QUÂN MÔNG CỔ
Năm 400 sau Thiên chúa, trong các quân tàn phá Âu châu có quân Mông Cổ (Huns) do một viên tướng là Attila chỉ huy, đi đến đâu cướp bóc đến đấy đến nỗi “mỗi khi vết chân ngựa qua vùng nào cỏ cũng không mọc được nữa”.
Đoàn quân ghê gớm ấy phạm vào cõi nước Gaule (nước Pháp bây giờ) do người La mã khia hóa.
Tướng La mã là Aétius mới suất lĩnh bản bộ và quân dân trong nước chống nhau với quân Mông Cổ, đại phá ở Champs Catalauniques (gần hạt Chalons sur Marne, đất nước Pháp bây giờ) năm ấy là năm 451 sau T.C.
Chiến công oanh liệt này đã làm tan cái mộng sâm-lược của quân Mông Cổ , đã đem lại sự hòa bình cho châu Âu và cứu vãn nền văn minh La mã buổi ấy.
Nhưng bạn đọc sẽ tự hỏi: quân Mông Cổ ở Á châu sao lại sang Âu châu ? Muốn giả nhời câu hỏi trên, không gì hơn là tóm tắt lịch sử dân tộc đó.
Đã từ lâu, ở phía bắc châu Á vào khoảng thượng-lưu sông Hắc Long Giang (Amour) có một dân tộc, ở thành bộ-lạc sống về nghề săn bắn, chăn nuôi gia súc, luôn luôn lúc nào cũng tranh cướp lẫn nhau.
Dân tộc ấy là giống Mông Cổ, người hung tợn, tính hiếu chiến, cưỡi ngựa rất giỏi và bắn tên không ai bằng.
Chính trong bộ lạc ấy, cí viên tù-trưởng thiếu-niên đã quật cường, rồi uy-vũ mà thu phục những bộ lạc quanh mình.
Tù trưởng ấy tên là Témoud-jine (Thiết mộc Chân) sau lấy tên là Gengis-Khan (Thành Cát tư hãn) (1)
Thiết mộc Chân khi được người trong xứ thần phục mới chiêu-mộ đinh tráng, lập thành một đoàn kỵ binh tinh nhuệ, những kỵ binh này lại là những cung thủ lợi hại; bắn trăm phát trăm trúng.
Rồi bằng một đạo quân ấy, người anh hùng xuất thân là mục đồng, tay cung, tay kiếm gồm thu cả nội Mông, ngoại Mông, lấy nước Tây-Hạ lập một nước lớn ở phía bắc Á-Châu.
Sau những cuộc toàn thắng này. Thiết-mộc-Chân được suy tôn là Kha-Khan (tức là chúa tể) năm ấy mới có 4 tuổi (và từ đấy lấy tên hiệu là Thành Cát tư hãn). Cái sự nghiệp vĩ đại của Thành Cát tư hãn là cải tạo cả dân Mông Cổ , xưa kia là mục đồng nay thành có tổ-chức. Xuất thân nơi thôn dã, Thành Cát tư hãn vốn là người vô học, nên cần khai hoá sự học, đặt chữ viết, định luật lệ, để dễ cai trị. Nhưng cái đặc điểm của toàn quốc là tinh thần thượng võ: theo lệ Mông cổ, cả nước đàn ông, đàn bà, thời bình hay thời loạn, đều là lính của nhà vua, chỉ chờ một lệnh là tựu-ngũ ứng dụng. Mông Cổ đã thi-hành luật cưỡng bách tòng quân trước nhất vậy.
Lệ lại còn định, dân tráng từ 15 đến 70 tuổi là phải tòng quân, giáo dục cần nhất lúc ấy là : học đánh trận.
Ngoài việc chỉnh đốn binh bị, Thành Cát tư Hãn còn tuyển những tướng tài làm bộ tham mưu, và đặt một ban do-thám đi dò tin tức các nước lân bang mà y muốn chinh phục.
Khi hành quân, lại có quân lưu-tinh, đem tin, lệnh một cách rất mau chóng, miền nọ qua miền kia, dù phải trèo non, vượt suối, càng thông báo được quân tình khẩn cấp.
Bằng một đạo binh 200 000 người, quân Mông Cổ đã kéo vào Trung Quốc, Vạn lý trường thành kiên cố đến đâu, binh lực nước Tầu dũng mạnh bao nhiêu, binh thư, binh pháp tài giỏi mực nào, những danh chiến bách chiến bách thắng cũng không sao cứu nổi 50 triệu dân Trung-hoa ở phía bắc, thoát sự tàn phá của quân Thành-Cát-tư-Hãn.
Sau năm năm chinh chiến, một cuộc ác chiến toàn chém giết dân cư, quân Mông Cổ đã hạ được thành Bắc-Kinh mà mở đường lối cho con cháu vào Trung-quốc dựng nhà Nguyên vậy.
Nhưng Thành-cát-tư-Hãn không chỉ dòm Trung-quốc, y lại có cái mộng làm bá-chủ cả châu Âu.
Cách ba năm sau, mới sai viên dũng tướng là Soubotai kéo 30 000 quân tiến sang Âu-châu; quân thiết kỵ đi rất mau, cướp thành phá ải. Những đô thị lớn hàng 100 000 dân cư giết hết mà theo sử-gia đời ấy, cả đến chó, mèo, cũng bị giết sạch.Quân Soubotai đã giong ruổi trong khoảng 6000 cây số trên đường Châu Âu, qua Ba Tư, vượt núi Cancase, bể Hắc hải (Mer noire) do phía nam sông Volga, lấn địa phận nước Nga.
Năm 1227, Thành-cát-tư-Hãn mất, giang sơn Mông cổ lan rộng từ Thái bình dương, bể Hắc Hải, Vịnh A – lạp – bá (Arable) và đến mãi rừng núi xứ Tây Bá Lợi á (siberia).
Trước khi mất, Thành-cát-tư-Hãn định hiến – pháp cho toàn quốc, sai khắc vào thiết khoán lưu cho con cháu Hiến pháp ấy gọi là Iassa. Lại chia nước cho bốn con giai, lấy những đất đai chiếm được phong cho làm vua. Người con trai thứ ba là Ogotai (A-loa-đài) (2) được phía bắc nước Tầu và miền phụ cận.
A-loa-đài nối chú lớn của cha, họp ngay các vương hầu Mông Cổ, lập hội nghị toàn quốc, gọi là Kouraltai, để quyết định quân sự và chia binh làm bốn đạo bình định các nơi :
Một đạo đánh Trung quốc lấy nốt nhà Tống.
Một đạo đánh sang phía đông, lấn nước Triều Tiên (Coree).
Một đạo chinh phục các nước phía nam châu Á.
Một đạo đánh sang phương tây để chinh phục châu Âu.
Hội nghị lại định những việc chinh chiến này phải xong trong hạn là 18 năm.
Đại binh có các hoàng thân con cháu của Thành-cát-tư-Hãn, tổng chỉ huy là viên danh tướng Soubotai, người đã đánh châu Âu lần trước.
Riêng về đạo quân đánh Âu châu mới một tháng giời mà kỵ binh kéo như chớp nhoáng đã qua Tiểu á Tế á (Asie mineure) tiến vào bờ phía đông sông Volga (Nga) thẳng quân nước Bảo (Bul-garie), đánh phá rất hại. Những tù-binh bắt được đều phải nhập ngũ, học chiến thuật và dùng vào việc quân.
Tháng chạp năm 1237, đại binh qua sông Volga mặc dầu nước đông thành băng. Cách hành binh trong giữa mùa hè rét ấy làm cho dân tộc ở Âu châu khủng khiếp, nôn nao.
Trước khi đại binh tấn phát, có phái các sứ giả đi trước dụ các nước ra hàng. Mông Cổ đặt điều kiện phải nộp một phần mười của cải trong nước và một phần mười dân sự để dùng để dùng vào việc quân, vì theo binh pháp Mông Cổ , bao nhiêu binh đầu hàng đều cho đi tiền đội, quân Mông Cổ chỉ đi sau thôi thúc và làm hậu – viện.
Những nước nhỏ ở Trung Âu, có nhiều nơi ngược đãi sứ giả, hoặc đuổi ra ngoài cõi hoặc bắt giết đi, toàn thể miền Trung âu đều đông binh. Sau một tuần ở nước Nga, quân Mông cổ chiếm đóng Mạc tư khoa (Moscou). Tháng hai năm sau tiến lên miền bắc, hạ 12 thành, và đến tháng ba, chinh phục tất cả các nước nhỏ ở Nga, đại binh còn cách kinh-đô Nga (hồi ấy là Novgorod) có 200 cây số.
Đến đây, ta nhận thấy quân Mông Cổ hiểu thiên-thời và địa-lợi trong việc hành binh, khác với chiến thuật của Nã-phá-luân (Napoléon) ở cách sau 6 thế-kỷ. Sau khi hạ kinh-đô nước Nga, quân Mông Cổ biết rằng về mùa rét đánh Nga không lợi, vì sau vài tháng miền bắc Nga sẽ thành ruộng lầy, xe, ngựa không đi được, nên vội lại rút lui về miền Nam.
Hai năm ròng rã, người ta tưởng quân Mông Cổ sẽ tràn vào hết Âu-châu. Nhưng trong hàng thân Vương có sự chia rẽ, A-loa-đài phải sai sứ sang triệu con giai là Gouiouk (Quí do) về (3) vì ở ngoài làm nhiều điều hống hách quá.
Quí do bị gọi về, năm 1240 (4) tháng một, quân Mông cổ tiến qua sông Dniepr rồi chia làm ba toán mà vào Hung gia Lợi (Honggrie), miền này được chọn làm đích vì đất cát phì nhiêu nhất đời bấy giờ.
Trong những trận đánh của đạo quân vào Âu-châu, sử gia có nói đến một trận rất lợi hại: Trận Liegnitz.
Quận công Henri de Silésie vừa khỏi thành Liegnitz thì gặp đại quân Mông Cổ do tướng Kaidon chỉ huy. Quân Mông Cổ không nhiều, nhưng khéo tiến sát với nhau, 1000 kỵ binh ở xa trông chỉ tưởng có 500. Khi đến trước mặt quân địch, theo hiệu cờ, xông sang, toả ra rất đông. Người ngựa đều mặc áo giáp bằng da. Kỵ binh đều sử dụng thanh quất sắc, giáo dài và truỳ tật-lê, nhưng binh khí lợi hại nhất của họ là cung và tên.
Lúc giáp chiến, một hiệp tên bay tua tủa, bốn hàng quân đầu của quận công bị giã rời ngay, rồi hai quân sấn vào xung sát.
Quân Âu-châu, mặc giáp sắt, đánh giáp lá cà rất hăng, tưởng như thủ thắng, nhưng quân Mông Cổ trá bại, dụ quân địch đuổi theo, khi vào trọng địa, quay lại,rẽ sang hai hàng, dùng cung tên, giáo, quất, quay lại tấn công rất dữ, ngựa bị trúng tên đều quị cả, bao nhiêu kỵ binh mặc áo sắt nặng nề, một khi bị hạ mã đều không kháng chiến được.
Trong khi ấy, theo sử gia kể-thình lình ở giữa trận có một cái mặt nạ buộc trên một cái sào dài hiện ra, rồi ở miệng hình-nhân phun ra những khói và hơi làm mù-mịt cả bãi sa-trường, quân Âu-châu rối loạn, Mông Cổ thừa thắng phá tan cả bộ binh ở sau.
Đây là Mông Cổ dùng hơi ngạt đầu tiên, từ thế – kỷ thứ XIII, rồi cách hai ngày sau trong trận đánh ở bờ sông Sajo lại dùng đến thuốc súng mà phá quân Hung- gia-Lợi.
Hai món lợi khí này là nhờ người Trung quốc giúp sức cả.
Trận đánh ở Liegnitz, quận công Henri de Silésie và các tướng tuỳ tùng đều bị thiệt mạng. Sử chép: quân Âu châu tử trận từ 30 000 đến 40 000 người, quân Mông cổ lật tử-thi cắt tai bỏ vào chín cái bao đầy, còn thủ-cấp quận công thì họ đem bêu trước thành Liegnitz.
Tin quân Mông cổ tài giỏi và đánh đâu được đấy làm chấn động cả châu Âu, dân gian lấy làm lo sợ quá vì không biết những “thần binh, thần tướng” ấy từ phương nào lại.
Bà Hoàng thái Hậu nước Pháp, khi nghe kể những sự dã-man, tàn ác của quân ấy, lấy làm cảm động, phán hỏi nhà vua có cách gì để trừ những quân ấy.
Vua Louis IX tâu rằng: “Nếu quân Mông cổ kéo đến đây thì một là ta đuổi chúng về địa ngục (chữ Tartares nghĩa là ngục ở âm-phủ) mà chúng đã vượt lên, hai là chúng ta đều phải lên Thiên đường để hưởng sự sung sướng của kẻ mà mệnh giời đã định”.
Đức giáo hoàng, vua Frédéric nước Phổ (Prusse) cũng hô-hào dân hợp sức để ngăn chống quân độc ác ấy.
Sau khi chiếm đóng xứ Hung-gia-Lợi, mùa đông năm 1241, quân Mông cổ qua sông Danube và tiến về Tây, nhưng năm ấy quân Mông cổ là A-loa-đài mất, theo luật (ở Thiết khoán của Thành-cát-tư-Hãn) đại quân phải rút về nước để tôn vua mới, vì thế miền Trung-âu tạm yên.
Mặc dầu quân Mông cổ lui rồi, ở Âu-châu vẫn nơm nớp, không biết họ còn giở lại nữa không.
Sự sợ hãi ấy, theo sử gia-cách đó 700 năm vẫn còn thấy trong lòng dân miền Trung-âu, họ cầu kinh thường có câu : “Lạy Chúa, xin phù hộ cho con thoát khỏi sự điên dại dã – man của quân Mông Cổ “
Quân Mông Cổ kéo đi rồi, người ta mới xét thấy những thảm cảnh: hàng 100 000 người chết khi thất thủ thành Pest (kinh đô nước Hung), ở các làng xóm thành thị, dân cư bỏ trốn hết, ruộng đất đều hoang vu cả, cảnh tượng thật tiêu điều.
Nỗi đau khổ của dân đã thấu đến tai đức Giáo Hoàng Inno cent IV.
Mùa xuân năm 1245, trước khi họp giáo hội tại Lyon (Concile de Lyon) ngài sai một phái bộ các giáo-sĩ đứng đầu là Jean de Piano Carpinl (5) sang xứ Mông cổ. Ngày 16 tháng tư, năm 1245, phái bộ khởi hành ở Lvon có mang theo một lá thơ của Giáo hoàng (5bis). Phái bộ đi mười tháng đến Kiev. Ngày mồng 3 tháng 2 năm 1246 từ-giã tỉnh Kiev, đi vào địa hạt Mông cổ, quan Trấn thủ Mông Cổ sai dịch quốc thư ra tiếng Mông Cổ và sai quân hộ tống đoàn sứ bộ này vào kinh đô: Piano Carpini cùng tùy hành đến kinh đô ngày 22 tháng bẩy năm 1246 và phải chờ ở đấy đến ngày 13 tháng một năm ấy mới có thơ giả nhời, vì trong thời kỳ này ở Mông Cổ đang làm lễ đăng quang vua mới là Gouiouk (Quí – do).
Trong tập kỷ hành của Piano Carpini có câu “chúng tôi đi mãi, không biết đi đến chỗ chết hay chỗ sống”. Và khi sứ hộ qua miền Trung-Âu hãy còn nhận thấy những hài cốt dân sự ngổn ngang ở cánh đồng mà quân Mông Cổ đã tàn sát (6).
Mùa đông, năm 1246, sứ bộ của Giáo Hoàng dâng quốc thư. Vua Gouiouk (Quí do) có phúc đáp lại, trong thơ toàn một giọng kiêu ngạo (7) và có đóng ấn quốc bảo Mông Cổ (8).
Về sau có một vài sứ bộ nữa sang, nhưng Mông Cổ không tiếp : trong thời kỳ ấy. Mông Cổ còn mãi nghĩ đến việc Trung Quốc và chinh phục miền nam châu Á.
Năm 1248 Quí – do mất, hội nghị các thân vương mới bầu một người về chi họ khác, người em con nhà chú, tên là Meun Kê (Mông Kha) (9) lên thay.
Mông Kha lên ngôi vua rồi, sai anh em là Houlagon (Hat lỗ) sang kinh lý việc Ba tư (Perse và sai Hốt-tất-Liệt (Koubllai) (10) sang đánh nhà Tống.
Quân Mông Cổ dưới quyền Hốt-tất-Liệt có đến 100.000 người từ Ninh-Hạ. Kinh đô nước Tây-Hạ, theo đường Tây-tạng tiến vào nước Tàu giáp địa giới tỉnh Vân-Nam. Quân Nam chiến đem binh chống, bị phá vỡ. Trong khi Mông cổ đánh Tống thì Mông-Kha mất. Theo lệ nước. Hốt-tất-Liệt rút binh về, rồi lên ngôi, tức là Nguyên-thế-Tổ, đổi quốc hiệu là Nguyên.
Lên ngôi rồi, Hốt-tất-Liệt lại sang đánh Tống, lấy cả Trung quốc mà nhất thống từ đấy.
Khi Mông-Kha hãy còn, Hốt-tất-Liệt có sai một đạo quân sang đánh nước Đại-lý (thuộc tỉnh Vân-Nam) Tướng Mông Cổ là Wouleangotai (Ngột-lương hợp-Thai) sai sứ sang nước Nam, bảo vua Trần-thái-Tôn phải thần phục Mông Cổ .
Vua Thái-Tôn không chịu lại bắt giam sứ Mông Cổ và sai Trần-quốc-Tuấn đem binh lên giữ phía bắc, bấy giờ là năm Đinh-tỵ (1257).
Ngột-lương Hợp-Thai từ Vân Nam kéo binh sang xâm-lược nước Nam, theo sông Thao-giang tỉnh Hưng-hóa xuống đánh Thăng-Long.
Trần-quốc-Tuấn quân ít, đánh không nổi, phải lui về Sơn Tây. Quân Mông Cổ tràn ra cả sông thao. Thái-Tôn phải ngự giá thân chinh, nhưng đánh không lại, phải chạy về sông Hồng-hà. Quân Mông Cổ đuổi quân nhà Trần đến Đông- bộ-đầu (phía đông sông Nhị-hà, ở hạt huyện Thượng-phúc). Thái-Tôn phải bỏ kinh chạy về đóng ở Thiên-Mạc (huyện Đông-yên tỉnh Hưng-yên).
Ngột-lương Hợp-Thai vào kinh thành thấy sứ Mông Cổ phải giam trong ngục, khi cởi trói thì một người chết, mới nổi giận mà cho quân cướp phá và cho giết chết hết nam phụ lão ấu thành Thăng-long.
Quân Mông Cổ đóng được ít lâu thì thuỷ thổ không hợp, mới định rút lui, vua Trần-thái-Tôn thừa cơ hội, đem binh đánh một trận ở Đông-bộ-đầu, quân Mông Cổ thua, chạy về đến trại Qui-hóa, bị chủ trại chiêu tập thổ dân đón đánh, quân Mông Cổ thua to phải rút về Vân-nam.
Nhưng vua Thái-tôn, thấy Hốt-tất-Liệt dứt nhà Tống, có ý dòm nom nước Nam, phải sai Lê-phụ-Trần sang sứ cầu hoà, xin ba năm một lần sang cống, nhưng việc ngoại giao ấy cũng không yên được. Sau quân Mông Cổ lại sang đánh hai lần nữa cho mãi đến năm 1288, tháng ba, Trần-quốc-Tuấn đại phá quân Mông Cổ ở sông Bạch-Đằng mới đánh đuổi hết và đem lại nền bình trị cho nước Nam.
TIÊN – ĐÀM
(Theo TRI TÂN TẠP CHÍ 1941)
- Thành-cát tư-Hãn (Gengis-khan) miếu hiệu là Nguyên Thái-Tổ, mất năm 1227.
- A – loa – Đại (Ogotai) miếu hiệu là Nguyên-thái-Tôn (1228 – 1241)
- Qui-do (Goniouk) miếu hiệu là Nguyên-định-Tôn (1246 – 1248)
- Qui-do nấn ná không về vì sợ cha mắng, cho mãi đến khi được tin cha mệt, mẹ có giấy gọi mới về, (theo sử – gia Pháp)
- Sách Les mongols et la Papaute của Pelliot. thư viện trường V.Đ.B.C.8.6135 (12) trang 4 lại gọi là Jean du Plan Carpin.
- Coi hành trình đăng ở sách Les mongols et la Papaute nói trên.
- Thơ này dịch ra ba thứ tiếng : La-tinh, Thổ, và Ba-tư
- Ấn của Nguyên-Định-Tôn tức là Quí-do, khắc khi mới đăng quang, do nhà điêu khắc Nga tên là Cosmas khắc.
- Mông-Kha (Meun Kê) Miếu hiệu là Nguyên-Hiến-Tôn (1251 – 1259).
- Hốt-tất-Liệt (Koubilai) miếu hiệu là Nguyên-thế-Tổ (1279 – 1294). Hốt-Tất Liệt là vua anh hùng và cai trị Trung-quốc, vua đầu nhà Nguyên.
Những tài liệu dùng viết bài này :
Khâm định Việt-sử thông giám cương-mục (nhà Trần).
Việt-nam sử lược Trần-trọng-Kim (quyển thượng).
Đại-việt sử ký toàn thư
Nguyên-sử. Tống-sử.
Histoire de France par A. Malet.
Histoire de France par Capitaine Paquier.
L’Empire Mongol et la Papauté của Pelliot (Paul) trường viễn đông bác cổ 8/ 6135 (12).
Hai quyển dưới là của ông Nguyễn Văn-Tố Tham- tá trường Viễn-đông bác-cổ và của ông Trần Văn-Kha tham-tá trung-ương thư-viện mách giúp, xin trân trọng cảm tạ hai ngài.