136 quốc gia đồng thuận áp mức thuế doanh nghiệp tối thiểu là 15%
Một nhóm 136 quốc gia hôm 08/10 đã đặt ra mức thuế tối thiểu trên toàn cầu là 15% đối với các công ty lớn.
Các cuộc đàm phán đã diễn ra trong bốn năm và chi phí của đại dịch COVID-19 đã tạo thêm động lực cho họ trong những tháng gần đây, thỏa thuận chỉ được đồng thuận khi Ireland, Estonia và Hungary từ bỏ việc phản đối và đã ký kết.
Mức sàn 15% được thỏa thuận thấp hơn rất nhiều so với mức thuế doanh nghiệp trung bình khoảng 23.5% ở các nước công nghiệp phát triển.
Ông Biden nói trong một tuyên bố: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một mức thuế tối thiểu toàn cầu mạnh mẽ cuối cùng sẽ san bằng sân chơi cho người lao động và người đóng thuế Hoa Kỳ, cùng với phần còn lại của thế giới.”
Thỏa thuận này nhằm mục đích ngăn chặn các công ty lớn ghi nhận lợi nhuận ở các quốc gia có mức thuế thấp như Ireland bất kể là khách hàng của họ ở đâu
Trong số 140 quốc gia liên quan, 136 quốc gia ủng hộ thỏa thuận, Kenya, Nigeria, Pakistan, và Sri Lanka hiện đang bỏ phiếu trắng.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở tại Paris, dẫn đầu các cuộc đàm phán, cho biết thỏa thuận này bao phủ 90% nền kinh tế toàn cầu.
Nhưng khi chữ ký còn chưa ráo mực, một số quốc gia đã bày tỏ lo ngại về việc thực hiện thỏa thuận.
Bộ Tài chính Thụy Sĩ yêu cầu trong một tuyên bố rằng lợi ích của các nền kinh tế nhỏ phải được tính đến và nói rằng ngày thực hiện vào năm 2023 là không thể, trong khi Ba Lan, quốc gia có lo ngại về tác động đối với các nhà đầu tư ngoại quốc, cho biết họ sẽ tiếp tục làm việc về thỏa thuận này.
Trọng tâm của thỏa thuận là mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% và cho phép các chính phủ đánh thuế trên phần lớn hơn của lợi nhuận từ các công ty đa quốc gia ngoại quốc.
OECD nói rằng mức thuế tối thiểu sẽ khiến các quốc gia thu được khoảng 150 tỷ USD doanh thu mới hàng năm trong khi quyền đánh thuế đối với hơn 125 tỷ USD lợi nhuận sẽ được chuyển sang các quốc gia nơi các công ty đa quốc gia lớn kiếm được thu nhập của họ.
Ireland, Estonia, và Hungary, tất cả các quốc gia có mức thuế thấp, đã rút lời phản đối trong tuần này (tuần 04-09/10) khi một thỏa hiệp đã được đưa ra về việc khấu trừ thuế suất tối thiểu đối với các công ty đa quốc gia có hoạt động kinh doanh thực tế ở ngoại quốc.
Một quan chức nói ngắn gọn về các cuộc đàm phán cho biết, trong khi Kenya, Nigeria và Sri Lanka không ủng hộ phiên bản trước của thỏa thuận, thì việc Pakistan bỏ phiếu trắng đã gây bất ngờ. Họ nói thêm rằng Ấn Độ cũng đã phải e ngại đến phút cuối cùng, nhưng cuối cùng vẫn ủng hộ thỏa thuận.
Các công ty có tài sản thực và trả lương ở một quốc gia có thể bảo đảm một phần thu nhập của họ tránh được mức thuế tối thiểu mới. Mức độ miễn trừ giảm dần trong khoảng thời gian 10 năm.
OECD nói rằng thỏa thuận tiếp theo sẽ được Nhóm 20 cường quốc kinh tế (G-20) chính thức thông qua tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính ở Hoa Thịnh Đốn hôm 13/10 và sau đó là hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nhóm G-20 này vào cuối tháng ở Rome cho sự phê chuẩn cuối cùng.
Vẫn còn một số câu hỏi về lập trường của Hoa Kỳ, điều này phụ thuộc một phần vào các cuộc đàm phán cải cách thuế trong nước tại Quốc hội.
Các quốc gia ủng hộ thỏa thuận này được cho là sẽ luật hóa thỏa thuận này vào năm tới để có hiệu lực từ năm 2023, thời hạn mà nhiều quan chức cho biết là rất gần.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết Paris sẽ sử dụng vị trí chủ tịch Liên minh u Châu (EU) trong nửa đầu năm 2022 để luật hóa việc này trên toàn 27 quốc gia của toàn khối EU.