Ông Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô qua đời ở tuổi 91
Ông Mikhail Gorbachev, chủ tịch cuối cùng của nhà nước cộng sản Liên Xô, đã qua đời ở tuổi 91, bệnh viện nơi ông qua đời cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba (30/08).
Các hãng thông tấn Interfax, TASS và RIA Novosti đưa tin, Bệnh viện Lâm sàng Trung ương ở Moscow đã xác nhận: “Ông Mikhail Sergeevich Gorbachev đã qua đời hồi tối nay sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo.”
Các tình tiết khác xung quanh cái chết của ông vẫn chưa được tiết lộ. Bản chất của căn bệnh cũng không được tiết lộ.
Ông Gorbachev đã dành nhiều thập niên hoạt động trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Liên Xô, trở thành nhà lãnh đạo của đất nước vào năm 1985 khi ông được bầu làm tổng bí thư đảng.
Chính sách “công khai hóa” (glasnost) hay tự do ngôn luận của ông đã cho phép mọi người có thể đưa ra những lời chỉ trích mà trước đây sẽ là điều không thể tưởng tượng đối với đảng và nhà nước, nhưng cũng khuyến khích những người theo chủ nghĩa dân tộc bắt đầu thúc đẩy độc lập ở các nước cộng hòa Baltic gồm Latvia, Lithuania, Estonia và những nơi khác.
Ông từng nói về các chính sách của mình rằng, “Tôi đã bắt đầu thực hiện những cải tổ này và những vì sao dẫn lối cho tôi chính là tự do và dân chủ, không có đổ máu. Vì vậy, nhân dân sẽ không còn là một bầy cừu bị một người chăn cừu xỏ mũi dắt đi. Mà họ sẽ trở thành những công dân.”
Khi trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô năm 1985, lúc mới 54 tuổi, ông đã đặt ra mục tiêu hồi sinh lại hệ thống này bằng cách đưa ra các quyền tự do chính trị và kinh tế hạn chế, nhưng sau đó các cải tổ của ông đã vượt quá tầm kiểm soát.
Năm 1986, trong một cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ đương thời là Ronald Reagan tại hội nghị thượng đỉnh ở Reykjavik, ông Gorbachev đã đề nghị loại bỏ toàn bộ hỏa tiễn tầm xa do Mỹ và Liên Xô sở hữu. Lời đề nghị này đã dẫn đến Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung, cuối cùng đã bị bãi bỏ vào năm 2019.
Khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tràn qua các quốc gia Đông Âu cộng sản thuộc khối Liên Xô vào năm 1989, ông đã hạn chế sử dụng vũ lực — không giống như các nhà lãnh đạo Điện Kremlin trước đây, những người đã điều động xe tăng đến để dập tắt các cuộc nổi dậy ở Hungary vào năm 1956 và ở Tiệp Khắc vào năm 1968.
Nhưng các cuộc biểu tình đó lại thúc đẩy khát vọng độc lập ở 15 nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết. Liên bang này đã tan rã trong vòng hai năm sau đó trong tình trạng hỗn loạn.
Ông Gorbachev đã đấu tranh nhưng vẫn không thể cứu vãn nổi sự sụp đổ này.
Sau đó, khi được hỏi về sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, một chế độ mà một số nhà sử học cho rằng phải chịu trách nhiệm cho việc tử vong phi tự nhiên của hàng chục triệu người, ông Gorbachev nói rằng ông không muốn khối này tan rã.
“Sự tan rã của liên minh này là kết quả của sự phản bội của tầng lớp quyền uy Liên Xô, của bộ máy quan liêu, và sự phản bội của [cựu lãnh đạo Boris] Yeltsin,” ông nói với CNN vào năm 2012. “Ông ấy nói về việc hợp tác với tôi, làm việc với tôi về một hiệp ước liên minh mới, ông đã ký dự thảo hiệp ước liên minh, ký tắt hiệp ước đó. Nhưng đồng thời, ông ấy lại làm việc sau lưng tôi.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times