đã nhiều lần phủ nhận việc thực hiện bất kỳ hành vi gian lận nào tại FTX nhưng thừa nhận đã mắc nhiều “sai lầm” khi điều hành công ty này.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC được phát hành hôm 10/12, anh tiết lộ những kế hoạch để thành lập một doanh nghiệp mới nhằm cố gắng trả lại tiền cho các nhà đầu tư đã thua lỗ hàng tỷ USD.
Phương Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times