Các cơ quan Hoa Kỳ phải cung cấp chi tiết các khoản tài trợ liên quan đến Trung Quốc
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, Tòa Bạch Ốc đã yêu cầu các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ cung cấp thông tin chi tiết sâu rộng về bất kỳ khoản tài trợ nào tìm cách hỗ trợ Bắc Kinh, hoặc tìm cách chống lại ảnh hưởng toàn cầu và các hoạt động kinh doanh của Trung Quốc.
Theo một tài liệu ngày 27/8 của Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) thuộc Tòa Bạch Ốc mà Reuters đã được xem, OMB đã ra lệnh cho các cơ quan của Hoa Kỳ gửi “dữ liệu tóm lược về nguồn tài trợ liên bang dành cho viện trợ hoặc hỗ trợ Trung Quốc, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp chống lại sự cạnh tranh không công bằng, các hoạt động bất lợi và tầm ảnh hưởng trên toàn cầu của Trung Quốc.”
Trung Quốc phủ nhận việc tham gia vào các hoạt động cạnh tranh không công bằng.
Tài liệu có tựa đề “Tóm lược về Cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc” (Strategic Competition with China Crosscut) không cho biết thông tin sẽ được sử dụng như thế nào ngoài việc nó sẽ “thông báo cho các nhà hoạch định chính sách” về những cách thức chi tiêu của chính phủ Hoa Kỳ có liên quan đến Trung Quốc.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đã trở nên ngày càng đối kháng nhau do những bất đồng từ cuộc chiến thương mại kéo dài hai năm đến việc chính quyền TT Trump đổ lỗi cho Bắc Kinh thiếu minh bạch khiến dịch COVID-19 lây lan.
Yêu cầu [thu thập] dữ liệu ngân sách sâu rộng sẽ được sử dụng để hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách và lưu ý rằng tất cả các khoản tài trợ phải “phản ánh các ưu tiên chiến lược” khi đối phó với Trung Quốc.
Một số chương trình và chi tiêu của Hoa Kỳ từ thời điểm một thập kỷ trước trở lại đây hoặc lâu hơn đang được xem xét lại. Tài liệu này yêu cầu các cơ quan liên bang hồi đáp trước ngày 21/9.
Một phát ngôn viên của OMB đã xác nhận nỗ lực của cơ quan này, nói với Reuters rằng “để đảm bảo Hoa Kỳ vẫn mạnh mẽ và ở một vị thế có sức mạnh chống lại các quốc gia đối địch như Trung Quốc, OMB đã yêu cầu các cơ quan liên bang cung cấp tất cả các khoản tài trợ có dụng ý chống lại Trung Quốc, hoặc có thể viện trợ cho Trung Quốc”.
Bản ghi nhớ bao gồm các hướng dẫn về cách gửi chi tiết các khoản chi tiêu của Hoa Kỳ, gồm cả những khoản đã phân loại và chưa được phân loại, đồng thời tìm kiếm chi tiết về tất cả các khoản tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ dành cho chi tiêu nội bộ ở Trung Quốc.
Tài liệu của Tòa Bạch Ốc yêu cầu cung cấp dữ liệu về tất cả các khoản tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ được sử dụng để “chống lại ảnh hưởng thâm hiểm của Trung Quốc hoặc hành vi không phù hợp với các lợi ích của Hoa Kỳ”.
Tài liệu dẫn chứng các ví dụ như “tài trợ cho chương trình chống lại Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường (OBOR) hoặc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI); tài trợ cho các hoạt động quân sự, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, mục đích chính của nó là ngăn chặn hành vi gây hấn của Trung Quốc”.
Tài liệu cũng tìm kiếm những thông tin chi tiết về những nỗ lực “thứ yếu” của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc như “những đóng góp bên lề cần thiết để duy trì vị trí dẫn đầu của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc về quyền biểu quyết trong các tổ chức quốc tế quan trọng” và tài trợ cho các nỗ lực khác của Hoa Kỳ.
Tài liệu cũng tìm kiếm dữ liệu về tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ cho các chương trình có mục đích chính là chống lại năng lực công nghệ của Trung Quốc trong các lĩnh vực chính như 5G và viễn thông không dây, chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và máy học, điện toán lượng tử, an ninh mạng và hệ thống, sản xuất tiên tiến và robot, xe điện và xe tự hành, công nghệ sinh học, năng lượng tiên tiến và công nghệ vũ trụ.
Tòa Bạch Ốc đã tìm kiếm các thông tin chi tiết về chi tiêu hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia chính phủ Hoa Kỳ, tài trợ song phương cho trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Sạch Hoa Kỳ – Trung Quốc và bất kỳ chương trình hỗ trợ kinh tế song phương nào khác của Hoa Kỳ.
Tài liệu cũng tìm kiếm dữ liệu về “HHS (Y tế và Dịch vụ Nhân sinh) tài trợ cho CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh), NIH (Viện Y tế Quốc gia) và các chương trình khác ở Trung Quốc”.
Bản yêu cầu này cũng tìm kiếm thông tin chi tiết về bất kỳ khoản chi tiêu nào “sẽ đóng góp tổng thể vào GDP hoặc năng lực kỹ thuật của Trung Quốc, bao gồm cả cho các tổ chức chính phủ hoặc quân đội Trung Quốc, các tổ chức thương mại hoặc công nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, và các tổ chức được chỉ đạo theo chức năng bởi” lãnh đạo chính phủ Trung Quốc, cũng như các khoản trợ cấp hay tín dụng do các tổ chức quốc tế nhận hỗ trợ từ Hoa Kỳ cung cấp.
Các cơ quan phải gửi dữ liệu về các khoản ngân sách năm 2019 và 2020 được ban hành thành luật, đề xuất ngân sách năm 2021 của TT Trump và các yêu cầu ngân sách cơ quan năm 2022.
Việc rà soát lại ngân sách chỉ là nỗ lực mới nhất có thể dẫn đến nhiều hành động hơn nữa chống lại Trung Quốc.
Tuần trước, Hoa Kỳ đã đưa 24 công ty Trung Quốc vào danh sách đen và nhắm vào các cá nhân mà họ cho là một phần của các hoạt động xây dựng và quân sự ở Biển Đông. Đây là lệnh trừng phạt đầu tiên của Hoa Kỳ nhằm vào Bắc Kinh về tuyến đường hàng hải chiến lược đang tranh chấp.
Theo David Shepardson / Reuters