3 bước nuôi dạy trẻ trở thành người mạnh mẽ
Chắc hẳn nhiều bậc cha mẹ đang tự hỏi làm thế nào để nuôi dạy con để chúng sẽ trở thành những người mạnh mẽ cứng cỏi khi trưởng thành. Bài viết này sẽ trình bày ba điều mà phụ huynh cần giúp con mình để đạt được mục tiêu trên.
Ai cũng muốn trở nên mạnh mẽ, nhưng thực tế có tới 75% thanh niên không đủ chuẩn để có thể phục vụ trong quân ngũ. Số liệu thu thập từ Ngũ Giác Đài vào năm 2017 cho thấy chỉ có 25% thanh niên Hoa Kỳ có đủ tiêu chuẩn nhập ngũ vì các vấn đề liên quan đến béo phì và trình độ học vấn.
Con số thống kê có phần ảm đạm này là một tin không tốt đối với an ninh quốc gia, đối với lực lượng lao động trong tương lai, đối với sức khỏe của người dân Hoa Kỳ, và đối với chính những người trẻ tuổi.
Những thử thách lâu dài mà đất nước chúng ta phải đối mặt như tình trạng lạm phát, sự thâu tóm thêm quyền lực từ chính phủ, nợ công vượt ngoài tầm kiểm soát, một nền văn hóa còn điên rồ hơn cả chú Billy Bob – người mua một chiếc du thuyền chỉ để trang trí cho sân trước của mình ở tiểu bang Iowa.
Để giải quyết những vấn đề nhức nhối này, những người trẻ tuổi sẽ cần phải mạnh mẽ nếu muốn tồn tại và phát triển trong sự hỗn loạn này.
Trong một bài viết gần đây trên Intellectual Takeout, tôi đã thảo luận về tầm quan trọng của việc nuôi dạy những đứa trẻ mạnh mẽ. Sau bài viết đó, một người bạn của tôi đặt câu hỏi: “Vậy làm điều đó thế nào?” Và câu trả lời cho câu hỏi trên nằm trong lời tuyên thệ của hướng đạo sinh – Boy Scout Oath: “giữ cho thể chất tráng kiện, tinh thần tỉnh táo, và đạo đức ngay thẳng.”
Thể chất tráng kiện
Trẻ em nơi tôi sống hiếm khi ra ngoài chơi. Tôi thỉnh thoảng còn bắt gặp những em học sinh lớp 7–8, đi bộ về nhà từ trạm xe buýt trường, vừa đi vừa dán mắt vào màn hình điện thoại.
Để có những đứa trẻ mạnh mẽ, chúng ta phải kiểm soát thực phẩm của chúng. Những bữa ăn tại McDonald’s nên chỉ là những dịp hiếm hoi, thay vì thường xuyên là món ăn chủ yếu. Thời gian trẻ em sử dụng những thiết bị điện tử cũng nên được giới hạn.
Một điều không kém phần quan trọng là phải tạo điều kiện để trẻ em chơi thể thao, động viên chúng tham gia các trò chơi trong sân sau, khuyến khích chúng đi xe đạp, đi bộ đường dài, và tham gia vào tất cả những hoạt giải trí thiên về thể chất khác – những hoạt động mà từ lâu đã trở thành một phần của thế hệ chúng ta.
Những hoạt động này không chỉ giúp cho cơ bắp rắn chắc mà còn dạy trẻ nhỏ tinh thần kỷ luật và giá trị của việc rèn luyện. Một cậu nhóc vừa đoạt đai cam Karate và cô bé vừa tham gia vở diễn ballet The Nutcracker chắc hẳn đã có những trải nghiệm đáng nhớ trong hành trang cuộc đời.
Tinh thần sáng suốt
Nhưng sẽ là thiếu sót nếu ta bỏ qua những hoàn cảnh bên ngoài môi trường giáo dục. Với cuộc sống bên ngoài, trẻ em phải có khả năng phân biệt đúng sai, cũng như khả năng phân biệt ‘sự kiện thực sự xảy ra’ và ‘quan điểm ý kiến’. Tinh thần sáng suốt là một công cụ cần thiết căn bản trong nền văn hóa đòi hỏi sự tuân thủ gắt gao.
Ta có thể giúp trẻ em phát triển những kỹ năng này bằng cách cùng chúng thảo luận về lịch sử, văn hóa đương đại, và các sự kiện thời sự tại bàn ăn. Ta có thể dạy chúng nhận ra những định kiến trong thời đại của chúng ta – điều mà nhiều người chấp nhận dễ dàng – và xoay những định kiến đó ngược lại, như thể nhìn dưới kính lúp của một người thợ kim hoàn để phân biệt giá trị của chúng. Ta cũng có thể dạy chúng đức tính giờ đã bị lãng quên là “vô tư”, suy nghĩ chín chắn để đánh giá một số vấn đề hoặc câu hỏi khó với càng ít thành kiến càng tốt.
Ngày nay, xã hội chúng ta cần những người trưởng thành mang theo bản lĩnh đó. Và ta có thể hy vọng rằng, bằng cách uốn nắn tư tưởng các con khi còn nhỏ, con chúng ta mai sau cũng sẽ trở thành những người như vậy.
Có đạo đức
Những bậc tiền bối không xa của chúng ta đã từng học được các giá trị của lòng quả cảm, tính chừng mực, sự khôn ngoan và những tính cách tốt có từ cha mẹ của họ, từ bộ sách giáo khoa kinh điển McGuffey Reader, từ nghệ thuật, từ nhà thờ và từ cộng đồng.
Việc giảng dạy về các đức tính truyền thống trên thực tế đã biến mất khỏi các trường học trong thời đại này – nơi thuyết tương đối và lòng tự trọng thái quá đang lên ngôi. Ngày càng ít người Mỹ đến nhà thờ. Và những giá trị của nền văn hóa này dường như bị chia rẽ đến mức rối loạn. Trong xã hội ngày nay, chỉ một số ít nhà lãnh đạo và các minh tinh còn ôm giữ những giá trị đạo đức.
Vậy phải làm sao?
Một lần nữa, chúng ta, với vai trò là cha mẹ và đồng thời là người cố vấn, có thể truyền thụ những đức tính cho con cái thông qua lời nói và hành vi của mình. Ta có thể rót đầy tai bọn trẻ khi chúng còn bé với những câu chuyện cổ tích, truyện ngụ ngôn Aesop, giai thoại về những người hùng, và truyện về lớp người đầu tiên đặt nền móng cho quốc gia Hoa Kỳ.
Chúng ta có thể giúp định hướng cho chúng khi chúng lạc lối, và sau này, khi lớn lên, ta bắt chúng chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Làm việc nhà và kiếm một công việc vào mùa hè cũng có thể giúp trẻ trở mạnh mẽ khi chúng trưởng thành. Những công việc trên dạy trẻ những đức tính tốt như tinh thần làm việc chăm chỉ và lối sống trách nhiệm.
Nhiều bậc cha mẹ đã và đang dạy con những giá trị như trên. Và họ nhận thức được rằng nhiệm vụ của bậc làm cha mẹ là vô tận, rằng họ phải lặp đi lặp lại những bài học hàng nghìn lần để giáo dục các con. Lấy một ví dụ nhỏ: một vài bà mẹ mà tôi biết, khi con họ trả lời “Yeah,” ngay lập tức họ sửa lại: “Yes Momma.”
Một câu ngạn ngữ La Mã chỉ ra rằng: “Repetitio est mater studiorum” – Sự lặp lại là cốt lõi của việc học và cũng là cốt lõi cho sự phát triển nhân cách.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang ở tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, North Carolina.