5 điểm chính từ đề xướng cải tổ Tối cao Pháp viện của Tổng thống Biden
Sam Dorman
Hôm 29/07, Tổng thống (TT) Joe Biden đã công bố một loạt đề xướng cải tổ Tối cao Pháp viện.
Những đề xướng của TT Biden đã nhận được sự ủng hộ của Phó TT Kamala Harris, người rất có thể sẽ trở thành người được đề cử làm tổng thống của Đảng Dân Chủ. Những đề xướng này cho thấy Pháp viện sẽ trở thành một phần thậm chí còn lớn hơn trong những căng thẳng xung quanh cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Trong tuyên bố, Tòa Bạch Ốc cho biết các thể chế dân chủ của nước Mỹ đang phải đối mặt với “cuộc khủng hoảng niềm tin” và khẳng định các cải tổ của vị tổng thống này là những cố gắng nhằm “khôi phục lòng tin và trách nhiệm giải trình.”
“Trong những năm gần đây, Tối cao Pháp viện đã lật ngược các án lệ pháp lý lâu đời bảo vệ các quyền căn bản,” Tòa Bạch Ốc cho biết trong tuyên bố.
Các thành viên Đảng Dân Chủ tại Quốc hội hoan nghênh các đề xướng này. Trong khi đó, ông Leonard Leo – người đứng đầu The Federalist Society, nhóm luật theo tư tưởng bảo tồn truyền thống – không đồng tình.
“Không có thẩm phán bảo tồn truyền thống nào đã đưa ra bất kỳ quyết định nào trong bất kỳ vụ án lớn nào khiến bất kỳ ai ngạc nhiên, vì vậy chúng ta hãy ngừng giả vờ rằng đây là về ảnh hưởng quá đáng,” ông Leo cho biết trong tuyên bố gửi cho The Epoch Times. Ông cho biết ông tin rằng đây là về “việc phá hủy tòa án mà họ không đồng tình.”
1. Những cải tổ lớn
TT Biden đang thúc đẩy những cải tổ sẽ mang tính lịch sử nếu được ban hành và gần như chắc chắn sẽ làm dấy lên các cuộc chiến pháp lý buộc phải xem xét lại quy định về sự phân chia quyền lực theo Hiến Pháp.
Tổng thống đang yêu cầu tu chính Hiến Pháp để làm rõ rằng tổng thống không được hưởng quyền miễn trừ việc bị truy tố hình sự. Tối cao Pháp viện đã phán quyết trong vụ ông Trump kiện Hoa Kỳ rằng Hiến Pháp cung cấp quyền miễn trừ một phần không bị truy tố hình sự dựa trên các hành động theo thẩm quyền của tổng thống.
Ngay cả khi bản tu chính này có hiệu lực thì vẫn chưa rõ Tối cao Pháp viện sẽ diễn giải như thế nào đối với mâu thuẫn mà bản tu chính này tạo ra với quan điểm của Pháp viện về Hiến Pháp. Ý kiến của Pháp viện về quyền miễn trừ là dựa trên án lệ trước đó và một điều khoản khác của Hiến Pháp – Điều II – trao quyền đáng kể cho tổng thống.
Một trong những đề xướng khác của TT Biden là áp dụng giới hạn nhiệm kỳ cho thẩm phán Tối cao Pháp viện.
Điều III từ lâu đã được xem là trao cho các thẩm phán nhiệm kỳ trọn đời. Hôm 29/07 trong bài xã luận trên The Washington Post, TT Biden cho biết rằng ông ủng hộ việc các thẩm phán “phục vụ” với nhiệm kỳ 18 năm.
Trong bài xã luận, TT Biden đã trích dẫn Ủy ban Tổng thống về Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, được ông thành lập vào năm 2021. Báo cáo của ủy ban này đề xướng tu chính án Hiến Pháp thiết lập các nhiệm kỳ 18 năm, đồng thời nói thêm rằng “tu chính án có thể định nghĩa những vị đã qua 18 năm này là ‘Thẩm phán Cao cấp’ (Senior Justice) – vẫn giữ chức vụ thẩm phán theo Điều III nhưng không còn tham gia vào hoạt động hàng ngày của Pháp viện nữa.”
Cuối cùng, Tổng thống đã đề xướng rằng Quốc hội “thông qua các quy tắc ràng buộc, có thể thực thi về hành vi và đạo đức, yêu cầu các Thẩm phán phải tiết lộ quà tặng, kiềm chế hoạt động chính trị công khai, và từ chối tham gia các vụ án mà họ hoặc vợ/chồng của họ có xung đột lợi ích về tài chính hoặc các xung đột lợi ích khác.”
Bà Harris ca ngợi các đề xướng này, mô tả đó là những cải tổ được lòng dân mà “sẽ giúp khôi phục niềm tin vào Pháp viện, củng cố nền dân chủ của chúng ta, và bảo đảm không ai được đứng trên luật pháp.”
2. Diễn biến tiếp theo là gì?
Tiến tới cuộc bầu cử, TT Biden và Phó TT Harris sẽ cần phải vận động Quốc hội và thúc giục cử tri ủng hộ những cải tổ được đề xướng.
Để được phê chuẩn, các tu chính án Hiến Pháp cần được tiểu bang và quốc gia chấp thuận.
Theo Điều V của Hiến Pháp, sau khi hai phần ba Hạ viện và Thượng viện chấp thuận một tu chính án thì Quốc hội có thể chuyển vấn đề này đến các tiểu bang. Sau đó, ba phần tư số Cơ quan lập pháp tiểu bang hoặc các hội nghị phê chuẩn của tiểu bang cũng phải chấp thuận.
Điều V cho phép một hội nghị toàn quốc thay thế Quốc hội trong bước đầu tiên hướng tới việc phê chuẩn.
Các thành viên Quốc hội có thể sẽ đưa ra ý kiến của mình về các đề xướng cải tổ và các phương pháp tiềm năng để phê chuẩn. Nhiều thành viên đã đưa ra các đề xướng của riêng họ – bao gồm cả giới hạn nhiệm kỳ 18 năm.
Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse (Dân Chủ–Rhode Island) và những người khác đề xướng rằng các thẩm phán sẽ thụ lý các vụ án như một phần của thẩm quyền phúc thẩm của Pháp viện, chiếm phần lớn những vụ án nổi tiếng, trong 18 năm đầu tiên của họ. Sau đó, các thẩm phán sẽ có thể thụ lý các vụ án như một phần của thẩm quyền ban đầu của Pháp viện, bao gồm “tất cả các vụ án liên quan đến đại sứ, các công sứ và lãnh sự khác, và những vụ án mà tiểu bang là bên tranh tụng.”
Tuy nhiên, có vẻ như các đề xướng sẽ không thể đi đến giai đoạn đó, xét đến môi trường chính trị hiện tại và bản chất gây tranh cãi của các vấn đề mà họ đưa ra.
Hôm 29/07, phản ứng với các cải tổ, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa–Louisiana) cho biết đề xướng này sẽ không được Hạ viện xem xét để bỏ phiếu. Ông Johnson cũng gọi đề xướng này là “chết yểu khi đến nơi.”
Ngay cả khi TT Biden thuyết phục được đa số tuyệt đối của Quốc hội thông qua các sửa đổi mà ông đề xướng, thì họ có thể sẽ phải xét đến thế đa số chính trị dễ thay đổi và tiến trình phê chuẩn có thể sẽ kéo dài.
Lần cuối cùng đất nước phê chuẩn một tu chính án Hiến Pháp là vào năm 1992 với Tu chính án thứ 27, trì hoãn việc tăng lương cho các nghị sĩ Quốc hội. Tu chính án đó ban đầu được đề xướng vào năm 1789, nghĩa là phải mất hơn 200 năm để được phê chuẩn.
Những tu chính án khác có xu hướng không được phê chuẩn trong ít nhất 100 ngày sau khi được đề xướng. Tuyên ngôn Dân quyền, gồm 10 tu chính án đầu tiên của Hiến Pháp, mất hơn hai năm mới được phê chuẩn.
Các tuyên bố của Tổng thống nêu lên rằng bộ quy tắc ứng xử mà ông đề xướng sẽ được thực hiện thông qua tiến trình lập pháp. Điều đó sẽ đòi hỏi đa số thông thường của Hạ viện và Thượng viện, với giả định là các Thượng nghị sĩ không cố gắng cản trở dự luật.
Ông Neama Rahmani, một cựu công tố viên liên bang, đã ca ngợi các đề xướng của TT Biden nhưng e rằng chúng sẽ không tiến xa được trong bối cảnh chính trị hiện tại.
“Về mặt lý thuyết, các đề xướng của ông Biden rất tuyệt vời, nhưng trên thực tế, những đề nghị này không có triển vọng,” ông Rahmani – người cũng là thành viên Ban cố vấn Khoa học Chính trị của Đại học California Los Angeles (UCLA) – nói với The Epoch Times qua tin nhắn viết. “Về mặt chính trị, các đề xướng đó là không thể thành công, đặc biệt là với một tổng thống sắp mãn nhiệm không được ưa chuộng trong năm bầu cử.”
Ông nói thêm rằng một “tu chính án Hiến Pháp thậm chí còn ít có thể xảy ra hơn trong bối cảnh chính trị phân cực hiện nay, mặc dù hầu hết mọi người đều đồng ý rằng tổng thống cần phải chịu trách nhiệm.”
3. Chiến dịch tranh cử năm 2024
Thông báo của TT Biden và sự ủng hộ của bà Harris cho thấy Đảng Dân Chủ có ý định tập trung vào Tối cao Pháp viện như một vấn đề vận động tranh cử hướng đến cuộc bầu cử vào tháng Mười Một.
Những đề xướng này được đưa ra sau khi Pháp viện – có các thẩm phán theo hướng bảo tồn truyền thống chiếm thế đa số, trong đó có ba thẩm phán do cựu TT Donald Trump tiến cử – đã đưa ra một số phán quyết trong các vụ án gây tranh cãi. Gần đây nhất, Pháp viện đã lật ngược học thuyết Chevron đã tồn tại hàng thập niên, vốn tôn trọng các diễn giải của các cơ quan về những điều luật mơ hồ. Phán quyết này được kỳ vọng sẽ thay đổi cuộc chơi đối với các quy định và luật hành chính.
Gần đây, Pháp viện cũng đã ban hành phán quyết mang tính bước ngoặt về quyền miễn trừ của tổng thống.
TT Biden và Đảng Dân Chủ cũng đã nhiều lần kêu gọi sự chú ý đến phán quyết năm 2022 của Tối cao Pháp viện đã lật ngược án lệ Roe kiện Wade, trong đó nêu rõ rằng Tu chính án thứ 14 bảo vệ hành động phá thai mà người ta cho là một quyền.
Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc có đoạn: “Tòa án này đã phá bỏ các biện pháp bảo vệ quyền công dân, tước đi quyền lựa chọn của phụ nữ, và hiện trao cho Tổng thống quyền miễn trừ rộng rãi không bị truy tố đối với những tội ác mà họ phạm phải khi còn đương nhiệm.”
Vụ Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson đã trao lại các quyết định về vấn đề phá thai cho các tiểu bang và từ đó đã đặt ra những câu hỏi về các vấn đề như thuốc phá thai gửi qua đường bưu điện. Bên cạnh cố gắng đưa vụ Roe vào luật liên bang, Đảng Dân Chủ tại Quốc hội cũng đã thúc đẩy các dự luật ngăn chặn chính phủ tương lai sử dụng Đạo luật Comstock để cấm gửi thuốc phá thai qua đường bưu điện.
“Khi tôi trở thành TT Hoa Kỳ, tôi sẽ ký đạo luật khôi phục và bảo vệ quyền tự do sinh sản ở mọi tiểu bang,” bà Harrist đã đăng trên X hôm 29/07.
4. Triển vọng trong Quốc hội
Phản ứng từ các nhà lập pháp cho thấy rằng các đề xướng của TT Biden sẽ không được Quốc hội đương nhiệm hoặc Quốc hội mà Đảng Cộng Hòa nắm quyền thông qua.
Bên cạnh việc gọi kế hoạch cải tổ là “chết yểu khi đến nơi”, Chủ tịch Hạ viện Johnson cho biết rằng các đề xướng này sẽ “làm xói mòn không chỉ pháp quyền mà còn cả niềm tin của người dân Mỹ vào hệ thống tư pháp của chúng ta.”
Trong khi đó, các thành viên Đảng Dân Chủ tại Quốc hội hoan nghênh các đề xướng và tiếp tục kêu gọi cải tổ. Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Dick Durbin (Dân Chủ–Illinois) viết trên X, “Tôi cảm ơn Tổng thống đã giúp cuộc khủng hoảng đạo đức của Tối cao Pháp viện được chú ý đến.”
Thành viên cao cấp về giám sát của Hạ viện Jamie Raskin (Dân Chủ–Maryland), người ủng hộ mạnh mẽ việc cải tổ, đã nói trên X: “Trong khi các thẩm phán Tối cao Pháp viện đi khắp thế giới với tất cả các chi phí do các nhà tài trợ giàu có ưu ái chi trả, thì danh sách các cải tổ được đề xướng cho Pháp viện mà TT Biden đưa ra, bao gồm cả bộ quy tắc đạo đức ràng buộc, đã đến đúng thời điểm.”
Tối cao Pháp viện đã ban hành bộ quy tắc đạo đức vào tháng 11/2023 nhưng bị chỉ trích vì không đề ra cơ chế thực thi.
TT Biden đã không chỉ định cơ chế thực thi nào, nhưng đề xướng của ông đã được đưa ra ngay sau khi Thẩm phán Elena Kagan gợi ý rằng Chánh án John Roberts có thể chỉ định hội đồng thẩm phán cho mục đích đó.
5. Những phức tạp trong tương lai
Một dự luật đạo đức hoàn chỉnh gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự xem xét pháp lý từ chính tòa án mà TT Biden đang tìm cách điều chỉnh.
Hai thẩm phán Roberts và Samuel Alito đã đưa ra tuyên bố phản đối. Thẩm phán Alito trước đây đã nói với The Wall Street Journal: “Không có điều khoản nào trong Hiến Pháp trao cho [Quốc hội] thẩm quyền ra quy định quản lý Tối cao Pháp viện – chỉ vậy thôi.”
Ông cũng bác bỏ mọi xung đột về đạo đức khi các thành viên Đảng Dân Chủ tại Thượng viện gây sức ép với ông về việc lá quốc kỳ Mỹ lộn ngược tung bay bên ngoài tư gia của ông vào năm 2021.
Thẩm phán Roberts cũng từ chối yêu cầu của các Thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ về cuộc gặp trực tiếp, với lý do lo ngại về sự phân chia quyền lực, sau khi họ kêu gọi Thẩm phán Alito tự rút lui khỏi các vụ án liên quan đến sự kiện ngày 06/01 và cuộc bầu cử năm 2020.
Cũng khó để dự đoán các dự thảo tu chính án Hiến Pháp sẽ có nội dung ra sao đối với giới hạn nhiệm kỳ và quyền miễn trừ của tổng thống. Phán quyết của Tối cao Pháp viện về quyền miễn trừ tương đối phức tạp và gồm nhiều khía cạnh trong khi để lại các chi tiết cụ thể hơn cho tòa án địa hạt xác định.
Ngay cả khi đa số tuyệt đối các tiểu bang và Quốc hội đồng ý hạn chế quyền miễn trừ, thì câu hỏi đặt ra vẫn là làm thế nào để họ có thể điều chỉnh tu chính án này sao cho phù hợp với Điều II của Hiến Pháp và các án lệ trước đó. Điều II trao cho tổng thống quyền hành pháp và đã được Tối cao Pháp viện trích dẫn khi cấp cho tổng thống cả quyền miễn trừ dân sự lẫn hình sự.