Những quyết định khó khăn của cha mẹ đối với tương lai con trẻ
Trong hành trình làm cha mẹ, đôi khi chúng ta cần phải đưa ra những quyết định khó khăn liên quan đến con trẻ, như việc học tập. Trong những hoàn cảnh như thế, nếu chúng ta tiếp cận vấn đề bằng sự điềm tĩnh và đặt quyền lợi của con cái lên trên hết, thì có thể đưa ra quyết định đúng đắn và dễ dàng.
Tôi từng là bậc cha mẹ hoàn hảo, và sau đó tôi có những đứa con. Cuộc sống không chuẩn bị gì cho bạn trong hành trình làm cha mẹ này. Không có những nguyên tắc, không có sách hướng dẫn, và cũng không một ai đi đúng con đường mà bạn sẽ đi. Đó thực sự là trải nghiệm độc đáo nhất mà bất kỳ ai cũng sẽ trải qua, và diễn giải theo đúng nghĩa đen thì đó là ví dụ hoàn hảo của việc bị ném xuống vực sâu mà không biết bơi lên như thế nào. Không ai được chuẩn bị đầy đủ cho hành trình làm cha mẹ.
Ngay khi những đứa trẻ bé bỏng ra đời, đó là lúc cuộc sống bạn thay đổi. Tình yêu thương và sự kết nối tức thời giữa cha mẹ và con cái được thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Những hy vọng và ước mơ mỗi bậc cha mẹ dành cho con cái đều bắt đầu từ cái nhìn đầu tiên đó. Chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ đứa con yêu dấu của mình. Chúng ta mơ ước được nhìn thấy con trẻ thành đạt và hy vọng không phải vất vả trong cuộc sống.
Tuy nhiên, cuộc sống không có gian nan là gần như không xảy ra, và là cha mẹ, chúng ta thường bất lực trong việc ngăn chặn tổn thương và khó khăn khi chúng xảy đến. Vì vậy, chúng ta phải làm gì khi những khó khăn trong cuộc sống và những cuộc thảo luận cam go chắc chắn sẽ xảy ra? Thành thật mà nói, đó là điều mà không ai trong chúng ta thực sự được chuẩn bị.
Đó là thời điểm cuối năm học, vợ chồng tôi ngồi đối diện với hai giáo viên và hiệu trưởng nhà trường. Chúng tôi đã trải qua một chặng đường dài để đi đến thời điểm ấy. Con trai chúng tôi gặp khó khăn về nhiều mặt và chúng tôi đang định nhanh chóng kết thúc năm học mẫu giáo của cháu. Cho dù chúng tôi đã vất vả hay cố gắng giúp con trai mình như thế nào, cháu vẫn có khoảng thời gian khó khăn.
Khi chúng tôi ngồi lại để thảo luận về tương lai của con, hết chiến lược này đến chiến lược khác được vạch ra để bảo đảm cháu tốt nghiệp thành công, nhưng điều đó dường như vẫn còn là một câu hỏi chưa có đáp án. Khi danh sách liệt kê ngày càng dài, nhiệm vụ đưa con trai chúng tôi lên lớp một dường như càng trở nên bất khả thi hơn. Cuối cùng, tôi nhìn mọi người xung quanh và hỏi, “Cháu có cần phải học lại không?” Đó là một trong những câu hỏi khó khăn nhất, nhưng cũng là câu hỏi cần được nêu ra.
“Vâng, điều này sẽ mang lại cho cháu bé một thế giới tốt đẹp và có thể giúp chúng ta tìm ra những cách tốt hơn để giúp cháu.” Thật khó để diễn tả cảm giác của tôi với tư cách là bậc cha mẹ và là một nhà giáo dục khi nghe câu trả lời đó. Là một người có thâm niên 20 năm công tác trong ngành giáo dục, nhưng tôi không thể giúp gì cho con trai mình. Tôi cảm thấy mình đã thất bại.
Chúng tôi biết mình cần phải làm gì nhưng lại không muốn làm điều đó. Đó không phải là cuộc thảo luận khó khăn cuối cùng mà chúng tôi đã trải qua liên quan đến một trong những đứa con của mình. Cuối cùng, chúng tôi quyết định để cháu ở lại lớp và bắt đầu quá trình kiểm tra để xác định cách tốt nhất giúp con mình. Điều mà tôi chưa nhận ra tại thời điểm đó, theo một cách nào đó, đây là một trong những cuộc thảo luận và quyết định đúng đắn nhất mà chúng tôi từng thực hiện.
Đã nhiều lần, tôi tự hỏi mình: “Tôi đã có thể làm gì khác để ngăn chặn điều này”, nhưng trên thực tế, câu hỏi đó không công bằng cho bản thân tôi hay con trai tôi. Bạn thấy đấy, khi còn là một phụ huynh và giáo viên trẻ, tôi đã bỏ qua một số sự thật rất quan trọng, và không nhận ra rằng:
- Chỉ vì con trai tôi học tập một cách khác biệt, không có nghĩa là cháu có điều gì đó bất ổn.
- Những điểm khác biệt trong học tập đã khiến cháu trở nên độc đáo, đặc biệt và đó là điều đáng được chúc mừng.
- Chỉ vì con trai tôi cần sự giúp đỡ, đơn giản có nghĩa là cháu cần sự giúp đỡ, như tất cả chúng ta đôi khi vẫn cần như vậy.
- Đổ lỗi cho bản thân không phải là cách làm hiệu quả, và sẽ cản trở việc giúp đỡ con trai mình.
- Tôi cần phải làm những gì tốt nhất cho con, chứ không phải những gì tôi nghĩ là tốt nhất cho mình.
- Con trai tôi được sinh ra độc nhất và đặc biệt, và những trải nghiệm này, thậm chí cả những thử thách này, sẽ giúp con trở thành người đàn ông mà cháu phải trở thành.
Việc cha mẹ đối diện với những cuộc thảo luận khó khăn như thế này không bao giờ là chuyện dễ dàng, nhưng khi chúng ta tiếp cận điều này bằng sự khiêm tốn và đặt quyền lợi của con cái lên trên hết, thì việc đưa ra quyết định sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Với tư cách là cha mẹ, và ngay cả khi bạn là một nhà giáo dục, khi cuộc thảo luận này hoặc cuộc thảo luận khác tương tự như vậy xảy ra (và nó sẽ xảy ra), hãy cố gắng ghi nhớ những điều sau:
- Những cuộc thảo luận này không bao giờ là dễ dàng, vì vậy hãy thể hiện sự khiêm nhường và tế nhị.
- Hãy buông bỏ cái tôi của mình. Đó không phải là vì bạn, mà là vì con bạn.
- Tìm một người mà bạn tin tưởng để họ giúp bạn lùi lại một bước và nhìn nhận quyết định này từ mọi góc độ.
- Đừng xem hoặc nói về điều này như một việc tiêu cực, mà hãy nhìn nhận đó là cơ hội cho bạn và cho con bạn.
- Đây sẽ là một điều gì đó độc đáo trong cuộc đời của đứa trẻ và sẽ giúp trẻ trở thành người mạnh mẽ hơn và tốt đẹp hơn, nhưng phần lớn điều đó sẽ phụ thuộc vào cách bạn định hình cách trẻ phát triển như thế nào.
- Đừng tự trách bản thân mà hãy để mình nghỉ ngơi trong chốc lát. Ngay cả khi bạn đã phạm sai lầm, không có cha mẹ nào hoàn hảo cả.
- Ngay cả trong những cuộc thảo luận khó khăn này, hãy ăn mừng thành công. Con tôi dù gặp phải khó khăn nhưng có rất nhiều điều cháu đã làm tốt. Cháu có rất nhiều tài năng và năng lực. Gặp khó khăn không đồng nghĩa với việc tệ hại.
Sau khi đưa ra quyết định, chúng tôi trở về nhà và nói chuyện với con trai. Tôi sẽ không nói dối, cháu đã rất buồn, thậm chí đã khóc, nhưng chúng tôi đã động viên con, mở một tập phim trong chương trình yêu thích của cháu, bộ phim The A-Team (Tạm dịch “Biệt đội hành động”) và cuộc sống một lần nữa trở nên tốt đẹp. Con cái của chúng ta sẽ gặp khó khăn, nhưng những gì chúng ta quyết định và cách chúng ta lựa chọn để giúp con trẻ, cuối cùng sẽ tạo ra sự khác biệt. Đây không phải là cuộc thảo luận khó khăn cuối cùng, nhưng mỗi một cuộc thảo luận như thế đã giúp gia đình tôi tìm ra những cách thức mới để giúp đỡ con trai mình.
Vào năm lớp 10, con trai tôi đã được ghi danh vào Hiệp hội Danh dự Quốc gia. Tôi không nói rằng điều đó sẽ xảy ra nếu bạn quyết định giữ con bạn ở lại lớp, nhưng rất nhiều lần tôi không thể nhớ hết được, khi nhìn thấy các bậc cha mẹ đưa ra quyết định khó khăn này hay khó khăn khác, tôi đã chứng kiến đứa trẻ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Tôi biết, nếu chúng tôi không làm điều này cho con trai mình, khó khăn của cháu sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Là bậc cha mẹ, chúng ta buộc phải có những cuộc thảo luận và đưa ra những quyết định khó khăn, nhưng đôi khi những quyết định đó có thể là những quyết định có ảnh hưởng nhất và tốt nhất đối với con cái chúng ta. Tất cả là ở cách bạn chọn nhìn nhận nó như thế nào.
Tác giả Charles Mickles là nhà tư vấn giáo dục với hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục. Là một diễn giả và tác giả, ông đã xuất bản 3 cuốn sách và viết nhiều bài báo đăng trên The Mighty, Yahoo Lifestyles và MSN. Bạn có thể theo dõi câu chuyện của ông và đọc thêm tại www.MinesParkinsons.com.